Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Dấu ấn chính sách và đạo đức trong nông nghiệp Australia

14:46 30/01/2020 GMT+7
Nông nghiệp không phải là ngành có thế mạnh của Australia nhưng với các chính sách đúng đắn của Chính phủ, nông nghiệp nước này đã thực sự phát triển không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu 80% sản lượng; thu nhập bình quân của nông dân

Nông nghiệp không phải là ngành có thế mạnh của Australia nhưng với các chính sách đúng đắn của Chính phủ, nông nghiệp nước này đã thực sự phát triển không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu 80% sản lượng; thu nhập bình quân của nông dân Úc khoảng 100.000 USD/năm cao hơn so với GDP bình quân đầu người của nước này là 60.000 USD/người/năm.

Australia (Úc) là một quốc gia phát triển, nằm trong số các quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới. Tổng diện tích của Úc là 768 triệu héc ta, trong đó chỉ có khoảng 1% diện tích đất có thể canh tác được nhưng cũng chỉ có khoảng 4 triệu hécta có lượng nước đầy đủ.

Đoàn Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam tham quan Nhà máy sản xuất sợi bông thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học và công nghiệp Úc về sợi bông và các sản phẩm liên quan.

Chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp, nông dân

Trước hết, Chính phủ Úc có chính sách đầu tư vào nghiên cứu khoa học và ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, có cơ chế trích 50% tổng số thuế thu được từ ngành Nông nghiệp để đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp. Đây là biện pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp của Úc mà cả người dân, doanh nghiệp, chính phủ đều được hưởng lợi. Để thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng hiệu quả trong ngành nông nghiệp, Chính phủ Úc đã thành lập các trung tâm nghiên cứu chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp. Các trung tâm này sẽ được Chính phủ cấp kinh phí nếu các công trình nghiên cứu của họ mang lại hiệu quả có lợi cho quốc gia. Các trung tâm nghiên cứu được xây dựng ở hầu hết các bang trong cả nước để có những nghiên cứu và đề xuất các giải pháp ứng dụng hữu hiệu cho từng vùng, giải quyết bài toán cụ thể cho việc sản xuất nông sản phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của mỗi địa phương.

Ví dụ ở Tây Bắc (Úc) có Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ Úc chuyên về sợi bông và các sản phẩm liên quan. Viện này có chức năng nghiên cứu và thử nghiệm các loại giống bông từ việc nhập giống cây, triển khai trồng thử nghiệm tại các địa phương sau đó thu hoạch sản phẩm đưa về nhà máy của Viện để sản xuất ra sợi bông. Nhà máy này được đầu tư rất lớn và hiện đại để sản xuất ra các loại sợi bông khác nhau. Sợi bông sản xuất ra được nghiên cứu, phân tích, từ kết quả đánh giá chất lượng của sợi bông của từng vùng, Viện sẽ đưa ra khuyến cáo với từng địa phương nên trồng giống nào? Diện tích bao nhiêu?

Hay như các trung tâm chuyên nghiên cứu về cừu ở vùng New South Wales; trung tâm nghiên cứu lúa gạo ở vùng lục địa Yanco phía Tây Nam… Các trung tâm này đã nghiên cứu nhập và lai tạo những giống mới có năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu và thử nghiệm các giống và quy trình sản xuất tốt nhất trên thế giới từ đó đưa ra các giải pháp phát triển hiệu quả cho từng loại nông sản ứng với từng địa phương, tạo ra sự đa dạng sản phẩm trong toàn quốc và tạo thương hiệu nông sản đặc trưng của các vùng miền, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với đó, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh sinh học: Ban hành các quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng nông sản; vệ sinh an toàn thực phẩm; cấp và quản lý mã truy xuất ngồn gốc sản phẩm; quy định tiêu chuẩn kiểm định sản phẩm; quy định danh mục các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng. Chính phủ Úc có cơ quan Viện trợ Úc – Ausaid đặt ở nhiều nước để hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho xuất khẩu nông sản.

Đối với nông dân, do nền kinh tế của Úc là nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh nên Chính phủ ít có các chính sách trợ giá, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân (trừ trường hợp hỗ trợ khi nông dân khi gặp thiên tai, hạn hán) nhưng Chính phủ quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông thuận tiện đến tận các vùng xa xôi, hẻo lánh, tạo điều kiện cho giao thương phát triển.

Dây chuyền đóng gói táo của Nhà máy chế biến và xuất khẩu táo, lê, đào ở bang Victoria (Úc).

