Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Lê Chiên (ghi) - 07:23 04/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Ngày 30 tháng 6 năm 2022, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BXD “Hướng dẫn việc xác định đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí, chất lượng và việc tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được phê duyệt tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.”
Hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở (bao gồm xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Ảnh minh họa

Nhiều bạn đọc đề nghị Tạp chí Nông thôn mới cho biết những nội dung liên quan đến chính sách này. Chúng tôi trích đăng một số câu hỏi và giải đáp của luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW) xung quanh vấn đề này.

Bạn đọc Trần Văn Hải (Đăk Nông): Được biết Bộ Xây dựng mới ban hành hướng dẫn việc  hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, vậy tất cả hộ nghèo trong cả nước đều được thực hiện theo quy định này?

Đúng như bạn biết, vừa qua Bộ Xây dựng có Thông tư số 01/2022/TT-BXD hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 1 của Thông tư này thì chỉ áp dụng với: Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây viết tắt là Chương trình) có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm;
Các bạn cũng cần phải lưu ý: Theo điểm b, khoản 2, Điều 1 của Thông tư trên thì: Đối tượng thụ hưởng hỗ trợ nhà ở không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác;

Bạn đọc Lò Thị Xuân (Sơn La): Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, được biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhưng hỏi cán bộ địa phương bảo gia đình tôi chưa đủ tiêu chuẩn thuộc diện được hỗ trợ. Đề nghị cho biết để được hỗ trợ phải có tiêu chuẩn gì?

Gia đình bạn thuộc diện hộ cận nghèo, nhưng bạn không nói rõ tình trạng nhà của bạn hiện tại ra sao nên tôi chỉ có thể nêu những quy định mang tính nguyên tắc, trên cơ sở đó để bạn tham chiếu.

Để được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD thì gia đình bạn phải đáp ứng được tiêu chí quy định tại Điều 3 của Thông tư này. Cụ thể là:

Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở thuộc một trong các trường hợp sau:

Hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại không bền chắc (trong ba kết cấu chính là nền - móng, khung - tường, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc).

Diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ nghèo, hộ cận nghèo nhỏ hơn 8m2.
Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội khác.

Bạn đọc Tống Thị Hà (Điện Biên): Trong các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở có hộ nghèo ít, có hộ nghèo nhiều; có hộ nhà hỏng nhiều, nhà hỏng ít. Vậy việc hỗ trợ có phân loại thứ tự không?

Chia sẻ của bạn là rất đúng, Nhà nước cũng đã cân nhắc đến những tình huống như vậy. Điều 5, Thông tư số: 01/2022/TT-BXD đã quy định thứ tự ưu tiên hỗ trợ nhà ở như sau: 

Thứ nhất: Ưu tiên hỗ trợ trước cho các đối tượng theo thứ tự sau đây:

a) Hộ nghèo dân tộc thiểu số;

b) Hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng;

c) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội;

d) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật);

đ) Hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai;

e) Các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại.

Thứ hai: Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cùng mức độ ưu tiên, việc hỗ trợ được thực hiện theo thứ tự sau:

a) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở hư hỏng, dột nát (làm bằng các vật liệu nhanh hỏng, chất lượng thấp) có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn;

b) Hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở (là hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở riêng, hiện đang ở cùng bố mẹ nhưng đã tách hộ, ở nhờ nhà của người khác, thuê nhà ở - trừ trường hợp được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước);

c) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có đông nhân khẩu.

Bạn đọc Hơ Nien (Gia lai): Đề nghị cho biết Nhà nước hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo bao nhiêu tiền?

Theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 7. Thông tư số: 01/2022/TT-BXD thì mức hỗ trợ của Nhà nước cho hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở là: “ a) Nhà xây mới 40 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ từ ngân sách Trung ương;”

Bạn đọc Phạm Văn Thế (Ninh Thuận): Không ít nhà được nhà nước hỗ trợ xây dựng cho hộ nghèo rất nhanh bị hư hỏng, xuống cấp. Quy định mới có đưa ra yêu cầu gì về xây dựng để đảm bảo chất lượng cho nhà không?

Phản ánh của bạn là một thực tế, để khắc phục vấn đề  này, Thông tư số 01/2022/TT-BXD (Điều 4) đã quy định: Yêu cầu chất lượng về nhà ở sau khi được hỗ trợ như sau:

Thứ nhất: Sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.

Thứ hai: Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy. Cụ thể:

a) “Nền - móng cứng” là nền - móng nhà làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, xây gạch/đá, gạch lát, gỗ;

b) “Khung - tường cứng” bao gồm hệ thống khung, cột, tường. Tùy điều kiện cụ thể, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường xây gạch/đá hoặc làm từ gỗ bền chắc;

c) “Mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Tùy điều kiện cụ thể, hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói. Trường hợp mái bằng tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, gỗ...) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc;
Tùy điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở có thể làm bằng các loại vật liệu có chất lượng tương đương có sẵn tại địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo thời hạn sử dụng. UBND các tỉnh (hoặc ủy quyền cho Sở Xây dựng) quy định chủng loại vật liệu địa phương cụ thể (nếu có), báo cáo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.