Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chính sách khuyến khích nông nghiệp hữu cơ

07:12 20/07/2021 GMT+7

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích lớn về giá trị kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, chống ô nhiễm môi trường… mà còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn.

Nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu thế phát triển, được nông dân hưởng ứng tham gia. Bên cạnh lúa hữu cơ còn có các loại rau, củ, quả hữu cơ đang được sản xuất ở nhiều địa phương. Tuy nhiên không ít người chưa nắm rõ về vấn đề này nên còn dè dặt tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn luật sư tp. Hà Nội) đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Theo Luật sư Tuấn, để người sản xuất tích cực tham gia nông nghiệp hữu cơ thì trước tiên họ cần phải nắm được một số khái niệm liên quan đến nông nghiệp hữu cơ; tiêu chí nông nghiệp hữu cơ và những chính sách ưu đãi của nhà nước đối với nông nghiệp hữu cơ, cũng như những lợi ích mà nông nghiệp hữu cơ mang lại. Những vấn đề này được quy định tại Nghị định 109/2018/NĐ-CP, của Chính phủ.

Những khái niệm liên quan đến nông nghiệp hữu cơ là những khái niệm gì, thưa luật sư?

Có nhiều khái niệm liên quan đến nông nghiệp hữu cơ, đó là: Nông nghiệp hữu cơ là gì? Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là gì?…

Theo quy định tại Điều 3, Nghị định 109/2018/NĐ-CP thì:

– Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái.

– Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (gọi tắt là sản xuất hữu cơ) là hệ thống quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

– Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (gọi tắt là sản phẩm hữu cơ) là thực phẩm, dược liệu (bao gồm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền), mỹ phẩm và sản phẩm khác hoặc giống cây trồng, vật nuôi; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản được sản xuất, chứng nhận và ghi nhãn phù hợp theo quy định tại Nghị định này.

Luật sư có thể nói rõ hơn về các quy định liên quan đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ?

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải đảm bảo 3 vấn đề sau:

+ Quản lý các tài nguyên (bao gồm đất, nước, không khí) theo nguyên tắc hệ thống và sinh thái trong tầm nhìn dài hạn.

+ Không dùng các vật tư là chất hóa học tổng hợp trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất, tránh trường hợp con người và môi trường tiếp xúc với các hóa chất độc hại, giảm thiểu ô nhiễm ở nơi sản xuất và môi trường xung quanh.

+ Không sử dụng công nghệ biến đổi gen, phóng xạ và công nghệ khác có hại cho sản xuất hữu cơ.

+ Đối xử với động vật, thực vật một cách có trách nhiệm và nâng cao sức khỏe tự nhiên của chúng.

+ Sản phẩm hữu cơ phải được bên thứ ba chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ hoặc tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được áp dụng trong sản xuất sản phẩm hữu cơ.

Hai là: Phải đáp ứng các “Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ”, đó là:

+ TCVN về nông nghiệp hữu cơ được xây dựng, công bố và áp dụng theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

+ Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài:

a) Trường hợp sản xuất để xuất khẩu: cơ sở sản xuất áp dụng tiêu chuẩn theo thỏa thuận, hợp đồng với tổ chức nhập khẩu;

b) Trường hợp sản xuất hoặc nhập khẩu để tiêu thụ trong nước: cơ sở có thể áp dụng tiêu chuẩn mà Việt Nam là thành viên hoặc có thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được chấp thuận áp dụng tại Việt Nam.

+ Khuyến khích sử dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài làm tiêu chuẩn cơ sở.

Ba là: Phải đáp ứng các quy định “Vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ”

+ Vật tư đầu vào được sử dụng trong sản xuất hữu cơ theo quy định tại tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, phân bón, chất bảo quản, chất phụ gia là hóa chất tổng hợp; thuốc kháng sinh, sinh vật biến đổi gen, hóc môn tăng trưởng.

+ Trường hợp sử dụng vật tư đầu vào: a) Giống cây trồng, vật nuôi hữu cơ; thức ăn chăn nuôi, thủy sản hữu cơ phải được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật khác có liên quan;

b) Phân bón và chất cải tạo đất, thuốc bảo vệ thực vật và chất kiểm soát sinh vật gây hại, chất hỗ trợ chế biến, chất phụ gia; chất làm sạch, khử trùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải được sản xuất từ các nguyên liệu và phương pháp phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật khác có liên quan.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ được tỉnh Lâm Đồng xây dựng đề án với mục tiêu trở thành địa phương đi đầu cả nước về lĩnh vực này. Ảnh: Minh Hậu.

Chính sách ưu đãi của nhà nước cho sản xuất hữu cơ ra sao?

Như đã nói trên, nông nghiệp hữu cơ mang lại rất nhiều lợi ích, do đó nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. Những chính sách đó gồm 2 nhóm:

Nhóm thứ nhất: “Ưu tiên áp dụng các chính sách đã ban hành cho phát triển nông nghiệp hữu cơ”

Ưu tiên kinh phí khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông, đặc biệt về giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo mộc.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ hoặc vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất hữu cơ được ưu tiên hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư đối với nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp; chính sách liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn;…

Nhóm thứ hai: “Một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ”. Trong nhóm này quy định rõ:

“Nội dung, định mức hỗ trợ:”; “Nguồn kinh phí thực hiện”; “Nguyên tắc hỗ trợ”; “Điều kiện, trình tự, thủ tục hỗ trợ:
Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ được quy định tại Chương VI, Nghị định 109/2018/NĐ-CP. Để biết thông tin chi tiết các bạn tham khảo Nghị định này

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (thực hiện)