Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đảm bảo vận hành hạ tầng thanh toán thông suốt trong cao điểm Tết

13:14 17/01/2023 GMT+7
Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết hiện hệ thống chưa ghi nhận tăng trưởng đột biến về số lượng giao dịch.

Đồng thời, NAPAS khẳng định luôn sẵn sàng về hạ tầng và nguồn lực, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, an toàn và thông suốt, đặc biệt trong các dịp cao điểm và cận Tết Nguyên đán. 

Theo đó, càng về những ngày sát Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, cùng với nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên, số lượng giao dịch chuyển tiền, thanh toán trực tuyến cũng theo đà gia tăng bởi thói quen sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến trong chi tiêu, mua sắm hàng ngày.

Trên cơ sở giám sát vận hành hệ thống thanh toán trong thời gian qua, NAPAS đã triển khai các giải pháp để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và năng lực xử lý của hệ thống luôn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về số lượng giao dịch kể cả khi có đột biến trong các dịp cao điểm. 

Bên cạnh đó, NAPAS đã xây dựng các phương án đảm bảo an toàn, bảo mật cho các hệ thống thông tin quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và mang đến trải nghiệm tốt cho người dùng. 

Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc NAPAS, cho biết: "Trong vai trò đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia và hạ tầng chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, NAPAS luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là đảm bảo hạ tầng thanh toán ổn định, an toàn và thông suốt trong mọi thời điểm. Theo đó, NAPAS được thiết kế luôn vượt quá công suất phục vụ từ 100% đến 150%, đáp ứng tốc độ tăng trưởng về số lượng giao dịch trực tuyến của người dân". 

Tính đến thời điểm hiện tại, NAPAS cho biết hệ thống chưa ghi nhận tăng trưởng đột biến về số lượng giao dịch. Các ngày đầu tháng 1/2023, giao dịch chỉ tăng khoảng 20% so với trung bình những tháng cuối năm 2022. 

Ảnh minh hoạ.
 
Tuy nhiên cũng qua ghi nhận từ NAPAS, chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, tại một số thời điểm đã phát sinh tình trạng một vài ngân hàng xử lý chưa được đồng bộ nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch của khách hàng. 

Trước thực trạng nói trên, NAPAS chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thành viên để triển khai các giải pháp tối ưu nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường nguồn nhân lực trực 24/7, đặc biệt vào các ngày giáp Tết, qua đó giúp người dân có thể thực hiện các giao dịch chuyển tiền, thanh toán một cách thuận tiện, an toàn và nhanh chóng. 

Thời gian tới, NAPAS sẽ triển khai đồng bộ với các đơn vị, để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt cũng như đem lại trải nghiệm thanh toán tối ưu cho người dùng. 

Trước đó, theo thống kê của NAPAS, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống này giảm từ 12% trong năm 2021, xuống mức 6,56% của năm 2022. Trong khi đó, tỷ trọng giao dịch thẻ chip thực hiện qua hệ thống NAPAS tiếp tục tăng từ 26% năm 2021 lên đến hơn 60% năm 2022. 

Tổng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thực hiện qua NAPAS tiếp tục tăng tương ứng là 96,5% và 87,3% so với năm 2021. Dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR cũng tăng trưởng ấn tượng sau hơn 1 năm ra mắt, trở thành một trong các hình thức thanh toán phổ biến và được thị trường đón nhận.

Năm 2022, chỉ số cam kết chất lượng dịch vụ (SLA) đối với các dịch vụ chuyển mạch ATM/POS, thanh toán thẻ trực tuyến và dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 đều đạt 99,995%.

Trong thời gian nghỉ Tết, các giao dịch trực tuyến qua Internet Banking hay Mobile Banking, các điểm giao dịch ngân hàng tự động, máy ATM vẫn hoạt động bình thường. Một số ngân hàng đã trang bị máy giao dịch đa chức năng CDM nên có thể đáp ứng được hầu hết các nhu cầu giao dịch của người dân như: thanh toán, chuyển khoản, mở mới, tất toán tiền gửi trực tuyến, thanh toán hóa đơn, mở mới tài khoản, nạp tiền mặt vào tài khoản...

Trong trường hợp xảy ra sự cố, máy ATM không nhả tiền, hết tiền, bị nuốt thẻ, bị mất thẻ… chủ thẻ cần nhanh chóng liên hệ với đường dây nóng của ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời hoặc khóa thẻ trực tuyến trên ứng dụng của ngân hàng.

Theo TTXVN/Vietnam+