Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cán bộ là khâu khởi đầu và quyết định

Anh Đức - 07:06 24/11/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đã hội nhập chúng ta phải chấp nhận những chuẩn mực quốc tế. Đã cạnh tranh thì phải giải phóng được mọi tiềm năng của mình. Những rào cản và trói buộc không đáng có cần phải được tháo gỡ rõ ràng. Chúng ta không thể vượt lên phía trước khi mà ngay trong đội ngũ cán bộ đôi chân vẫn còn ràng buộc kinh nghiệm và cái đầu thích quản lý hơn tạo cách cho dân làm giàu…
Hướng dẫn kỹ thuật trồng bắp cho hội viên ND ở  TP. Hồng Ngự (Đồng Tháp). Ảnh: T.L

“Tam nông” - bức tranh có gam nóng

Cho dù tình hình kinh tế - xã hội trong những năm qua liên tục ổn định và tăng trưởng, nhưng lao động nông thôn, người nông dân ở vùng nông thôn, ven biển, miền núi không có việc làm, nghèo đói vẫn tăng tương đối so với mặt bằng chung của xã hội. Không cần phải có nhiều con số thống kê hay biểu đồ so sánh, mà qua thực tế, ai cũng có thể nhìn thấy khoảng chục năm gần đây, rất nhiều người nông dân từ các địa phương rời quê, đi tìm việc làm, thu nhập ngày càng tăng. Bao gồm những người đang làm việc ở các nhà máy công nghiệp; tại các vựa gạo, vựa trái cây, vựa rau củ, vựa cá ở các chợ đầu mối hay bến xe, bến tàu, bến cảng... và cả những người ngược xuôi mưu sinh trên đường phố của những đô thị lớn.

Họ làm tất cả mọi công việc miễn sao kiếm được tiền để sinh sống. Họ sống trong các khu nhà trọ rẻ tiền, khu ổ chuột nghèo nàn. Khá hơn và may mắn hơn thì làm nhân viên bảo vệ trong các cơ sở dịch vụ hay làm vệ sinh môi trường, giúp việc trong các gia đình ở các khu chung cư cao tầng... Nói không sợ quá đáng rằng, những người lao động ấy, họ đã làm giảm áp lực về đất đai, việc làm trong nông nghiệp. Những đồng tiền công mà họ kiếm được đã đóng góp không nhỏ vào cải thiện đời sống gia đình, xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, cho con cái học hành và đóng góp cho xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, tháng 7/2021, sự bùng phát dữ dội của dịch Covid-19 đã khiến hàng ngàn người nghèo ở vùng châu thổ Cửu Long, vùng cao Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung đang ly hương làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai phải tháo chạy ngược để hồi hương. Sự hồi hương đoàn đoàn, lớp lớp ấy cũng đủ cho chúng ta thấy rằng, sản xuất nông nghiệp (SXNN), thu nhập từ nông nghiệp, kinh tế nông thôn là rất thấp. Nông nghiệp, kinh tế nông thôn chưa đủ lực hút, sức hấp dẫn với nhà nông, đặc biệt là những địa phương có ít đất canh tác, thuần nông hoặc những vùng miền ven biển, bãi ngang, vùng luôn xảy ra thiên tai lũ lụt… nông dân ít có cơ hội để chuyển nền kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn từ no đủ sang làm giàu. 

Khó là vậy, nhưng chưa bao giờ nông nghiệp Việt Nam lại “nở rộ” những khái niệm, loại hình nông nghiệp như hiện nay: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tăng trưởng xanh, phát triển bền vững… Nông thôn cũng không phải là ít: Nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn văn minh, làng thông minh… Đành rằng, tất cả đều đúng, đều tiến bộ, đều có trong hiện tại và là điều mong mỏi thành hiện thực dù để đạt đến đích còn cần một khoảng thời gian dài.

Lý thuyết là vậy, nhưng trong thực tế thì vùng sinh thái nào, tỉnh, huyện nào lựa chọn loại hình nông nghiệp nào là chủ lực cho địa phương, cho HTX nông nghiệp thực hiện, loại hình nào là phụ trợ, là vệ tinh…? Câu trả lời từ phía người lãnh đạo với người nông dân gần như chỉ là “quan điểm, định hướng”. Và thực tế đã minh chứng rằng, những hộ gia đình, trang trại, tổ nhóm hợp tác SXNN ứng dụng công nghệ cao, sử dụng thiết bị công nghệ thông minh trong sản xuất, kiểm soát lao động, chất lượng nông sản, kết nối tiêu thụ cũng dừng lại ở một số hộ gia đình có vốn, có kiến thức, có chí làm giàu… Cách làm ăn tự phát và nhỏ lẻ ấy không thể đủ sức dẫn dắt và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.  

