Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Nghệ An sản xuất phân bón hữu cơ bằng phế, phụ phẩm nông nghiệp

Bùi Ánh - 07:30 21/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Phát triển nông nghiệp bền vững không thể tách rời việc nuôi dưỡng, cải tạo đất và bảo vệ môi trường sống. Do vậy, việc sử dụng phân bón hữu cơ vào trong sản xuất là một việc làm rất cần thiết trong xu thế mới. Bởi phân bón đóng vai trò quan trọng và được sử dụng với số lượng rất lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Từ phong trào bảo vệ môi trường trong xây dựng Nông thôn mới…

Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An được các cấp, ngành và nhân dân đoàn kết một lòng cùng chung sức sớm đưa tỉnh hoàn thiện các tiêu chí. Trong số đó, có rất nhiều hoạt động của các cấp Hội Nông dân tỉnh Nghệ An được đánh giá và ghi nhận cao. Bên cạnh phong trào xây dựng vườn mẫu nông thôn mới, phong trào đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững thì phong trào bảo vệ môi trường là một trong những hoạt động rất thiết thực và có ý nghĩa tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, môi trường sống nhằm mang lại một không gian chung xanh – sạch – đẹp.

Phong trào "Hàng cây nông dân ơn Bác" giúp cân bằng hệ sinh thái môi trường

Các hoạt động bảo vệ môi trường được các cấp Hội triển khai sâu rộng dưới nhiều hình thức bằng những việc làm cụ thể như: Trồng cây xanh tăng bóng mát, phủ xanh đồi trọc, làm đẹp cảnh quan đường làng qua phong trào “Hàng cây nông dân ơn Bác” được phát động đến toàn thể hội viên nông dân. Đến thời điểm hiện nay đã trồng được 662 “Hàng cây nông dân ơn Bác”, 50 “Vườn cây nông dân ơn Bác”, với tổng số cây trồng được là 82.711 cây, ngoài ra có khoảng 200 ngàn hội viên nông dân đã trồng được 589.688 cây, đưa tổng số cây xanh trồng được theo chương trình 1 triệu cây xanh, đạt 672.399 cây xanh.

Cũng từ đây, phong trào “sạch nhà, sạch ngõ, sạch ruộng đồng” bắt đầu được hình thành và trở thành một thói quen thường nhật. Mỗi tháng đều chọn ngày phát động hội viên nông dân ra quân để vệ sinh các tuyến đường, khu dân cư sinh sống, khơi thông kênh mương nội đồng, thu gom vỏ bao bì thuốc trừ sâu,…nhằm nâng cao nhận thức cho mỗi hội viên nông dân về giữ gìn vệ sinh môi trường trong xanh, sạch đẹp ngay chính tại nơi mình sinh sống và sản xuất, bảo vệ môi trường trước hết phải bảo vệ ngay đầu nguồn.

Sau thu hoạch việc đốt rơm rạ không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường mà còn chai hóa đất, những vi khuẩn có lợi cho đất cũng bị chết. Ảnh: Internet

Lượng rác thải và phế phụ phẩm nông nghiệp thu gom khối lượng ngày một tăng nếu tính chi phí vận chuyển đưa đi xử lý cũng tiêu tốn không ít, còn nếu đem đốt thì vô tình gây thêm ô nhiễm không khí khói bụi,…Cùng với đó là sự lãng phí từ chính nguyên liệu có thể tái sử dụng dưới một hình thức mới mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong sản xuất nông nghiệp.

Trăn trở về lượng phế phẩm nông nghiệp tồn dư hàng năm, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã tiến hành xây dựng đề án sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và phổ biến đến hội viên nông dân. Từ đó, việc tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp bắt đầu được quan tâm và giảm thiểu được rất lớn lượng rác thải tràn ra môi trường nông thôn.

… đến ý tưởng sản xuất phân bón hữu cơ

Hiện nay, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hơn 1 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp từ quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; để sử dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp hữu ích và tham gia giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn; cải tạo đất; hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã xây dựng Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phế phẩm nông nghiệp” và có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong việc thực hiện đề án.

Thu gom bèo tây (lục bình) sản xuất phân hữu cơ không chỉ làm sạch môi trường mà còn khơi thông kênh rạch, tạo dòng chảy

Theo ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An, bình quân mỗi năm mức tiêu thụ phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng từ 80 -90 ngàn tấn. Trong khi đó, lượng phân bón hữu cơ các doanh nghiệp trên địa bàn nhập khẩu và sản xuất chỉ đạt khoảng 5 ngàn tấn/năm; người dân sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp khoảng 5ngàn  đến 6 ngàn tấn /năm.

Dù thời gian trước các cấp Hội đã triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường như: Mô hình “Thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp” cho 36 hội viên nông dân tham gia tại 06 đơn vị: Anh Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Nam Đàn; tổ chức tập huấn trang bị kiến thức cho 300 cán bộ, hội viên nông dân về phương pháp xử lý phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ vi sinh và hướng dẫn xây dựng hố ủ phân và hệ thống khí. Nhưng những hoạt động này chưa đồng bộ, chưa trở thành phong trào phát triển rộng rãi trong toàn dân. Vì thế, Hội Nông dân tỉnh tiến hành thực hiện Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp”.

Ra mắt Tổ hội xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ vi sinh tại xã Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên)

Đề án được xây dựng với các nội dung chính: Tuyên truyền cho hội viên nông dân trên toàn tỉnh hiểu rõ hơn về lợi ích của phân hữu cơ, về nông nghiệp tuần hoàn, lấy của đất trả lại cho đất; Thay đổi tư duy cho người dân về việc sử dụng phân bón hợp lý, tránh lạm dụng phân vô cơ làm ảnh hưởng đến môi trường sống của đất cũng như nguồn nước.

Đề án được xây dựng sẽ hạn chế được tình trạng người dân sau khi thu hoạch mùa đã trực tiếp đốt rơm rạ ngay trên chính đồng ruộng mình sản xuất, điều đó càng làm cho môi trường không khí thêm ô nhiễm, đất bị chai sần và đặc biệt là những vi sinh vật có lợi cho đất bị chết cho tác động đốt của người dân.

“Hàng năm, có từ 90% trở lên hội viên, nông dân được tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về lợi ích sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Mỗi năm có ít nhất 40.000 hội viên nông dân được tập huấn, hướng dẫn phương pháp sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Bình quân mỗi năm nông dân toàn tỉnh sản xuất được 60.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp”, ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết.