Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

An Giang: Thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao

Ái Vân - 07:06 25/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tại tỉnh An Giang, trong những năm qua công tác phòng chống bệnh lao đã đạt được kết quả quan trọng. Mạng lưới chống lao được kiện toàn từ tỉnh đến huyện xã, hoạt động có nề nếp và hiệu quả. Hoạt động truyền thông được tăng cường đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về bệnh lao.

Thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao

Thực hiện Dự án “Mở rộng dự án sàng lọc cộng đồng bằng chiến lược 2X (X-quang, Xpert), kết hợp điều trị lao hoạt động và lao tiềm ẩn”.  Hàng năm Trung tâm kiểm soát bệnh tật An Giang đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện và cơ sở triển khai hoạt động khám sàng lọc tại các xã vùng đồng bảo dân tộc thiểu số sinh sống. Với xe X-quang lưu động đã giúp người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận với dịch vụ kỹ thuật kỹ thuật cao trong chẩn đoán, xét nghiệm phát hiện bệnh lao, nhờ đó đã kịp thời điều trị cho người mắc bệnh và ngăn chặn kịp thời nguồn lây nhiễm bệnh lao trong cộng đồng.

Công tác được xem là quan trọng nhất trong phòng chống lao là phải làm thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng chống bệnh lao cho chính mình và mọi người trong cộng đồng, đồng thời phải kết hợp tốt công tác phòng chống lao với các công tác khác như: phòng chống thuốc lá, phòng chống HIV/AIDS…. Bên cạnh đó các cấp Hội cùng với các ngành chức năng đã vận động đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống lao. Nhiều hình thức truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao được thực hiện trong toàn dân như: Tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp về kiến thức phòng bệnh thông qua các cuộc họp chi hội, treo biểu ngữ qua các đợt phát động phòng chống lao, phát tờ rơi, treo áp phích những nơi đông người…

Nhiều hoạt động được tổ chức nhằm tuyên tuyền người dân nâng cao ý thức trong phòng chống lao. Ảnh: ĐVCC
 

Bà Lư Thị Kim Thùy, Trưởng Ban Kinh tế, Hội Nông dân tỉnh An Giang cho biết: Tiếp tục thực hiện Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống Lao giai đoạn 2021 – 2023, đầu năm 2022 Hội Nông dân An Giang đã đã xây dựng kế hoạch tổ chức và triển khai các hoạt động Dự án Quỹ toàn cầu Phòng chống Lao trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2022 tại 10 xã thuộc 3 huyện là Châu Thành, Thoại Sơn và Phú Tân với mục tiêu đảm bảo tiếp cận phổ cập cho các dịch vụ chẩn đoán và điều trị chất lượng cao, bằng cách phát hiện tích cực và chủ động cho các nhóm nguy cơ và các nhóm chưa được tiếp cận, đặc biệt là trẻ em; Liên kết với các cơ sở y tế tư và y tế công lập khác, cung cấp chẩn đoán và điều trị lao tiềm ẩn thường quy cho nhóm dễ bị tổn thương và nhóm mới nhiễm bệnh, mở rộng tiếp cận đến dịch vụ chẩn đoán và điều trị lao kháng đa thuốc, lao siêu kháng thuốc, sử dụng tối ưu các công cụ, thuốc và phác đồ điều trị mới, hỗ trợ bệnh nhân tối đa.

Ngoài ra, Tổ phòng chống lao An Giang đã tổ chức hội nghị triển khai các hoạt động đến các xã thực hiện dự án. Hội Nông dân tại các địa bàn đã triển khai cho các chi hội nông dân ấp là thường xuyên tuyên truyền vận động cho hội viên nông dân, người nông dân hiểu về Dự án phòng chống Lao sớm để đến trạm y tế xã khám bệnh kịp thời trong thời gian sớm nhất. Thấy được lợi ích ban đầu mang lại từ dự án, Hội Nông dân huyện đã tích cực phối hợp với các ngành có liên quan đã chỉ đạo cho Hội Nông dân các xã tăng cường công tác tuyên truyền vận động người nghi mắc lao đi khám và điều trị theo phác đồ, vận động người bệnh không bỏ trị giữa chừng.

