Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cảm xúc ngành Y, thiêng liêng và cao cả

07:01 27/02/2022 GMT+7
Thiêng liêng, cao cả… là những từ ngữ mà chúng ta vẫn dành cho những điều đẹp đẽ trong cuộc sống. Với ngành Y, tôi nghĩ nội hàm của những từ ngữ này chưa thể chất chứa hết được những hy sinh của các thầy thuốc trong đại dịch cho nhịp sống bình yên, cho phố thị xanh màu… Và dù ở thời khắc nào, màu áo blouse trắng vẫn hiện lên giản dị, chân phương nhưng vô cùng cao đẹp.

Một ngày sau tết Nhâm Dần, tôi gặp Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Minh Hoàng khi anh vừa trở về từ bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6. Thời điểm tháng 7/2021, những tòa nhà tại khu tái định cư Bình Khánh, phường An Khánh, thành phố Thủ Đức được chuyển đổi công năng thành bệnh viện dã chiến, nơi đây được xếp vào hàng quy mô lớn nhất cả nước.

Trái ngược với hình ảnh lúc cao điểm khi có trên 6.000 bệnh nhân cùng được điều trị, ngày đầu Xuân với chút nắng ấm đầu Xuân rơi trên những khoảng sân vắng lặng… Bệnh viện dã chiến số 6 đã không còn bệnh nhân từ mùa Giáng Sinh.

"Sáng mùng 8 tết Nhâm Dần là buổi giao ban cuối cùng của Bệnh viên Dã chiến số 6. Hiện tại, còn hơn 170 cán bộ, nhân viên y tế đồng hành cùng bệnh viện đến thời điểm này. Thành phố của chúng ta đã bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn phủ rộng và gìn giữ màu xanh bình yên. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân và vận hành lại bệnh viện dã chiến trong vòng 24 giờ, đủ khả năng tiếp nhận và thu dung từ 500 đến 1.000 bệnh nhân", TS.BS. Phan Minh Hoàng từ tốn và cảm xúc khi nhắc về "Ngôi nhà dã chiến số 6".

TS.BS. Phan Minh Hoàng chậm rãi kể về "ngôi nhà" đã gắn bó hơn 7 tháng sinh tử cùng trên 1.000 cán bộ, nhân viên y tế từ khắp mọi miền đất nước. Hàng chục ngàn người bệnh được chữa khỏi và trở về bên gia đình. Với bác sĩ Hoàng thì đó không phải là thành quả mà là trách nhiệm và nghĩa vụ của chiến sĩ áo trắng.

Khi dịch dần được kiểm soát bước đầu, ngay giữa giai đoạn đỉnh điểm (tức tháng 8, 9 năm 2021) mỗi người bệnh khi chia tay bệnh viện dã chiến số 6 đều mang theo mình một bức thư. Thư cảm ơn từ tập thể: "Cảm ơn vì đã để cho cán bộ và nhân viên y tế ở đây được chăm sóc sức khỏe cho bạn". Đó là chỉ một trong số nhiều điều rất lạ từ nơi đầy cam go của cuộc chiến với kẻ thù vô hình. Những tháng ngày chống dịch, bệnh viện này vẫn chú trọng chăm lo về tinh thần cho cả tập thể qua các hoạt động: Đêm hội trăng rằm, Hội thao cho y bác sĩ, Hội thi cắm hoa nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, hoạt động giao lưu ẩm thực ba miền giữa các đoàn chi viện...

TS.BS Phan Minh Hoàng bộc bạch: "Mong muốn lớn nhất của chúng tôi trong những ngày tháng đó không phải là sớm được về nhà mà là khát vọng sớm đưa người bệnh về bên gia đình họ một cách trọn vẹn nhất. Chúng tôi thấu hiểu sự mong chờ của từng gia đình khi có người thân vào đây. Dành trọn tâm sức để hướng về người bệnh, điều đó như sợi dây gắn kết để toàn bộ nhân viên y tế của bệnh viện xem đây như một gia đình, cùng vượt qua mọi gian khó".

Bệnh viện dã chiến số 6 là nơi bắt đầu khi thu dung, điều trị và chăm sóc F0, cũng là nơi kết thúc trong màu xanh thành phố. Kết thúc một hành trình mang tên "dã chiến",  và ngày về sẽ là lúc bắt đầu cho nhịp sống mới, hy vọng mới. Những câu chuyện được tái hiện qua lời kể của người đầu tàu bệnh viện dã chiến số 6 không nặng nề, căng thẳng như những tháng ngày "đỏ lửa" của đợt dịch lần thứ 4. Ngược lại, từng ký ức hiện ra nhẹ tênh, bồng bềnh chất thơ văn. Nơi kết thúc là nơi bắt đầu...

