Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Các thực phẩm tốt cho người bệnh sốt xuất huyết

Thanh Thúy - 13:48 01/11/2022 GMT+7
Theo bác sĩ Võ Trang, khoa Tiêu hóa Bệnh viện Tràng An, người bệnh sốt xuất huyết cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, ưu tiên các thực phẩm giúp tăng tiểu cầu.
Quả lựu chứa một lượng vitamin C và các chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng tiểu cầu.

Chế độ dinh dưỡng đúng với người bệnh sốt xuất huyết rất quan trọng trong việc nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch, làm giảm nguy cơ bị bệnh nặng, giúp người bệnh sớm hồi phục.

Dưới đây là những loại thực phẩm giúp tăng tiểu cầu người bệnh nên dùng:

1. Một số loại hoa quả tăng tiểu cầu tự nhiên

Quả chà là: Chà là là một trong những loại hoa quả có tác dụng cải thiện tình trạng giảm số lượng tiểu cầu trong máu. Trong thành phần của loại quả này chứa nhiều chất sắt và một số chất dinh dưỡng cần thiết khác giúp tăng tiểu cầu tự nhiên.

Quả mơ: Thành phần của quả mơ chứa nhiều chất sắt có tác dụng làm tăng số lượng tiểu cầu trong cơ thể. Nếu không mắc bệnh dạ dày, người bệnh có thể ăn một lượng quả mơ tương đương với một bát ăn cơm, số lượng 2 lần/ngày.

Quả lựu: Đây là loại trái cây giàu hàm lượng flavonoid polyphenols – có tác dụng chống vi trùng. Đồng thời trong thành phần của quả lựu cũng chứa một lượng vitamin C và các chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ miễn dịch để chống lại virus và nâng cao lượng tiểu cầu trong máu.

Kiwi: Quả kiwi chứa nhiều vitamin tốt cho hệ miễn dịch. Thành phần của kiwi cũng chứa nhiều vitamin C, vitamin E, vitamin K, folate và kali có tác dụng tốt cho hệ miễn dịch, tăng lượng tiểu cầu và chất điện giải trong cơ thể.

Đu đủ: Quả đu đủ chứa nhiều thành phần có lợi làm tăng số lượng tiểu cầu như folate, papain, chymopapain, kali, vitamin C và chất xơ. Đu đủ còn có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch. Một lượng vừa đủ hàng ngày từ 2-3 miếng có tác dụng cải thiện lượng tiểu cầu của cơ thể.

Ổi: Ổi cũng là một loại trái cây giàu vitamin C, có tác dụng làm tăng cường hệ thống miễn dịch và tăng số lượng tiểu cầu.

2. Thực phẩm giàu vitamin C

Súp lơ xanh có chứa nhiều vitamin C giúp tăng tiểu cầu.

Một lượng vitamin C từ 400- 200omg hằng ngày có thể giúp tăng lượng tiểu cầu trong cơ thể. Loại vitamin này có tính chất chống oxy hóa. Vitamin C có nhiều trong các loại rau quả như: cam quýt, rau bina và súp lơ xanh.

3. Thực phẩm giàu folate

Nên tuân theo một chế độ ăn uống giàu folate để tăng lượng tiểu cầu trong cơ thể. Folate rất cần thiết trong sự gia tăng phân chia tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Các loại thực phẩm tiêu biểu như măng tây, ngũ cốc, cam và rau bina.

4. Thực phẩm giàu vitamin A

Vitamin A rất cần thiết đối với sự khỏe mạnh của các tế bào tiểu cầu, có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành protein trong cơ thể. Vitamin A giúp ích cho quá trình tăng trưởng tế bào.Tác dụng của các prrotein lành mạnh có thể giúp phân chia và tăng trưởng tế bào trong cơ thể. Các thực phẩm giàu hàm lượng viatmin A bao gồm: bí đỏ, cà rốt, khoai lang…

5. Thực phẩm giàu vitamin B12

Việc giảm số lượng tiểu cầu trong máu một phần cũng do sự thiếu hụt vitamin B12. Do đó, việc bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin B 12 vào chế độ ăn uống rất cần thiết. Một số thực phẩm tiêu biểu chứa nhiều vitamin B12 là: cá hồi, thịt bò, thịt gà, cá ngừ…

6. Thực phẩm giàu axit béo omega-3

Tiêu thụ một lượng lớn các thực phẩm giàu axit béo omega-3 giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cũng như mức tiểu cầu trong máu. Các loại thực phẩm tiêu biểu chứa nhiều axit béo omega-3 như cá, hạt óc chó, hạt lanh và rau bina.

7. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp vô hiệu hóa các gốc tự do gây hại từ đó giúp xử lý tình trạng lượng tiểu huyết cầu thấp. Các thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa như quả mâm xôi, quả nam việt quất, quả dâu tây, óc chó…

8. Thực phẩm giàu chất chống viêm

Lượng chất này có nhiều trong rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu hữu cơ… cung cấp một lượng thực phẩm giàu chất chống viêm giúp hỗ trợ sản xuất máu.

9. Hàu

Hàu chứa nhiều kẽm giúp tăng số lượng tế bào máu và tiểu cầu trong cơ thể. Đồng thời kẽm cũng có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch giúp cho các tế bào máu tăng cường bảo vệ cơ thể.

10. Ngũ cốc toàn phần

Loại thực phẩm này chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất giúp tăng số lượng tiểu cầu trong máu một cách tự nhiên.

Cá hồi chứa nhiều vitamin B12.

11. Thực phẩm giàu vitamin K

Những thực phẩm này rất cần thiết để giúp tăng sinh tế bào trong cơ thể. Đây là tác dụng rất quan trọng, đặc biệt với tiểu cầu vì thời gian tồn tại tương đối ngắn trong cơ thể - 10 ngày. Vitamin K có trong các loại thực phẩm giúp sản sinh đủ tế bào tiểu cầu đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Những thực phẩm chứa nhiều vitamin K bao gồm: gan, cải xoăn, trứng.

Chế độ dinh dưỡng cho người bị sốt xuất huyết phụ thuộc vào các giai đoạn, tình trạng bệnh và các biến chứng. Bệnh nhân sốt xuất huyết ăn thế nào để nhanh hồi phục?

1. Trong giai đoạn ủ bệnh sốt xuất huyết:

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết trung bình từ 4-7 ngày hoặc kéo dài đến 2 tuần. Nếu được chẩn đoán sớm bằng test nhanh tìm kháng nguyên NS1 trong 5 ngày đầu, người bệnh có thể tập trung ăn uống nhiều hơn bình thường các thực phẩm giàu năng lượng và các chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng để dự trữ cho giai đoạn phát bệnh, nhất là người gầy, người có nguy cơ thiếu dinh dưỡng.

2. Giai đoạn cấp tính sốt xuất huyết hay giai đoạn toàn phát:

Phần lớn người bệnh đều có sốt gây mất nước, làm tăng quá trình dị hóa, đồng thời vừa thiếu cung cấp các chất dinh dưỡng do biếng ăn và giảm ăn, dẫn đến mất cân bằng năng lượng, và mất cân bằng Nitơ kéo theo mất kali, magnesium, kẽm, phospho và lưu huỳnh qua nước tiểu tỉ lệ thuận với lượng mất nitơ.

Tình trạng hạ canxi, natri và đường huyết trong các trường hợp bệnh nặng phải cấp cứu. Nuôi ăn ngoài đường tiêu hóa khi có biến chứng nặng như xuất huyết tiêu hóa, biến chứng não không ăn được, sốc do mất dịch, thoát dịch.

3. Sốt xuất huyết Dengue không biến chứng:

Khi sốt xuất huyết không có hay chưa có biến chứng, nhưng có sốt cao kèm mất nước, điều quan trọng là cần bù nước đầy đủ. 

Chế độ ăn chủ yếu là sữa, nước đường, các loại nước ép trái cây chứa nhiều nước, vitamin và khoáng chất, vitamin C giúp tăng sức đề kháng như cam, quýt, bưởi, nước chanh, nước dừa tươi. 

