Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vị trí của nông dân trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ

22:11 27/11/2019 GMT+7
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là hướng đi đúng với xu hướng thị trường. Hệ thống canh tác NNHC đã và đang được khuyến khích phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, phát triển NNHC tại Việt Nam còn chưa có cơ chế, chính sách đặc thù, hệ thống

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là hướng đi đúng với xu hướng thị trường. Hệ thống canh tác NNHC đã và đang được khuyến khích phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, phát triển NNHC tại Việt Nam còn chưa có cơ chế, chính sách đặc thù, hệ thống vận hành từ sản xuất đến thị trường còn lộ rõ những bất cập.

Ảnh minh họa.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) ở nước ta đang đóng vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu và đổi mới nền nông nghiệp trong quá trình hội nhập, bởi NNHC sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách về lương thực an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nâng cao thu nhập cho người dân. Trong sản xuất NNHC thì đây là quá trình sản xuất hàng hóa được gắn kết theo chuỗi liên kết của quá trình sản xuất từ các khâu như: Nghiên cứu khoa học, sản xuất vật tư đầu vào, sản xuất sản phẩm , thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, vận chuyển, marketing và thị trường… Nhưng mỗi sản phẩm hàng hóa NNHC (trồng trọt và chăn nuôi, thủy sản…) có quá trình sản xuất và chuỗi liên kết riêng. Vấn đề đặt ra người nông dân có vị trí như thế nào trong chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa nông nghiệp hữu cơ ở nước ta. Trong bài nghiên cứu, trao đổi này chúng tôi muốn nêu ra vai trò người nông dân trong chuỗi liên kết trên.

Hàng hóa NNHC và hình thức tổ chức

Hàng hóa NNHC là hàng hóa được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của IFOAM hoặc TCVN được các tổ chức chứng nhận công nhận và chứng nhận. Đây là sản phẩm chất lượng cao, sạch đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hàng hóa nông nghiệp an toàn là hàng hóa được sản xuất theo VietGAP hoặc GlobalGAP được các tổ chức chứng nhận công nhận và chứng nhận. Đây là sản phẩm an toàn.

Hàng hóa nông nghiệp thông thường được sản xuất không có kiểm soát.

Như vậy, sản xuất NNHC tạo ra được sản phẩm an toàn chất lượng là do quá trình sản xuất tuân thủ theo TCVN về sản xuất hữu cơ và được kiểm soát.

Hiện nay trên thế giới và Việt Nam đang có 3 hình thức tổ chức sản xuất NNHC như sau:

1) Sản xuất NNHC theo quy mô nông hộ;

2) Sản xuất NNHC theo quy mô các nhóm nông hộ sản xuất nhỏ, liên kết thành nhóm, liên nhóm và hợp tác xã;

3) Sản xuất NNHC theo quy mô các trang trại lớn, nông trường và doanh nghiệp sản xuất NNHC với quy mô vùng lớn.
Hình thức thứ nhất được sản xuất, tiêu thụ theo quy mô nhỏ tự túc, tự tiêu thụ không cần chứng nhận sản phẩm NNHC.

Hình thức thứ 2 theo quy mô các nhóm nông hộ sản xuất nhỏ, liên kết thành nhóm, liên nhóm hoặc hợp tác xã đây là hình thức sản xuất phù hợp với nước ta và nhiều nước trên thế giới mà diện tích sản xuất nhỏ lẻ… Hình thức này khi sản xuất để được công nhận là sản phẩm NNHC cần sản xuất theo tiêu chuẩn và được chứng nhận theo PGS (hình thức chứng nhận có sự tham gia, đồng thuận của các bên).

Hình thức thứ 3 theo quy mô các trang trại lớn, nông trường và doanh nghiệp sản xuất NNHC với quy mô vùng lớn… Hình thức này khi sản xuất để được công nhận là sản phẩm NNHC cần sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN, tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và được chứng nhận của bên thứ 3(tổ chức chứng nhận độc lập)

Chuỗi liên kết trong sản xuất NNHC

Chuỗi liên kết trong NNHC là các khâu hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh có quan hệ với nhau, từ hoạt động: nghiên cứu khoa học, cung cấp vật tư đầu vào, sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bao gói, chế biến và bảo quản, vận chuyển và cuối cùng là marketing và thương mại sản phẩm NNHC.

Trong mỗi quá trình sản xuất có một chuỗi liên kết khác nhau ví dụ như:

Trong trồng trọt gồm: Nghiên cứu khoa học, sản xuất vật tư đầu vào; Đào tạo và sản xuất; Thu hoạch, sơ chế, bảo quản; Chứng nhận; Vận chuyển, Marketing và thị trường;

Trong chăn nuôi: Nghiên cứu khoa học, sản xuất giống và thức ăn; Đào tạo và nuôi; Vận chuyển; Giết mổ; Chế biến và bảo quản; Chứng nhận; Marketing và thị trường;

Trong thủy sản: Nghiên cứu khoa học, giống và sản xuất thức ăn; Đào tạo, nuôi và vệ sinh ao nuôi; Thu hoạch và vận chuyển; Chế biến và bảo quản; Chứng nhận; Marketing và thị trường.

Trong chuỗi liên kết có các “khâu” trong chuỗi. Các khâu có thể mô tả cụ thể bằng các “hoạt động” để thể hiện rõ các công việc của khâu. Trong mỗi khâu của chuỗi giá trị có các “tác nhân”. Tác nhân là những hoạt động của con người thực hiện các chức năng của các khâu trong chuỗi. Ví dụ như: Các nghiên cứu khoa học về NNHC ở nước ta cần giải quyết như thế nào về giống, phân bón… cho phù hợp trong điều kiện nước ta, đây là khâu rất quan trọng do thực tế đặt ra; Các doanh nghiệp là nhà sản xuất và cung cấp vật tư đầu vào cho sản xuất NNHC hay trực tiếp người nông dân là người tự sản xuất, tự cung cấp cho quá trình sản xuất của mình… Trong các khâu người nông dân sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cần được đào tạo và đóng góp của các khâu này như thế nào trong chuỗi? Đặc biệt khi sản xuất ra sản phẩm NNHC thì người nông dân tự tiêu thu hay thương lái thu mua sản phẩm và vận chuyển hàng hóa…

Chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Chuỗi giá trị là thể hiện đóng góp của các hoạt động sản xuất/kinh doanh (khâu), các tác nhân chính trong chuỗi và những mối liên kết của các khâu trong hệ thống chuỗi giá trị. Mục tiêu của người nông dân, các nhà quản lý và các bên liên quan trong chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa NNHC là tìm các giải pháp để hỗ trợ sản xuất nhằm nâng cao“chuỗi giá trị” của sản phẩm NNHC.

Như vậy, vai trò của người nông dân ở đâu trong chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa NNHC này?

Trong giới hạn của bài nghiên cứu, trao đổi này chúng tôi tập trung vào các đặc trưng của các hình thức tổ chức sản xuất và sự tham gia của nông dân trong chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa NNHC với hình thức tổ chức sản xuất theo nhóm hộ, liên nhóm (chứng nhận theo PGS) và cơ sở sản xuất của trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô lớn được chứng nhận theo hình thức chứng nhận độc lập của bên thứ 3.

Các đặc trưng và hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất NNHC:

Với các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chuỗi liên kết trong sản xuất NNHC được tóm tắt các khâu cơ bản như sau:

1) Sự tham gia của các cơ sở nghiên cứu khoa học của các viện nghiên cứu, các trường đại học, các trạm nghiên cứu của các doanh nghiệp về các giống cây trồng, vật nuôi, vật tư đầu vào, các quy trình, mô hình trong sản xuất… Các cơ sở nghiên cứu này được sự tham gia của các nhà khoa học và sự tổng kết các kinh nghiệm và tri thức truyền thống của người sản xuất qua thực tế sản xuất…

2) Tổ chức sản xuất và cung ứng các vật tư đầu vào cho sản xuất NNHC gồm: Cung cấp giống, phân hữu cơ, dung dịch dinh dưỡng, thuốc thảo mộc; Giống gia súc, thức ăn chăn nuôi…; Cá giống, thức ăn…

3) Trung tâm đào tạo, sản xuất, nuôi trồng….

