Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bánh tráng truyền thống An Ngãi tìm hướng đi mới hiệu quả

08:01 09/10/2022 GMT+7
Nhiều hộ làm bánh tráng ở An Ngãi mong muốn vào hợp tác xã, được nhà nước hỗ trợ xây dựng thương hiệu để nâng tầm sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ tăng giá trị hàng hóa.

Trong những năm qua, các sản phẩm ngành nghề nông thôn ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã tạo ra các giá trị đặc trưng. Nhiều sản phẩm tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có nghề làm bánh tráng ở xã An Ngãi, huyện Long Điền. Là sản phẩm truyền thống và được người dân địa phương lưu truyền qua nhiều thế hệ, nghề bánh tráng An Ngãi đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Lưu truyền nhiều đời

Những hộ dân làm bánh tráng ở xã An Ngãi, huyện Long Điền cho biết, từ rất lâu bánh tráng đã xuất hiện trong đời sống của người dân địa phương. Sau mỗi vụ lúa, người dân không bán hết cho thương lái mà giữ lại một phần lúa để xay ra bột làm bánh tráng ăn dần. Ban đầu chỉ phục vụ trong gia đình, dần dà nhiều người trong vùng tráng thêm bánh để bán.

banh trang truyen thong an ngai tim huong di moi hieu qua hinh anh 1

Bánh tráng An Ngãi được người dân địa phương lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Ông Trương Văn Hiền, 70 tuổi ở ấp An Hoà, xã An Ngãi cho biết, gia đình ông có 4 đời làm bánh tráng nay tới lượt ông truyền nghề cho con gái. Ông Hiền kể, sau khi lập gia đình năm 25 tuổi ông bắt đầu nối nghiệp gia đình. Làm bánh tráng không tốn nhiều chi phí đầu tư, nguyên liệu làm bột đã có sẵn chất đốt là rơm rạ và vỏ trấu. Việc tráng bánh bắt đầu từ 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa, trong vòng vài giờ 1 người có thể tráng được từ 1.200 - 1.500 bánh, với giá 35.000 đồng/100 bánh, bình quân mỗi ngày 1 người kiếm được từ 200.000 – 250.000 đồng. Thời điểm Tết, bình quân mỗi buổi 1 người tráng hơn 2.000 bánh. 

Theo ông Hiền, ngày nay nhiều hộ trong vùng đầu tư tráng bánh bằng điện thay vì phải đốt lò. Việc xay bột cũng có máy xay nên cũng không mất nhiều thời gian. Ông Hiền cũng như nhiều hộ làm bánh tráng ở An Ngãi mong muốn, được nhà nước hỗ trợ xây dựng thương hiệu để nâng tầm sản phẩm truyền thống.

“Nghề bánh tráng đã có từ lâu đời nhưng không thể đưa kinh tế khá lên, chính vì thế các hộ dân mong muốn cơ quan chức năng tổ chức tập huấn cho bà con để làng nghề bánh tráng An Ngãi phát triển hơn, vận động bà con vào HTX để sản xuất ổn định tạo nên thương hiệu hàng hóa. Nếu Nhà nước tổ chức vận động bà con sản xuất theo hướng OCOP để sản phẩm có thương hiệu thị trường đời sống người dân sẽ khá hơn”, ông Hiền mong muốn.

Tương tự, ông Phan Văn Hên, 65 tuổi ở ấp An Lộc, xã An Ngãi cũng làm quen với công việc tráng bánh cách đây hơn 40 năm và nghề do cha mình truyền lại. Với mong muốn giữ gìn nghề làm bánh tráng truyền thống, ông Hên cũng như bà con ở xã An Ngãi rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng. Hiện có nhiều hộ trong vùng vẫn chưa có điều kiện đầu tư máy xay bột, muốn có bánh cung cấp ra thị trường họ phải đi thuê máy xay, vấn đề an toàn thực phẩm chưa đảm bảo do chưa có sân phơi bánh.

“Hiện vẫn còn có nhà chưa có cối xay bột, chưa có nhà tráng bánh riêng biệt nên cũng khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều hộ không có sân phơi sạch do đó chưa đảm bảo tuyệt đối về an toàn thực phẩm. Các hộ dân mong muốn nhà nước quan tâm, hỗ trợ các hộ làm bánh tráng để giữ gìn, bảo tồn làng nghề truyền thống vừa có điều kiện phát triển kinh tế”, ông Hên đề nghị.

banh trang truyen thong an ngai tim huong di moi hieu qua hinh anh 2

Không chỉ tăng thu nhập cho người dân, nghề bánh tráng ở An Ngãi còn góp phần bảo tồn nét văn hoá đặc trưng của dân tộc.

Nâng tầm nghề truyền thống

Theo Sở NN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện xã An Ngãi có khoảng 128 hộ tham gia nghề bánh tráng với khoảng 260 lao động. Cũng như phần lớn các cơ sở ngành nghề truyền thống của địa phương, nghề bánh tráng An Ngãi hoạt động qui mô nhỏ, chủ yếu là kinh tế gia đình với thiết bị sản xuất lạc hậu, chậm đổi mới nên khó đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bà Lê Thị Hoàng Oanh, Chủ tịch UBND xã An Ngãi, huyện Long Điền cho biết, huyện đang có kế hoạch bảo tồn làng nghề bánh tráng An Ngãi. Thời gian tới, địa phương sẽ vận động bà con xã An Ngãi nâng cao chất lượng sản phẩm bánh tráng, tập trung sản xuất theo hướng mỗi xã một sản phẩm làng nghề (OCOP) để nâng tầm thương hiệu bánh tráng An Ngãi, mở rộng thị trường.

“Các hộ làm bánh tráng ở An Ngãi chủ yếu cần các trang thiết bị. Vừa rồi Chi cục phát triển nông thôn phối hợp với huyện hỗ trợ bà con chuyển giao công nghệ sản xuất, từ lò truyền thống tráng bánh bằng củi, bằng trấu sang lò điện. Các hộ làm bánh cũng được hỗ trợ cối xay bằng điện, hệ thống liếp phơi bánh…”, bà Oanh thông tin.

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi tuy vẫn chưa được công nhận là điểm đến du lịch, nhưng nhiều năm qua đã thu hút khá đông khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm và thử tráng bánh. Sắp tới, Sở sẽ hướng dẫn các huyện, thị, thành phố thống kê các làng nghề truyền thống của địa phương, trong đó có nghề bánh tráng ở An Ngãi để hướng dẫn hoàn thiện thủ tục công nhận là điểm đến du lịch.

Được biết, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang dự kiến thành lập HTX sản xuất bánh tráng, tổ chức lại khâu thu mua để ổn định giá, tránh thiệt thòi cho bà con. Đồng thời hỗ trợ vốn để các hộ làm nghề cải tiến trang thiết bị như mua máy xay bột, cải tạo sân phơi, cung cấp nguồn nước sạch đảm bảo đủ điều kiện sản xuất bánh tráng, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu.

Theo VOV