Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Trồng rau gia vị cho thu nhập cao

16:22 13/04/2020 GMT+7
Nhắc tới bản Tả Phìn của huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), nhiều người vẫn thường biết tới với nghề dệt thổ cẩm và phát triển du lịch cộng đồng. Nghề dệt thổ cẩm và định hướng phát triển du lịch cộng đồng đã là nguồn thu nhập chính khiến cho đời sống của đại

Nhắc tới bản Tả Phìn của huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), nhiều người vẫn thường biết tới với nghề dệt thổ cẩm và phát triển du lịch cộng đồng. Nghề dệt thổ cẩm và định hướng phát triển du lịch cộng đồng đã là nguồn thu nhập chính khiến cho đời sống của đại đa số bà con các dân tộc nơi đây ngày càng khấm khá. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, một số hộ gia đình dân tộc Mông ở Tả Phìn đã thực sự đổi đời nhờ canh tác các loại cây rau màu, rau gia vị.

Chị Giàng Thị Hua bên ruộng rau của gia đình.

Tận dụng lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Sa Pa là khu du lịch nổi tiếng đã và đang thu hút một lượng khách du lịch trong và ngoài nước rất đông đúc, vì vậy một lượng rau củ quả và các thứ rau gia vị phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của khách lưu trú khi thăm thú nơi này là không hề nhỏ. Các nhà hàng, khách sạn và một nguồn tiêu dùng nhỏ của bà con về rau củ quả, rau gia vị vẫn được vận chuyển từ các tỉnh dưới xuôi lên với chi phí khá cao, giá thành luôn được đẩy lên cao. Nắm bắt được việc này, một số hộ gia đình người dân tộc ở quanh thị trấn đã mạnh dạn đầu tư vào trồng rau màu, rau gia vị để cung ứng cho nhu cầu tại địa phương.

Ở bản Tả Phìn, từ gần chục năm trở lại đây có khoảng vài chục hộ người dân tộc Mông đã phát triển kinh tế gia đình bằng việc chuyên canh trồng cây rau gia vị. Thổ nhưỡng và khí hậu mát mẻ của Sa Pa rất thuận lợi cho cây rau nói chung và rau gia vị nói riêng, chính vì vậy mà khi bắt tay vào trồng rau gia vị, các hộ dân ở đây đã thu được thành công, từ đó giá trị kinh tế từ rau gia vị mang lại tương đối cao so với trồng các loại cây rau màu khác.

Hộ anh Hầu A Lóng được xem là gia đình đầu tiên ở Tả Phìn gieo trồng rau gia vị, là mùi ta (ngò rí) và mùi tàu (ngò gai) trên vạt đất rộng chừng hơn 1 sào dưới thung lũng núi. Anh Lóng cho biết, khi xưa trồng lúa, trỉa ngô thì khoảng đất ấy chỉ thu về được hơn một triệu đồng/năm, vậy mà từ khi trồng cây rau gia vị đã cho thu nhập cao hơn gấp gần chục lần.

Anh Lóng chia sẻ: “Tôi biết rau gia vị không thể thiếu được trong việc chế biến các món ăn ngon, vì thế tôi đã bảo vợ trồng thử vài loại rau để bán cho các nhà hàng, khách sạn ở thị trấn. Vụ đầu tiên mua hạt về gieo trồng thử, khi thu hoạch mang bán được nhiều tiền quá. Hái hết nương rau bán một lứa đã có mấy triệu, vì thế không chỉ vợ chồng tôi ham mà bà con dân bản nhiều người cũng trồng theo, dần trở thành nơi cung cấp rau gia vị chính cho địa bàn du lịch này”.

Anh Lóng cho biết thêm: “Gieo trồng rau gia vị không quá vất vả, ban đầu chỉ phải đầu tư chút ít tiền để mua cọc gỗ, mua lưới giảm nhiệt và nilon căng lên làm lều lán để che chắn cho rau khỏi bị mưa phá nát, bị úa chết do sương muối. Những năm gần đây vợ chồng tôi đầu tư thêm chút tiền mua hệ thống phun tưới tự động cho đỡ vất vả. Thời gian sinh trưởng của rau gia vị khá ngắn, khi chỉ hơn 20 ngày là thu được một lứa rau mùi ta, còn mùi tàu thì trồng một lần cho thu hái liên tục trong một khoảng thời gian dài”.

Rau gia vị – cây xóa nghèo cho vùng đất khó

Theo như anh Hầu A Lóng tính toán, với khoảng diện tích đất 1 sào mà gieo rau mùi ta thì một năm có thể cho thu nhập lên tới hơn chục triệu đồng, bởi mỗi lứa rau mùi, ít nhất cũng cho thu từ 1,2-1,5 triệu đồng/sào. Mùa cuối năm rau mùi ta thường rẻ, khi chỉ 1.000 – 2.000 đồng/bó nhỏ, do nhiều vùng chuyên canh rau vụ đông các tỉnh dưới xuôi trồng nhiều, thu hoạch rồi vận chuyển lên Sa Pa bán, vì vậy rau gia vị nói riêng và rau màu nói chung giá hạ xuống thấp. Nhưng vào những tháng mùa hè, việc gieo trồng khó khăn, mùi ta cực đắt, có khi lên tới cả 5-7 đồng, thậm chí 10.000 đồng/bó nhỏ mà vẫn không có để cung ứng.

Vợ chồng anh Hầu A Lóng đang thu hoạch rau.

Nắm bắt được thời tiết, khí hậu ở Sa Pa thường mát mẻ, kể cả vào mùa hè nên cây rau mùi phát triển rất tốt, vì vậy mà việc gieo trồng loại rau gia vị này là khá thuận lợi nên anh Hầu A Lóng quyết định mở rộng diện tích canh tác loại rau gia vị. Anh cho biết, vợ chồng anh mới thuê thêm vài sào đất của một hộ dân trong bản để mở rộng quy mô trồng rau gia vị, trong đó anh chú trọng tới các loại khác như: Rau húng, xà lách, kinh giới, tía tô, rau răm, ngổ, hành lá… bởi những thứ rau gia vị này cũng rất cần thiết trong bữa ăn sinh hoạt hàng ngày. Các nhà hàng tại Sa Pa luôn có nhu cầu về những loại rau gia vị này để phục vụ thực khách hàng ngày nên cũng không lo khâu đầu ra khi thu hoạch.

Ở Tả Phìn còn có các gia đình khác như hộ chị Giàng Thị Hua, hộ anh Tráng A Cun, hay hộ bà Luồng Thị Nẫm… cũng nhờ học hỏi vợ chồng Hầu A Lóng trồng rau gia vị mà khấm khá hơn. Chị Giàng Thị Hua kể: “Nhà mình trồng khoảng 2 sào cây rau mùi ta, mùi tàu và một ít tía tô, rau răm, mỗi năm thu bán được gần 60 triệu đồng. Nếu 2 sào đất đó khi xưa trồng ngô, trồng lúa không được nhiều thế đâu, chỉ mấy triệu là tốt lắm rồi”.

Khi được hỏi về đầu ra của rau gia vị có gặp nhiều khó khăn không? tiêu thụ ra sao?… thì Chị Hua bảo: “Ồ, không đâu, thuận lợi lắm! Mình cứ cắt rau bó lại rồi người ta đến tận nương để mua buôn mang đi tiêu thụ. Bao nhiêu họ cũng mua hết nên mình cũng không phải vất vả gì nhiều. Rất hiếm khi mình cũng như các hộ ở đây phải mang rau đi bán ở ngoài chợ bởi vì người ta đã đến đăng ký mua thường xuyên. Nói chung là cây rau gia vị có thu nhập cao hơn so với trồng lúa, trồng ngô nhiều lần mà…”.

“Qua mấy năm chuyên tâm với cây rau gia vị, gia đình mình đã từ đói nghèo vươn lên đủ ăn và cả lo được cho 2 đứa con ăn học đại học dưới Hà Nội. Năm tới đây gia đình mình sẽ dùng vài trăm triệu tiết kiệm được từ việc trồng rau gia vị để sửa sang lại căn nhà gỗ cho chắc chắn, và tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau thêm nữa”
Chị Giàng Thị Hua , bản Tả Phìn, Sa Pa.

Bài, ảnh: Trịnh Viết Hiệp