Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Xuất khẩu thủy sản năm 2023 khó đạt mục tiêu 10 tỷ USD

Ái Vân - 19:39 12/06/2023 GMT+7
Ngày 12/6, tại TP. HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức Hội nghị toàn thể hội viên 2023 và kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hiệp hội với sự tham gia của hơn 280 đại biểu đến từ các doanh nghiệp hội viên VASEP.

Từ cuối năm 2022, Hiệp hội và các doanh nghiệp đã xác định ngành Thủy sản sẽ có một năm 2023 cực kỳ khó khăn khi tình hình lạm phát thế giới ngày một trầm trọng, nhu cầu tiêu dùng giảm rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều, xuất khẩu thủy sản khó có thể tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn.

Chiến tranh giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc mặc dù kéo dài hơn 1 năm, khủng hoảng khí hậu diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới, tình hình lạm phát tăng cao và các chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục tác động đến kinh tế thế giới trong thời gian tới và gây ra nhiều rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu và những biến động về giá lương thực, thực phẩm.

Nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý III/2023 thay vì phục hồi từ quý III như những dự báo trước đây. Dự báo ngành Thủy sản sẽ có một năm 2023 cực kỳ khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng giảm rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều, xuất khẩu thủy sản khó có thể tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn. Thay vì cán đích như mục tiệu đề ra, Vasep hạ mục tiêu xuất khẩu chỉ đạt 8,6 tỷ USD.

Hội nghị toàn thể hội viên năm 2023 của VASEP. Ảnh: Ái Vân

Hội nghị toàn thể hội viên VASEP năm 2023 được tổ chức nhằm xác định những vấn đề chiến lược ưu tiên trong hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới, cùng nhau thảo luận trao đổi và vạch ra những chương trình, kế hoạch, biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề, vượt qua thách thức và tiếp tục thành công trong tương lai. Hội nghị VASEP 2023 là dịp đánh dấu cột mốc 25 năm xây dựng và phát triển của Hiệp hội, đánh dấu mốc son trưởng thành của Hiệp hội, ngày một khẳng định thêm vị thế của Hiệp hội trong doanh nghiệp hội viên và các đối tác trên thị trường quốc tế.

Sự đồng lòng của các thành viên Hiệp hội cùng với sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước đã làm nên những cột mốc quan trọng cho ngành Thủy sản từ doanh số 1 tỷ USD cho đến 11 tỷ USD, đưa ngành Thủy sản Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 trên giới và hướng đến mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD.

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP cho biết: Sau khi lập đỉnh xuất khẩu 11 tỷ USD trong năm 2022, nhờ tăng trưởng cao nửa đầu năm, xuất khẩu thủy sản từ cuối năm 2022 đến nay liên tục giảm và dự báo khó khăn sẽ tiếp diễn sang cả quý III và không chắc chắn về mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 10 tỷ USD như đã dự báo.

Những kết quả cụ thể đã cho thấy sự sụt giảm liên tục của xuất khẩu thủy sản. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10-50% tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính. Trong đó, giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ khi giảm hơn 50% so với cùng kỳ; thị trường EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%.

Tôm là mặt hàng bị sụt giảm mạnh nhất, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,2 tỷ USD. Xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm nay giảm 30% so với cùng kỳ, đạt 841 triệu USD. Các thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ đều giảm mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam. Xuất khẩu cá ngừ 5 tháng đầu năm nay cũng giảm 31% chỉ đạt 317 triệu USD; xuất khẩu mực, bạch tuộc có mức giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 239 triệu USD...

Bên cạnh những khó khăn từ thị trường, gần đây trong cộng đồng doanh nghiệp có lo lắng về khả năng cạnh tranh với giá thành tôm của Ecuador và Ấn Độ. Ngoài ra ngành Thủy hải sản Việt Nam đang phải đứng trước những thách thức về hiệu quả nuôi cá tra khi đối mặt với chi phí thức ăn tăng cao trong khi nguồn giống chất lượng thiếu ổn định. Hay “thẻ vàng” IUU trong hải sản khai thác đang là một hạn chế lớn cho sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản.   

TỪ KHÓA #VASEP