Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Triển vọng từ mô hình trồng dưa lưới hữu cơ

07:06 26/07/2021 GMT+7

Mô hình trồng thâm canh dưa lưới theo hướng ứng dụng công nghệ cao và hữu cơ tại tỉnh Đắk Nông nhằm giúp người sản xuất có những nhận thức đúng góp phần thay đổi tập quán canh tác và ứng dụng công nghệ cao (CNC) đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Vườn dưa lưới của anh Nguyễn Văn Tuấn tại huyện Đắk R’lấp.

Hỗ trợ để yên tâm đầu tư

Tại thành phố Gia Nghĩa, chị Nguyễn Thị Ngọc Sen và nhiều hộ gia đình ở phường Nghĩa Đức, đang ứng dụng kỹ thuật trồng dưa lưới ứng dụng CNC. Từ thành công mô hình chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, qua tìm hiểu thực tế và nhu cầu thị trường, cuối năm 2019 chị đầu tư hơn 350 triệu đồng để xây dựng nhà kính với diện tích 0,15ha. Qua 3 tháng chăm sóc, vườn dưa lưới của chị 3.500 gốc đã cho ra trái ngọt, năng suất đạt 3,5 – 4 tấn.

Chị Sen cho biết, dưa lưới là giống cây trồng mới kết hợp với phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ, chị lắp đặt hệ thống tưới tự động, nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã giúp gia đình chị giảm công lao động đáng kể và tạo ra sản phẩm chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Trồng dưa lưới theo hướng hữu cơ ứng dụng CNC mang lại hiệu quả không chỉ về kinh tế mà cả hiệu quả môi trường và xã hội. Tháng 10/2020, chị Sen tiến hành xây dựng thêm 0,05ha nhà màng để trồng dưa lưới. Việc ứng dụng CNC trong sản xuất dưa lưới tuy chi phí ban đầu cao nhưng bền vững hơn, có thể thâm canh quanh năm và giảm công lao động, không sử dụng thuốc hoá học, dễ dàng quản lý sâu bệnh hại.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, dưa lưới là giống cây ăn quả ngắn ngày, giàu dinh dưỡng, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Dưa lưới có thể trồng được quanh năm, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh, trồng được ở ngoài trời cũng như trong nhà màng.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, cây dưa lưới mới được đưa vào canh tác trong mấy năm trở lại đây với diện tích còn khiêm tốn. Từ năm 2018 đến nay, nhờ nguồn kinh phí chương trình Khuyến nông, Đề án Phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm Khuyến nông, BQL Khu nông nghiệp ứng dung công nghệ cao, tỉnh Đắk Nông đã triển khai mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao như: Tưới nước nhỏ giọt, bón phân, điều chỉnh nhiệt độ bán tự động, sử dụng các giống dưa lưới được lựa chọn làm mô hình có tên là Earth’s Red nhập từ Hàn Quốc, Nova 113 có thời gian sinh trưởng 75 – 85 ngày, dạng quả tròn, ruột màu đỏ cam, trọng lượng trung bình 1,2 – 1,4 kg/quả, độ Brix 1.4, vân lưới đều, đẹp nên phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Đây là cây trồng mới áp dụng CNC theo hướng hữu cơ trong sản xuất lần đầu tiên được đưa vào triển khai.

Các hộ tham gia mô hình chủ động tìm hiểu quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới và thâm canh theo hướng hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ hoai mục, phân vi sinh, chỉ sử dụng phân hoá học giai đoạn cây con; giai đoạn cây lớn sử dụng phân bón ủ từ đạm cá, trái cây, bánh dầu để cung cấp dinh dưỡng và đặc biệt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Quá trình chăm sóc sau trồng được ghi chép, quản lý chặt chẽ. Nhờ ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào mô hình mà chất lượng sản phẩm được đánh giá cao.

Sau 3 tháng trồng, dưa lưới sẽ cho thu hoạch.

Chủ động liên kết nâng cao giá trị

Anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn 8, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) là người đi tiên phong đầu tư mô hình trồng dưa lưới CNC ở địa phương. Sản phẩm dưa lưới trong nhà kính của gia đình anh trở thành sản phẩm nông nghiệp sạch, được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Anh Tuấn cho biết, từ năm 2018 gia đình trồng được 3 vụ dưa, mỗi sào thu hoạch được hơn 4 tấn, với giá bán sỉ bán cho các thương lái từ bình quân 36.000 đồng/kg thì mỗi sào cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Sau khi quen biết, tìm hiểu, học hỏi mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của anh Nguyễn Văn Tuấn, một số hộ dân ở địa phương cũng đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả để trồng dưa lưới. Ban đầu, anh Tuấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng dưa lưới, giúp đỡ các hộ nông dân xây dựng nhà kính đạt tiêu chuẩn… Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, anh xây dựng mô hình và cân bằng chi phí đầu tư ban đầu tùy theo điều kiện của từng hộ gia đình.

Nắm bắt thị trường và mong muốn của các hộ nông dân, anh Nguyễn Văn Tuấn đã liên kết, thành lập Tổ hợp tác trồng dưa lưới Đắk R’lấp. Hiện nay, tổ đã có 7 thành viên, diện tích sản xuất trên 1,5ha, tập trung chủ yếu tại xã Kiến Thành, Nghĩa Thắng, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp).

Nhà kính được thiết kế hiện đại, có lối đi dễ dàng, hệ thống tưới tự động, hệ thống đo nhiệt, độ ẩm… Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh dưa lưới theo hướng hữu cơ đã mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, giá bán của sản phẩm vẫn còn thấp chưa tương xứng với giá trị thực, nhưng với nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng anh Tuấn tin tưởng trong tương lai người tiêu dùng sẽ lựa chọn các sản phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Anh Lữ Chí Nhớ, thương lái thu mua dưa lưới ở TP.Hồ Chí Minh là một trong những đầu mối thu mua sản phẩm từ các mô hình trồng dưa lưới ở miền Trung và Tây Nguyên. Anh Nhớ cho biết, thường xuyên và rất yên tâm ký hợp đồng với các thành viên của THT trồng dưa lưới Đắk R’lấp ngay trong tháng đầu tiên của vụ dưa. Dưa được chốt giá từ 32.000 – 38.000 đồng/kg tùy thuộc loại và thời vụ trồng dưa lưới. Dưa lưới của THT được phân phối tại các cửa hàng và chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh…

Từ những thành công trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh dưa lưới theo hướng hữu cơ của nông dân trên địa bàn tỉnh, hiện nay đã tạo nên làn sóng ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Góp phần thay đổi từng bước phương thức sản xuất truyền thống sang canh tác bền vững, tạo ra chất lượng nông sản an toàn.

Theo số liệu thống kê năm 2020, tổng diện tích trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh Đắc Nông đạt 4ha, trong đó: Huyện Đăk Rlấp (3ha); huyện Tuy Đức (0,15ha); huyện Đăk Mil (0,5ha); thành phố Gia Nghĩa (0,35ha) và dự kiến tổng diện tích trên sẽ tăng thêm trong thời gian tới.

Trần Hiền