Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Xuất khẩu lô hàng trái cây đầu tiên Việt Nam sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA

07:12 19/09/2020 GMT+7

Chiều ngày 17/9, tại tỉnh Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) phối hợp cùng UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ công bố chính thức xuất khẩu lô hàng trái cây đầu tiên của Việt Nam sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA).

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: Vân Nguyễn

Tham dự Lễ công bố có ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT; ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre; ông Trần Anh Thư , Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của trong và ngoài tỉnh.

Sau hơn một tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU, trong đó một số nông sản đã xuất khẩu sang EU như: tôm nước lợ tại Ninh Thuận; cà phê, chanh leo  tại Gia Lai…Trong đó, Công ty Vina T&T Group sẽ xuất khẩu một container dừa tươi gồm 20.000 quả bằng đường tàu biển, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long bằng đường hàng không sang thị trường EU.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho biết: Việc giảm thuế theo EVFTA đang giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn tại thị trường châu Âu, hứa hẹn trái cây Việt Nam sẽ có thị phần lớn tại thị trường tiềm năng này trong thời gian tới, nhất là sau khi dịch bệnh Covid -19 đang có chiều hướng giảm, nhu cầu tiêu dùng tại EU tăng cao trở lại.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT cho biết:  Việt Nam có lợi thế khác biệt về điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh thái, khí hậu về rau quả. Những năm gần đây, Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh cả về kim ngạch xuất khẩu lẫn mở rộng thị trường cho mặt hàng trái cây, từ kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD năm 2012 lên 3,6 tỷ USD năm 2019. Hiện đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dư địa xuất khẩu trái cây sang EU của Việt Nam rất lớn do sản phẩm trái cây 2 bên có tính bổ trợ nên không phải cạnh tranh trực tiếp. EU mở cửa về thuế quan nhưng yêu cầu rất chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm nên bà con nông dân, doanh nghiệp cần tìm hiểu cặn kẽ để đáp ứng tốt và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ cùng nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Theo ông Châu Văn Bình, Giám đốc Sở Công thương Bến Tre chia sẻ: Với việc Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và EU có hiệu lực đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Bến Tre. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã có những động thái nghiên cứu, thăm dò và hoạch định các chiến lược thâm nhập thị trường này từ lâu. Nhất là các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây như: dừa, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn. Riêng mặt hàng dừa xiêm xanh đã thâm nhập được vào thị trường EU.

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Địa phương rất có tiềm năng và cơ hội xuất khẩu trái cây nhiệt đới sang EU, trong đó nhóm sản phẩm chủ lực là dừa năm 2020 có khoảng 73.000ha, sản lượng ước đạt 626.000 tấn. Trong những năm qua, diện tích dừa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng nhanh, trong đó đã cấp giấy chứng nhận 4.000ha. Toàn tỉnh hiện có 138 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tăng bình quân 14,80%/năm, chiếm 21,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Về nhóm cây ăn trái của toàn tỉnh Bến Tre năm 2020 có gần 30.000ha, sản lượng hơn 330.000 tấn. Trong đó, có 5 loại chủ lực là bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, măng cụt và xoài. Những năm qua, tỉnh này đã chỉ đạo ngành nông nghiệp đẩy mạnh diện tích cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, sản xuất hữu cơ, truy xuất nguồn gốc…

Theo Hiệp định EVFTA, rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực khi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.

Ông Poulain Jacques, đại diện của EU tại Việt Nam cho biết: Hiệp định thương mại tự Việt Nam – EU được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng trái cây Việt Nam. Đồng thời gia tăng cơ hội tiêu dùng châu Âu được mua trái cây nhiệt đới chất lượng tốt. Hai bên kỳ vọng vào sự phát triển sắp tới, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 mà thế giới đang đối mặt. Tuy nhiên để đạt được những lợi ích như kỳ vọng, ngành Nông nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng cải thiện, phát triển để đạt những tiêu chuẩn của EU, đặc biệt là những tiêu chuẩn về chất lượng. Do hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn được sử dụng nhiều trong sản xuất rau quả nên việc đạt được các tiêu chuẩn chất lượng là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm.

Ông Poulain Jacques khuyến nghị: Cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa nguyên liệu trước khi chế biến và phải đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất. Vấn đề này cần được giải quyết ngay để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, cần tăng trưởng bền vững để ổn định thu nhập cho người nông dân, giảm lượng khí thải nhà kính, điều chỉnh sản xuất theo nhu cầu của thị trường, xem xét những thách thức của biến đổi khí hậu, phát triển các trang trại để tập trung sản xuất hữu cơ.

 

Vân Nguyễn