Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần khuyến khích thành lập các hợp tác xã để liên kết diện tích cao su tiểu điền

Ái Vân - 09:54 09/11/2022 GMT+7
Ngày 8/11, tại TP. Hồ Chí Minh (HCM), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tổ chức Hội thảo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành Cao su phát triển bền vững.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt gần 1,4 triệu tấn với giá trị 2,3 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 6,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2021. Hàng năm, đóng góp của ngành Cao su đối với ngân sách Nhà nước gồm các sản phẩm chính từ cao su thiên nhiên, sản phẩm công nghiệp cao su và gỗ cao su vào khoảng 7-8 tỷ USD.

Những kết quả trên chính là nhờ sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp ngành Cao su nhằm duy trì sản xuất, bảo đảm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng liên tục... Không chỉ đóng góp vào kinh tế, cao su có những đóng góp vào độ che phủ rừng, an ninh quốc phòng, giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, chủ trương của Chính phủ Việt Nam là không mở rộng diện tích cao su nên ngành Cao su tập trung tăng năng suất qua sử dụng giống cao sản, cơ giới hóa, áp dụng khoa học, kỹ thuật bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, tiếp tục nghiên cứu phát triển bền vững. Đây là những yếu tố giúp ngành Cao su Việt Nam gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Ái Vân

Tuy nhiên, theo VRA, bên cạnh những thuận lợi, ngành Cao su Việt Nam còn gặp không ít khó khăn, thách thức từ thị trường thế giới và những vướng mắc do yếu tố nội tại về chính sách, gây hạn chế năng lực cạnh tranh của ngành Cao su và doanh nghiệp cao su Việt Nam.

Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp nêu những vướng mắc, những kiến nghị tập trung tháo gỡ 4 vấn đề về cơ chế chính sách: Đề nghị xem xét áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mủ cao su sơ chế như chính sách đang áp dụng với những nông, thủy sản sơ chế khác; xem xét áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ thu hoạch gỗ cây cao su thanh lý như đang áp dụng với các sản phẩm trồng trọt khác; xem xét miễn giảm tiền thuê đất đối với diện tích đất trồng của vườn cây cao su đang tái canh trong thời gian xây dựng cơ bản do chưa có mủ cao su.

Ngoài ra, VRA cũng kiến nghị các Bộ liên quan có các chính sách hỗ trợ trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh và đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài tương tự như các nông sản khác. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đăng ký tham gia để góp phần phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” thành thương hiệu nông sản quốc gia.

Ông Nguyễn Viết Tượng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đăk Lăk chia sẻ: Các nông, thủy sản chỉ mới qua sơ chế, chưa chế biến thành sản phẩm khác đang được hưởng chính sách không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, sản phẩm mủ cao su sơ chế nằm trong nhóm sản phẩm trồng trọt lại không được áp dụng chung mà phải chịu mức thuế giá trị gia tăng là 5% đã gây khó khăn vướng mắc lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cao su.

Mặc dù, các doanh nghiệp sẽ được hoàn lại thuế giá trị gia tăng sau khi xuất khẩu, nhưng thời gian chờ hoàn thuế phải từ 4 - 9 tháng, có trường hợp còn lâu hơn gây tốn kém chi phí để trả lãi suất vay ngân hàng cho số vốn tạm nộp thuế giá trị gia tăng. Trong bối cảnh tài chính khó khăn như hiện nay, có những doanh nghiệp đã nộp hàng chục tỷ đồng thuế giá trị gia tăng, không còn dòng vốn để phục vụ sản xuất và phải mòn mỏi chờ hoàn thuế.

Bà Trần Thị Tuyết, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết: Nếu so sánh với sản phẩm trồng trọt khác như điều, cà phê… thì việc áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 5% đối với mủ cao su sơ chế và với mủ cao su qua chế biến có vẻ không công bằng. Tuy nhiên, việc tính thuế giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất được khấu trừ đầu vào, nếu không tính thuế giá trị gia tăng cho mủ sơ chế thì các doanh nghiệp không được khấu trừ các khoản đầu vào để hoàn thuế. Vì vậy, doanh nghiệp và hiệp hội nên cân nhắc đến kiến nghị miễn thuế giá trị gia tăng cho mủ cao su sơ chế.

Ông Trần Minh Quốc, Phó phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục thuế TP. HCM cho biết: Về bản chất, thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm đều do người tiêu dùng chi trả, doanh nghiệp xuất khẩu chỉ tạm ứng đóng trước và làm thủ tục hoàn thuế sau đó. Việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế trên địa bàn TP. HCM đều đảm bảo đúng quy định pháp luật, việc xác minh hoá đơn là công đoạn bắt buộc. Tuy nhiên, tỷ lệ và mức độ xác minh cũng được dựa trên đánh giá mức độ rủi ro của doanh nghiệp.

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết: Các chính sách thuế ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Do đó, doanh nghiệp cần sự quan tâm của Bộ Tài chính để chính sách thuế được tháo gỡ nhanh hơn, tốt hơn, hỗ trợ cho ngành Cao su phát triển.

Đồng thời, các bộ, ngành liên quan cần có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng mủ cao su sơ chế vào sản xuất ra sản phẩm công nghiệp trong nước nhiều hơn thay vì chủ yếu xuất thô như hiện nay. Về lâu dài, cần khuyến khích thành lập các hợp tác xã để liên kết diện tích cao su tiểu điền, qua đó triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người trồng cao su và đảm bảo chất lượng nguyên liệu cho sản xuất, chế biến.

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính... đồng tình với những báo cáo của VRA về xây dựng chiến lược phát triển bền vững trong tương lai và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc được nêu tại hội nghị. Cam kết sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian tới để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

TỪ KHÓA #cao su