Vẫn là buổi sáng tại bệnh viện dã chiến số 6, quyến luyến, vui buồn đan xen trong buổi giao ban cuối cùng, những chia sẻ khó nói hết nỗi lòng trong mỗi y bác sĩ dù phố phường đã xanh màu bình yên. 

Bác sĩ Hoàng nói: "Ngồi lại cùng nhau sáng nay, chúng tôi không bao giờ tin được là mình đã vượt qua đợt dịch đó như thế nào. Một năm đáng nhớ của những người mang trên mình chiếc áo blouse trắng. Đó không còn là sứ mệnh, mà là mệnh lệnh của trái tim. Hơn 30.000 đồng nghiệp của chúng tôi từ khắp nơi đã về thành phố này, những ngôi nhà dã chiến đã kết thành mái nhà Việt Nam. Mọi khó khăn, thử thách đều giúp chúng tôi trưởng thành và đó sẽ là hành trang quý giá trong đời người".

Những câu chuyện từ "ngôi nhà dã chiến" hẳn sẽ kéo dài mãi, cùng với nhiều cung bậc cảm xúc… Điều đọng lại sau tất cả là niềm tin mạnh mẽ trong ánh mắt của bác sĩ Hoàng về tình người.

Trong đỉnh dịch khi phải gồng gánh cùng lúc hàng ngàn bệnh nhân, sức mạnh để tất cả cùng vượt qua chính là tình người. Giữa những tầng cao cách ly khu bệnh, các y bác sĩ dường như làm thay đôi chân của bệnh nhân. Giữa môi trường "dã chiến" nhưng tất cả đều hoạt động như một bệnh viện chính quy. Vậy là có các sáng kiến về hệ thống oxy trung tâm, khoa chạy thận nhân tạo, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý và kết nối F0… Bệnh viện dã chiến số 6 cũng đã vươn tay tiếp sức cho nhiều địa bàn dân cư với các mô hình: Phân loại F0 từ cơ sở, mỗi gia đình là một giường bệnh, mỗi phường là khoa bệnh, mỗi quận là trung tâm điều phối bệnh… Những sáng kiến liên tục ra đời chỉ để hướng đến mục đích cuối cùng là cứu sống người bệnh.

Và tất nhiên, để mạnh dạn làm điều đó trong một đại dịch chưa từng có, thì còn phải kể đến bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người trẻ ngành y.

TS.BS. Phan Minh Hoàng không phải là cái tên quá xa lạ đối với nhiều người. Ngoài cương vị là Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 6, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp (đơn vị đứng sau Bệnh viện dã chiến số 6 theo mô hình "mẹ bồng con"), anh còn là Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Thành phố Hồ Chí Minh.

Gắn bó với công tác Đoàn khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phan Minh Hoàng đã là thủ lĩnh của nhiều phong trào trong thanh niên ngành y như: khám bệnh cho bà con nghèo vùng sâu vùng xa, chăm sóc các gia đình chính sách và Mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học... Những năm tháng du học, khi có dịp về thăm nhà trong các kỳ nghỉ là anh chỉ kịp đặt hành lý vào nhà rồi lao ngay vào những hoạt động cộng đồng. Trong quá trình công tác từ Bệnh viện Chợ Rẫy đến Bệnh viện Quận 2 (nay là Bệnh viện Lê Văn Thịnh), bác sĩ Hoàng được biết đến với nhiều ca phẫu thuật tạo hình để lấy lại niềm tin cuộc sống cho nạn nhân bỏng xăng, nạn nhân của những vụ tạt axít… Mỗi câu chuyện đều gắn với hai chữ "tình người".

"Tôi may mắn trưởng thành từ các phong trào thanh niên, càng may mắn hơn khi đã được sự hướng dẫn, chỉ dạy tận tình của các thầy, các cô, những cánh chim đầu đàn ngành y. Đó không chỉ là sự truyền đạt về kiến thức mà còn là những bài học về y đức. Đã khoác áo blouse trắng thì y nghiệp và y đức phải luôn song hành", TS.BS. Phan Minh Hoàng nhấn mạnh.

- Có quá là viển vông không với những bài học y đức giữa sự hối hả của cuộc sống hôm nay?

- 6 năm theo học ngành Y, khi tốt nghiệp, đôi khi mức lương không bằng những ngành khác. Còn trong đại dịch, tôi chứng kiến biết bao sự hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên mà sẽ ít người biết đến… Chúng tôi vẫn có chút chạnh lòng. Nhưng không vì thế mà chúng tôi không phấn đấu. Càng khó khăn bao nhiêu, lực lượng blouse trắng sẽ càng trưởng thành bấy nhiêu. Mỗi chiến sĩ blouse trắng luôn là chỗ dựa cho người dân trong mọi hoàn cảnh… Đó không chỉ là sứ mệnh, mà đôi khi chỉ là những điều rất đơn giản, bởi ngành Y có những cảm xúc mà khó có ngành nào có thể có được. Đó là giây phút chúng tôi cùng người bệnh vượt qua cửa tử.

