Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo chuỗi liên kết vùng ở Nghi Lộc

07:02 20/09/2021 GMT+7

Xác định lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng tâm, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, tập trung ưu tiên các sản phẩm thế mạnh của từng địa phương. Từ đó phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo chuỗi liên kết kinh tế nông nghiệp theo vùng… là những định hướng phát triển của huyện Nghi Lộc (Nghệ An).

Mô hình sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại xã Nghi Trường.

Hình thành vùng sản xuất tập trung

Để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình kinh tế tập trung theo vùng có ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch, huyện Nghi Lộc đã áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, huyện hỗ trợ 350 triệu đồng/1 mô hình sản xuất hoa, dưa, rau, củ, quả trong nhà màng hoặc nhà lưới có diện tích từ 2.500m2 trở lên. Trong 10 năm đã hỗ trợ 2,8 tỷ đồng để xây dựng 8 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong 25 nhà màng tập trung tại các xã: Nghi Long, Nghi Trung, Nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Xá, Khánh Hợp… Từ năm 2021 trở đi số tiền hỗ trợ giảm xuống còn 200 triệu đồng/mô hình.

Cùng với đó, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch và phân công các phòng chuyên môn trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho người dân triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cụ thể: 29 xã đã tổ chức được 355 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật với hơn 24.850 lượt người tham gia. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội của huyện đã phối kết hợp tổ chức tập huấn các chủ trương, chính sách, các tiêu chí về xây dựng NTM; ứng dụng KHKT cho cán bộ hội viên với 10.000 lượt người tham gia. Tổ chức trên 70 cuộc hội thảo các mô hình sản xuất nông nghiệp, tổ chức đoàn tham quan tại các xã điểm về xây dựng NTM.

Tại xã Nghi Long, gần 80ha trồng màu hiệu quả thấp trước đây đã được người dân chuyển đổi sang canh tác các loại hoa, rau, củ quả trong nhà màng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt theo mô hình VietGAP mang lại thu nhập khá cao. Hiện nay, xu hướng chuyển dịch này đang được mở rộng sang các xã Nghi Trung, Nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Xá, Khánh Hợp… (gần 20 ha). Thu nhập từ sản xuất hoa, dưa, rau củ quả ở mô hình sản xuất công nghệ cao đạt trên 350 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, tại những vùng có diện tích đất đồi, đất cao trồng lúa không hiệu quả, người dân đã chuyển đổi sang trồng một số loại cây trồng có hiệu quả kinh tế hơn như: Trồng hành tăm ở các xã Nghi Lâm, Nghi Thuận, Nghi Văn với diện tích gần 150ha; trồng nghệ ở Nghi Kiều gần 20ha; trồng măng tây ở Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Công Nam… với diện tích hơn 10ha. Nâng giá trị sản xuất bình quân của ngành Nông nghiệp từ 82 triệu đồng/ha/năm (năm 2015) lên trên xấp xỉ 100 triệu đồng/ha/năm năm 2020.

Gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng là điều chỉnh, hướng dẫn các hộ chăn nuôi, tái tạo đàn phù hợp với điều kiện cụ thể để kết hợp sản xuất vườn – chuồng tận dụng bổ trợ cho nhau. Hiện trên địa bàn huyện có 310 trang trại, gia trại, trong đó có 40 trang trại đạt chuẩn theo Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Nhờ đó từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM.

Làng nghề làm thẻ hương Tây Lân.

Phát huy giá trị làng nghề truyền thống

Nghi Lộc vốn là huyện có vị trí thông thương khá thuận lợi, tiếp giáp với TP. Vinh – Trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh và Thị xã Cửa Lò – gắn với du lịch biển có tiếng ở miền Trung. Nhờ được ưu ái về vị trí địa lý nên Nghi Lộc rất có lợi thế để quảng bá cũng như giao thương sản phẩm nông nghiệp, làng nghề với các tỉnh bạn.

Trên địa bàn huyện Nghi Lộc có làng nghề hương thẻ Tây Lân ở xóm Trường Lân (trước đây là xóm 5 cũ) xã Nghi Trường. Hiện tại có 12 hộ tham gia, đây là làng nghề có truyền thống lâu đời, nguồn gốc của làng nghề được đưa từ ngoài Bắc vào. Hiện nay có nhiều hộ sản xuất sản phẩm không chỉ cung cấp trong tỉnh mà còn xuất khẩu sang Lào, Campuchia. Nghề làm thẻ hương Tây Lân ăn sâu vào nếp sống, sinh hoạt của các hộ dân trong làng.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lý (xóm Trường Lân) cho biết: “Gia đình tôi đã trải qua gần 40 năm làm hương. Để sản phẩm cạnh tranh trên thị trường, gia đình tôi chọn giải pháp lấy nguyên liệu làm hương hoàn toàn bằng các loại thảo mộc: rễ hương, hoa hồi, quế chi… từ các huyện Qùy Châu, Qùy Hợp. Ưu điểm của loại hương này không gây độc hại với sức khỏe người sử dụng, cũng như người trực tiếp sản xuất. Hương có mùi thơm độc đáo. Nếu như trước đây chỉ cần 5 đến 7 lao động, thì hiện nay do hương Tây Lân có vị thế trên thị trường nên gia đình tôi tiếp tục mở rộng sản xuất, số lao động đã tăng lên 15 người”.

Ở Nghi Lộc còn một số làng nghề nổi tiếng khác như: Làng nghề bún bánh ở Hậu Hòa xã Nghi Hoa, bánh cốm Đông Thuận xã Nghi Trung,… Những làng nghề đang ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong xu thế cạnh tranh thị trường hiện nay.

Tại làng Đông Thuận (xã Nghi Trung) vẫn duy trì và phát triển nghề làm bánh cốm truyền thống lâu đời. Vụ chính được bắt từ tháng 10 đến tháng 5 của năm sau. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày một gia đình sản xuất từ 1 đến 1,5 tạ gạo, tương đương hơn 1 vạn tấm bánh cốm để cung cấp ra thị trường. Trong làng có 58/90 hộ làm nghề bánh cốm. Nghề này đang tạo việc làm cho trên 150 lao động với mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Thị trường tiêu thụ bánh cốm làng nghề Đông Thuận ngày càng được mở rộng ra các huyện miền núi của tỉnh và các tỉnh lân cận như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: “Những bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế chính là lộ trình đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa từ đó xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nông sản. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm”; bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và bền vững, trên cơ sở liên kết và kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó nâng cao hiệu quả canh tác trên đơn vị diện tích và nâng cao thu nhập cho người dân”.

Trên địa bàn huyện Nghi Lộc có 310 trang trại, gia trại, trong đó có 40 trang trại đạt chuẩn theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Nhờ đó từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM.

Bùi Ánh