Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cà Mau: Nghề tôm lao đao vì đại dịch Covid-19

11:12 17/04/2020 GMT+7

Đã nhiều năm, con tôm Cà Mau đã là một thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, kể cả khó tính như thị trường Mỹ với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm hàng tỷ USD. Thế nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, hiện nghề này đang phải  chịu cảnh người nuôi bị ép giá, doanh nghiệp không tiền thu mua nguyên liệu.

Bên trong một nhà máy chế biến thủy hải sản Cà Mau, đến hết quí I/2020 Cà Mau mới đạt 145.61 triệu USD. Giảm 17,7% so cùng kỳ.

Người nuôi điêu đứng

Tỉnh Cà Mau có khoảng 150.000 hộ  dân sống bằng nghề nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, chiếm  tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu sản xuất và kinh tế của tỉnh. Nhiều năm qua, Cà Mau luôn nằm trong top đứng đầu về sản lượng tôm và được xem là một trong những vựa tôm lớn nhất cả nước. Hiện nay, do ảnh hưởng của Covid -19, người nuôi tôm đang đứng trước nguy cơ trắng tay do giá tôm biến động liên tục.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh cho biết, các thương lái thu mua trong dân tung tin đồn nhằm làm nhiễu loạn giá, thậm chí kéo giá xuống thấp, làm cho người nuôi hoang mang. Việc loạn giá theo chiều hướng đi xuống đã đẩy người nông dân lâm vào thế “bỏ thì thương, vương thì tội”, bán cũng không xong, để lại cũng chẳng yên lòng. Họ đối mặt trong tình thế: Nuôi hoặc không nuôi, bán hay không bán vì giá tôm nhảy múa liên tục.

Lão nông Châu Trung Trực, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi cho hay, chưa từng chứng kiến người nuôi tôm phải lao đao đến như vậy. Giá tôm tuột giảm mạnh không đoán được thời điểm dừng. Nhà ông có 1 ao khoảng 2.200m2 nuôi tôm siêu thâm canh. 6 vụ đầu, hầu như gia đình ông đều thu lãi, cùng kỳ năm ngoái lời đến hơn 1 tỷ đồng. Nhưng  hiện tại ông buộc bán ra khi tôm chỉ mới đạt 100 con/kg. Giảm 50% sản lượng và lỗ  300 triệu đồng.

Mô hình nuôi tôm quản canh kỹ thuật cao ở Cà Mau cho năng suất cao, tuy nhiên, hiện giá tôm đang xuống thấp khiến nhiều người dân thu hoạch sớm, chịu lỗ.

Anh Ngô Thành Cư, ấp Voi Vàm, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển chia sẻ: “Nếu giá tôm như mọi năm thì thời điểm này thu hoạch đã có lời, giờ coi như chưa đủ vốn, tổn thất người nông dân dữ lắm”. Nuôi tôm giờ nhiều rủi ro, đa phần sổ đỏ của người nuôi đều ở ngân hàng. Dịch bệnh trên tôm vừa ổn định không được bao lâu, thì tới dịch bệnh trên người, cái khó cứ chồng chất mà nông dân bao giờ cũng chịu phần thiệt về mình” – anh lo lắng.

Ông Đặng Quốc Sử, ấp Tân Phong A, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi, thì cho biết, ông rất lo khi quyết định lên sớm cho 2 ao nuôi tôm của “Hiện tôm đạt từ 35-40 con/kg, ước tính lên 2 ao khoảng 10 tấn, giá hiện tại 120.000 đồng/kg đối với tôm thẻ 40 con/kg, coi như mất 300 triệu đồng, không còn lợi nhuận thậm chí lỗ. Vì nếu để chờ giá tăng, mỗi ngày phải tốn chi phí tiền thức ăn, thuốc, điện mất khoảng 15 triệu đồng/ngày. Nhưng không biết khi nào giá tăng lại.

Doanh nghiệp liêu xiêu

Với 68 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, trong đó 29 DN có 39 nhà máy chế biến thuỷ hải sản tổng công suất 185.000 tấn/năm, các doanh nghiệp liên quan chế biến thủy hải sản ở Cà Mau thu hút trên 20.000 lao động. Trên thực tế, thị trường xuất khẩu chính của các DN Cà Mau là châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, đang bị dịch Covid -19 hoành hành, việc nhập khẩu hàng hóa từ các hợp đồng đã ký trước đều phải dừng lại. Khi mới bùng phát, Trung Quốc đã sớm đóng cửa biên giới khiến nhiều công ty xuất khẩu thủy sản có thị trường chính là Trung Quốc không xuất hàng được. Mặc dù Chính phủ đã có những chủ trương tháo gỡ, thế nhưng vẫn  còn nhiều thủ tục rườm rà, chậm triển khai đã đẩy doanh nghiệp lâm vào khó khăn nghiêm trọng.

