Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chuỗi liên kết – Giải pháp căn cơ trong ngành chăn nuôi lợn

04:00 15/04/2019 GMT+7
“Bão giá” năm 2017, “bão dịch tả lợn châu Phi” năm 2019 đã quyết gẫy khúc giá và lượng, làm tổn thất mọi bề cho người chăn nuôi lợn ở nước ta. Làm thế nào để vực dậy sản xuất, mở thị trường để có “bát ăn, bát để” đang là nỗi lo của doanh

“Bão giá” năm 2017, “bão dịch tả lợn châu Phi” năm 2019 đã quyết gẫy khúc giá và lượng, làm tổn thất mọi bề cho người chăn nuôi lợn ở nước ta. Làm thế nào để vực dậy sản xuất, mở thị trường để có “bát ăn, bát để” đang là nỗi lo của doanh nghiệp và hộ chăn nuôi nhỏ hiện nay?

Điểm “tử huyệt” trong chăn nuôi và sự định hình sân chơi mới

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi – Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện nước ta có số đầu lợn khoảng 29 triệu con, đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 ở châu Á, nằm trong top 15 nước có đàn lợn lớn nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng đàn lợn giai đoạn 2015 – 2018 đạt 0,91%/năm. Đến quý I.2019, ước tính cả nước có 3 triệu cơ sở chăn nuôi lợn, trong đó khu vực doanh nghiệp, chủ trang trại, gia trại… có quy mô vừa và lớn khoảng 23.000 cơ sở, với tổng mức 17 đến 20 triệu con, chiếm 60 – 70% tổng đầu lợn cả nước.

Trong giai đoạn 2015 – 2018, số cơ sở chăn nuôi lợn nông hộ ước giảm 5 – 6%/năm so với 3 năm trước đó. Lợn nuôi theo hướng hàng hóa chiếm đến 75% số cơ sở chăn nuôi. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi có sử dụng cám công nghiệp ước khoảng 70%. Năng suất chăn nuôi lợn của Việt Nam thuộc dạng thấp, chỉ từ 17 – 24 con cai sữa/nái/năm. Với thị trường tiêu dùng nội địa là 94 triệu dân, Việt Nam là điểm đến của của đầu tư chăn nuôi. Nhiều công ty cung ứng, những giống lợn nổi tiếng nhất trên thế giới đã phát triển tại Việt Nam. Số lượng lợn giống nhập khẩu năm 2017 là 9.521 con (Landrace, Duroc, Yorkshire, Pietrain) từ Mỹ, Canada, Đan Mạch, Đài Loan, Pháp, Anh, Bỉ. Các công nghệ hiện đại đã được chuyển giao và người chăn nuôi Việt Nam đã tiếp cận tốt. Môi trường đầu tư thuận lợi: Cụ thể là chính sách của Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào ngành chăn nuôi (ưu đãi về thuế). Các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, từ con số 0, nay đã trở thành những đế chế chăn nuôi hùng mạnh. Nhà nước đang giảm bớt các giấy phép con, hiện đại và tin học hóa các thủ tục hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt lợn.

Tuy nhiên, tại các hội thảo chuyên ngành, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, chăn nuôi là ngành duy nhất chưa khẳng định được vị trí xứng tầm, khi chưa thu về kim ngạch xuất khẩu tương xứng với năng lực sản xuất. Tổ chức lại sản xuất,  chế biến thịt đang là điểm yếu, “tử huyệt” của ngành chăn nuôi lợn ở nước ta, được biểu hiện cụ thể 8 khó khăn chính:

(1) Sản xuất thị trường còn thiếu kết nối và điều hành tổng thể, nhiều khâu trung gian, chi phí sản xuất còn cao;

(2) Dịch bệnh truyền nhiễm khó kiểm soát, đặc biệt là bệnh tai xanh và lở mồm long móng;

(3) Tái cơ cấu ngành còn thấp, chuyển biến chậm, tích tụ đầu tư thấp;

(4) Giết mổ chế biến chưa quản lý và quy hoạch tốt;