Người bệnh sốt xuất huyết hạn chế ăn kiêng, nên ăn thức ăn lỏng hoặc mềm như cháo, súp để dễ nuốt và dễ tiêu hóa, giúp bổ sung thêm nước vào cơ thể. Tăng dần lượng ăn bằng súp, cháo thịt, cháo cá, phở, hủ tíu, cơm mềm với canh. Nếu không có bệnh tiểu đường cần tăng sử dụng đường fructose, sarcarose như mật ong, trái cây. Khuyến khích cho trẻ bị sốt xuất huyết ăn nhiều thức ăn chúng ưa thích. Tránh ăn các thức ăn có màu nâu, đỏ như huyết, củ dền để dễ phát hiệu sớm khi có xuất huyết tiêu hóa.

4. Sốt xuất huyết có biến chứng: 

Bệnh sốt xuất huyết có thể gây ra một số biến chứng thường gặp như:

Sốc sốt xuất huyết Dengue:

Khi sốt xuất huyết trong giai đoạn hồi sức do sốc, đường huyết của người bệnh được chú ý theo dõi chặt chẽ và điều trị bằng các dung dịch cao phân tử và glucose ưu trương qua đường tĩnh mạch. Khi bệnh nhân hết sốc, cho ăn sớm qua đường miệng với thức ăn lỏng thay thế dần nuôi ăn qua đường tĩnh mạch.

Sốt xuất huyết Dengue có xuất huyết tiêu hóa:

Bệnh nhân sẽ được cho nhịn ăn tạm thời và thay bằng nuôi ăn qua đường tĩnh mạch cho đến khi hết xuất huyết tiêu hóa. Chú ý khi sử dụng dung dịch nuôi chủ yếu là glucose 5 - 10% và acid amin 10%, khả năng cung cấp chỉ đạt khoảng 50% nhu cầu. Cần quan tâm ngăn ngừa sự quá tải dịch và chống toan chuyển hóa. Khi ổn định, tập cho người bệnh ăn lại bằng nước đường lạnh một ngày, sau đó thay dần bằng những thức ăn mềm lạnh, đơn giản với nhiều chất dinh dưỡng và theo dõi xuất huyết tái phát để xử trí kịp thời.

Sốt xuất huyết Dengue có biến chứng gan:

Nếu bệnh sốt xuất huyết có biếng chứng viêm gan, gây sưng đau vùng hạ sườn phải và tăng men gan. Cung cấp chất đạm bình thường là 1,1 - 1,3 g/kg cân nặng, giảm lipid còn dưới 15% so với tổng năng lượng. Nếu có hôn mê gan cần giảm protein còn 0,3 - 0,6 g/kg cân nặng và giảm năng lượng do lipid còn dưới 10% so với tổng năng lượng.

Sốt xuất huyết Dengue có biến chứng não (Hôn mê):

Khi sốt suất huyết biến chứng não như hôn mê, bệnh nhân sẽ được nuôi ăn qua ống thông phối hợp với đường tĩnh mạch. Cần thận trọng khi chỉ định đặt ống thông dạ dày và nếu thời gian hôn mê lâu (>7 ngày) thì phải nuôi dưỡng đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng theo lứa tuổi, khi người bệnh hồi tỉnh tập ăn sớm bằng miệng.

5. Giai đoạn hồi phục

Giai đoạn phục hồi thường vào ngày thứ 7-10 của bệnh, cần tăng năng lượng và đạm, tăng dần lượng ăn cho mỗi bữa ăn lên 10-20% hay hơn nữa và ăn bù thêm một bữa phụ mỗi ngày như sữa, cháo, sữa chua, trái cây. Vẫn nên ăn thực phẩm mềm sau 3 ngày để phòng xuất huyết tiêu hóa. 

Đặc biệt đối với trẻ em bị sốt xuất huyết, sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất, tiếp tục cho trẻ bú mẹ, chia nhỏ bữa ăn và nước uống, tránh cho ăn dồn dập. Uống nhiều nước như nước lọc, nước canh, nước rau luộc, nước ép trái cây. 

Khi xuất viện, người bệnh cần được tiếp tục theo dõi, ăn uống đầy đủ thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa, tôm cua... , chú ý phối hợp các thực phẩm chứa các chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng nêu trên; tránh lo lắng, ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ; sinh hoạt, làm việc, học tập điều độ; tập thể dục nhẹ nhàng vừa sức và tăng dần sẽ giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục./.