Thu hoạch tôm nuôi sinh thái tại huyện Năm Căn (Cà Mau).

Hiện các gói giải cứu vẫn chưa tới tay DN. Đến nay, vẫn chưa có ngân hàng nào giảm lãi suất cho vay đối với các DN. Họ lo lắng, không biết gói hỗ trợ 285.000 tỷ đồng khi nào mới được tiếp cận theo chỉ đạo của Chính phủ. Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Cty Anh Khoa thông tin: “Trước khi dịch bệnh xảy ra, quý I/2019 kim ngạch xuất sang thị trường Trung Quốc khoảng 10 triệu USD, nhưng quý này chỉ bán được 450.000 USD. Lượng hàng tồn kho gồm 400 tấn tôm sú trị giá 150 tỷ đã khiến công ty không thể tìm được nguồn vốn thu mua tôm trong dân, góp phần kích tăng giá tôm gỡ khó cho nông dân” .

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Camimex Group thông tin: “Trước chỉ có thị trường Trung Quốc, giờ lan rộng cả thị trường châu Âu, đây là những thị trường quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến DN. Nhưng khó khăn nhất bây giờ là Ngân hàng Nhà nước triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 về khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi, giãn lãi…rất tốt cho DN nói chung. Nhưng chưa đúng nhu cầu thực sự cần của DN chế biến thủy sản. Điều các DN hiện nay cần đó là đồng vốn mới để khôi phục sản xuất, thu mua nguyên liệu thủy sản. Nếu không có vốn thu mua, dân sẽ treo đầm, khi hết dịch sẽ không có hàng để cung ứng.

Đồng tình các ý kiến trên, ông Ngô Minh Hiển, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Năm Căn  cho rằng: “DN hiện cũng đang trong tình trạng hết sức khó khăn. Trong 2-3 tháng liên tục, xuất khẩu giảm 20% so với cùng kỳ. Các đơn hàng cũng giảm 50% so với bình thường. Hàng đang sản xuất thì khách hàng kêu tạm ngưng lại, hàng đã đóng thùng xong thì kêu ngưng xuất, hàng trên đường đi thì thương lượng giảm giá. Một số thị trường đã đóng cửa, nguy cơ dịch bệnh kéo dài sẽ khiến nhiều DN phải ngưng hoạt động”.

Trung ương quyết liệt, địa phương còn chậm    

Cơ quan chức năng dự báo, đến quý 2/2020, Covid -19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến doanh nghiệp  càng khó khăn hơn về thị trường xuất khẩu, kho lưu trữ hàng hóa, nguồn vốn, lao động, vốn thu mua tôm… ảnh hưởng rất lớn việc sản xuất của các hộ nuôi tôm. Do đó, những chính sách hỗ trợ của nhà nước đang được triển khai đi vào thực hiện. Thông qua cơ hội này lóe lên nhiều hy vọng  giải bài toán khó khăn của ngành Tôm Cà Mau. Tại nhiều cuộc họp trực tuyến toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các địa phương bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN và những đối tượng chịu ảnh hưởng, tác động lớn từ dịch bệnh. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 12/3/2020 hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho tất cả các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với gói tín dụng 285.000 tỷ. Theo đó, các tổ chức tín dụng đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52 ngàn khách hàng với dư nợ gần 18.000 tỷ đồng; đã thực hiện miễn giảm lãi cho 6.427 khách hàng với dư nợ trên 125 ngàn tỷ đồng, số lãi được miễn giảm khoảng 300 tỷ đồng. Hiện đã cho vay mới trên 354 ngàn khách hàng với doanh số cho vay đạt 165 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên dư nợ nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ 16 ngàn tỷ đồng.

Tôm rớt giá thê thảm, người nuôi tôm huyện Đầm Dơi đang cố bán “bán tống, bán tháo” tôm trên ao đầm của mình với giá thấp chưa từng có.

