Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Doanh thu du lịch vùng Đông Nam bộ còn khiêm tốn so với tiềm năng

Nguyễn Vân - 07:35 23/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 22/12, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch vùng Đông Nam bộ và lắng nghe các đơn vị lữ hành, các địa phương chia sẻ kết quả thực hiện các tour liên kết khu vực vùng Đông Nam bộ.

Theo Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, những năm qua, lượng khách đến tỉnh tăng trưởng bình quân hơn hơn 12,9%/năm, tổng thu từ khách du lịch tăng 15,9%/năm. Sản phẩm du lịch của tỉnh không ngừng phát triển song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách, đặc biệt là khách quốc tế và khách có chi tiêu cao. Qua hội nghị xúc tiến du lịch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẵn sàng chào đón và đồng hành cùng doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển du lịch cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết: Du lịch vùng Đông Nam bộ là trọng điểm của du lịch cả nước. Đây không chỉ là điểm đến với cơ sở hạ tầng và dịch vụ được đầu tư bài bản hấp dẫn khách du lịch mà còn là nơi trung chuyển khách quốc tế và gửi khách đến các khu vực khác của cả nước. Vùng Đông Nam bộ có lợi thế lớn trong việc thu hút số lượng đông đảo khách du lịch, tuy nhiên doanh thu du lịch còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tỷ trọng khách du lịch của vùng. Đây là bài toán mà vùng Đông Nam bộ cần tập trung giải quyết, đưa ra các giải pháp nhằm tăng doanh thu từ du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và chỉ tiêu của khách trong thời gian đến với vùng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: ĐVCC

Ông Lê Hoàng Sơn, Phó Giám đốc Saigontourist chia sẻ: Doanh nghiệp có rất nhiều tour, tuyến kết nối vùng Đông Nam bộ, trong đó có tour Côn Đảo, Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu, Hồ Cốc. Công ty đã có lượng khách quốc tế ổn định theo mùa, có sức chi tiêu cao, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch cho vùng.

Để phát triển sản phẩm du lịch đường thủy trong liên kết giữa TP. HCM với các tỉnh trong khu vực, ông Nguyễn Hữu Ân, đại diện Sở Du lịch TP. HCM cho biết: Địa phương đã công bố và giới thiệu 17 tuyến du lịch đường thủy mới, thường kỳ tới các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ. Nhờ đó, trong năm 2023, lượng khách bằng đường thủy tại TP. HCM tăng gấp ba so với năm 2022. Để phát triển du lịch đường thủy vùng Đông Nam bộ trong tương lai, cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng nhằm xây dựng cơ chế thuận lợi trong phát triển sản phẩm du lịch liên vùng. Ngoài ra, thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; khai thác các chương trình du lịch đường biển kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ĐVCC

Trong năm 2023, vùng Đông Nam bộ đón và phục vụ hơn 65 triệu lượt khách, tăng 18,55% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của năm đạt 180.566 tỷ đồng, tăng 22,13%. Lượng khách chiếm 54,2% tổng số khách du lịch của cả nước, tuy nhiên doanh thu của khu vực Đông Nam bộ chỉ chiếm 26,9% tổng doanh thu du lịch của cả nước. Tại hội nghị, đại diện các địa phương, doanh nghiệp trong vùng cho rằng cần phải tập trung vào sản phẩm du lịch đáp ứng các yếu tố "xanh", "bảo vệ môi trường". Và cần thiết phải ứng dụng công nghệ số vào quảng bá, xúc tiến du lịch.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM cho biết: Du lịch đường thủy là sản phẩm đặc trưng của TP.HCM với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ, bởi địa thế "sông liền sông". Do đó, thời gian tới, ngành du lịch TP sẽ đẩy mạnh sản phẩm du lịch đường thủy dọc sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Theo vị này, để du lịch vùng Đông Nam bộ phát huy hết tiềm năng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong truyền thông quảng bá. Do đó, đề nghị các tỉnh thành tham gia tất cả các sự kiện do TP. HCM tổ chức trong và ngoài nước. TP. HCM đang xây dựng bản đồ tương tác du lịch thông minh cho toàn vùng và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nên rất cần nhận được sự phối hợp để hoàn chỉnh.

Đại diện tỉnh Bình Phước cho rằng vùng Đông Nam bộ có nhiều rừng với độ che phủ cao. Du lịch xanh đã trở thành xu hướng ưa chuộng của du khách có trình độ văn hóa cao, yêu thiên nhiên, cảnh quan tự nhiên. Do đó, cần nghiên cứu mở rộng du lịch dưới tán rừng, du lịch sức khỏe. Du lịch thưởng ngoạn thiên nhiên kết hợp giữ rừng, trồng rừng.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Năm 2023 du lịch vùng Đông Nam bộ có nhiều khởi sắc đổi mới, nhất là với các sản phẩm chất lượng cao, mang tính đặc thù. Từ đó tạo hình ảnh và thương hiệu riêng của du lịch vùng Đông Nam bộ. Để phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ, thời gian tới cần hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch thành bản đồ du lịch chung cho vùng Đông Nam bộ. Đồng thời, các tỉnh trong vùng cần thống nhất các nội dung kiến nghị trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch của vùng. Ngoài ra, cần tập trung tổ chức các sự kiện hội chợ, triển lãm có quy mô lớn về du lịch; xây dựng gian hàng chung của vùng Đông Nam bộ tham gia các sự kiện du lịch trong nước và quốc tế.