Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bí quyết để Ca cao Việt lên ngôi

13:34 24/02/2021 GMT+7

Thành công nhờ chuyển đổi từ cây cà phê kém hiệu quả sang trồng cây ca cao tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Ngô Văn Thành còn mở rộng liên kết bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ nông dân tại địa phương. Từ đó cây ca cao đã trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Thành Đạt giới thiệu với khách tham quan về cây ca cao tại xã Xà Bang huyện Châu Đức.

“Vượt mặt” cà phê, cây ca cao chiếm vùng canh tác

Khởi nghiệp từ một vườn ca cao chưa đến 1ha, được ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ sản xuất ca cao Thành Đạt chuyển đổi loại cây trồng này thành công trên vườn cà phê già cỗi kém hiệu quả, cùng với sự trợ giúp từ các chuyên gia của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.

Từ thành công đó, ông Thành còn chia sẻ cho bà con nông dân về cây ca cao và hỗ trợ cây giống cho bà con và trồng xen canh trên những vườn cà phê. Ba năm sau, cây cho thu hoạch, ông Thành dẫn các chuyên gia về phân tích chất lượng, kết quả cho thấy cây phát triển tốt, sản phẩm hạt ca cao đứng trong TOP đầu trên thế giới, nên mô hình ngày càng được nhân rộng.

Sản lượng ca cao do ông triển khai liên kết mỗi ngày một tăng cao, ông tiếp tục nghiên cứu để chế biến trực tiếp các sản phẩm từ ca cao. Năm 2017 là dấu mốc cho sản phẩm ca cao của ông được xuất ngoại, ngoài 300 tấn ca cao xuất thô, các sản phẩm được chế biến từ ca cao như chocolate, sữa, bột, trà ca cao của Công ty Thành Đạt đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước được chào đón.

Ông Thành cho biết: Ca cao Bà Rịa – Vũng Tàu có chất lượng hàng đầu thế giới, với hương vị đặc trưng. Đây không phải là nhận xét chủ quan của người trồng ca cao mà là của các trung tâm sản xuất ca cao lớn trên thế giới. Bằng việc phân tích mẫu, từ lợi thế này chúng tôi quyết định đầu tư sản xuất ca cao thành phẩm và các sản phẩm chocolate truyền thống. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và nhất là Sở Khoa học và Công nghệ, chúng tôi đã tham gia nhiều khóa đào tạo chuyên sâu về cách trồng, chăm sóc và lên men hạt ca cao sau thu hoạch. Tiếp theo là đầu tư dây chuyền chế biến.

“Từ trước đến nay, công nghệ chế biến ca cao và kẹo chocolate đều do các tập đoàn lớn trên thế giới kiểm soát. Bởi đây là sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao, yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu không có sự trợ giúp của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, chắc chắn chúng tôi không thể làm chủ được kỹ thuật trong việc chế biến ca cao, chocolate. Hiện mỗi ngày, công ty chúng tôi chế biến khoảng 500kg hạt ca cao. Sản phẩm không chỉ bán trong nước mà còn xuất sang các nước vốn là “thủ phủ” của ca cao, chocolate, như: Hà Lan, Pháp, Nga…”, ông Thành chia sẻ.

Sản phẩm từ Ca cao được sản xuất tại Công ty TNHH ca cao Thành Đạt.

Ca cao Việt lọt vào thị trường khó tính

Với tiêu chí “nông sản sạch”, thời gian qua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất ca cao Thành Đạt đã đầu tư liên kết với bà con nông dân và hướng dẫn cho họ cách trồng và chăm sóc ca cao theo phương pháp hữu cơ. Đồng thời kiểm tra chặt chẽ về quy trình sản xuất trong suốt quá trình chăm sóc cây, ra hoa, kết trái cho đến khi thu hoạch. Sau khu hoạch, khâu lựa quả, tách vỏ cho đến lên men, phơi, rang hạt…, để cho ra sản phẩm ca cao hữu cơ đạt chuẩn nhất.

Nhờ vậy, năm 2018 sản phẩm ca cao organic 92% của Công ty Thành Đạt đã đạt giải Bạc tại cuộc thi Chocolate khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đã được nhiều đối tác nước ngoài chú ý tới, trong đó có đối tác đến từ Nhật Bản.
Sản phẩm ca cao “made in Bà Rịa – Vũng Tàu” đã đạt 410 tiêu chí của Nhật Bản và toàn bộ đều không dùng thuốc trừ sâu, lá, bã quả ca cao đều được tận dụng để làm phân bón cho cây trồng và làm thức ăn cho hộ nuôi dê. Trong thời gian tới, sẽ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất một cách đồng bộ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân.

Năm 2019, Công ty cũng đã có những tấn hạt ca cao đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Cuối năm 2020 vừa qua, những sản phẩm chocolate organic đầu tiên của Bà Rịa – Vũng Tàu lại tiếp tục được xuất khẩu vào thị trường đầy khó tính này, đó là minh chứng rõ ràng cho việc liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp từ khâu trồng đến khâu tiêu thụ để cho ra những sản phẩm tốt, an toàn, người dân có đầu ra ổn định, sản xuất đảm bảo cho người tiêu dùng.

“Hiện nay, Công ty chỉ đủ xuất khẩu mỗi năm khoảng 400 tấn hạt ca cao; trong khi đó, nhu cầu xuất khẩu thị trường Nhật Bản, châu Á… rất lớn, khoảng 1.000 tấn hạt ca cao/năm. Trong năm 2021, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng vùng trồng ca cao, đồng thời tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu nguyên liệu chocolate sang thị trường châu Âu, Hà Lan và Mỹ”, ông Thành thông tin thêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Linh – Chủ tịch HND huyện Châu Đức cho biết: Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, cây ca cao được trồng chủ yếu ở huyện Châu Đức với diện tích khoảng 650ha. Hiện trên địa bàn xã Xà Bang, huyện Châu Đức có 125 hộ nông dân trồng khoảng 80ha diện tích ca cao.

“Mới đây, phía Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất ca cao Thành Đạt và Hội ND huyện đã thống nhất thành lập Chi Hội nghề nghiệp cây ca cao tại xã Xà Bang để liên kết sản xuất, có 15 thành viên với 14ha, trong đó có 4ha đạt chuẩn organic, đây là một mô hình thí điểm đối với cây ca cao. Trong thời gian tới, Hội ND sẽ là cầu nối để tiếp tục nhân rộng trên địa bàn, và cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà trong Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, xác định đây là một trong những cây chiến lược cần tập trung ưu tiên phát triển” ông Linh khẳng định.

“Hiện nay, Công ty chỉ đủ xuất khẩu mỗi năm khoảng 400 tấn hạt ca cao; trong khi đó, nhu cầu xuất khẩu thị trường Nhật Bản, châu Á… rất lớn, khoảng 1.000 tấn hạt ca cao/năm. Trong năm 2021, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng vùng trồng ca cao, đồng thời tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu nguyên liệu chocolate sang thị trường châu Âu, Hà Lan và Mỹ”, ông Trịnh Văn Thành.

Hoàng Tuấn