Kinh phí cho chương trình phòng chống lao chưa được xã hội hóa cao

Thời gian qua, Hội Nông dân cơ sở phối hợp với y tế địa phương phát 8.900 tờ rơi, sổ tay tuyên truyền về các triệu chứng bệnh lao; treo  băng rôn tuyên truyền về phòng chống lao; Đồng thời tuyên truyền sâu rộng về phòng chống lao trong cán bộ, hội viên, nông dân và nhân dân thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội; sinh hoạt Câu lạc bộ nông dân, Câu lạc bộ nông dân với pháp luật… được 11 cuộc cho hơn 450 lượt hội viên, nông dân tham dự. Ngoài việc tuyên truyền phòng chống lao thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, hội viên, nông dân còn được tuyên truyền về bệnh lao và cách phòng tránh thông qua hệ thống loa đài của các địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực. Qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân đã được nâng lên, tự nguyện đi khám và tuyên truyền cho người thân, cộng đồng tự giác đi khám khi có các dấu hiệu nghi mắc lao.

Để góp phần thực hiện các chỉ tiêu trong năm, Tổ phòng chống Lao đã tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động truyền thông cũng như sinh hoạt mô hình tại các xã. Về chất lượng hoạt động, việc sinh hoạt mô hình được các đơn vị duy trì tốt, thời gian sinh hoạt phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân trên địa bàn. Nội dung sinh hoạt đa dạng, phong phú về tác hại của bệnh lao đến sức khỏe và đời sống người dân, các biện pháp phòng bệnh lao, vận động người thân trong gia đình chủ động đi khám sàng lọc và gắn kết lồng ghép tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của địa phương; tuyên truyền về các tệ nạn xã hội, tuyên truyền về luật an toàn giao thông, về dịch bệnh Covid-19 và tiêm phòng vacxin phòng bệnh…

Vấn đề sức khỏe người dân luôn được Hội Nông dân quan tâm. Ảnh: ĐVCC

Qua tuyên truyền, nông dân ý thức được bệnh lao là căn bệnh nguy hiểm phải chăm sóc và điều trị trong thời gian dài, phòng chống bệnh lao là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính mình và các thành viên trong gia đình và hiểu được bệnh lao là căn bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu kiên trì và quyết tâm cao và sẽ là hiểm họa nếu lơ là, mất cảnh giác. Hội các cấp phối hợp với các ngành chức năng vận động hỗ trợ cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn như tiền, phần quà, gạo, thẻ bảo hiểm y tế, tặng sách vở đồ dùng học tập cho con em đến trường, đưa người bệnh đi tái khám, sửa chữa nhà cải tạo môi trường sống… Vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp, cung ứng vật tư nông nghiệp trả chậm, tặng bò giống, giới thiệu việc làm… Được dạy nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cách làm ăn; được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, chính sách pháp luật đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, nhận thức về bệnh lao và cách phòng tránh của người dân hiện vẫn còn hạn chế, sự kỳ thị đối với bệnh nhân lao nên người bị bệnh thường giấu bệnh. Tỷ lệ khám phát hiện còn thấp do nhận thức của một số người dân còn hạn chế, vẫn còn tình trạng kỳ thị, giấu bệnh, gây khó khăn trong công tác khám và sàng lọc bệnh lao. Đa số bệnh nhân lao có thu nhập thấp, cuộc sống còn khó khăn ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức chống lây lan cho cộng đồng. Bên cạnh đó, người mắc bệnh lao vẫn còn chịu nhiều định kiến của xã hội, thời gian điều trị dài nên gây trở ngại cho bệnh nhân về đời sống… Cán bộ y tế địa phương còn thiếu không thể đến từng nhà để truyền thông, thăm khám và phát hiện bệnh lao nên thường lồng ghép vào các chương trình khác. Kinh phí cho chương trình phòng chống lao chưa được xã hội hóa cao, sự tham gia của các ngành, đoàn thể còn hạn chế, người mắc lao còn chịu nhiều định kiến và mặc cảm, thời gian điều trị dài nên gây trở ngại cho bệnh nhân.

 

TỪ KHÓA #lao an giang