Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Trách nhiệm kiểm soát của chính quyền: Đã đến lúc đối diện?

22:57 23/04/2018 GMT+7

Có lẽ chưa bao giờ, câu hỏi về năng lực kiểm soát và điều hành của các cấp chính quyền, của các cơ quan quản lý được đặt ra một cách gay gắt như hiện nay, bởi hàng loạt vấn đề và vụ án được đưa ra ánh sáng.

Phát biểu mới đây của lãnh đạo tập Đoàn Quốc Cường Gia Lai, được báo chí dẫn lại, đang tạo dấu ấn dư luận mới, về đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trong định hướng quy hoạch và kiểm soát đầu tư của doanh nghiệp.

Thay vì chấp nhận chỉ đạo, định hướng từ cơ quan quản lý, các doanh nghiệp muốn thẳng thắn rằng, họ phải được nhìn ở quan hệ bình đẳng luật pháp, trong mỗi quyết định đưa ra, chính quyền, cơ quan chức năng phải nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của mình.

Dự án bến du thuyền bên sông Hàn, 1 trong những công trình đầu tư của công ty 79 đang treo lơ lửng vì không có cách xử lý

Đã đến lúc không thể chấp nhận hiện tượng lãnh đạo chính quyền thiếu sót khi rà soát kiểm tra các vấn đề định hướng, mà đưa ra các quyết định sai lệch, lại yêu cầu doanh nghiệp chấp nhận chịu thiệt để xóa cái sai đó đi.

Điều này, chắc chắn sẽ tạo ra những phiên tòa xử kiện hành chính sai!

Chính quyền luôn đúng?

Có thể xâu chuỗi các sự việc đang diễn ra, liên quan trách nhiệm kiểm soát của cơ quan chức năng, để thấy điều này. Đơn cử, Quốc Cường Gia Lai đang rắc rối ở TP.HCM, hay đang gian nan ở dự án bến xe phía Nam Đà Nẵng. Đã tốn quá nhiều bút mực về các dự án này, mà căn nguyên xuất phát từ thông tin quy hoạch, trách nhiệm kiểm soát của chính quyền và các cơ quan chức năng không rõ ràng và chính xác. Hệ quả là doanh nghiệp, người dân nghi ngờ năng lực của chính quyền, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, và phẩm chất của những cán bộ lãnh đạo.

Điều này lý giải tại sao mới đây, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi xúc tiến dự án đầu tư kinh tế ở vùng đảo Lý Sơn lại nhận được quá nhiều ý kiến nghi ngờ và bài xích. Người ta cho rằng, lãnh đạo tỉnh đã vội vàng khi triển khai ký hàng loạt quyết định cho phép nhà đầu tư kiểm soát và tiến hành nhiều hạng mục dự án liên quan đến quốc phòng xã hội, ảnh hưởng hàng ngàn hộ dân cũng như bối cảnh quản lý vùng biển quốc gia.

Có 3 lý do chính, là người ta nghi ngờ năng lực đầu tư của doanh nghiệp, nghi ngờ có lợi ích nhóm ở đây, và nghi ngờ năng lực kiểm soát Nhà nước đối với dự án. Câu hỏi đặt ra với lãnh đạo địa phương, là “anh sẽ chịu trách nhiệm gì nếu các quyết định là sai, lựa chọn nhà đầu tư không hợp lý, và tiến độ triển khai có vấn đề?”.

Đây không phải chuyện mới, nhưng đang được đặt ra rất trực tiếp. Bởi lâu nay, các thế hệ lãnh đạo ở nhiệm kỳ của mình sẽ đưa ra các quyết định, chỉ đạo có tác động lớn đến tình hình kinh tế, xã hội địa phương, nhất là với những dự án đầu tư có thể đến hàng trăm tỷ đồng. Song khi hết nhiệm kỳ, việc đối soát các quyết định đó cho thấy có sai sót, thì chính quyền luôn “thả nổi vấn đề”, hoặc buộc tổ chức liên quan chịu thiệt, bị xử lý từ các quyết định sai kia. Không hề có chuyện những người đã ra quyết định sai sẽ bị truy cứu trách nhiệm.

Dồn nén thực tại đó, là hệ lụy hôm nay, bất cứ dự án nào được hoạch định đưa ra đều bị dư luận nghi ngờ có vấn đề, và yêu cầu chính quyền, những người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Vấn đề truy tố hành chính quyết định sai của cơ quan quản lý, từ các doanh nghiệp vì vậy cần được đặt ra nghiêm túc.

Sân golf trong khu quân sự của sân bay tân Sơn Nhất vẫn tồn tại bất chấp dư luận

Trao đổi với Làng Mới, một luật sư kinh tế Đà Nẵng nhìn nhận, khả năng truy tố các quyết định hành chính sai, yêu cầu thụ lý các bản án hành chính là đúng. Nhưng khả năng thắng các vụ kiện ấy của các doanh nghiệp là bao nhiêu, thì không ai dám chắc. Bởi thế, đâu có bao nhiêu doanh nghiệp muốn đề cập vấn đề này, dù theo luật, họ có quyền làm vậy.

“Vùng cấm” nằm ở đâu?

Đồng thời trong các hợp đồng, người ta thường gán việc trở ngại do các quyết định hành chính, do chủ trương của chính quyền vào nhóm điều kiện bất khả kháng. “Câu hỏi là tại sao các quyết định liên quan đến trách nhiệm, phận sự của nhà quản lý lại là hoàn cảnh bất khả kháng? Phải chăng đây là “vùng cấm” mà các doanh nghiệp phải chấp nhận? Ai cũng thấy, đưa ra một quyết định là kết quả cả quá trình đối soát từ chính quyền, từ các cơ quan chức năng, có khi mất cả năm trời, quy tụ nhiều chữ ký của những người có trách nhiệm. Điều này rõ ràng được kiểm soát theo quy trình, khác hoàn cảnh thiên tai địch họa. Nên không thể gắn các quyết định từ chính quyền vào nhóm nguyên nhân bất khả kháng. Nếu các quyết định có sai, ảnh hưởng đến cộng đồng và doanh nghiệp, thì phải đưa ra đối chất pháp lý, truy cứu trách nhiệm những người có liên quan”. Luật sư này phân tích như vậy.

Thật sự với câu hỏi này, những ách tắc lâu nay đang diễn ra tại Đà Nẵng hay các địa phương khác là giải thích được. Những dự án bất động sản vùng trung tâm, ở bán đảo Sơn Trà, ở bờ biển phía Đông Đà Nẵng trải qua nhiều đời lãnh đạo vẫn không xử lý được, đã đến lúc phải “giải mã”. Câu chuyện các đơn vị như công ty 79 của Phan Văn Anh Vũ được ưu ái mua tài sản công, chỉ định thầu các dự án mua bán và sáp nhập để hưởng lợi hàng trăm tỷ đồng… cần được rà soát, chính xác trách nhiệm chữ ký của ai, tổ chức chính quyền thông qua lúc nào… Qua đó, tội danh của người liên quan mới xác định rõ, và câu chuyện trục lợi của doanh nghiệp sẽ được định vị nằm ở đâu, trên cơ sở nào.

Dư luận đang cần giải đáp những câu hỏi lớn, về trách nhiệm của chính quyền, của lãnh đạo các ban ngành và địa phương, qua các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội như vậy!

Duy Hạ