Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chăn nuôi nỗ lực vượt “sóng” CPTPP

22:35 17/02/2019 GMT+7

Với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chăn nuôi Việt Nam được nhận định đã, đang và sẽ ngày càng đối mặt sóng gió nhiều hơn hẳn cơ hội. Để không bị nhấn chìm, nỗ lực đổi thay, hình thành nền chăn nuôi chuyên nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành là hướng đi không thể khác của toàn ngành. 

Chuyên nghiệp hóa, nâng cao năng suất, chất lượng là giải pháp quan trọng giúp ngành chăn nuôi vượt khó khăn.

Áp lực mạnh mẽ

Ngày 14/1 vừa qua, CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Trong khi nhiều ngành hàng như da giày, dệt may… hoan hỉ đón nhận những cơ hội từ CPTPP thì ngành chăn nuôi lại có phần ngược lại, vẫn canh cánh với hàng loạt nỗi lo.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương): Xét theo mặt hàng, một số chủng loại nông sản mà một số nước CPTPP có thế mạnh như thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu. Chính Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mới đây cũng phải nhấn mạnh: “CPTPP chính thức có hiệu lực, nông nghiệp Việt Nam đối diện với rủi ro tổn thương rất lớn, điển hình là ngành chăn nuôi khi các nước thành viên CPTPP như Chile, Canada, Australia, New Zealand được đánh giá là tiên tiến, hàng đầu thế giới. Nếu không nâng cao bảo vệ thị trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tình hình sẽ rất gay go chứ không hề thuận lợi như năm 2018”.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương-quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT): Khi tham gia CPTPP, đặt lên bàn cân so sánh giữa cơ hội và khó khăn với ngành chăn nuôi, tỷ lệ vẫn nghiêng về khó khăn với khoảng 60% (yếu tố thuận lợi chỉ 40%). Cụ thể, trong số các quốc gia thành viên của CPTPP, Việt Nam sẽ gặp bất lợi về các sản phẩm thịt bò và sữa từ các nước có trình độ chăn nuôi vượt trội là Canada, Australia và New Zealand. “Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là số lượng nông dân tham gia vào ngành chăn nuôi của Việt Nam còn quá lớn, quy mô nhỏ với gần 8 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, 3 triệu hộ chăn nuôi lợn và khoảng 2 triệu hộ dân chăn nuôi trâu bò. Điều này khiến khả năng áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao để hạ giá thành và nâng chất lượng sản phẩm khá khó khăn. Việc tổ chức, liên kết theo chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi hiện vẫn còn lỏng lẻo, khiến ngành chăn nuôi tiềm ẩn các yếu tố thiếu bền vững”, ông Dương nói.

Phân tích sâu hơn về thách thức, khó khăn mà ngành chăn nuôi đối mặt với CPTPP, ông Nguyễn Thanh Sơn-Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nhìn nhận: Năng suất lao động của Việt Nam quá thấp. Trong khi trang trại chăn nuôi quy mô 1.000 con ở Mỹ chỉ có 1 – 2 lao động thì ở Việt Nam có tới trên 20 lao động. Ngoài ra, các yếu tố như dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường… cũng là những thách thức không nhỏ với chăn nuôi Việt Nam. “Điều dễ thấy là, sản phẩm chăn nuôi từ một số nước như Australia, Canada, Mexico, Malaysia sẽ nhập vào Việt Nam nhiều hơn khi thuế NK giảm xuống 0% theo lộ trình của CPTPP. Trong khi đó, các thị trường như Nhật Bản, Australia, New Zealand… lại có hàng rào kỹ thuật tương đối cao. Muốn tiếp cận, mở rộng thị trường XK, sản phẩm chăn nuôi Việt Nam cần vượt qua được các hàng rào kỹ thuật cũng như các biện pháp kiểm dịch vệ sinh, an toàn thực phẩm”, ông Sơn nói.