Phác họa bức tranh “Tam nông” có gam màu nóng để nhận diện một cách nghiêm túc, rõ ràng hơn trong một hoàn cảnh mới, khó khăn hơn. Bởi, chỉ có đặt con người, hiện tượng, sự vật vào một hoàn cảnh khắc nghiệt, đầy biến động và bất thường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chúng ta mới thấy hết được những khiếm khuyết, những lỗ hổng, những sai số và khoảng cách giữa nói và làm, giữa lý thuyết với thực tế. Mở rộng ra là phải “định vị” cho được “Tam nông” của nước nhà đang ở đâu, thế nào? Làm gì để có những chủ trương, cơ chế chính sách giải quyết những vấn đề trước mắt và cho phát triển lâu dài - Mà ở đó, người nông dân, các tổ chức kinh tế nông nghiệp, nông thôn đồng lòng, đồng chung sức làm theo và nỗ lực thực hiện. Đồng thời tránh được cả 2 khuynh hướng trong tổ chức thực hiện, là: Chủ quan nóng vội “cứ làm là được” và bảo thủ trì trệ, ỷ lại “đã có cấp trên lo”.

Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến nông ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Ảnh: P.L

Cán bộ - khâu khởi đầu và quyết định

Đổi mới thể chế nông nghiệp cần phải được soi rọi bằng khoa học, tìm trong thực tiễn có mâu thuẫn gì, ở đâu và đối tượng nào là chủ yếu. Từ đó mà tìm ra những chủ trương, giải pháp tháo gỡ rõ ràng? Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - ông Lê Minh Hoan cho rằng, trong nội tại ngành Nông nghiệp của Việt Nam hiện nay, đang tồn tại nhiều mâu thuẫn: 
Mâu thuẫn giữa sự phát triển với những thách thức, đe dọa đến từ biến đổi khí hậu cực đoan;

Mâu thuẫn giữa mong muốn lợi nhuận trong thời gian ngắn của doanh nghiệp, của người nông dân với tư duy xây dựng chiến lược phát triển dài hạn trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp;

Mẫu thuẫn giữa chủ trương tích hợp tổng thể và tư tưởng cục bộ diễn ra trong đời sống xã hội, cục bộ giữa các doanh nghiệp, giữa người nông dân, thậm chí là cục bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước;

Mâu thuẫn giữa chủ trương, mục tiêu phát triển của từng địa phương khác nhau với việc tạo chuỗi liên kết vùng… Ngoài ra, văn hóa hợp tác của các thành phần cùng tham gia xây dựng chuỗi liên kết như người nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý… chưa khăng khít, còn rời rạc, thậm chí dẫm chân lên nhau.

Do vậy, sự thay đổi bên trong của người nông dân, của kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với kinh tế thị trường là cách thức làm ăn mới. Đó cũng là nội dung lớn của đổi mới và hoàn thiện thể chế nông nghiệp là tạo ra sự chuyển động bên trong của ngành Nông nghiệp.

Chắc chắn sẽ còn nhiều ý kiến khác nhau về cách tiếp cận, nội dung, đối tượng, phạm vi đổi mới thể chế nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực. Song, phạm vi bài viết này, xin chọn ra những lĩnh vực khó khăn nhất là việc đánh giá, chọn và bố trí cán bộ đáp ứng cho đổi mới thể chế nông nghiệp. Vì sao? Vì cán bộ “Là gốc của mọi công việc” (Hồ Chí Minh). Cán bộ là sự khởi nguồn của tư duy đổi mới đến hành động, bản lĩnh đổi mới và theo đuổi đến cùng để có thành công. Muốn có được cán bộ, đội ngũ cán bộ như vậy, việc đánh giá, chọn và bố trí cán bộ là khâu quan trọng nhất: Nếu đúng, trúng thì thành công, không đúng, không trúng thì thất bại hoặc chỉ là cuộc đổi mới mang màu sắc “cải lương, dân túy”, nửa vời …

Hiện đang có hai chiều ý kiến: Là công việc then chốt cho thành công, cần coi trọng; chiều khác lại cho ở mức bình thường vì có khả năng sinh ra mất đoàn kết. Mặc dù vậy, đánh giá, chọn và bố trí cán bộ vẫn gắn chặt với hoạt động nhân sự ở các cơ quan nói chung và các cơ quan có nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng.

