Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cùng phối hợp xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại

15:20 05/03/2020 GMT+7
Ngày 5.3.2020 tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức Lễ ký Chương trình phối hợp trong xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện

Ngày 5.3.2020 tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức Lễ ký Chương trình phối hợp trong xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại, Hợp tác xã kiểu mới và chi Hội Nông dân nghề nghiệp giai đoạn 2020 -2025.

 Phát triển chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp theo phương thức “5 tự”, “5 cùng”

Tham dự và chủ trì Lễ ký có các đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN; Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Đồng chí Lê Quốc Phong, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN phát biểu khai mạc Lễ Ký.

Chương trình phối hợp thực hiện trong xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại, Hợp tác xã (HTX) kiểu mới và chi Hội Nông dân (ND) nghề nghiệp giai đoạn 2020 -2025 nhằm mục đích tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động của 4 tổ chức trong việc động viên hội viên, đoàn viên tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, hợp tác xã kiểu mới và chi Hội ND nghề nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đồng thời đổi mới phương thức hoạt động, góp phần khẳng định vai trò, vị trí, uy tín, của 4 tổ chức, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao chất lượng hội viên, đoàn viên, thực hiện chủ trương “ly nông bất ly hương”, “quy nông, quy điền”, thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại…

Phát biểu khai mạc Lễ ký kết, đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN nêu bật 5 ưu thế vượt trội trong xây dựng Hợp tác xã kiểu mới, đó là: 1. Hoạt động của HTX kiểu mới đã đi vào nề nếp, thiết thực, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của nông dân; 2. Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên, giữa hội viên với người đứng đầu HTX theo mối liên kết 6 “Nhà” (Nhà nước – Nhà nông – Doanh nghiệp – Nhà khoa học – Ngân hàng – Nhà tư vấn); 3. Khắc phục được những khó khăn, hạn chế trong hoạt động của HTX, Hội ND, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ: 4. Người tham gia HTX kiểu mới được nâng cao năng lực sản xuất, kỹ năng canh tác; 5. Được cấp uỷ  lãnh đạo trực tiếp mô hình HTX kiểu mới thông qua các đồng chí đứng đầu Chi hội ND, Chi hội Phụ nữ, Bí thư Chi đoàn từ cấp cơ sở.

Theo Báo cáo tổng quan về Hội ND xây dựng chi Hội ND nghề nghiệp do đồng chí Nguyễn Khắc Toàn, Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Kinh tế Trung ương Hội NDVN trình bày tại Lễ ký: Nhằm đổi mới nội dung, phương thức để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội cơ sở và đa dạng hóa mô hình thu hút, tập hợp hội viên nông dân tham gia sinh hoạt Hội, Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN đã ban hành Đề án 24 – ĐA/HNDTW về thí điểm xây dựng chi Hội ND nghề nghiệp, tổ hội ND nghề nghiệp. Sau 3 năm thực hiện và tiến hành tổng kết Đề án 24, BCH  Trung ương Hội NDVN đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh xây dựng chi Hội ND nghề nghiệp, tổ Hội ND nghề nghiệp trên phạm vi cả nước, vì mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp thịnh vượng, ND giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn, Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Kinh tế Trung ương Hội NDVN trình bày Báo cáo tổng quan về Hội ND xây dựng chi Hội ND nghề nghiệp tại Lễ ký kết:

Trong những năm qua, các cấp Hội NDVN đã chủ động, tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đặc biệt là xây dựng Chi Hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp theo phương thức “5 tự”: Tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; “5 cùng” (1) Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; (2) Cùng mối quan tâm; (3) Cùng có sự chia sẻ; (4) Cùng trách nhiệm; (5) Cùng hưởng lợi, tham gia phát triển kinh tế tập thể và xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tính đến 31/12/2019 cả nước đã có 14.818 tổ hội nghề nghiệp được thành lập với 174.697 hội viên tham gia. Trong đó có 9.584 tổ về trồng trọt; 3.503 tổ về chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thủy sản; 1.731 tổ về tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề dịch vụ khác. Bình quân 1 tổ hội có 12 hội viên.

Đã có 693 chi hội nghề nghiệp được thành lập với 24.573 hội viên nông dân tham gia. Trong đó lĩnh vực trồng trọt có 314 chi hội; chăn nuôi, khai thác nuôi trồng thủy sản có 179 chi hội; tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ khác có 188 chi hội. Bình quân mỗi chi hội có từ 40 – 50 hội viên, chi hội có số hội viên cao nhất 287 hội viên, chi hội có số hội viên thấp nhất là 30 hội viên.

Đến nay, qua các cuộc điều tra, khảo sát và báo cáo của các cấp Hội, về cơ bản các chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả, nền nếp, thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên theo mô hình hoạt động 3 loại hình (3 trong 1): Chi hội ND nghề nghiệp – Hợp tác xã – Doanh nghiệp trong một Chi hội ND.

Chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở được nâng lên rõ rệt, nhất là cán bộ chi hội, tổ hội nghề nghiệp, năng động hơn, sáng tạo hơn, kỹ năng điều hành và quản lý tốt hơn, tính gắn kết, cộng đồng trách nhiệm cao hơn. Từng bước xuất hiện những cán bộ chi hội năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, có tư duy kinh tế, có kỹ năng và phương pháp vận động quần chúng, có nhận thức chính trị và uy tín trong nhân dân, tạo nguồn cán bộ cho Đảng xem xét kết nạp Đảng, bố trí làm trưởng thôn, từng bước rèn luyện thử thách để bố trí làm bí thư chi bộ.

Từ mô hình “3 trong 1”: Chi hội nghề nghiệp – HTX – Doanh nghiệp, có thể hướng tới mô hình “4 trong 1”: Chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp đồng thời là Chủ tịch HĐQT (hoặc GĐ HTX), giám đốc doanh nghiệp, đồng thời là Trưởng thôn; mô hình “5 trong 1”: Chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp đồng thời là Chủ tịch HĐQT (hoặc GĐ HTX), giám đốc doanh nghiệp, đồng thời là Trưởng thôn, đồng thời là Bí thư chi bộ. Thông qua đó khẳng định vai trò của cán bộ, hội viên ND và tổ chức Hội ND trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.

4 tổ chức đồng thuận, quyết tâm thực hiện hiệu quả Chương trình

Tại Lễ ký, 4 tổ chức đã thông qua Dự thảo Chương trình phối hợp trong xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại, HTX kiểu mới và Chi hội ND nghề nghiệp giai đoạn 2020 -2025, đồng thời phân công trách nhiệm phối hợp của từng tổ chức trong việc thực hiện Chương trình.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Lễ Ký kết.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với Chương trình phối hợp giữa 4 tổ chức, bên cạnh đó đồng chí cũng đề xuất: 4 tổ chức thí điểm đóng góp vào Văn kiện Đại hội Đảng Khoá XIII; Việc tập hợp và phát triển đoàn viên, hội viên như thế nào khi thực hiện Chương trình, qua đó cũng cần tính đến việc đánh giá tác động của các Hiệp định Thương mại đến các mô hình HTX, chi tổ hội nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Chương trình phối hợp cần chăm lo cho cán bộ Chi hội, tạo nguồn phụ cấp cho cán bộ Hội; thực hiện lồng ghép với vấn đề an toàn cho phụ nữ, trẻ em… Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tập trung mọi nguồn lực, trí tuệ cho Chương trình phối hợp này và tin tưởng vào sự thành công của Chương trình.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nêu những đề nghị khi thực hiện Chương trình phối hợp giữa 4 tổ chức.

Đồng ý với Dự thảo Chương trình phối hợp do Trung ương Hội NDVN xây dựng, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng nêu những đề nghị khi thực hiện Chương trình. Đó là Chương trình cần lựa chọn mô hình cụ thể, có tiến độ thực hiện và kiểm điểm tiến độ theo từng tháng, hoặc từng quý, từng năm, bên cạnh đó cần đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình; thành lập các nhóm chuyên viên giúp việc của 4 tổ chức, qua đó xây dựng cụ thể chương trình liên kết, là đầu mối hoạt động của 4 tổ chức; Tác động của mô hình phát triển HTX kiểu mới giúp cho kinh tế địa phương phát triển bền vững với mục tiêu làm giàu cho hộ ND, sau đó mới là gây quỹ hoạt động cho HTX… “Điều đặc biệt là cần thường xuyên giám sát, đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tham gia Chương trình. Liên minh HTX Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc Chương trình, xây dựng các HTX gắn với chuỗi giá trị (tư vấn, vốn, tín dụng, công nghệ, đào tạo nghề và tiêu thụ sản phẩm)…”- Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định.

Đồng chí Lê Quốc Phong, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ ký kết.

Lãnh đạo 4 tổ chức thực hiện Ký kêt Chương trình phối hợp trong xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại, Hợp tác xã kiểu mới và Chi hội Nông dân nghề nghiệp giai đoạn 2020 -2025.

Phát biểu tại Lễ ký, đồng chí Lê Quốc Phong, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đồng ý với Dự thảo Chương trình phối hợp do Hội NDVN xây dựng. Theo đồng chí Lê Quốc Phong, cùng với các chương trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đang phát động, Chương trình phối hợp của 4 tổ chức sẽ thúc đẩy thanh niên tham gia các mô hình Thanh niên khởi nghiệp, đặc biệt chú trọng đến thanh niên nông thôn, giúp họ phát huy kiến thức, nghề truyền thống để phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Những năm gần đây, giải thưởng Lương Đình Của do Trung ương Đoàn phát động đã ghi nhận sự chuyển dịch tỷ trọng thanh niên nông thôn khởi nghiệp thành công ở mức đáng kể. Tới đây khi thực hiện Chương trình, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ kêu gọi các thành viên tham gia xây dựng đời sống văn hoá trên địa bàn nông thôn, góp phần đóng góp tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tin, ảnh: Bảo Minh