Những câu trả lời của bác sĩ Hoàng lắng đọng như những dòng tâm tư, khiến tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của một giáo sư đầu ngành y: "Làm ngành này đừng mong có vinh quang, chỉ mong đến cuối ngày không ai trách móc mình là được".  Với tôi, câu nói này chất chứa nhiều nỗi niềm, và cũng là lẽ đương nhiên vì sản phẩm cuối cùng của ngành Y đó là sức khỏe con người, là sự sống. Hay như với góc nhìn của TS.BS Phan Minh Hoàng, anh gọi đó là thời khắc "cùng người bệnh vượt cửa tử"

Trong đợt dịch lần thứ 4 mà tâm điểm là Thành phố Hồ Chí Minh, tôi tin rằng cảm xúc đó sẽ không chai sạn dù số người bệnh vượt cửa tử "SARS-CoV-2" đã lên đến hơn 21.000 người, chỉ riêng tại Bệnh viện dã chiến số 6. Bởi khi thầy thuốc thấm nhuần lời dạy "phải như mẹ hiền" thì sẽ không một cung bậc cảm xúc nào là hời hợt, dù nó có lặp đi lại bao lần. 

Với mong muốn trả người bệnh về bên gia đình trọn vẹn nhất, TS.BS Phan Minh Hoàng đón đầu nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe "hậu COVID-19" với những thử thách mới. 

Chúng tôi tiếp tục chuyện trò bên tách trà đầu năm. Không gian rực rỡ sắc hoa trong khuôn viên Bệnh viện phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp. Ngoài kia, vài y bác sĩ cùng bệnh nhân dạo bước trong vườn Xuân ấm áp. Trên cao, tiếng chim hót xa xa như gợi thêm sức Xuân thành phố, tạo thành bản giao hưởng của một đô thị gượng mình sau bao đau thương, mất mát.

Trong màu xanh bình yên, những người thầy thuốc chưa vơi nhiệm vụ. Còn đó đội quân tiêm chủng mùa Xuân vẫn đang chờ đón người dân, đội hình ca trực cấp cứu trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19 được ngành Y tế thành phố triển khai bài bản… Khi "mặt trận bình yên", chiến sĩ blouse trắng không về thăm phố, họ vào một trận chiến mới, dù mùa Xuân vẫn theo về...

"Thầy thuốc trẻ phải chuyển dần sang thế chủ động để tiếp cận bệnh nhân. Y tế gần dân là thông điệp mà tôi cùng với các tập thể của mình đang nỗ lực thực hiện". Minh chứng cho những nỗ lực này, TS.BS. Phan Minh Hoàng cho hay, cùng với chiến dịch "Tiêm chủng mùa Xuân" của TPHCM, những ngày giáp Tết, chiến dịch "Mũi tiêm an toàn, Vaccine hạnh phúc"do Hội Thầy thuốc trẻ Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đã góp chung vào mục tiêu phủ đầy và phủ đủ vaccine cho người dân. Với những người còn e ngại với vaccine CoOVID-19, đội hình thầy thuốc trẻ đã đến tận nhà để thăm hỏi, giải thích và tiêm chủng tại chỗ. Điều đó đã giúp cô bác an tâm vào chiến dịch tiêm chủng và thêm yêu thương màu áo blouse trắng.

Y tế gần dân không chỉ dừng ở đó. TS.BS. Phan Minh Hoàng chỉ tay vào một ứng dụng trên chiếc điện thoại của mình. Anh giới thiệu đó là ứng dụng Dr Home mà tập thể  bệnh viện phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp cùng nhóm tình nguyện viên công nghệ thông tin Bệnh viện dã chiến số 6 đã triển khai. Các thành viên làm việc liên tục 7 tháng để có những kết quả ban đầu khi ứng dụng được giới thiệu chính thức trên các kho dữ liệu của nhiều nền tảng công nghệ. Đây là một trong các bước triển khai đồng thời 2 nhiệm vụ mà ngành Y tế thành phố giao phó: Ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe người dân và tăng cường giải quyết các vấn đề liên quan đến di chứng "hậu COVID-19". 