Ngoài ra, Bộ Tài Chính, đã đề xuất thực hiện gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với tổng mức gần 200 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đối với Bộ Công Thương, giảm giá điện và giảm tiền điện từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Về phía tỉnh, các hội sở ngân hàng phản ứng khá nhanh so với tình hình chung cả nước. Chủ trương đã có nhưng việc cụ thể hóa chính sách còn chậm. Các hội sở ngân hàng cần có yêu cầu khẩn trương ban hành quy chế nội bộ từng hệ thống ngân hàng, chỉ đạo các chi nhánh sát cánh với DN để giải quyết đúng cái khó của DN.

Ông giả định, nếu trong một tháng nữa dịch bệnh vẫn diễn ra, vẫn chưa triển khai hỗ trợ cho DN, khi đó các DN không còn đủ năng lực duy trì sản xuất, khi đó sẽ có hơn 20.000 công nhân trong các nhà máy, 150.000 hộ dân sản xuất tôm, làm nghề tôm, thủy sản sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chuỗi cung ứng nông dân – DN-ngân hàng đều sẽ bị ảnh hưởng chung.

Đưa ra giải pháp tình thế ông Sử nhấn mạnh: “DN có tồn tại được hay không là liên quan đến nông dân, nếu nông dân dừng sản xuất, DN sẽ thiếu nguyên liệu, không thể sản xuất. Do vậy, để duy trì sản xuất một cách ổn định, có hiệu quả của nông dân thì trước tình thế này, DN phải lên tiếng, minh bạch thông tin thu mua để người nông dân nắm bắt, tránh tình trạng để thương lái thu mua với giá lung tung, làm hại đến lợi nhuận kinh tế của người dân. Đồng thời,  DN cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin, năng lực chế biến đối với ngân hàng để tạo đủ niềm tin cùng nhau gỡ khó trong điều kiện dịch bệnh này”.

Ông Trần Quốc Khởi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Cà Mau thông tin: “Theo Thông tư 01, hệ thống ngân hàng đang triển khai hỗ trợ trên 3 nội dung: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hỗ trợ miễn, giảm lãi, phí và hỗ trợ giữ nguyên nhóm nợ đối với các DN thủy sản đang gặp khó khăn. Trong đó, giảm, miễn lãi từ 0,5-1%. Tuy nhiên, hiện tiêu chí cho vay ưu đãi thì chưa được phổ biến, chưa có những hướng dẫn cụ thể”.

Về phía Sở NN&PTNT tỉnh, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc cho rằng: Sở đã kiến nghị Tổng cục Thủy sản có cơ chế đặc biệt với ngành hàng tôm, đề xuất gói hỗ trợ, thậm chí không lãi suất để DN thu mua dự trữ tôm.Với tình hình này, nếu không giải quyết kịp thời vấn đề này ngành tôm coi như ách tắt.

Kim ngạch xuất khẩu (chủ yếu từ con tôm) của Cà Mau trong quí I/2020 chỉ mới đạt 145,61 triệu USD, bằng 12,1% kế hoạch, giảm 17,7% so cùng kỳ (quý I/2019 đạt 178 triệu USD, bằng 14,8% kế hoạch, giảm 2,2% so cùng kỳ ). Với xu hướng trên, Cà Mau khó duy trì mức 1,2 tỷ USD như năm 2019.

Theo Sở NN&PTNT hiện giá tôm giảm sâu, đối với tôm sú size 20 con/kg giảm 150.000/kg, với size 30 con/kg, giảm 80.000 đồng/kg, size 40 con/kg giảm 70.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng 100 con/kg giảm 15.000 đồng, 100 con/kg với thẻ ao đất giảm 22.000 đồng. Mặc dù hiện tại xuất khẩu sang Trung Quốc được thông quan, phục hồi dần, nhưng chưa nhiều, người dân sản xuất vẫn còn rất khó.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT  khuyến cáo: “Dịch bệnh đang biến động hết sức phức tạp, một số hộ nuôi tôm chưa tới nước thu hoạch hết sức bình tĩnh để theo dõi tình hình chọn những đại lý, thương lái có giá sát thị trường. Nếu chưa tới thời gian thu hoạch cũng không nên nóng vội bán, có điều kiện nuôi mật độ thưa ra. Khi có giá tốt nên bán. Đối với những hộ thu hoạch rồi, chuẩn bị thu hoạch nên cân nhắc trước khi thả, đặc biệt đối với tôm thâm canh và siêu thâm canh có thể tạm thời chuyển sang các đối tượng khác có giá trị kinh tế để duy trì hoạt động sản xuất và thu nhập”.

Bài, ảnh: Hoàng Quân