Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bỏ dược sĩ, đam mê làm nông nghiệp sạch

14:59 22/10/2019 GMT+7

Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Tương Lai, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) dù tốt nghiệp chuyên ngành dược sĩ nhưng không làm đúng chuyên ngành được đào tạo mà nhiều năm qua bà chuyển sang làm nghề nuôi cá giống, chế biến cá sạch, lập hợp tác xã, quy tụ được nhiều nông dân vào cùng làm với mình.

Bà Nguyễn Thị Ánh Lan tại mô hình sản xuất của HTX. Ảnh: Vân Nguyễn

Đam mê làm nông nghiệp sạch

Mong muốn lớn nhất của bà nhiều năm nay vẫn chưa thực hiện được là thành lập một trung tâm giao dịch làm cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Nhiệm vụ của trung tâm này là nắm bắt nhu cầu thị trường để định hướng cho các nhà sản xuất về loại sản phẩm, số lượng… một cách tương đối chính xác. Trung tâm này cũng là nơi kiểm soát chất lượng sản phẩm, nơi mà người tiêu dùng có thể tin tưởng rằng đó là đầu mối cung cấp sản phẩm sạch.

Theo bà Lan, nền nông nghiệp Việt Nam với điều kiện thuận lợi là nhiều sông suối ao hồ, có dư tiềm năng nuôi trồng thủy hải sản. Từ đó, tháng 11/2007, bà cùng nhiều người tâm huyết góp vốn thành lập ra HTX Thủy sản Tương lai, đến nay HTX đã hoạt động ổn định trên diện tích 25.000m2, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Lợi nhuận của HTX sau khi trừ chi phí thì hiện đạt trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

Sau gần 12 năm xây dựng và phát triển, dù sản phẩm so với thị trường chưa là bao nhiêu nhưng HTX Tương Lai đã chế biến cung cấp cho thị trường ổn định mỗi năm khoảng 450 tấn cá tươi sạch, đạt doanh thu khoảng 12 tỷ đồng/năm. Bà Lan cho biết, bà mê làm nông nghiệp và luôn mong sao nền nông nghiệp nước nhà phát triển, làm ăn lớn, mà muốn vậy thì nông dân phải hợp sức cùng làm, theo mô hình HTX, cung cấp cho thị trường các sản phẩm tốt, chất lượng cao.

HTX Tương Lai của bà Lan nuôi trồng chế biến thủy hải sản theo chuỗi khép kín như sau: Cá giống được ươm tại chỗ gồm các loại cá sặc tươi, cá lóc tươi, khô cá sặc, cá sặc một nắng, khô cá lóc. Nuôi lớn thành cá thương phẩm, thu hoạch, sấy khô bằng máy sấy khô trong nhà kín không có ruồi, không có bụi sau đó đặt trong khay xốp, đóng gói trong bao PE hút chân không. Do vậy nên cá khô của HTX Tương Lai sạch, có mùi thơm đặc trưng, thịt dai, ngọt và đã đạt chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sản phẩm và bao bì đều có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, có mã truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với chất lượng cao.

Theo Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh, HTX Thủy sản Tương Lai là đơn vị tiên phong, gương mẫu trong phong trào nông dân tích cực tham gia sản xuất và làm giàu.

Mô hình nuôi cá đạt chuẩn VietGAP của HTX. Ảnh: Vân Nguyễn.

Luôn cháy bỏng khát vọng liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn

Gặp lại bà Nguyễn Thị Ánh Lan tại “Phiên chợ xanh – Tử tế” huyện Hóc Môn – một mô hình nông nghiệp xanh của TP. Hồ Chí Minh – là nơi mà ngày cuối tuần bà con nông dân tự mang những sản phẩm xanh thân thiện với môi trường, không qua trung gian ra chợ bán. Bà Lan cho hay “Nhờ nguồn nước kênh Đông không ô nhiễm nên cá nước ngọt nuôi ở huyện Củ Chi rất ngon, và sạch.

Giai đoạn mới thành lập, các xã viên phải mua cá bột về nuôi nhưng do cá ngoài thị trường không đảm bảo, cá phát triển chậm, năng suất không cao nên HTX  đã nghiên cứu để nuôi cá giống, vừa chủ động về chất lượng con giống để nuôi cá thương phẩm cho HTX, vừa bán cá giống tốt cho các hộ nuôi khác.

Bà cho biết, từ khi tham gia các phiên chợ xanh, sản phẩm của HTX càng được nhiều người biết đến và hiện đã có mặt ở khắp các siêu thị, cửa hàng. “Chúng tôi còn lập hẳn website để giới thiệu và bán hàng, giá cả phải chăng nhằm thuận lợi hơn cho người bán, người mua”, bà nói.

Bà Lan tâm sự: Liên kết tiêu thụ nông sản an toàn là vấn đề khó, rất nhiều chuyên gia, nông dân… đã thảo luận, tìm giải pháp phát triển, xây dựng mô hình tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ. Dù hiện nay sản phẩm của HTX của tôi và nhiều HTX khác đã vào được hệ thống siêu thị lớn của TP. Hồ Chí Minh nhưng nhìn chung vẫn là các đơn vị có quy mô nhỏ, sản lượng cũng chỉ vài trăm tấn mỗi tháng nên vẫn chưa đủ sức tham gia các kênh phân phối lớn, khó tự xuất khẩu, vẫn phần nào lệ thuộc vào thương lái. Sản phẩm của nông dân cá thể thì tiêu thụ càng khó hơn, phải bán qua thương lái…

Bà Lan mong sản phẩm sạch và đúng chuẩn VietGAP của người dân và HTX làm ra không bị tiểu thương ép giá, được một hệ thống thu mua chuyên nghiệp, được các siêu thị, trường học, bếp ăn tập thể, hoặc các đơn vị bán lẻ…thu mua thì không chỉ giúp đầu ra nông sản ổn định, mà còn giúp người tiêu dùng mua được sản phẩn an toàn chất lượng cao, đúng giá trị. Ngoài ra, ngành chức năng dễ quản lý, truy xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn sạch…

Vân Nguyễn