Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khó hay dễ để đạt chứng nhận sản phẩm OCOP nhóm dịch vụ du lịch

Minh Tú - 07:15 06/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Sản phẩm OCOP về du lịch là một trong những định hướng quan trọng để các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch nông thôn một cách bài bản hơn. Tuy nhiên đến nay, những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của nhiều địa phương rất thưa thớt nhưng có những địa phương lại rất thành công. Vậy nguyên nhân của vấn đề do đâu?

Do Bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá phân hạng OCOP du lịch quá chặt chẽ?

Đến nay, sau 8 tháng Quyết định số 148/QĐ- TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá phân hạng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có hiệu lực thì sản phẩm OCOP về du lịch vẫn là một thách thức lớn với nhiều địa phương.

Để có thể dễ hình dung về “độ khó” đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP du lịch, có thể lấy Hà Nội là một ví dụ tiêu biểu. Hà Nội là địa phương đi đầu về triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thành phố đã công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm OCOP, chiếm 22% của cả nước, tuy nhiên, chứng nhận sản phẩm OCOP du lịch của Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Từ đó, có thể thấy, việc xây dựng một sản phẩm du lịch OCOP theo đánh giá của một số địa phương còn quá nhiều khó khăn. Nhiều người dân đến nay chưa hiểu khái niệm về sản phẩm du lịch OCOP. Các tiêu chí để đánh giá cụ thể đối với sản phẩm du lịch OCOP vẫn chưa được người dân cũng như tổ chức hoạt động về du lịch tiếp cận. 

Nhiều người dân, tổ chức đến nay chưa hiểu khái niệm về sản phẩm du lịch OCOP (Ảnh: OCOP Tuyen Quang)

Theo Bộ sản phẩm: Dịch vụ du lịch - truyền thống - lễ hội (Ngành: Dịch vụ, du lịch. Nhóm: dịch vụ du lịch - truyền thống - lễ hội) thì Bảng điểm chấm sẽ được chia thành 3 phần cụ thể.

Phần A là “Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng” với tổng điểm tối đa là 35 điểm. Với các tiêu chí như Bảo vệ, bảo tồn các di sản văn hóa/thiên nhiên liên quan đến sản phẩm dịch vụ du lịch; Bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; Sử dụng năng lượng, công nghệ thân thiện bền vững trong sản xuất; Sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, điều hành … Riêng trong đó phần có kế hoạch đầy đủ Bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất đã chiếm tới 10 điểm

Phần B là “Khả năng tiếp thị” (25 điểm) đòi hỏi địa phương phải xây dựng một câu chuyện về sản phẩm và câu chuyện này phải mang đậm trí tuệ, bản sắc của địa phương. Với những câu chuyện có cấu trúc phải có đầy đủ các yếu tố của câu chuyện sản phẩm sẽ được 02 điểm. Câu chuyện đó phải có một kế hoach chi tiết để quảng bá tới khách hàng địa phương, trong và ngoài nước

Phần C là “Chất lượng sản phẩm” với tổng điểm là 40. Để đạt được điểm cao trong phần này không dễ. Một sản phẩm có vị trí thuận lợi, dễ tiếp cận, có vị trí đặc biệt, trong khu vực có tài nguyên du lịch, có môi trường, cảnh quan thiên nhiên đẹp chỉ có thể được 5 điểm. Để có thể có điểm cao phần này, còn nhiều yếu tố như quản lý, nhân viên được đào tạo, có thể nói ít nhất một ngoại ngữ, Có trang bị đủ dịch vụ ăn nghỉ, hoạt động tốt, chất lượng phù hợp ...  

Khó hay dễ là do yếu tố con người và từng địa phương  

Nhiều địa phương đã xác định rõ phát triển các sản phẩm du lịch OCOP là xu hướng tất yếu, đang là hướng đi được các cấp, các ngành, các địa phương khuyến khích phát triển do những mô hình này không những nâng cao giá trị kinh tế cho người dân mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.

Nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, các địa điểm thu hút khách du lịch được xây dựng dựa trên nguyên liệu sẵn có, thân thiện với môi trường, giữ được nét văn hóa truyền thống của địa phương; vừa cung cấp chỗ nghỉ thân thiện, có khuôn viên rộng, có nhà hàng phục vụ khách; phục vụ nhu cầu khách du lịch tham quan, trải nghiệm cảnh quan tự nhiên. Đây đều là những mô hình có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP.

Có thể lấy Tuyên Quang làm ví dụ về thành công trong lựa chọn, định hướng ngay từ đầu cho các cộng đồng làm du lịch, đảm bảo tiếp cận ngay các tiêu chí đánh giá cụ thể đối với sản phẩm du lịch OCOP để phát triển bền vững. Sở Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã xác định du lịch cộng đồng là một hình thức của du lịch xanh, không chỉ làm đa dạng các sản phẩm du lịch, giúp cho du khách có thêm trải nghiệm mà còn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cộng đồng địa phương, bảo tồn nét văn hóa bản địa. Sản phẩm du lịch OCOP là khái niệm mới, nhưng nội hàm không mới, mà đó là những mô hình, sản phẩm chúng ta đã có, đã làm.

Đến nay, Tuyên Quang đã có nhiều sản phẩm OCOP du lịch như Homestay Nặm Díp, Homestay Nà Muông hay Homestay 99 ngọn núi. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin nhắc tới Sản phẩm du lịch OCOP Homestay 99 ngọn núi như một ví dụ cụ thể về cách làm. Chủ thể sản phẩm là Tổ hợp tác dịch vụ Homestay 99 ngọn núi, có địa chỉ tại Thượng Lâm, huyện Lâm Bình.

Homestay 99 ngọn núi đã biết cách xây dựng một câu chuyện sản phẩm mang đậm trí tuệ, bản sắc của địa phương (Ảnh: OCOP Tuyen Quang) 

Homestay 99 ngọn núi có vị trí thuận lợi, dễ tiếp cận. Từ bến thủy huyện Lâm Bình, du khách có thể đi khám phá vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang bằng thuyền Kayak hoặc thuyền du lịch. Hồ thủy điện Tuyên Quang được ví như “Hạ Long trên cạn” vì lòng hồ có hàng trăm “hòn đảo” lớn nhỏ, sở hữu nhiều đồi núi trùng điệp.

Homestay 99 ngọn núi đã xây dựng một câu chuyện sản phẩm mang đậm trí tuệ, bản sắc của địa phương. Đó là truyền thuyết về chàng trai Tài Ngào gắn với chiếc Cọc Vài Phạ (cọc buộc trâu trời). Truyền thuyết kể lại rằng Tài Ngào là chàng trai to lớn, khỏe mạnh phi thường và rất có hiếu với mẹ già, có tình yêu thương dành cho bà con dân làng. Để rồi khi lớn lên Tài Ngào đã dùng sức khỏe phi thường của mình trị thủy, dâng nước giúp cho bà con tránh được hạn hán (truyền thuyết này trước đây có hay không thì người dân nơi đây cũng không khẳng định). Cùng với các truyền thuyết, Lâm Bình còn được thiên nhiên ban tặng với cảnh sông nước, núi non hung vĩ hay những hang động, thác nước quanh hồ đẹp mê hồn lòng người như: Hang Phia Vài, hang Khuổi Pín, động Song Long; thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, Năm Me…và thắng cảnh 99 ngọn núi …

OCOP du lịch không những nâng cao giá trị kinh tế cho người dân mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương (Ảnh: sưu tầm)

Bên cạnh đó, Homestay 99 ngọn núi có các kênh truyền thông, quảng bá tốt mục tiêu kinh doanh để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; quảng bá hình ảnh đẹp của quê hương; đưa những nét đẹp văn hóa đặc trưng và độc đáo của đồng bào các dân tộc của xã Thượng Lâm nói riêng và của huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang nói chung đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước và để tạo việc làm, thu nhập cho người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Với việc xây dựng hồ sơ bám sát tiêu chí sản phẩm OCOP du lịch, chúng ta không ngạc nhiên khi Homestay 99 ngọn núi nhanh chóng nhận được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao ngay trong lần nộp hồ sơ đầu tiên.

Qua ví dụ cụ thể về sản phẩm OCOP 4 sao Homestay 99 ngọn núi này, chúng ta có thể khẳng định, khó khăn không phải vì Bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá phân hạng OCOP du lịch quá chặt chẽ, mà là do yếu tố con người, do từng địa phương.

Lào Cai: Lấy lợi thế của ngành du lịch phát triển để kết hợp xây dựng nông thôn mới
(Tapchinongthonmoi.vn) Phát huy thế mạnh có nhiều điểm du lịch, đặc biệt nổi tiếng là khu du lịch Sa Pa được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến, tận dụng lợi thế này tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản Nghị quyết, Kế hoạch để triển khai trong giai đoạn 2023-2025 “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới” tại các xã có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn.