Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam: Vượt khó vươn lên hoàn thành tốt công tác dạy nghề

Minh Anh - 07:02 20/11/2021 GMT+7
Không giống như dạy văn hóa, dạy nghề, đặc biệt dạy nghề nông nghiệp, dạy nghề cho nông dân rất cần dạy kỹ năng thực hành. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có cả Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam dạy nghề cho nông dân cũng gặp nhiều khó khăn.
Đào tạo nghề Trung cấp thú y.

Dạy online vẫn không quên hướng dẫn kỹ năng thực hành

Mặc dù dịch Covid-19 căng thẳng, nhiều trường dạy nghề phải ngừng hoạt động đào tạo nhưng Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam) vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo.

 Cô Nguyễn Thu Trang - Giáo viên dạy môn Thú y, hiện là giáo viên dạy lớp trung cấp Thú y K6A cho biết lớp có 30 học viên, 80-85% học viên là người Hà Tĩnh, đã và đang đi làm. Số còn lại mới tốt nghiệp trung học phổ thông.

“Dịch bệnh khiến hoạt động dạy, học bị ngưng trệ, gặp khó khăn, nhưng nhà trường vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Để đảm bảo tiến độ học tập, chương trình cũng như tiến độ tốt nghiệp, tìm kiếm việc làm cho các học viên nhà trường phải tiến hành dạy học online”, cô Trang nói.

 Trong quá trình dạy học online, ngoài thuận lợi, cô trò cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là các học viên không được thực hành, hướng dẫn trực tiếp kiểu “cầm tay chỉ việc”. Chính bởi vậy các thầy cô phải quay video, chụp ảnh gửi các học viên, hướng dẫn học viên thực hành qua mạng. Sau đó, các học viên thực hành và quay clip gửi lại các thầy cô xem và tiếp tục trao đổi, hướng dẫn thêm.

 “Chúng tôi khuyến khích các học viên thực hành trên chính vật nuôi trong gia đình, có thể mua thêm về nuôi. Trong quá trình thực hành có thể giải phẫu con vật kiểm tra và điều trị bệnh. Sau đó học viên có thể quay video để thầy cô kiểm tra và hướng dẫn thêm”, cô Trang cho hay.

 Bên cạnh những khó khăn, học online về cơ bản cũng mang lại những thuận lợi. Cô Trang cho biết, lớp Trung cấp Thú y K6A là lớp năm 2 các học viên gần tốt nghiệp vì thế việc dạy học cũng khá thuận lợi. Học viên nắm được hết kiến thức, có những kỹ năng thực hành cần thiết. Mặt khác, học viên không phải di chuyển nhiều. Các học viên có thể vừa học vừa làm, gia tăng thu nhập cho bản thân, gia đình.

Để việc dạy, học hiệu quả, nhà trường phải xây dựng giáo trình, giáo án phù hợp với từng đối tượng người học. Với học viên học đã có nghề, giáo trình chia sẻ có thể đơn giản hơn. Tuy nhiên với học viên mới năm thứ nhất là người dân tộc thiểu số, chưa từng có kinh nghiệm chăn nuôi, chăm sóc thú y thì cần dạy đầy đủ, chi tiết, cụ thể hơn. Đồng thời cũng cần lựa chọn ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi hơn giúp người học tiếp thu nhanh, hiệu quả hơn.

Học viên Đinh Thị Thu Nga ở Hà Tĩnh, lớp Trung cấp Thú y 6A cho biết: “Dù học online nhưng chị cùng các bạn vẫn được các thầy cô hướng dẫn thực hành nhiệt tình. Các buổi thực hành tại nhà đều được các thầy cô phân tích, mổ xẻ rất cẩn thận”.

Nga rất vui mừng vì cô sắp kết thúc chương trình học, nhận bằng. Cô dự định sau khi tốt nghiệp, có bằng cô sẽ tự mở cửa hàng bán thuốc thú y tại nơi cô sinh sống.