Từ yêu cầu phát triển, việc đánh giá, chọn và bố trí cán bộ là phục vụ mục tiêu phát triển, tạo động lực cho cán bộ phát triển bản thân. Để có được cán bộ, đội ngũ cán bộ có đức, có tài được phân công đúng người, đúng việc thì hệ thống, quy trình đánh giá cán bộ cần thực hiện ở 4 cấp: Cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá; Cán bộ ngang cấp đánh giá; Cấp dưới đánh giá; Hội đồng/ban thường vụ đánh giá đối với: 

Cán bộ chuyên môn: Hiệu quả công việc được đo lường bằng mức độ hoàn thành công việc ở 4 tiêu chí: Chất lượng, khối lượng, thời gian hoàn thành và hiệu quả chi phí. 

Cán bộ quản lý: Được đánh giá dựa trên sản phẩm đầu ra, được đo lường ở 3 tiêu chí: sự hài lòng của đối tượng thụ hưởng kết quả công việc, sự tham gia và đổi mới sáng tạo của cán bộ chuyên môn trong công việc và kết quả hoạt động của đơn vị. 

Cán bộ lãnh đạo cấp cao: Được đánh giá bằng tổng thể kết quả điều hành, kết quả thực hiện các mục tiêu chiến lược của toàn đơn vị và năng lực cá nhân, năng lực lãnh đạo, quản lý, năng lực tập hợp, đoàn kết cấp dưới và bản lĩnh xử lý rủi ro.

Việc đánh giá cán bộ ở các cấp phải liên kết với nhau; đánh giá cán bộ cấp trên phải căn cứ vào kết quả của cấp dưới; đánh giá hiệu quả làm việc của cá nhân phải nằm trong tổng thể hiệu quả làm việc của tập thể nhằm hạn chế đến mức thấp nhất 7 lỗi thường gặp là: Đánh giá, chọn cán bộ bị ảnh hưởng trước đây thường có tương quan cùng chiều với kết quả đánh giá cán bộ hiện tại; Đánh giá, chọn cán bộ phiến diện, thường xảy ra nhưng không dễ kiểm soát; Đánh giá, chọn cán bộ thiên vị bởi mức độ thiện cảm, tin cậy và mối quan hệ của người đánh giá với cán bộ được đánh giá; Đánh giá không căn cứ vào hoàn cảnh thực tế đối với cán bộ cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ và cán bộ trong hoàn cảnh thuận lợi cũng hoàn thành nhiệm vụ. Nếu đánh giá không bù trừ những tác động này thì kết quả không đúng thực chất; Đánh giá, chọn cán bộ ở mức trung bình, là lỗi khi đánh giá quá cao hoặc quá thấp về cán bộ được đánh giá. Những mâu thuẫn, xung đột có thể xảy ra đối với người bị đánh giá quá thấp. Từ đó, dẫn đến không phân biệt được rõ ràng giữa cán bộ tốt và cán bộ yếu kém; Đánh giá bị ảnh hưởng bởi vị trí công tác, những cán bộ có chức vụ cao hơn thường được đánh giá tốt, trong khi, cán bộ cấp thấp hơn thường bị đánh giá thấp hơn so với năng lực thực sự;

Đánh giá vì tư tưởng “lợi ích nhóm” dẫn đến không chính xác khi kết quả đánh giá bị thao túng để đạt được kết quả có lợi cho mục tiêu đã định sẵn. Điều này dẫn đến kết quả sai lệch, làm mất công bằng, mất niềm tin, thậm chí người tài bỏ việc. 

Đã hội nhập chúng ta phải chấp nhận những chuẩn mực quốc tế. Đã cạnh tranh thì phải giải phóng được mọi tiềm năng của mình. Những rào cản và trói buộc không đáng có cần phải được tháo gỡ rõ ràng. Chúng ta không thể vượt lên phía trước khi mà đôi chân vẫn còn ràng buộc kinh nghiệm và cái đầu thích dễ quản lý hơn tạo cách cho nông dân làm giàu…