Tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh liệt sĩ và chính sách của Việt Nam đối với người có công hiện nay
Từ năm 1930 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân Việt Nam đã đứng lên đánh đổ chế độ thực dân - phong kiến, giành lại nền độc lập dân tộc; thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước; đánh bại kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc và phía Tây Nam; hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; đồng thời tổ chức xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, nhân dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Để đạt được thành tựu to lớn đó, nhân dân Việt Nam cũng có nhiều thương vong, mất mát. Chỉ tính trong 21 năm (1954-1975) kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam đã có 1,1 triệu liệt sĩ, 600.000 thương bệnh binh, 300.000 người mất tích, gần 2 triệu dân thường bị giết hại, hàng triệu người bị nhiễm chất độc hóa học của Mỹ(1). Những thương binh, liệt sĩ là những người có công với đất nước, đã hy sinh một phần thân thể, thậm chí cả tính mạng để giành và giữ vững nền độc lập của dân tộc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ
Việc ghi nhận những công lao to lớn của những thương binh, liệt sĩ đối với đất nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm từ rất sớm. Ngay sau 3 tuần toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ngày 8/1/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư khen ngợi các chiến sĩ bị thương và sự tận tâm của các y sĩ, khán hộ, cứu thương. Trong thư Người cho biết đã nhận được nhiều thư của các chiến sĩ bị thương nhưng vẫn hăng hái quyết tâm chiến đấu chống quân xâm lược “hễ vết thương khỏi, thì lại xin ra mặt trận”. Người khen ngợi và đánh giá cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng bảo vệ nền độc lập của những chiến sĩ thương binh đó: “Lòng yêu nước, chí kiên quyết của các chiến sĩ thật là đáng quý! Các chiến sĩ đã hy sinh máu mủ để giữ gìn đất nước. Nay đã bị thương mà còn mong mỏi ra sát địch ở trận tiền”. Người nhấn mạnh: “Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc, và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ hỏi thăm và chúc các thương binh mau lành mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cảm ơn các thầy thuốc và khán hộ, cứu thương đã “hết lòng săn sóc thương binh một cách rất chu đáo” và khẳng định các thầy thuốc và khán hộ, cứu thương “cũng trực tiếp tham gia kháng chiến cứu quốc”(2).
Đến tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cơ quan Chính phủ chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh để nhân dân cả nước có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh. Thực hiện yêu cầu của Người, đầu tháng 7/1947, Ban Vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc được thành lập và tổ chức hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở trung ương, khối và tỉnh đã họp ở Phú Minh (Đại Từ, Thái Nguyên). Hội nghị thảo luận và nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày Thương binh, Liệt sĩ.
Ngày 17/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Ban Thường trực của Ban tổ chức Ngày thương binh toàn quốc. Người cho rằng “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”(3). Người chỉ rõ “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”(4).
Để tỏ lòng biết ơn và giúp đỡ các thương binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị nhân dân cả nước “vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương” và nêu rõ “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”. Người xung phong ủng hộ một chiếc áo lót lụa, một tháng lương, một bữa ăn của cá nhân và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, tổng cộng là 1.127 đồng.
Về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ, ngày 16/2/1947, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 20/SL quy định về Hưu bổng thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ ở Việt Nam. Sắc lệnh nêu rõ những quân nhân thuộc các ngành quân đội quốc gia Việt Nam nếu trong lúc tại ngũ, vì giao chiến với quân địch, vì thừa hành công vụ, vì tận tâm với một việc ích chung, hoặc vì cứu một hay nhiều người mà bị thương tật, thì được hưởng Hưu bổng thương tật(5). Đến ngày 19/7/1947, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định thành lập Bộ Thương binh Cựu binh. Tiếp đó, Sở và Ty thương binh, cựu binh ở khu, tỉnh cũng được thành lập theo Sắc lệnh số 101/SL ngày 3/10/1947.
Như vậy có thể thấy rằng, với sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong năm 1947, Đảng và Chính phủ đã ban hành được chính sách đối với thương binh và thân nhân liệt sĩ. Cùng với đó là bộ máy tổ chức đảm nhiệm công tác này được thành lập từ Trung ương xuống đến địa phương. Ngày 27 tháng 7 hàng năm trở thành Ngày Thương binh (sau đổi thành Ngày Thương binh, Liệt sĩ). Đây là ngày để nhân dân cả nước tri ân những đóng góp to lớn của thương binh, liệt sĩ đối với Tổ quốc.
Kể từ khi Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 lần đầu tiên được tổ chức (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên viết thư thăm hỏi động viên thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ như: Thư gửi anh em thương binh Liên Khu III; Thư gửi anh em thương binh Mặt trận Lê Hồng Phong; Thư gửi các thương binh tại Mặt trận Trung du và Đông Bắc; Thư gửi Ban tổ chức Trung ương Ngày thương binh tử sĩ; thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh; Cựu binh Vũ Đình Tụng… Người nhấn mạnh đóng góp to lớn của những thương binh, liệt sĩ và khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ công lao của họ. Người viết: “Tôi lại thay mặt Chính phủ, kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh cho Tổ quốc và gửi lời thân ái an ủi các thương binh, cựu binh, cùng gia đình các chiến sĩ”(6). Trong Lời kêu gọi ngày 27/7/1948, Người nêu rõ: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ”(7). Người nhấn mạnh: “Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ đang tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ”(8) và mong muốn “đồng bào sẵn lòng giúp đỡ họ về vật chất và về tinh thần”(9).
Đối với những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào đền ơn, đáp nghĩa đối với những thương binh, liệt sĩ, Người kịp thời viết thư động viên như: nhân dân Khu III đã “hăng hái giúp đỡ thương binh và đồng bào tản cư, ủng hộ bộ đội”, thầy cô giáo ở các trường học Khu X “trồng rau để bán lấy tiền giúp Quỹ thương binh và mùa Đông kháng chiến”, Linh mục Lê Văn Yên (Bắc Ninh) “luôn luôn tận tâm săn sóc các anh em thương binh”,…
Trước khi ra đi về thế giới vĩnh hằng, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cả nước cần phải thực hiện tốt công tác Thương binh, liệt sĩ, tri ân những công lao to lớn của thương binh, liệt sĩ đối với đất nước. Người yêu cầu: “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”(10).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ đã được Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội và toàn dân ta thực hiện tốt từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến nay. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ghi nhận và những đóng góp của thương binh, liệt sĩ đối với Tổ quốc. Các liệt sĩ được Nhà nước cấp Bằng Tổ quốc ghi công, nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia và ở các địa phương được xây dựng trang nghiêm. Thân nhân của liệt sĩ chưa đến tuổi lao động hoặc hết tuổi lao động được trợ cấp xã hội và một số ưu đãi khác. Thương binh được trợ cấp hằng tháng và một số ưu đãi khác; thương binh nặng được Nhà nước nuôi dưỡng. Bên cạnh đó, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân địa phương thường xuyên động viên thăm hỏi thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ… Những chính sách và hành động đền ơn, đáp nghĩa này thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, góp phần làm vơi đi những đau thương, mất mát đối với các thương binh và thân nhân liệt sĩ.
Chính sách của Nhà nước đối với người có công hiện nay
Trong công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, Đảng và Nhà nước xác định nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn liền với thực hiện chính sách xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nội dung chăm lo cho các thương binh, thân nhân liệt sĩ được chuyển dần vào chính sách đối với người có công với cách mạng. Đại hội VI (1986) của Đảng xác định “Ưu tiên sắp xếp việc làm, tuyển lao động, tuyển sinh và chăm lo việc học của thương binh, con liệt sĩ, quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự”; “Tổ chức nuôi dưỡng và chăm sóc chu đáo thương binh, bệnh binh nặng, thân nhân liệt sĩ và những người có công với cách mạng già yếu, không nơi nương tựa. Chăm sóc trẻ mồ côi, người tàn tật, người già cô đơn”(11). Đến Đại hội VII (1991) của Đảng xác định: “Quan tâm chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của toàn dân, sớm ban hành chế độ toàn dân đóng góp vào quỹ đền ơn, trả nghĩa để chăm lo đời sống thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng”(12). Đại hội thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, trong đó xác định: “Có chính sách thích đáng đối với các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cán bộ lão thành, những người về hưu”(13).
Đến ngày 29/8/1994, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Pháp lệnh nêu rõ: “Tổ quốc và nhân dân đời đời nhớ ơn những người đã hy sinh cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Việc quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công với nước và gia đình họ là trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội”(14). Pháp lệnh quy định có 7 đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh này, trong đó có liệt sĩ và gia đình liệt sĩ; thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Ngày 14/12/2006, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Chỉ thị nêu rõ những kết quả đạt được và những hạn chế sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và yêu cầu: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”; ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để giúp các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, cải thiện cuộc sống; thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng(15).
Thực hiện những chủ trương, chính sách trên của Đảng và Nhà nước trong 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, công tác đối với người có công với cách mạng nói chung, đối với thương binh, liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ nói riêng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng(16). Hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ nói riêng, người có công với cách mạng nói chung ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Nhà nước dành nguồn kinh phí ngày càng nhiều hơn để thực hiện chính sách trợ cấp, chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc phục hồi sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách…; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; xây dựng, tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, thông báo tin mộ liệt sĩ giúp thân nhân liệt sĩ tìm mộ và thăm viếng mộ, nghĩa trang liệt sĩ, đã góp phần thực hiện tốt công tác tri ân, từng bước nâng cao đời sống người có công và thân nhân người có công với cách mạng.
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân trong cả nước tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Chỉ tính riêng năm 2020, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tiếp nhận được sự ủng hộ hơn 472 tỷ đồng, xây mới hơn 6.100 căn nhà, sửa chữa gần 3.000 căn nhà với tổng số tiền gần 272 tỷ đồng; cả nước có 4.183 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị, tổ chức nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Việc tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc(17).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. Đảng, Nhà nước cũng đã sớm đề ra chủ trương, chính sách tri ân đối với thương binh, liệt sĩ - những người đã hy sinh vì dân vì nước. Những kết quả đạt được trong công tác này góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
(1) Xem: Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập II (1954-1975), Nxb CTQG, H, 1995, tr. 736
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 16
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 204
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 204
(5) Xem: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bao-hiem/Sac-lenh-20-SL-dat-huu-bong-thuong-tat-tien-tuat-han-nhan-tu-si-36174.aspx
(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 652
(7) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 579
(8) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 580
(9) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 580
(10) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 516
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb ST, H, 1987, tr.95
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb ST, H, 1991, tr.74
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiệnToàn tập, Tập 51, Nxb CTQG, H, 2007, tr. 140
(14) Công thông tin điện tử Bộ Công thương: https://moit.gov.vn/van-ban-phap-luat/van-ban-phap-quy/phap-lenh-uu-dai-nguoi-hoat-dong-cach-mang-liet-sy-va-gia-di.html
(15) Theo: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Chi-thi-07-CT-TW-tang-cuong-lanh-dao-chi-dao-cong-tac-thuong-binh-liet-sy-nguoi-co-cong-phong-trao-den-on-dap-nghia-56426.aspx
(16) Đến năm 2021, cả nước có hơn 9,2 triệu người có công, trong đó số người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng gần 1,4 triệu người; hơn 500 nghìn thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng.
