Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bỏ phiếu thế nào là đúng quy định của pháp luật

13:19 18/05/2021 GMT+7

Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, Tạp chí Nông thôn mới tiếp tục trích đăng một số câu hỏi của bạn đọc và giải đáp của Luật sư Lâm Thị Trâm Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) liên quan đến việc thực hiện quy định về bầu cử; vận động bầu cử…

Luật sư Lâm Thị Trâm Anh.

Trên cơ sở câu trả lời, cử tri thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của mình trong việc bầu cử và góp phần giám sát để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành công tốt đẹp.

Bạn đọc Hà Văn Thái (Hòa Bình): Trường hợp nào không được ghi tên vào danh sách cử tri?

Trả lời: Khoản 1, Điều 30 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định về những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri như sau:

“Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.”

Bạn đọc Nguyễn Thanh Trà (Bình Thuận): Việc bỏ phiếu phải thực hiện thế nào để đúng quy định của pháp luật?

Trả lời: Việc bỏ phiếu phải thực hiện đúng nguyên tắc bỏ phiếu được quy định tại Điều 69, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Đó là:

– Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND.

– Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.

– Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

– Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

– Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.

– Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.

– Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.

– Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.

Ảnh minh họa.

Bạn đọc Lê Thị Na (Bạc Liêu): Phiếu bầu như thế nào thì bị coi là không hợp lệ?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1, Điều 74 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 thì những phiếu bầu sau đây là phiếu bầu không hợp lệ:

– Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra;

– Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử;

– Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử;

– Phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử;

– Phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.

* Trường hợp có phiếu bầu được cho là không hợp lệ thì Tổ trường Tổ bầu cử đưa ra để toàn Tổ xem xét, quyết định. Tổ bầu cử không được gạch xóa hoặc sửa các tên ghi trên phiếu bầu.

Bạn đọc Trần Văn Sơn (Hà Tĩnh): Vận động bầu cử phải thực hiện nguyên tắc nào? Người ứng cử được sử dụng các hình thức vận động bầu cử nào?

Trả lời: Nguyên tắc vận động bầu cử và các hình thức vận động bầu cử được quy định tại Điều 63, Điều 65 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Theo đó:

– Việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

+ Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

+ Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó.

+ Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử

– Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức sau đây:

+ Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử

+ Thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

Bạn đọc Hoàng Loan (Quảng Bình): Trong vận động bầu cử, những hành vi nào bị cấm ?

Trả lời: Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử được quy định tại Điều 68 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Cụ thể, những hành vi sau đây bị cấm trong vận động bầu cử :

– Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.

– Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.

– Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.

– Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.”

Bên cạnh đó, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử không được vận động bầu cử cho những người ứng cử. Thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử nói trên không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vận động bầu cử cho những người ứng cử nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng đối với những người ứng cử.

Lê Chiên (ghi)