(5) Tổ chức sản xuất còn yếu, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm;

(6) Chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, khó đi vào cuộc sống;

(7) Thể chế thiếu hoàn thiện còn vướng mắc liên quan đến đất đai, tín dụng, bảo hiểm…;

(8) Hợp tác liên kết theo chuỗi còn chưa định hình, rời rạc, liên kết chưa chặt chẽ…

Cuộc khủng hoảng giá thịt lợn năm 2017, “bão dịch tả châu Phi” năm 2019 đã trở thành những sự thanh lọc tự nhiên của thị trường, và cũng từ đây, rõ hơn một sân chơi mới trong ngành chăn nuôi lợn ở nước ta – Sân chơi của doanh nghiệp với những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi – Điều này, thuận cho tái cơ cấu ngành trên cơ sở phát huy lợi thế cho đơn vị/tổ chức chăn nuôi có quy mô vừa và lớn; nhưng mặt bất thuận là đẩy hộ chăn nuôi đơn lẻ, phân tán vào thế khó khăn cả về sản xuất, tiêu thụ nông sản. Trong sân chơi mới này, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang trước nguy cơ “đứng ngoài lề phát triển”.

Chuỗi liên kết – Giải pháp căn cơ trong ngành Chăn nuôi lợn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nguồn cung năm 2016 là 55 triệu con lợn, năm 2017 là 39,7 triệu con, năm 2018 là 41 triệu con. Nguồn ra thị trường là 48 triệu con lợn/năm 2016; 39,7 triệu con/năm 2017 và 40,9 triệu con/năm 2018. Với trọng lượng xuất chuồng bình quân 100kg/con, thì sản lượng thịt hơi ra thị trường năm 2016 là 5,5 triệu tấn, năm 2017 là 3,97 triệu tấn, 2018 là 4,1 triệu tấn. Trong khi đó, “đầu ra” qua đường xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc năm cao nhất (2016) là 1,2 triệu tấn, năm 2018 là 240 ngàn tấn, quý I.2019 này là 10 ngàn con lợn sữa – Điều này khẳng định, chăn nuôi lợn ở Việt Nam cung đã vượt cầu. Để tăng thu nhập cho người chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi và phát triển chăn nuôi lợn bền vững – Việt Nam không có con đường nào khác là xuất khẩu. Muốn xuất khẩu thì phải tập trung vào 2 khâu trọng yếu nhất: Hạ giá thành sản xuất đạt mức ngang bằng các quốc gia trong khu vực và thực hành chuỗi liên kết hoàn chỉnh để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc theo thông lệ quốc tế.

Mô hình chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Trương Trọng Nhạc, xã Ngũ Kiên, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ảnh TRÀ HƯƠNG

Mô hình chuỗi liên kết hoàn chỉnh (chuỗi kín)

Là hoạt động tập thể theo đường đi của sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng. Chuỗi tham gia tạo ra giá trị của sản phẩm và thực hiện lợi nhuận từ các hoạt động đó. Chuỗi liên kết hoàn chỉnh gồm 6 khâu: Giống > thức ăn > thú y, dịch vụ thú y -> thu gom, vận chuyển -> giết mổ, chế biến -> phân phối, bán hàng. Chuỗi hoàn chỉnh này hiện tại ở Việt Nam rất ít, bởi có yêu cầu rất cao về: vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao, người lao động chuyên nghiệp và hệ thống nhà xưởng sản xuất, chế biến, cửa hàng có xác nhận cùng các phương tiện vận chuyển đạt chuẩn. Với yêu cầu cao như trên, thì chỉ có các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn mới đủ sức thực hành.