(17) Đào Ngọc Lợi: Hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng, tại:http://dukcqtw.dcs.vn/hoat-dong-den-on-dap-nghia-doi-voi-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-duk15320.aspx
-
Cà Mau: Chủ động xây dựng, hình thành các liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp -
Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị -
Đồng Tháp: Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững -
Huyện Châu Đức: Xây dựng được 12 mã số vùng trồng xuất khẩu cho cây chuối, sầu riêng, thanh long
- Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chống lãng phí
- Bà Rịa – Vũng Tàu: Ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2025
- Bà Rịa – Vũng Tàu: Khuyến khích nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể
- Ninh Thuận: Kinh tế nông nghiệp và nông thôn duy trì đà tăng trưởng
- Lâm Đồng: Ngành Nông nghiệp vượt 04 chỉ tiêu kế hoạch đề ra
- TP. Hồ Chí Minh: Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
- Huyện Chợ Mới: Nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao
-
Đỏ lửa nấu cơm đưa đến kịp thời cho người dân vùng lũ Quảng TrịDo ảnh hưởng của bão số 6 nhiều xã ở huyện Vĩnh Linh, tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở Quảng Trị bị nước lũ “bủa vây”, gây chia cắt giao thông. Với tinh thần tương thân tương ái, nhiều nhóm tình nguyện ở Quảng Trị đã nấu cơm đưa đến cho những người dân vùng lũ.
-
Tuyên Quang: Chi, tổ hội nghề nghiệp phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãiKhông chỉ là xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân, nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng như vốn từ các ngân hàng đang được phát huy hiệu quả tối đa, khi trên địa bàn huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) dần hình thành những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình nuôi trồng thủy sản hiện đại mà chủ nhân là thành viên chi, tổ hội nghề nghiệp.
-
Thị trường nông sản ngày 30/10: Giá nhiều mặt hàng “quay đầu” tăng(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong ngày 30/10, giao dịch hồ tiêu, cà phê ghi nhận mức tăng giá trở lại sau nhiều ngày giảm sâu.
-
Đổi mới nông nghiệp: Hướng tới tương lai bền vững cùng phân bón hữu cơTrong bức tranh nông nghiệp Việt Nam hiện nay, hình ảnh những cánh đồng xanh mướt, trĩu quả không chỉ là biểu tượng của sự phồn thịnh mà còn phản ánh sự chăm sóc đất đai bằng tình yêu và trách nhiệm. Tuy nhiên, thói quen sử dụng phân bón hóa học đã khiến nhiều nông dân lầm tưởng rằng đây là con đường duy nhất để đạt được năng suất cao. Hệ lụy từ việc lạm dụng phân bón vô cơ không chỉ ảnh hưởng đến năng suất mà còn đe dọa đến sức khỏe đất, nước và cả những thế hệ tương lai.
-
Masan Group hoàn thành 130% kế hoạch lợi nhuận năm 2024, Masan MEATLife đạt lợi nhuận sau thuế cả quý dươngTrong quý III/2024, doanh thu mảng thịt của Masan MEATLife bao gồm thịt heo, thịt gà và thịt chế biến tăng 13.6% so với cùng kỳ. Đồng thời, ghi nhận mức tăng 105 tỉ đồng cho lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cổ đông thiểu số. Đây là quý đầu tiên doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận sau thuế dương kể từ năm 2023.
-
“Cảnh báo đỏ” về lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất cà phê(Tapchinongthonmoi.vn) – Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất cà phê đang ở mức báo động, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, môi trường và sự phát triển bền vững của ngành Cà phê Việt Nam.
-
Đề nghị kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk và Quảng NinhỦy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 và ông Nguyễn Xuân Ký.
-
Festival Hoa Đà Lạt sẽ diễn ra trong 1 tháng, hướng tới quy mô quốc gia và quốc tếChiều 29/10, Ban Tổ chức Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024 công bố chương trình lễ hội này.
-
Khuyến nông cộng đồng giúp gia tăng giá trị cho ngành hàng cà phêHiện ở Đắk Nông đã thành lập được 54 tổ khuyến nông cộng đồng, thực hiện tư vấn, hỗ trợ người dân, HTX áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cà phê, an toàn thực phẩm...
-
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương về các nhiệm vụ trọng tâmTrong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, cần thống nhất nhận thức công tác tuyên giáo là công tác của Đảng, của các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi chi bộ, đảng viên.