Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chuyện của một giáo viên trở thành nông dân xuất sắc

08:24 05/12/2020 GMT+7
Sau biến cố trong gia đình, cô giáo Nguyễn Thị Kim Mai (SN 1957 tại xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đã có bước ngoặt sang nghề nông. Từ tay trắng bà đã gây dựng nên trang trại với tổng diện tích 30ha, đạt lợi nhuận 1,8 tỷ đồng/năm và tạo việc

Sau biến cố trong gia đình, cô giáo Nguyễn Thị Kim Mai (SN 1957 tại xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đã có bước ngoặt sang nghề nông. Từ tay trắng bà đã gây dựng nên trang trại với tổng diện tích 30ha, đạt lợi nhuận 1,8 tỷ đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động. Nghề nông đã giúp bà Mai thỏa ước mơ tạo nên những nông sản sạch và trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc.

Bà Nguyễn Thị Kim Mai chia sẻ về bí quyết để có những trái mãng cầu thơm ngon và cho năng suất cao. Ảnh: Thuận Hải

Tìm thấy niềm vui từ nghề nông

Vốn là một giáo viên, chưa từng cầm đến cây cuốc, nhưng do biến cố gia đình, đã đưa bà Nguyễn Thị Kim Mai đến với nghề nông. Bà kể: Ông xã tôi mê đất, mê vườn lắm nên có bao nhiêu vốn liếng đều bỏ ra mua đất, mua vườn. Lúc đó, gia đình tôi có gần 30ha đất vườn chủ yếu trồng cây điều, cà phê… Vợ chồng tôi còn bỏ tiền khai hoang được 100ha trồng cao su ở Bình Phước. Sau đó, ông xã tôi bị bệnh nan y nằm liệt một chỗ. Suốt 5 năm dài, vợ chồng tôi đi nước ngoài, ra Bắc, vào Nam để chữa bệnh. 100ha đất cao su cứ lần lượt đội nón ra đi. Khi chồng mất, tôi hầu như không còn vốn liếng gì ngoài đất rẫy. Lúc đó, tôi đã 45 tuổi và có 4 người con đang tuổi ăn tuổi học. Tôi nghĩ, bây giờ người trụ cột trong gia đình đã không còn mà mình bán đất để sống, có sẵn tiền thì các con dễ hư hỏng nên tôi quyết định tự làm nông dân.

Bắt tay vào đầu tư, tôi không có vốn nên dùng đất làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng, mua thiếu phân, thuốc của các đại lý. 5 năm trời tôi chỉ lo chăm chồng đau ốm, rẫy điều rộng 20ha nhìn như rừng hoang vì bị bỏ mặc quá lâu, cây dại phủ kín vườn. Tôi đổ công chăm sóc lại rẫy điều, kết hợp nuôi dê để có vốn xoay xở. Vào năm 2011, trong một lần lên Lạng Sơn thăm người nhà, tôi phát hiện một cây mãng cầu lai mãng cầu rừng cho quả to gấp ba lần bình thường, hạt ít và lép. Tôi đã mua cây đó với giá 8 triệu đồng mang về Đồng Nai.

Ban đầu, tôi mua 10kg hạt mãng cầu Thái về tự ươm cây con nhưng thất bại do chưa có kinh nghiệm. Không nản lòng, tôi tiếp tục đặt 10.000 cây mãng cầu giống ở Bến Tre rồi thuê người ghép đọt của cây mãng cầu hạt lép vào. Chi phí tôi bỏ ra để mua giống và thuê nhân công hết gần 100 triệu đồng, thu về 120 cây ghép.

Theo bà Mai, giống mãng cầu hạt lép có nhiều ưu điểm: cây có sức đề kháng cao, sinh trưởng tốt, chỉ 18 tháng đã đơm hoa. Một cây trung bình cho hơn 200 trái một vụ. Để cây đủ dinh dưỡng nuôi quả lớn, cần phải tỉa bớt trái trên cây đi một nửa. Giống mãng cầu này lại có sức chống chịu sâu bệnh và năng suất cao hơn hẳn giống mãng cầu Thái. Trái thu hoạch để từ 4 – 7 ngày mới chín nên rất thuận tiện cho bảo quản, vận chuyển.

“Tôi còn nhớ mãi lần đầu đem chào hàng, không ai tin trái mãng cầu nặng 0,5 – 1,2 kg này lại không dùng thuốc hóa học. Tôi giải thích, loại trái cây này sản xuất sạch rất dễ, quá trình trồng chỉ dùng phân hữu cơ ủ bằng men vi sinh. Khi trái non, chỉ cần xịt một lần thuốc diệt nấm bệnh rồi bao trái lại, 3 tháng sau cho thu hoạch mà không phải xử lý gì thêm. Làm được trái cây sạch bán cho người tiêu dùng tôi thấy rất vui, nên luôn xác định theo con đường này lâu dài”, bà Mai tự hào cho biết.