Hình thành nền chăn nuôi chuyên nghiệp

Trước những đối thủ “nặng ký” có thế mạnh về chăn nuôi trong khối CPTPP, áp lực với ngành chăn nuôi Việt Nam khá hiển nhiên, song không hẳn chăn nuôi Việt Nam sẽ dễ dàng bị nhấn chìm. Theo như phân tích của Bộ Công Thương: Với hai mặt hàng là thịt lợn, thịt gà, Việt Nam đã bảo lưu được lộ trình thực hiện tương đối dài (với một số chủng loại thịt gà là trên 10 năm). Đây là lộ trình dài hơn nhiều so với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong ASEAN vốn cũng rất cạnh tranh trong việc sản xuất một số loại thịt. Ngoài ra, một số chuyên gia nhìn nhận, trước mắt, thói quen tiêu dùng của Việt Nam đa số là thịt tươi, tới đây sẽ là thịt mát. Thị trường nội địa dành cho sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vẫn có cơ hội cạnh tranh lớn so với các loại thịt đông lạnh NK từ nước ngoài.

Trả lời cho câu hỏi, làm sao để nâng cao sức cạnh tranh, giúp ngành chăn nuôi vượt “sóng” CPTPP, ông Dương nêu quan điểm: Trong những năm tới, không còn cách nào khác là phải từng bước giảm dần số hộ chăn nuôi, tăng quy mô/hộ, đi đôi với tổ chức liên kết sản xuất. Cụ thể, bên cạnh việc ra đời các tổ chức sản xuất liên kết cho nông hộ như tổ hợp tác, hợp tác xã, phải lấy nòng cốt là các DN lớn làm đầu tàu, có sự liên kết giữa DN với các hợp tác xã. “Làm sao ngành chăn nuôi sẽ chỉ còn lại gồm các DN chăn nuôi và các trang trại chăn nuôi chuyên nghiệp. Các đơn vị chăn nuôi phải sản xuất ra sản phẩm có năng suất cao nhất, chất lượng tốt, giá thành hạ. Các khâu còn lại như giết mổ, kết nối tiêu thụ, chế biến… sẽ được các DN, hợp tác xã chuyên nghiệp đảm nhiệm. Trên thực tế, đây là hướng đi mà những năm qua, ngành chăn nuôi cũng đã, đang triển khai, có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, xét về mặt bằng chung, năng suất chăn nuôi Việt Nam còn thấp hơn so với một số nước tiên tiến trên thế giới. Bởi vậy, đây cũng lá khía cạnh để phấn đấu cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh”, ông Dương nói.

Nhìn nhận từ góc độ DN chăn nuôi Việt Nam phải làm gì, ông Sơn cho rằng, các DN chăn nuôi cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác trong khối CPTPP nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn chăn nuôi lớn trong cũng như ngoài khối CPTPP. “Đây chính là cơ hội tốt để các DN chăn nuôi tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng thực phẩm khu vực nội khối, toàn cầu”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên: Để vượt qua thách thức từ CPTPP, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thí điểm một số mô hình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy ứng dụng khoa học – công nghệ, hỗ trợ DN và nông dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp… Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với các công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến trên thế giới. Với công nghệ và phương thức quản lý hiện đại, có cơ sở để tin rằng các sản phẩm do các tập đoàn này làm ra sẽ có khả năng cạnh tranh trên “sân nhà”. Ngoài ra, theo kết quả đàm phán, việc mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp để hỗ trợ cho tiến trình cơ cấu lại.

Các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế NK đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Gần như toàn bộ hàng hóa XK của Việt Nam vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế NK hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP. Theo đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế NK đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm. Đối với một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam có lộ trình trên 10 năm, ví dụ như bia, rượu, thịt gà, sắt thép, ô tô con dưới 3.000 phân phối. Việt Nam áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với đường, trứng, muối (nằm trong lượng hạn ngạch WTO) và ô tô đã qua sử dụng.

N.T