– Các cơ sở đào tạo NNHC theo quy định của pháp luật sẽ đào tạo cung cấp các kiến thức cơ bản cho người sản xuất NNHC.

– Người sản xuất NNHC sẽ tuân thủ theo các hướng dẫn của TCVN, tiêu chuẩn quốc tế về các yêu cầu kỹ thuật sản xuất NNHC. 4) Thu hoạch, sơ chế… vận chuyển; Giết mổ….. theo các hướng dẫn của TCVN, tiêu chuẩn quốc tế.

5) Chế biến, bảo quản theo các hướng dẫn của TCVN, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu thụ theo yêu cầu của thị trường.

6) Chứng nhận các sản phẩm NNHC theo PGS, hoặc bên thứ 3.

7) Marketing sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm:

– Giới thiệu sản phẩm (quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng…)

– Hệ thống phân phối (nông dân tự bán, qua cửa hàng hữu cơ do nông dân tự lập ra, qua thương lái hoặc kênh phân phối đến siêu thị, nhà hàng, khách sạn… hoặc qua cơ quan thu mua xuất khẩu… )

Liên kết trong chuỗi của quá trình sản xuất có nhiều rủi ro nhất liên quan đến các khâu hoạt động sản xuất và quản lý như: Tính tuân thủ theo hướng dẫn của TCVN về sản xuất NNHC phục vụ cho công tác chứng nhận, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến người nông dân thực hiện; Quản lý kém trong việc phân bố tài sản và nguồn lực sản xuất cũng như lựa chọn lãnh đạo điều hành, người bán hàng…; Quyết định chưa hợp lý về sử dụng vật tư đầu vào; Quản lý chất lượng kém, sai sót trong kế hoạch sản xuất và dự báo; Trang thiết bị lạc hậu không đáp ứng yêu cầu; Sử dụng giống, vật tư không đạt chuẩn; Chưa chuẩn bị để thay đổi, đổi mới sản phẩm, thay đổi qui trình sản xuất các sản phẩm theo thị trường; Thiếu khả năng thay đổi về lao động, khả năng tài chính yếu…

Người nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa NNHC

Như các đặc trưng và hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất NNHC nêu trên cho thấy người nông dân tham gia trong chuỗi liên kết sản xuất NNHC rất khác nhau tùy thuộc vào các hình thức tổ chức sản xuất NNHC hiện nay như:

– Trong hình thức sản xuất nhỏ (theo nhóm hoặc liên nhóm) đây là hình thức tổ chức mà người nông dân tham gia vào hầu hết các khâu trong chuỗi liên kết của quá trình sản xuất NNHC chỉ trừ nghiên cứu khoa học, đào tạo và công tác chứng nhận thì họ là đối tượng được thụ hưởng hoặc tham gia. Họ tự sản xuất phần lớn các vật tư đầu vào như: sản xuất phân hữu cơ, dung dịch dinh dưỡng, chế thuốc thảo mộc, chủ động trong các khâu của quá trình sản xuất như làm đất, chăm sóc thu hoạch, sơ chế… Họ được chủ động trong xây dựng kế hoạch sản xuất cùng với nhóm, liên nhóm và các khâu của quá trình sản xuất, ngay cả chủ động tiêu thụ sản phẩm NNHC do họ sản xuất ra.

Như vậy, để sản xuất có hiệu quả thì trước khi sản xuất nông dân cần phải xác định rõ ràng sản xuất cái gì? để bán cho ai? bán giá bao nhiêu? bán bằng cách nào? khi nào bán? Nắm bắt được nguyên tắc của thị trường là tiêu dùng quyết định sản xuất – Sản xuất phải theo yêu cầu của thị trường! Nhưng theo phương thức sản xuất này sự liên kết chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ tại các hộ nhỏ lẻ sản xuất hữu cơ có liên kết rất thấp, rủi ro cao. Các khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ là: Cần có sự đồng thuận trong xây dựng kế hoạch sản xuất của nhóm, liên nhóm với chính quyền địa phương về chủ trương trong quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng(đường xá, cung cấp nước, khu sơ chế, …); Cần có kế hoạch phát triển đồng bộ giữa trồng trọt với chăn nuôi hữu cơ để hỗ trợ cho sản xuất NNHC của địa phương; Cần có hỗ trợ vốn cho người sản xuất, cung cấp nguồn vật tư phù hợp và đào tạo, hướng dẫn đầu tư hợp lý vật tư đầu vào để bảo đảm năng suất, chất lượng; Cần có sự hỗ trợ cho công tác chứng nhận, nhãn hàng hóa và bảo đảm truy suất nguồn gốc; Cần có định hướng sản phẩm chủ lực NNHC của vùng và giải quyết đầu ra ổn định cho người sản xuất; Đây là hình thức sản xuất nhỏ, thủ công, cơ giới hóa hỗ trợ thấp do vậy năng suất lao động không cao; Cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp… Như vậy, đây là hình thức sản xuất mà tính rủi ro trong sản xuất cao và thu nhập của người nông dân tham gia sản xuất NNHC là chưa thực sự cao và ổn định.

– Trong hình thức sản xuất lớn (theo quy mô HTX, các trang trại, doanh nghiệp lớn) đây là hình thức tổ chức sản xuất mà người nông dân tham gia vào một số khâu theo điều hành, phân công lao động của doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất. Trong hình thức sản xuất này cả 2 hình thức liên kết đặc trưng trong hình thức sản xuất lớn là liên kết theo đường đi của sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ (liên kết dọc) và liên kết các đối tượng cùng tham gia sản xuất, kinh doanh (liên kết ngang) do doanh nghiệp đầu tư và điều hành đây là chuỗi có tính liên kết cao.

Ông Châu Văn Xuân (ấp 4, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) – thành viên HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh, bên ruộng khổ qua trồng theo hướng hữu cơ. Ảnh. Mai Hương

Một số cơ chế chính sách và kiến nghị

Về Chính sách: Trong thời gian qua để khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật làm hành lang pháp lý hỗ trợ cho nông dân tham gia trong chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp hữu cơ ở nước ta như:Hội nghị lần thứ 7 BCHTW khóa 10 đã ban hành Nghị quyết số: 26-NQ/TW ngày 5.8.2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết đã nêu ra định hướng cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 01/2012/QĐTTg về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó có NNHC; Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 8.1.2010 của Chính phủ về Khuyến nông; Ngày 17.4.2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; Ngày 5.7.2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Ngày 29.8.2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về Nông nghiệp hữu cơ. Điều 16, 17 đã nêu rõ các chính sách ưu tiên cho phát triển nông nghiệp hữu cơ ở nước ta.

Trồng cà chua ghép theo phương pháp hữu cơ tại Trại Nghiên cứu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Vĩnh Phúc. Ảnh T.L

Một số kiến nghị: Như mục 3 đã nêu rõ người nông dân có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia trong chuỗi liên kết của quá trình sản xuất NNHC. Nhưng thực tế hiện nay họ lại là người yếu thế dễ bị tổn thương do thiên tai, tác động của thị trường, do yêu cầu cao của quá trình sản xuất, giá bán lại không ổn định do chưa chủ động được đầu ra của sản phẩm, để có thu nhập cao, ổn định từ sản xuất NNHC tạo điều kiện cho người nông dân chủ động, tích cực tham gia trong chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa NNHC, cần giải quyết một số kiến nghị sau:

Cần sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ và cụ thể hóa chủ trương của các địa phương để hỗ trợ người nông dân tham gia trong chuỗi liên kết sản xuất NNHC một cách hiệu quả;

Cần có các nghiên cứu sự tham gia của các thành phần, đặc biệt là người nông dân trong chuỗi liên kết và sự phân chia lợi ích hợp lý giữa các khâu trong chuỗi giá trị của quá trình sản xuất NNHC;

Các cơ quan, các tổ chức, doanh nghiệp cần hỗ trợ nhiều hơn cho người nông dân trong công tác đào tạo, tập huấn, công tác chứng nhận, nhãn hàng hóa và công tác xúc tiến thương mại, kết nối với thị trường trong nước và quốc tế cho khâu tiêu thụ sản phẩm. 

PGS.TS. Lê Văn Hưng (Hiệp hội NNHC Việt Nam)