Tăng cường công tác đào tạo, hoàn thành chỉ tiêu năm 2021

Ông Lưu Đăng Khoa - Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung Cấp Nông dân Việt Nam cho biết mặc dù gặp khó khăn nhưng nhà trường vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Các lớp dạy nghề trung cấp vẫn được duy trì. Riêng lớp sơ cấp, dạy nghề ngắn hạn 3 tháng cho nông dân đang phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh.

 “Hiện nay chúng tôi vẫn thực hiện đào tạo online với các ngành đào tạo hệ sơ cấp, trung cấp thường xuyên. Riêng với các lớp dạy nghề nông dân ở vùng sâu, vùng xa thì phải tạm dừng học tập, đợi khi hết dịch mới triển khai lại tiếp”, ông Khoa nói.

Quan điểm của nhà trường là vẫn thực hiện đào tạo với vùng không có dịch. Riêng với các vùng có dịch thì căn cứ tình hình thực tế để dạy học. Tuy nhiên, thực tế, hiện nay một số tỉnh, thành như: Tuyên Quang, Hà Tĩnh... đang yêu cầu giáo viên phải cách ly 7 ngày nếu tới dạy học.

“Khó khăn nhất lúc này chính là đào tạo nghề ngắn hạn cho bà con nông dân, vì bà con có tuổi việc học thực hành gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, bà con nông dân thiếu trang thiết bị như máy tính, smartphone... nên không có phương tiện học tập”, ông Khoa chia sẻ thêm.

 TS. Nguyễn Văn Đại - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tỷ lệ tuyển sinh của nhà trường giảm nhiều. Năm nay, nhà trường phấn đấu đạt 80% kế hoạch tuyển sinh so với năm học 2020 - 2021.  

Năm học 2020-2021, nhà trường tuyển sinh được 13 lớp sơ cấp với 455 học sinh, học viên. Nhà trường tuyển sinh được 2 lớp trung cấp với 80 học viên.

Về kết quả đào tạo, theo thống kê bước đầu có 188 học viên tốt nghiệp ra trường, tỷ lệ tốt nghiệp loại đạt: 30% tốt nghiệp xuất sắc, giỏi; khá đạt 69,82%; trung bình khá đạt 0,18%.

 Trước mắt, nhà trường đào tạo lý thuyết bằng dạy online, đào tạo thực hành sau khi được dạy lại. Hiện nay nhà trường cũng chuẩn bị kế hoạch đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ và tiếp tục đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ.

 “Đối tượng học viên của trường đa phần ở các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, Đề án 1956 đã hoàn thành và hết hạn cuối năm 2020 làm cho công tác tuyển sinh của năm 2021 gặp khó khăn hơn. Không tổ chức dạy trực tiếp được, dạy trực tuyến cũng không tổ chức được nhiều, chỉ tổ chức được 2 lớp, do bà con gặp khó khăn trong sử dụng công nghệ thông tin. Việc đi lại của giáo viên và học viên gặp nhiều khó khăn hơn”, ông Đại chia sẻ khó khăn.

Ông Đại cho biết thêm, hiện nhà trường đã đào tạo được 3 lớp sơ cấp; 2 lớp trung cấp. Từ giờ tới cuối năm dự kiến nhà trường sẽ mở đào tạo thêm 5 lớp dạy nghề cả trung cấp, sơ cấp cho nông dân nhằm hoàn thành mục tiêu đào tạo.  

Trong những năm qua, Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam đã đào tạo được 604 lớp với tổng số 20.879 học viên, trong đó: Đào tạo trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên được 579 lớp với tổng số 19.741 học viên; đào tạo hệ trung cấp được 25 lớp với 1.138 học viên; tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp cho 792 học viên. 

”Dù khó khăn do dịch bệnh nhưng trường vẫn quyết tâm đảm bảo chất lượng dạy, học nghề theo hướng bền vững. Ưu tiên dạy nghề cho bà con nông dân ở vùng đồng bào dân tộc, khó khăn”.
TS. Nguyễn Văn Đại – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam