Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vẫn thiếu chính sách thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học

09:32 09/05/2020 GMT+7
“Chúng ta vẫn chưa có riêng một chính sách hỗ trợ khuyến khích chăn nuôi theo phương thức an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Các chính sách hỗ trợ lâu nay chỉ mới dừng lại ở một số dự án khuyến nông nhỏ lẻ và dự án quốc tế”. Đây là một trong

“Chúng ta vẫn chưa có riêng một chính sách hỗ trợ khuyến khích chăn nuôi theo phương thức an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Các chính sách hỗ trợ lâu nay chỉ mới dừng lại ở một số dự án khuyến nông nhỏ lẻ và dự án quốc tế”.

Đây là một trong những nội dung được TS.Ngô Thị Kim Cúc – Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) chia sẻ trong cuộc trao đổi với Tạp chí Nông Thôn Mới.

TS.Ngô Thị Kim Cúc – Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT).

Mặc dù toàn ngành Chăn nuôi đã rất nhiều nỗ lực trong phòng chống dịch bệnh vật nuôi, thế nhưng dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra. Dưới góc nhìn của nhà khoa học, bà nhận định thế nào về vấn đề này?

Năm 2019, Dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên diện rộng, gây hậu quả cho ngành Chăn nuôi. Thời điểm này, Dịch tả lợn châu Phi vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại nếu không quyết liệt thực thi các biện pháp phòng chống. Trong khi đó, nhiều ổ dịch cúm gia cầm đã và đang xảy ra. Nguyên nhân khiến dịch bệnh vật nuôi thường xuyên xảy ra và diễn biến phức tạp chủ yếu là do tổng đàn gia súc gia cầm rất lớn, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi.

Hiện nước ta mới chỉ có khoảng 10% số hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học ở mức tối thiểu, tỷ lệ số cơ sở chăn nuôi áp dụng chuẩn mọi quy trình chăn nuôi an toàn sinh học còn thấp hơn nhiều. Trong khi đó, khoảng cách giữa các trại, hộ chăn nuôi với khu dân cư hoặc khoảng cách giữa các trại theo quy định (1000m) rất khó đạt trong điều kiện chăn nuôi phân tán hiện nay. Đối với bệnh Dịch tả lợn châu Phi đến nay vẫn chưa có vắc xin để tiêm phòng, nên phòng dịch vô cùng khó khăn. Đối với bệnh cúm gia cầm, đã có vắc xin từ lâu, thế nhưng hiện nay theo thông tin cho thấy, việc tiêm vắc xin cho đàn gia cầm tại nhiều địa phương đạt tỷ lệ rất thấp, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ; nhiều tỉnh, thành tỷ lệ tiêm chỉ đạt khoảng 10-20%.

Theo Cục Thú y, tất cả các ổ dịch cúm gia cầm phát sinh từ đầu năm đến nay hầu hết xảy ra tại các hộ chăn nuôi có đàn gia cầm chưa được tiêm phòng; đặc biệt trên các đàn của các hộ mới chuyển sang nuôi gia cầm (trước đó nuôi lợn). Thêm một vấn đề hiện nay là hệ thống thú y cơ sở, nhất là thú y cấp thôn, xã, huyện ở nhiều nơi không còn hoặc đã sáp nhập thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, do đó các chính quyền địa phương hoặc không nắm được tình hình dịch bệnh vật nuôi, không báo cáo nên cơ quan thú y cấp tỉnh không nắm được để hướng dẫn, xử lý kịp thời trước khi dịch xảy ra.

Được biết, năm 2018-2019, Viện Chăn nuôi đã thực hiện dự án “Các giải pháp mới về an toàn sinh học, giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn và gia cầm”. Xin bà cho biết một số thông tin về dự án này?

