Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chế tài xử lý hành vi vi phạm phòng chống dịch Covid -19

07:11 06/09/2021 GMT+7

Thời gian qua xuất hiện một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự; gây hoang mang, lo lắng, bất bình trong xã hội.

Nhằm giúp bạn đọc nhận diện hành vi vi phạm và chế tài xử lý hành vi vi phạm đó, Luật sư Vũ Viết Năng (Giám đốc Công ty Luật Vũ Trình) đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

Luật sư Vũ Viết Năng.

Theo Luật sư Năng: Hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid 19 thể hiện rất đa dạng, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong số người có hành vi vi phạm cũng có trường hợp do nhận thức còn hạn chế, lối sống tùy tiện mà chưa nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Vì vậy việc tuyên truyền để nhân dân nhận diện, hiểu rõ về hành vi vi phạm và chế tài xử lý hành vi vi phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid là rất quan trọng. Có thể nêu một số tình huống thường gặp trên thực tế, để người dân nâng cao ý thức tự giác chấp hành, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Về xử phạt vi phạm hành chính

Hành vi nào thì bị coi là vi phạm phòng chống dịch Covid-19? Chế tài xử phạt hành vi vi phạm đó ra sao, thưa luật sư?

Những hành vi sau đây bị coi là vi phạm phòng chống dịch Covid 19, và chế tài xử phạt như sau:

– Người không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc, ra ngoài khi không cần thiết bị phạt tiền đến 3.000.000 đồng (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

– Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định có thể phạt tiền tối đa đến 2.000.000 đồng (theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18 Điều 1 Nghị định số 55/2021/NĐ-CP.

– Người che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh Covid 19 của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh Covid 19 thì bị phạt tiền đến 20.000.000 đồng. (Quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

– Người không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh Covid 19 thì bị phạt tiền đến 3.000.000 đồng. (Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

– Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộngcó thể bị phạt tiền tối đa đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức (theo quy định tại điểm a, c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

– Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra, vào vùng có dịch bệnh Covid-19 bị phạt tiền đến 30.000.000 đồng. (theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

– Người trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền đến 20.000.000 đồng (theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP

– Người đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid 19 có thể bị phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP).

– Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 5.000.000 đồng (theo quy định tại Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

– Ngoài những hành vi vi phạm và chế tài xử phạt trên, pháp luật còn quy định việc xử phạt đối với: Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 mua vét hàng hóa để thu lợi bất chính; không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

Công an huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) phối hợp với cán bộ thôn bản tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: T.K

Về xử lý hình sự

Trường hợp nào thì người có hành vi vi phạm phòng chống dịch Covid 19 bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Căn cứ Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao về việc hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid 19, tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, người có hành vi phạm tội sẽ bị xử lý về các tội tương ứng sau:

– Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 của Bộ luật Hình sự;

– Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự;

– Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự;

– Tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự ;

– Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự;

– Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự;

Trong phạm vi bài viết, chỉ có thể liệt kê tội danh liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 mà không thể mô tả được dấu hiệu của hành vi phạm tội (để biết thông tin chi tiết các bạn tham khảo các Điều luật và Công văn số 45/TANDTC-PC nêu trên).

Ví dụ: Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid 19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid 19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người: (a) Trốn khỏi nơi cách ly; (b) không tuân thủ quy định về cách ly; (c) từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; (d) không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối (theo hướng dẫn tại điểm 1.1 khoản 1 Công văn số 45/TANDTC-PC).

Ngoài ra liên quan đến phòng chống dịch Covid -19, người phạm tội còn có thể bị xử lý về các tội: “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174; “Tội buôn lậu” theo quy định tại Điều 188; “Tội đầu cơ” theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự.

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (thực hiện)