Câu chuyện của Tập đoàn DABACO Việt Nam (ở Bắc Ninh) là một ví dụ: Thay bằng việc chăn nuôi nhỏ lẻ, ngay từ những ngày đầu bước ra thị trường, Dabaco đã xác định mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng khép kín.  Dabaco hiện sở hữu 7 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, chiếm 60% doanh thu của Tập đoàn. Các nhà máy sản xuất phụ trợ như nhà máy sản xuất bao bì nhựa PP và PE, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại… Dabaco cũng sở hữu nhiều giống lợn, gà có năng suất và chất lượng cao như Duroc, Pietrian, Landrace, Yorkshire đều được  nhập khẩu trực tiếp từ Canada, Đan Mạch,  Mỹ… về để nhân đàn và lai tạo ra những giống lợn mới tích hợp các đặc tính ưu việt.

Việc Dabaco đầu tư vào quy trình giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm cũng góp phần tạo nên thành công cho chuỗi cung ứng khép kín, cung cấp sản phẩm thịt gà, thịt lợn sạch ra thị trường, đáp ứng sự thay đổi của người tiêu dùng. Để hoàn thiện chuỗi cung ứng khép kín, các nhà máy chế biến của Dabaco có nhiệm vụ sản xuất thực phẩm ăn liền đảm bảo được hương vị hấp dẫn và vệ sinh an toàn thực phẩm. Những thương hiệu có uy tín được doanh nghiệp này tạo dựng như Topfeeds, Kinh Bắc, Khangti Vina, Dabaco food… ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước. Suốt 4 tháng qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nằm trong “tâm bão” ấy, Tập đoàn Dabaco vẫn an toàn với mức tăng trưởng đều đặn, thậm chí là vượt kế hoạch.

Mô hình chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh (chuỗi hở)

Mô hình này, phù hợp việc tổ chức lại sản xuất ở nông thôn bằng hình thức liên kết ngang giữa các hộ chăn nuôi với hộ chăn nuôi, giữa tổ, nhóm, hợp tác xã (HTX) với HTX… trên địa bàn dân cư  cùng sản xuất ra nông sản chủ lực có khối lượng vừa, chất lượng ổn định, nhưng được hợp đồng bao tiêu sản phẩm thông qua liên kết với doanh nghiệp. Chuỗi liên kết hở, tùy theo điều kiện cụ thể của từng nơi mà thực hành 3 đến 4 khâu: Giống -> dịch vụ thức ăn, thú y -> thu mua bao tiêu sản phẩm. Trong đó, HTX giữ vai trò chính trong dịch vụ vật tư “đầu vào”  sản xuất; kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.

HTX Chăn nuôi – thủy sản Gò Công (Tiền Giang) là một điển hình: Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động (4.2017) HTX đã tổ chức chăn nuôi theo chuỗi và tiêu chuẩn VietGap trên cơ sở liên kết “4 nhà”. Lấy nuôi gà là sản phẩm chủ lực, thực hành qui trình nuôi khoa học gắn với chuyển giao kỹ thuật và cung ứng dịch vụ chăn nuôi cho các hộ thành viên, liên kết doanh nghiệp giải quyết đầu ra cho sản phẩm.

Sơ đồ hóa mô hình chuỗi liên kết khép kín của Tập đoàn Dabaco. Ảnh tư liệu.

Để chủ động về giống, HTX đã nghiên cứu, lai tạo thành công giống gà ta Gò Công từ các giống gà bản địa. được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền “Gà ta Gò Công”. Có giống gà mới chất lượng tốt, HTX đã chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi an toàn sinh học, thống nhất quy mô nuôi tối ưu 2.000 – 3.000 con/hộ, mật độ nuôi tối ưu 7 con/m2. Trong qui trình nuôi, xã viên tuân thủ tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và cho gà ăn vào ban ngày, không cho ăn dặm ban đêm; trước khi xuất bán 2 tuần, HTX hợp đồng không mua thức ăn có chất kháng sinh với đơn vị cung ứng để đảm bảo tiêu chuẩn hợp đồng.

