Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chăn nuôi sạch, ngành gia cầm Ấn Độ lên ngôi

21:21 28/04/2018 GMT+7

Sự sụt giảm đột ngột của chi phí thức ăn, vốn chiếm tới 2/3 chi phí sản xuất gia súc. Trong khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao trong thời điểm Chính phủ hạn chế giết mổ gia súc đã mở ra cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm tại Ấn Ðộ.

Nghịch lý ngành gia súc

Tháng 5/2017, Chính phủ Ấn Ðộ ban hành lệnh cấm được áp dụng trên quy mô toàn quốc đối với các hoạt động mua bán gia súc, bao gồm cả trâu, bò để giết thịt. Quy định trên đã ngay lập tức làm giảm đáng kể nguồn cung thịt cho các nhà máy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp chế biến thịt bò của Ấn Ðộ – một trong những nước có quy mô ngành lớn nhất thế giới, sản lượng xuất khẩu lên tới 5,4 tỷ USD/năm. Ðồng thời, lệnh cấm đã khiến 120 triệu nông dân tại Ấn Ðộ gặp khó khăn vì không thể giết những con bò già không còn đủ sức cày bừa nhưng lại không muốn tốn thức ăn nuôi chúng. Hệ quả, những con bò này bị thả rông và quay sang phá hoại mùa màng, ăn cây trồng vì quá đói. Ngoài ra, quy định khắt khe này khiến thị trường Ấn Ðộ lâm vào cảnh khan hiếm khi nhu cầu thịt, da bò tăng cao, khiến mảng xuất khẩu thịt và da bò của Ấn Ðộ, trị giá 11 tỷ USD năm 2016 bắt đầu chững lại.

Ngành gia cầm Ấn Độ còn nhiều tiềm năng phát triển Ảnh: Dreamstime

Lý giải cho lệnh cấm này, một số nhà chức trách Ấn Ðộ khẳng định, hành động buôn bán gia súc cho các lò mổ là một sự nhẫn tâm và khó quản lý. Một số khác liên tưởng đến việc loài bò là con vật thiêng liêng trong đạo Hindu nên cần được bảo vệ. Thực tế, nhiều người Hindu ủng hộ nhiệt liệt quy định trên và chính họ cũng thường xuyên công kích những người tiêu thụ hay buôn bán thịt bò.

Gia cầm lên ngôi

Lệnh cấm giết mổ gia súc như trâu, bò ở một số bang là đòn giáng nặng nề vào ngành gia súc nhưng lại mở ra cơ hội cho ngành gia cầm Ấn Ðộ. Giá trứng gia cầm đã tăng vọt gần 100% trong năm 2017, Raju Shewale, người đứng đầu Hiệp hội Trứng gia cầm Mumbai cho biết. Một quả trứng bán ra trên thị trường với giá 4 Rs (0,06 USD) thì nay đã tăng lên 8 Rs (0,12 USD). Các hộ chăn nuôi gia cầm đang tăng tốc sản xuất để bình ổn giá trở lại trong thời gian tới đây.

Một điểm thuận lợi cho ngành gia cầm đó là vụ ngô và đậu tương bội thu sau hai năm hạn hán kéo dài khiến giá thức ăn rẻ hơn, từ đó mang lại lợi nhuận khổng lồ cho người nuôi gia cầm tại nước này. Sanjeev Mahadik, một hộ nông dân nuôi gia cầm tại TP. Pune, bang Maharashtra cho biết, giá bán lẻ trứng gà trong vùng đã lên mức 729 Rs/100 quả (11,32 USD) nhưng vẫn còn thấp hơn giá trứng tại các tỉnh khác ở phía Nam Ấn Ðộ, đặc biệt là Hyderabab và Tamil Nadu, Delhi, Kolka ở Tây Ấn và Punjab, Jharkhand ở Bắc Ấn. Giá gia cầm cũng tăng mạnh, riêng giá gà thịt dao động 2,58 – 1,87 USD/kg.