Căn cứ Quyết định số 1977/QĐ-BNN-HTQT ngày 30.5.2018 của Bộ NN&PTNT về việc Phê duyệt dự án “Các giải pháp mới về an toàn sinh học, giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn và gia cầm” do quỹ SCF (Vương quốc Bỉ) viện trợ không hoàn lại. Dự án đã đánh giá được thực trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn và gà ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn sinh học và cải thiện an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn, gia cầm và thông qua 5 lớp tập huấn lưu động tại Hà Nội, Đồng Nai và 1 Hội thảo tuyên truyền ở Hà Nội. Đào tạo được đội ngũ giảng viên (TOT) và đào tạo các cán bộ địa phương, nông dân có kiến thức chuyện sâu về các biện pháp an toàn sinh học và giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn và gia cầm. Dự án cũng đã xây dựng được 2 mô hình trình diễn chăn nuôi lợn ở Hà Nội và gia cầm an toàn sinh học ở Đồng Nai. Đồng thời, tuyên truyền các tài liệu hướng dẫn thực hành giảm kháng sinh trong chăn nuôi, tài liệu tóm tắt bài trình bày bằng tiếng Việt về an toàn sinh học, tài liệu khuyến cáo trong việc thực hiện các giải pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn và gia cầm cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam.
Từ đó, đúc rút kinh nghiệm, xây dựng các khuyến cáo trong việc thực hiện các giải pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn và gia cầm, kiến nghị tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam.

Công tác phòng chống dịch bệnh tại các trang trại chăn nuôi nhỏ, lẻ còn khó khăn. Ảnh ĐN

Từ những kết quả nghiên cứu, Viện Chăn nuôi khuyến cáo giải pháp mới, phác đồ chăn nuôi an toàn sinh học đối với chăn nuôi nông hộ như thế nào?

Nghiên cứu cho thấy, có rất nhiều con đường lây lan mầm bệnh cho vật nuôi: thức ăn, thú cưng, chuột bọ, vật dụng, người, quần áo, động vật sống, xe vận chuyển vật nuôi… Dự án đã hỗ trợ, tư vấn cho nhiều trang trại chăn nuôi tại Việt Nam các biện pháp giảm thiểu nguy cơ xuất hiện và lây lan mầm bệnh, gồm an toàn sinh học bên ngoài và an toàn sinh học bên trong chuồng trại như kiểm soát thức ăn, nước uống, thay kim tiêm, công nhân nuôi từng nhóm vật nuôi phải dùng quần áo và ủng riêng, con giống mới đưa về phải được cách ly… Nhờ phòng bệnh tốt, hầu hết các trang trại rất ít xảy ra dịch bệnh, nên không cần dùng đến kháng sinh để điều trị bệnh cho vật nuôi.

Phác đồ chăn nuôi an toàn sinh học đối với nông hộ và trang trại đã được chúng tôi xây dựng. Trước hết, các trang trại và nông hộ cần tránh mua con giống từ bên ngoài, người chăn nuôi nên đầu tư vào chăn nuôi lợn nái, gà đẻ sinh sản để tự chủ động con giống. Nếu bắt buộc phải nhập con giống từ bên ngoài về, phải đảm bảo chắc chắn chúng được bán từ nguồn an toàn, không bị dịch bệnh. Trong suốt quá trình chăn nuôi: phải định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi và các khu vực xung quanh để tiêu diệt mầm bệnh; cần hạn chế khách tham quan trang trại; rất cẩn trọng trong mỗi lần vận chuyển vật nuôi và các vật dụng; đảm bảo trang trại được rào cẩn thẩn; kiểm soát động vật gây hại kỹ lưỡng, phải diệt các loại chuột, bọ, côn trùng và sử dụng lưới để không cho chúng xâm nhập vào chuông nuôi, không cho phép thú cưng vào chuồng nuôi; không bao giờ cho lợn ăn các loại thức ăn thừa; cần thông báo bất kỳ triệu chứng lâm sàng khả nghi nào cho nhà chức trách.

Bà nhận định như thế nào về phát triển chăn nuôi an toàn sinh học ở nước ta?

Bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi là cần thiết để phòng chống dịch bệnh, sản xuất sản phẩm sạch, giảm ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và là hướng phải đi của ngành Chăn nuôi. Việc phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học tại các nông hộ hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Phần lớn các hộ chăn nuôi phát triển còn manh mún, nhỏ lẻ.

Sinh viên Khoa Thú y Học viện Nông nghiệp Việt Nam đi thực tế tại xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ảnh: ĐN

Mặc dù Bộ NN&PTNT đã ban hành quy chuẩn Quốc gia về điều kiện trại lợn và gia cầm chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho trong nông hộ. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có bộ công cụ để kiểm tra đánh giá cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học. Vì vậy, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tham khảo các quy định quốc tế, trong đó có bộ công cụ Biocheck của Bỉ để sớm ban hành văn bản mới về công cụ đánh giá mức độ an toàn sinh học ở các cơ sở chăn nuôi. Bộ NN&PTNT cần xem xét quy định khoảng cách an toàn giữa cơ sở chăn nuôi và khu dân cư, các công trình công cộng tại một số văn bản chưa thống nhất (hiện có văn bản đưa ra quy định 100-400 m; nhưng cũng có văn bản quy định 1.000m).

Hiện nay, nước thải chăn nuôi đang được áp dụng theo quy chuẩn Quốc gia QCVN 62-MT:2016/BTNMT quy định chất lượng nước thải chăn nuôi. Theo quy chuẩn này, các chỉ số giới hạn cho phép đối với các chất gây ô nhiễm đều ở mức rất thấp. Cụ thể, theo Quy chuẩn 62, chỉ số BOD5 trong nước thải chăn nuôi dao động từ 40-100 mg/l; chỉ tiêu COD dao động từ 100-300 mg/l. Đây là mức giới hạn cho phép quá thấp, thậm chí còn thấp hơn so với nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới như Mỹ, các nước EU, Nhật Bản…

Thực tế, ngoại trừ những trang trại chăn nuôi tập trung lớn có dây chuyền xử lý hiện đại, hiện nay đa số các trang trại và hộ chăn nuôi ở nước ta đang áp dụng phổ biến nhất là công nghệ xử lý nước thải bằng hầm biogas. Tuy nhiên, để đạt được chỉ số như Quy chuẩn 62, sẽ phải trải qua nhiều khâu xử lý theo công nghệ phức tạp và tốn kém nữa, chứ bản thân nước thải sau biogas chưa thể nào đáp ứng được yêu cầu. Điều này có nghĩa là tất cả các trang trại chăn nuôi hiện nay ở nước ta gần như 100% đang phạm luật. Vì vậy, Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ NN&PTNT cần xem xét điều chỉnh quy định về chỉ số giới hạn chất ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo bà, công tác quản lý kinh doanh và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi ở nước ta hiện nay như thế nào?

Ước tính hàng năm, ngành Chăn nuôi nước ta sử dụng khoảng 980 tấn kháng sinh cho chăn nuôi lợn và 42 tấn kháng sinh cho chăn nuôi gia cầm. Bộ NN&PTNT đã ban hành danh mục về các loại kháng sinh được sử dụng, bị hạn chế hay cấm sử dụng trong chăn nuôi. Tuy nhiên, thực tế việc mua bán thuốc kháng sinh ở nước ta quá tự do, chưa kiểm soát được người chăn nuôi, nên kháng sinh đang được sử dụng tràn lan. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, thì có đến 75% kháng sinh trong chăn nuôi được nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng không được quản lý chặt chẽ trong tiêu thụ. Do đó, có tình trạng nhiều loại kháng sinh cấm hoặc hạn chế sử dụng vẫn được nhập khẩu và buôn bán tự do. Hậu quả là, gây ra tình trạng tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn tạo ra thể vi khuẩn kháng thuốc, gây khó khăn trong công tác điều trị nhiễm khuẩn. Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên thế giới.

Hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa thiết lập được hệ thống giám sát kháng thuốc trong chăn nuôi, hoạt động giám sát về kháng thuốc mới chỉ được thực hiện tại một số đề tài nghiên cứu và dự án, chưa được thực hiện thường xuyên. Để hạn chế kháng kháng sinh, phải có hành động phối hợp ở tất cả các cấp để đảm bảo lợi ích bền vững của thuốc chống vi sinh vật gây bệnh và ngăn chặn mọi mối đe dọa do sự phát sinh các chủng vi sinh vật mới gây bệnh trên vật nuôi. Để cải thiện chất lượng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, cũng như tránh được tình trạng kháng kháng sinh cho người, thì trước hết phải bắt đầu từ người chăn nuôi: cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiểu biết cho họ về mặt lợi của khánh sinh và mặt hại của việc dùng kháng sinh không đúng loại, không đúng liều lượng và thời gian. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt, kiểm soát được việc mua bán kháng sinh, việc sử dụng kháng sinh tại các cơ sở chăn nuôi. Đồng thời, phải thanh tra nghêm ngặt, thường xuyên, tạo sự công bằng trong chăn nuôi và có chế tài đủ sức răn đe.

Mô hình nuôi vịt lấy trứng theo hướng an toàn sinh học tại Đồng Tháp. Ảnh NĐ

Theo bà, Nhà nước, Bộ NN&PTNT cần có những chính sách gì để thúc đẩy phát triển chăn nuôi an toàn sinh học?

Vấn đề rủi ro về thị trường, chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh và điều kiện để xác định nguồn gốc, tem nhãn, xuất xứ nguồn gốc vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến giá trị kinh tế thu được chưa tương xứng với đầu tư. Do đó, để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Chăn nuôi thì cùng với quy hoạch, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các địa phương, hộ chăn nuôi ứng dụng phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ, sinh thái. Một trong những chính sách quan trọng liên quan đến chăn nuôi an toàn sinh học là “Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020” được quy định tại Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg do Thủ tướng ký. Trong đó đề ra nhiều hỗ trợ cho các nông hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, như: hỗ trợ kinh phí mua tinh để phối giống cho lợn nái; hỗ trợ tiền mua lợn, trầu, bò đực giống; hỗ trợ mua gà vịt giống bố mẹ hậu bị; xây dựng công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi; hỗ trợ kinh phí đầu tư đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi…

Tuy nhiên, có thể nói rằng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có riêng một chính sách hỗ trợ khuyến khích chăn nuôi theo phương thức an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Các chính sách hỗ trợ lâu nay chỉ mới dừng lại ở một số dự án khuyến nông nhỏ lẻ và dự án quốc tế. Chính vì vậy mà tỷ lệ các cơ sở chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ đạt tiêu chí an toàn sinh học là rất thấp, hậu quả là dịch bệnh thường xuyên xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra, cần tiếp tục có các chính sách khuyến khích chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ khó kiểm soát sang chăn nuôi gia trại và trang trại. Cần tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg đến năm 2030. Đề nghị Nhà nước tiếp tục đầu tư một số dự án bằng nguồn vốn trong nước và vốn vay ODA để xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Trước mắt, đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch đầu tư ủng hộ Viện Chăn nuôi phối hợp với các đối tác Bỉ xây dựng Dự án “Phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn dịch bệnh, hướng tới xuất khẩu tại tỉnh Đồng Nai, Thái Bình, Bình Định và TP Hà Nội” bằng nguồn vốn vay ODA từ Chính phủ Bỉ.

Xin cảm ơn bà!

“Mặc dù Bộ NN&PTNT đã ban hành quy chuẩn Quốc gia về điều kiện trại lợn và gia cầm chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho trong nông hộ. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có bộ công cụ để kiểm tra đánh giá cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học”.

“Việc mua bán thuốc kháng sinh ở nước ta quá tự do, chưa kiểm soát được người chăn nuôi, nên kháng sinh đang được sử dụng tràn lan. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, thì có đến 75% kháng sinh trong chăn nuôi được nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng không được quản lý chặt chẽ trong tiêu thụ”.

Chu Khôi (thực hiện)