Để chủ động và kiểm soát được nguồn thức ăn, thuốc thú y – HTX đã ký hợp đồng và xây dựng 2 cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và dịch vụ thú y; trong đó, nòng cốt là tổ KHKT gồm 1 bác sỹ và 3 nhân viên kỹ thuật. Để đảm bảo lợi ích xã viên, HTX đã hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty San Hà – doanh nghiệp chuyên kinh doanh sản phẩm thịt, trứng gia cầm nổi tiếng tại TP. Hồ Chí Minh. Theo hợp đồng, trung bình mỗi tháng, HTX cung ứng cho Công ty San Hà từ 700 – 1.000 con gà ta Gò Công thịt, với giá ổn định 60.000 đồng/kg gà trống và 75.000 đồng/kg gà mái. Với hộ xã viên có quy mô nuôi 1.000 con nhưng phải vay vốn ngân hàng và thuê lao động, sau vụ nuôi 4 tháng có thể thu lãi trên 8,5 triệu đồng; nếu không phải vay vốn ngân hàng, nhưng thuê lao động, sẽ thu lãi khoảng 15 triệu đồng; nếu không vay vốn ngân hàng và không thuê lao động, mức lãi đạt trên 20 triệu đồng. Mỗi năm, hộ xã viên có thể nuôi 2 – 3 vòng. Ba năm qua, doanh thu và lợi nhuận của HTX này tăng trưởng ổn định: Năm 2014, tổng doanh thu trên 27 tỉ đồng, các năm 2015 đến 2018, mức tăng trưởng đạt cao hơn từ 10 – 20% so với năm trước. Điều đáng mừng là 100% hộ thành viên đều đạt thu nhập ở ngưỡng khá và giàu, không còn hộ nghèo, HTX Chăn nuôi – Thủy sản Gò Công luôn là đơn vị dẫn đầu trong các HTX của tỉnh Tiền Giang.

Thách thức cần vượt qua

Nhìn chung, ngành chăn nuôi lợn nước ta có nhiều lợi thế, nhân lực trong ngành có truyền thống và kinh nghiệm. Nông dân Việt Nam rất chịu khó, cần cù, thông minh; các doanh nghiệp rất năng động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong 10 năm tới ngành Chăn nuôi lợn sẽ gặp những thách thức lớn do cạnh tranh ngày càng tăng. Thịt lợn Việt Nam không chỉ bị cạnh tranh bởi thịt lợn Mỹ, Đan Mạch, Brazin, Hà Lan mà thậm chí là còn cả Trung Quốc và Nga; Chi phí chăn nuôi cao và khó khăn trong kiểm soát môi trường. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh sản phẩm ngoài ngành (thịt gia cầm, thủy sản, thịt bò…) có thể khiến nhu cầu về thịt lợn chững lại.

Sơ chế thịt lợn để đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: T.L

Để vượt qua những thách thức trên, cần những giải pháp cốt lõi như Nhà nước cần xây dựng chiến lược điều hành tổng thể ngành Chăn nuôi. Tổ chức và quy hoạch sản xuất gắn với thị trường. Tổ chức quản lý tốt dịch bệnh, giết mổ, ATVSTP… Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người chăn nuôi cần bắt tay xây dựng chuỗi liên kết; áp dụng khoa học kỹ thuật, phòng chống bệnh dịch, vệ sinh chuồng trại… để đảm bảo an toàn, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng thịt, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đầu tư vào giết mổ và chế biến thịt sâu, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Chăn nuôi là ngành duy nhất chưa khẳng định được vị trí xứng tầm, khi chưa thu về kim ngạch xuất khẩu tương xứng với năng lực sản xuất. Tổ chức lại sản xuất,  chế biến thịt đang là điểm yếu, “tử huyệt” của ngành chăn nuôi lợn ở nước ta.

Chăn nuôi lợn ở Việt Nam cung đã vượt cầu. Để tăng thu nhập cho người chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi và phát triển chăn nuôi lợn bền vững – Việt Nam không có con đường nào khác là xuất khẩu. Muốn xuất khẩu thì phải tập trung vào 2 khâu trọng yếu nhất: Hạ giá thành sản xuất đạt mức ngang bằng các quốc gia trong khu vực và thực hành chuỗi liên kết hoàn chỉnh để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc theo thông lệ Quốc tế.

Hoàng Trọng Thủy