Nhờ kiên trì ký gửi bán và chất lượng trái thơm ngon, khách hàng nhiều nơi dồn dập gọi đặt mua. Có người mua thử về ăn rồi quay lại vì chất lượng trái ngon, sau đó dần dần có nhiều mối đặt hàng. Hiện nay, mãng cầu hạt lép Kim Mai với loại 1, loại 2, loại 3 có giá dao động lần lượt là 120.000, 80.000, 50.000 đồng/kg. Mỗi năm, cây cho hai vụ thu. Sản lượng thu được chủ yếu cung cấp cho các sạp, cửa hàng trái cây cao cấp ở TP. HCM, Hà Nội… Nhiều siêu thị đặt vấn đề đưa sản phẩm vào tiêu thụ, đồng thời có đối tác đặt bao tiêu hàng để xuất khẩu. Hiện bà tiếp tục mở rộng diện tích và khuyến khích nông dân khác cùng đầu tư vào loại mãng cầu này vì tiềm năng thị trường còn rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Kim Mai chia sẻ về bí quyết để có những trái mãng cầu thơm ngon và cho năng suất cao. Ảnh: Thuận Hải

Thành bại quyết định từ chất lượng

Từ thành công ban đầu cộng với sự kiên trì, bà Nguyễn Thị Kim Mai tập trung phát triển giống mãng cầu hạt lép và sau đó tiến đến thành lập Tổ hợp tác Lộc Mai (hiện chuyển đổi thành Công ty Xuất nhập khẩu Kim Mai). Hiện nay, trang trại đã mở rộng trên 30ha chuyên canh cây ăn quả cao cấp, chất lượng và an toàn gồm: xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, mãng cầu hạt lép Kim Mai, mãng cầu Đài Loan, vú sữa Hoàng Kim. Năm 2019, thu nhập của trang trại đạt 1,8 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động là con em hội viên nông dân ở địa phương, mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, không chỉ trồng và thu hoạch mãng cầu hạt lép, trang trại của bà cũng đang độc quyền cung cấp cây giống của loại đặc sản này.

Chia sẻ về bí quyết thành công, bà Mai cho biết, lương thực, thực phẩm đều do bàn tay nông dân làm ra để phục vụ cho nhu cầu xã hội, nhưng đời sống của nông dân vẫn chưa cao, vì thế hội viên, nông dân cần xác định cho mình hướng đi đúng. Thứ nhất, phải đưa vào chuyên canh để tập hợp được lượng hàng hóa lớn, ổn định, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tiếp đó, sản phẩm phải có chất lượng, uy tín, có thương hiệu mới mong tìm được đầu ra ổn định. Để đời sống nông dân được nâng cao, hội viên nông dân cần liên kết lại theo hình thức kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã… cùng nhau làm và cùng hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nông dân cần sáng tạo, tìm kiếm, nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm có giá trị, có nhiều lợi thế để cung ứng ra thị trường. Bên cạnh đó, cần chủ động xây dựng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng mới là hướng đi bền vững.

Hiện cơ sở của bà Mai đang xây dựng chương trình từ một cây giống, từ một quy trình để có một sản phẩm chất lượng an toàn và tập hợp lượng hàng lớn đúng theo yêu cầu thị trường để xuất khẩu. Trong đó, chú trọng việc thực hiện vệ sinh an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực thẩm, sản xuất nông sản sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn, bảo vệ sức khỏe con người.

“Vấn đề an toàn thực phẩm nói chung và an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp nói riêng luôn được đặt lên hàng đầu, đây là điều tâm huyết của tôi, làm theo quy trình Gap, để bảo đảm sức khỏe bản thân, gia đình cũng như cộng đồng xã hội, giảm những hệ lụy bệnh tật, nghèo đói, bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp”, bà Mai nói.
Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, bà Nguyễn Thị Kim Mai còn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên, nông dân và bà con lối xóm; tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Với những nỗ lực vượt bậc, bà đã được trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các Bộ, ngành và địa phương. Đặc biệt, năm 2013, bà được Trung ương Hội ND Việt Nam vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc.

“Tôi đã tìm được giống Mãng cầu hạt lép Kim Mai là một cây bản địa đột biến lai dòng na Thái, thơm ngon và năng suất rất cao, được Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và các ban, ngành cấp giấy phép cây đầu dòng để nhân giống, nhân rộng mô hình trên cả nước”, bà Nguyễn Thị Kim Mai.

Thuận Hải