Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần những chính sách đặc thù dựa trên nhu cầu của dân

08:18 29/11/2020 GMT+7
Chính sách giảm nghèo trong giai đoạn tới sẽ có những điều chỉnh theo hướng tập trung đầu tư cho con người, đặc biệt là người nghèo. Các phương thức hỗ trợ sẽ được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả phù hợp với đặc thù từng vùng và từng đối tượng. Theo Báo

Chính sách giảm nghèo trong giai đoạn tới sẽ có những điều chỉnh theo hướng tập trung đầu tư cho con người, đặc biệt là người nghèo. Các phương thức hỗ trợ sẽ được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả phù hợp với đặc thù từng vùng và từng đối tượng.

Hộ nghèo dân tộc thiểu số tại huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) được tiếp cận hỗ trợ sinh kế để giảm nghèo bền vững. Ảnh: Hồng Ân

Theo Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, với chuẩn nghèo mới (áp dụng từ tháng 1.2021) thì cả nước sẽ có khoảng 16,6% hộ dân có thu nhập dưới chuẩn nghèo (gần 4,5 triệu hộ dân, tương ứng với trên 17 triệu người). Trong đó tỉ lệ hộ nghèo là 10,83% và 5,77% là hộ cận nghèo, bao gồm cả 2% hộ nghèo là đối tượng bảo trợ xã hội (người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em…) – đây là nhóm khó có khả năng thoát nghèo.

Nhận diện những hạn chế

Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS,MN) giai đoạn 2012 – 2018”, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng DTTS, MN. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS giảm trung bình khoảng 3,5%/năm.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy còn một số hạn chế, yếu kém. Kết quả giảm nghèo vùng DTTS, MN chưa thực sự bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa cao: Hộ nghèo DTTS chiếm tỷ lệ cao so với tổng số hộ nghèo cả nước (52,66%) và chiếm tỷ lệ 27,55% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số tái nghèo, phát sinh nghèo, cận nghèo đều cao hơn tỷ lệ chung cả nước.

Về nguyên nhân dẫn đến kết quả giảm nghèo vùng DTTS, MN chưa thực sự bền vững, theo ông Hà Ngọc Chiến, thì một số ít người dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào các chính sách trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng. Đồng bào DTTS, MN ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhất là các hộ di dân tự do còn thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu phương tiện sản xuất, ảnh hưởng lớn đến công tác giảm nghèo bền vững. Một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất còn manh mún, dàn trải, một số chính sách trùng lặp về nội dung và địa bàn, đối tượng thụ hưởng. Cùng với đó, một số chính sách xây dựng và ban hành có định mức thấp, hiệu quả không cao, chậm sửa đổi, bổ sung. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong hoạch định, ban hành chính sách chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời; việc lấy ý kiến tham gia của Hội đồng Dân tộc vào việc xây dựng chính sách giảm nghèo cho vùng DTTS, MN chưa được quan tâm đúng mức, sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách còn hạn chế. Quy định về chuẩn nghèo còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế.

Chính sách cần linh hoạt

Tính đến thời điểm 01.4.2020, nước ta có trên 3,6 triệu hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 13,4% tổng số hộ cả nước. Giai đoạn 2016 – 2019, từ ngân sách trung ương, Tiểu Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 (Dự án 2 trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) đã hỗ trợ trên 2.944 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ sản xuất trên 2.562 tỷ đồng; vốn thực hiện và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên 382 tỷ đồng. Bên cạnh vốn ngân sách trung ương, các địa phương đã chủ động đối ứng và huy động nguồn lực của người dân được trên 1.057 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương hỗ trợ trên 951 tỷ đồng, vốn huy động từ dân gần 107 tỷ đồng), vốn lồng ghép với chương trình, chính sách khác trên địa bàn gần 75 tỷ đồng.

Là tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn, Sơn La có 5 huyện được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Với việc tập trung thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, nhìn chung đời sống kinh tế xã hội của đồng bào các dân tộc ở các huyện 30a trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, Sơn La đã hoàn thành xóa nhà tạm trên địa bàn các huyện nghèo; hơn 97% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 100% số xã trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia, 90,8% số bản có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo giảm mạnh.

Nhiều hộ nghèo ở huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) được hỗ trợ máy cày bừa từ chương trình giảm nghèo để tăng năng suất lao động. Ảnh: V.T

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách giảm nghèo tại các huyện 30a của Sơn La vẫn còn những hạn chế nhất định; sản xuất hàng hóa chưa phát triển, một số ngành nghề sau khi đào tạo chưa phát huy hiệu quả; việc tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa có hướng đi bền vững; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao; nhu cầu đầu tư lớn, song nguồn lực chưa đáp ứng được, dẫn tới nhiều công trình kéo dài, chậm phát huy hiệu quả; huy động nguồn lực trong dân, trong cộng đồng còn hạn chế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm…

Thực tế cuộc sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang đòi hỏi cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp để giúp đồng bào biến thách thức thành cơ hội thông qua việc nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động chuyển đổi cơ cấu lao động, đa dạng hóa các loại hình sinh kế nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Chia sẻ về một số giải pháp trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025, ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TBXH), cho biết: Thứ nhất, Nhà nước sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Có chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đường giao thông, điện lưới để kết nối với các khu vực trung tâm, vùng động lực phát triển.

Thứ hai là ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động thuộc hộ nghèo, lao động người dân tộc thiểu số; tạo điều kiện cho lao động thuộc hộ nghèo, lao động người dân tộc thiểu số làm việc tại các doanh nghiệp, hỗ trợ điều kiện sinh kế tạo việc làm tại chỗ gắn với chuỗi giá trị.

Thứ ba là nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ với vai trò “bà đỡ” cho người nghèo ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc; có chính sách khuyến khích doanh nhân hỗ trợ người nghèo thông qua các hoạt động tiếp nhận lao động nghèo, đào tạo nguồn nhân lực…

Thứ tư là thực hiện cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính gắn với kết quả đầu ra (Trung ương phân bổ vốn theo tiêu chí, giải ngân theo kết quả đầu ra, theo tiến độ đối ứng của ngân sách địa phương); đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương không giao chi tiết, cho phép địa phương chủ động xây dựng đề án bố trí vốn thực hiện trên địa bàn; tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện chương trình giảm nghèo…

Về những đổi mới trong công tác giảm nghèo giai đoạn tới, ông Tô Đức cho biết, trong bối cảnh kinh tế – xã hội có sự thay đổi nhanh chóng thì cần thiết phải ban hành chuẩn nghèo mới. Trong đó, có nhấn mạnh tới vấn đề thay đổi các mức chuẩn nghèo. Mức chuẩn nghèo dù được nâng lên vẫn tiệm cận với mức sống tối thiểu. Chương trình giảm nghèo không đầu tư dàn trải, ta tập trung vào giảm nghèo vùng lõi nghèo, địa bàn nghèo. Thứ hai là tập trung vào người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế… có khả năng vươn lên thoát nghèo.

Trong giai đoạn 2016-2020, Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững được đầu tư 48.397 tỷ đồng. Dự kiến huy động từ các nguồn: Ngân sách Trung ương 41.449 tỷ đồng; Ngân sách địa phương 4.848 tỷ đồng; Vốn huy động hợp pháp khác 2.100 tỷ đồng. (Theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020).

Viết Thủy