Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bộ trưởng VHTT&DL chỉ ra 4 điểm nghẽn của ngành du lịch

22:00 06/06/2019 GMT+7
“Hôm qua, đại biểu hỏi du lịch có phải ngôi sao cô đơn? Câu trả lời là không. Du lịch muốn phát triển phải nhờ sự phối hợp của toàn xã hội”, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho hay. Sáng 6/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh

“Hôm qua, đại biểu hỏi du lịch có phải ngôi sao cô đơn? Câu trả lời là không. Du lịch muốn phát triển phải nhờ sự phối hợp của toàn xã hội”, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho hay.

Sáng 6/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực cuối cùng thuộc nhóm vấn đề về văn hóa, thể thao và du lịch.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã bổ sung làm rõ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi, trong đó có vấn đề về quản lý và phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều điểm nghẽn khiến ngành du lịch khó “cất cánh”.

Sản phẩm du lịch Việt Nam phải đa dạng, phong phú hơn để thu hút khách du lịch (Nguồn: Internet)

Trước ý kiến của đại biểu cho rằng, sản phẩm du lịch hiện nghèo nàn nên khó thu hút du khách, lượng khách quốc tế quay lại Việt Nam thấp…, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết Việt Nam có 4 dòng sản phẩm du lịch, gồm du lịch biển, nghỉ dưỡng; du lịch văn hoá, du lịch sinh thái và du lịch đô thị.

“Đúng là sản phẩm du lịch Việt Nam phải đa dạng, phong phú hơn”, ông nói.

Về sản phẩm du lịch của tương lai, ông Thiện dự báo, sẽ là sản phẩm du lịch thể thao. Dự kiến năm 2020, Việt Nam sẽ có giải đua F1, cùng với việc đăng cai một số giải thể thao tầm khu vực tạo thành dòng sản phẩm mới thu hút du khách quốc tế và trong nước.

Ông Thiện cho rằng việc đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó phát triển sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao sẽ là một trong giải pháp để du khách quay lại Việt Nam nhiều hơn.

Từ đó, Bộ trưởng đã chỉ ra 4 điểm nghẽn cần nhanh chóng “khơi thông” của ngành du lịch bao gồm, hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch, trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến tình trạng quá tải tại các sân bay. “Nhiều sân bay không có đủ chỗ đỗ máy bay, làm thủ tục rất lâu”, ông Thiện nói.

Điểm nghẽn nữa là vấn đề thị thực. Trong khi nhiều nước trong khu vực ASEAN đã miễn visa cho khoảng 160 nước thì Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 nước. Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng khá cao tiềm năng đầu vào để phát triển du lịch ở Việt Nam, song mức độ yêu cầu về thị thực nhập cảnh chỉ đứng thứ 116 trên tổng số 136 quốc gia được đánh giá.

Vấn đề xúc tiến quảng bá du lịch cũng là một điểm nghẽn khi mỗi năm Việt Nam chỉ đầu tư khoảng 2 triệu USD kinh phí, trong khi Thái Lan, Indonesia chi khoảng gần 100 triệu USD. Việt Nam gần như không có văn phòng đại diện ở nước ngoài để xúc tiến quảng bá du lịch, chủ yếu dựa vào các Đại sứ quán, trong khi Thái Lan có 28 văn phòng.

Theo ông Thiện, nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch của Việt Nam cũng thiếu. Hiện, để quản lý khách sạn 4-5 sao phải thuê người nước ngoài. Chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch cũng chưa cao.

“Hôm qua, đại biểu hỏi du lịch có phải ngôi sao cô đơn? Câu trả lời là không. Du lịch muốn phát triển phải nhờ sự phối hợp của toàn xã hội”, ông Thiện nói và cho biết, hiện Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu đã và đang nỗ lực tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, kỳ vọng sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, hiện cả nước chia thành 7 vùng du lịch, trên cơ sở này các tỉnh, thành phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, “đúng là liên kết các vùng du lịch, nhất là liên kết về hạ tầng, sản phẩm du lịch hiện còn yếu, hạn chế”, ông Thiện thừa nhận.

Khắc phục hạn chế này, ông Thiện cho rằng, không còn cách nào khác là chính quyền địa phương phải nhận thức và làm tốt hơn trong liên kết về du lịch. Chẳng hạn, du khách tới khu vực miền Trung thì 3 địa phương là Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Quảng Trị… phải liên kết chặt chẽ để phát triển các sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn.

Chia sẻ thêm về việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài để thu hút du lịch, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, hiện nay Việt Nam có 96 cơ quan đại diện ở nước ngoài, ngoài những nhiệm vụ chính trị, kinh tế cũng có nhiệm vụ quảng bá về du lịch.

Thời gian qua, Việt Nam tổ chức nhiều ngày văn hoá Việt Nam tại nước ngoài, nhằm quảng bá di sản văn hoá dân tộc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. “Thời gian tới sẽ tiếp tục trình hồ sơ để UNESCO công nhận di sản văn hoá vật thể và phi vật thể Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói và thông tin thêm, Việt Nam có 38 loại hình danh hiệu được UNESCO công nhận, là một trong những nước có nhiều di sản văn hoá được cơ quan này công nhận nhất.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ cũng đã tổ chức giao lưu cho các nghệ sỹ, danh nhân giao lưu trong khối Asean, quảng bá văn hoá, ẩm thực cũng như văn hoá khác của Việt Nam qua các hội nghị quốc tế.

Thanh Hoa