Từ khảo sát trên 1.000 trường hợp người khỏi bệnh COVID-19, các y bác sĩ và chuyên gia hàng đầu về phục hồi chức năng đã cùng xây dựng các dữ liệu cho ứng dụng Dr Home. Cùng với theo dõi những tổn thương "hậu COVID-19", ứng dụng Dr Home còn được thiết kế thêm những khảo sát đánh giá về tâm lý, stress hay rối loạn giấc ngủ trên bệnh nhân sau hồi phục. Các bộ câu hỏi được thiết kế dành cho mọi tầng lớp trong cộng đồng dân cư nên dễ hiểu, trực quan sinh động, thậm chí là rất "bình dân"… Khi người dân tham gia trả lời, họ sẽ biết mình đang gặp phải các vấn đề sức khỏe nào, tự trang bị kiến thức để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân. Từ đó, các cơ sở y tế có thêm cơ hội được chăm sóc, điều trị cho người dân sớm nhất… Hàng trăm video clip hướng dẫn phục hồi chức năng đã được các chuyên gia hàng đầu xây dựng và giới thiệu trên ứng dụng.

 TS.BS. Phan Minh Hoàng cho biết: "Y học phục hồi gắn với hầu hết với các chuyên ngành lâm sàng như nội, ngoại, sản, nhi… Sau điều trị tổn thương, phục hồi chức năng có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp bệnh nhân lấy lại nhịp sinh hoạt vốn có. Chúng tôi đang hướng đến phát triển đa khoa toàn diện, các chuyên khoa trợ lực để đẩy ngành phục hồi chức năng phát triển xứng tầm. Chúng ta hình dung về 3 trụ cột: y học dự phòng, y học lâm sàng và y học phục hồi. Y học dự phòng nhằm hạn chế dịch bệnh trong cộng đồng. Khi dự phòng chưa đáp ứng, y học lâm sàng sẽ được đẩy mạnh để xử lý các tình huống, chữa trị các bệnh lý. Khi đã điều trị lâm sàng xong thì vai trò của y học phục hồi rất quan trọng. 3 ngành này sẽ có một sự kết hợp chặt chẽ cùng nhau để đạt mục tiêu cuối cùng đó là sức khỏe của người dân".

Tôi cùng bác sĩ Phan Minh Hoàng trải nghiệm những bài tập hít thở nhẹ nhàng theo hướng dẫn từ ứng dụng Dr Home, lòng chợt thấy dạt dào niềm tin đến lạ. Bởi qua lăng kính người làm báo, tôi hoàn toàn có niềm tin vào sự dấn thân bằng tri thức và tâm đức của người trẻ ngành Y, là niềm tin để ngành Y cả nước luôn sẵn có nguồn nội lực để chiến đấu với bất kỳ trận đại dịch nào…

Câu chuyện của bác sĩ Hoàng vẫn còn có thể kể thêm, viết thêm… Thế nhưng những dòng bất tận của cảm xúc trong anh vẫn dành trọn vẹn cho tình người, tình đồng đội, y đức và y nghiệp… Anh chia sẻ với nguồn năng lượng tràn đầy: "Với tôi, từng ngày trôi qua với từng hành trình đều là những nỗ lực không ngừng để không lãng phí tuổi trẻ của mình". Tuổi trẻ là mùa Xuân, là chu kỳ tuần hoàn của đất trời. Với bác sĩ Hoàng, tuổi trẻ không chỉ là khái niệm về độ tuổi sinh học, mà chỉ cần một tâm hồn dạt dào sức sống và sự hòa nhịp với thời cuộc, khi đó người ta trẻ dù trong bất kỳ độ tuổi nào...

Trò chuyện thêm về những điều chia sẻ nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Bác sĩ Phan Minh Hoàng khẽ nói: "Chúng tôi xin phép được không nhận lời lúc chúc vì một khi đã xem blouse trắng là sứ mệnh thì mọi thành quả lao động sẽ là nhiệm vụ mặc nhiên. Ngược lại, xin cho tôi gửi lòng biết ơn đến những cánh chim đầu đàn ngành Y đã không mệt mỏi với lời thề y đức. Lòng biết ơn đến sự hy sinh thầm lặng không chỉ của các chiến sĩ áo trắng mà của cả hậu phương vững chắc là gia đình. Điều đó đã giúp chúng tôi an tâm cống hiến và hoàn thành nhiệm vụ, đáp lại niềm tin của người dân vào ngành Y. Đó cũng là sự biết ơn khi những niềm tin thế hệ đã không ngừng được chuyển trao".

Thiêng liêng, cao cả… là những từ ngữ mà chúng ta vẫn dành cho những điều đẹp đẽ trong cuộc sống. Với ngành Y, tôi nghĩ nội hàm của những từ ngữ này chưa thể chất chứa hết được những hy sinh của các thầy thuốc trong đại dịch cho nhịp sống bình yên, cho phố thị xanh màu… Và dù ở thời khắc nào, màu áo blouse trắng vẫn hiện lên giản dị, chân phương nhưng vô cùng cao đẹp./.

Theo Chính Phủ