Giá trung bình gà mua tại trại ở Maharashtra đã tăng 1 USD/kg từ cuối tháng 11 năm ngoái lên mức hiện nay là 1,40 USD/kg, tương đương 40% – Hashim Quereshi, một hộ nuôi gà trong vùng cho biết. Doanh số bán thịt gà tại Mumbai cũng tăng từ 500.000 – 600.000 đầu con/ngày lên 800.000 – 1 triệu đầu con/ngày. Lượng thịt gà bán ra thị trường tăng 25% trong giai đoạn mùa đông.

Nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm cũng tăng khoảng 35 – 40% trong 7 tháng gần đây. Theo phân tích của Cơ quan Nghiên cứu kinh tế Assocham, giai đoạn giữa tháng 5/2014 và tháng 3/2017, chỉ số giá bán buôn gia cầm đã tăng trên 22% tại Ấn Ðộ, trong khi giá thịt trâu và bò đều giảm khoảng 3%. Raju Bhosal, thành viên của Ủy ban Trứng gia cầm Quốc gia – hiệp hội của nông dân nuôi ngành gia cầm tại Ấn Ðộ cho biết, giá trứng tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm giàu đạm tăng 19%. Thông thường, vào mùa đông, nhu cầu tiêu thụ trứng tại ấn Ðộ cũng tăng cao hơn các mùa khác và mức tăng mạnh nhất được ghi nhận vào năm 2017.
Tham vọng xuất khẩu

Ðàn gia cầm của Ấn Ðộ vẫn được xem là bình yên khi dịch cúm tràn qua 9 nước và vùng lãnh thổ Ðông Á. B. Soundararajan, chủ trại gia cầm Suguna tại TP. Coimbatore, Nam Ấn Ðộ cho biết, đã nhận được thư hỏi mua từ các nhà nhập khẩu ở Nhật Bản, Malaysia. Trại nuôi của B. Soundararajan hoàn toàn có khả năng nâng sản lượng từ 10.000 tấn thịt gà đóng gói lên 20.000 tấn trong năm nay. Suguna là một trong số ít trại gà lớn của Ấn Ðộ có khả năng xuất khẩu và đã bán được 12 triệu USD thịt gà sang các nước vùng Vịnh trong khi doanh số nội địa lên tới 125 triệu USD. Theo số liệu chính thức, sản lượng hàng năm của Ấn Ðộ vào khoảng 1,5 tỷ con gia cầm với trị giá khoảng 2 tỷ USD nhưng giá trị xuất khẩu thịt gia cầm chỉ đạt 25 triệu USD.

Nắm bắt cơ hội vàng của ngành gia cầm hiện nay, nhiều hãng sản xuất tại Ấn Ðộ đã thực hiện các dự án phát triển chăn nuôi tầm cỡ, điển hình là Dự án Al Rayan Poultry – được kỳ vọng tạo nên một cuộc cách mạng hóa thay đổi toàn bộ diện mạo ngành gia cầm Ấn Ðộ. Mohamed Hussein al-Ali thuộc Công ty Ðầu tư Dar Al Rayan cho biết: “Dự án không chỉ đơn thuần xây dựng một trang trại gia cầm, mà đây còn phát triển thành một tổ hợp sản xuất gia cầm khép kín và độc lập nhưng vẫn luôn hỗ trợ cho toàn bộ hoạt động sản xuất gia cầm trong nước, đặc biệt hỗ trợ các đơn vị chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ tại Ấn Ðộ”. Ðây là một trong những Dự án được kỳ vọng đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Ấn Ðộ cũng như đảm bảo an ninh lương thực của đất nước. Chính phủ Ấn Ðộ cũng đang hỗ trợ tìm kiếm thị trường mới cho Dự án nói trên, khuyến khích toàn ngành gia cầm tăng tốc sản xuất và nỗ lực vượt qua khó khăn để thâm nhập vào thị trường quốc tế.

Điểm mạnh của ngành gia cầm Ấn Độ nằm ở cách thức nuôi không theo quy mô công nghiệp, không dùng thức ăn biến đổi gen và nhiều loại kích thích tăng trưởng hoặc vaccine cho gà.

Tuấn Minh (Theo WorldPoultry)