Trước đây, Chính phủ có chính sách hỗ trợ, trợ giá cho nông dân bằng tiền hoặc cho nông dân vay với lãi suất thấp khi giá cả nông sản sụt giảm, tuy nhiên hiện nay chính sách này không còn được duy trì vì theo phân tích xét về kinh tế đây là biện pháp tệ, xét về nguyên lý thì sẽ làm thay đổi cơ cấu giá, vì giá do thị trường điều tiết, thông qua thị trường biết được thông số giá trị tương quan giữa người sản xuất và người tiêu dùng, nếu can thiệp bằng các biện pháp trợ giá thì không đảm bảo tính cạnh tranh, triệt tiêu phát triển, không tạo động lực để nông dân cạnh tranh phát triển.

Chính phủ trao quyền tự chủ cho nông dân, cấp giấy phép sở hữu diện tích đất rất lớn cho hộ nông dân chứ không phải được thuê lại đất của Nhà nước và Nhà nước sẽ xem xét lại tình trạng cho thuê đất sau một thời gian. Chính phủ điều phối, quy định về hoạt động của ngân hàng để hỗ trợ nông dân vay vốn thuận lợi, đầu tư hiệu quả. Ngân hàng Quốc gia Úc đang cho nông dân vay phát triển sản xuất với thời hạn dài tối đa 15 năm; điều kiện cho vay căn cứ vào việc ngân hàng định giá tài sản thế chấp và quy định mức vay từ 30 -50% giá trị tài sản thế chấp.

Những chính sách này đã tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, dài hạn, đầu tư máy móc công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Đạo đức, nhân văn trong sản xuất

Theo Tiến sỹ Risti Permani – Trường Đại học Deakin (Úc): Nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm, các mặt hàng nông sản thân thiện với môi trường và có trách nhiệm với xã hội cùng với sự nỗ lực hơn nữa để giảm nghèo và đạt được an ninh lương thực đã gây áp lực đối với ngành Nông nghiệp nhằm cải thiện cách sản xuất, tiếp thị, điều phối. Việc đổi mới công nghệ như Internet Vạn vật (IoT), chuỗi khối, ứng dụng điện thoại thông minh, tự động hóa và nông nghiệp chính xác, trong số những đổi mới và công nghệ khác đưa ra khả năng giải quyết các cách thức lớn của ngành như đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tối ưu hóa quản lý nông nghiệp và nguồn lực và cải thiện phân phối thông tin thị trường và tiếp cận thị trường.

Nông dân Úc sản xuất theo chuỗi và việc quản lý chất lượng nông sản rất khắt khe, chặt chẽ, đặc biệt là việc quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, muốn tồn tại và phát triển, cạnh tranh đứng vững trên thị trường, nông dân ở đây buộc phải sản xuất và cung ứng các sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định, quy chuẩn của cơ quan quản lý, hoặc tiêu chuẩn đã được quy định, thỏa thuận với các đơn vị, doanh nghiệp thu mua như các siêu thị hoặc chợ đầu mối.

Dây chuyền vắt sữa dê ở Úc chỉ cần 1 người vận hành dây chuyền vắt sữa 600 con dê.

Chẳng hạn như ngành Công nghiệp “thịt và vật nuôi gia súc” ở Úc hiện nay đã ban hành tiêu chuẩn MLA (Hệ thống an toàn thịt đỏ). Hệ thống này sẽ giúp: Làm thế nào để bạn có thể biết được thịt bò đến từ đâu? Thịt bò, thịt dê, thịt cừu của Úc – an toàn được sản xuất có đạo đức và có chất lượng cao, bán tại hơn 100 quốc gia, rất quan trọng để duy trì niềm tin của khách hàng.

Trong đó, ba yếu tố thuộc quyền sở hữu của ngành hệ thống toàn vẹn thịt đỏ đó là: (1) Hệ thống nhận dạng vật nuôi quốc gia (NLIS) là hệ thống nhận dạng và truy xuất nguồn gốc của gia súc, cừu và dê của Úc. (2) Chương trình đảm bảo sản xuất vật nuôi (LPA) là: Chương trình đảm bảo tại trang trại bao gồm an toàn thực phẩm, sức khỏe vật nuôi và an toàn sinh học. Chương trình cung cấp bằng chứng về lịch sử vật nuôi và thực tiễn tại trang trại khi chuyển vật nuôi thông qua chuỗi giá trị. (3) Tuyên bố của nhà cung cấp quốc gia LPA: Đây là bản tuyên bố của chủ đàn hoặc người có trách nhiệm kê khai gồm các nội dung: Mô tả về đàn gia súc; điểm đến của đàn; thiết bị nhận dạng vật nuôi trên đàn; số tem; số máy móc dạ cỏ; thông tin về các giấy tờ hợp pháp liên quan đến tình trạng sức khỏe của gia súc…

Hệ thống MLA gồm các biện pháp về an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc từ chăn nuôi đến bàn ăn đảm bảo tính toàn vẹn của ngành công nghiệp thịt đỏ trị giá 22,9 tỷ USD của Úc.

Hiện nay, nhu cầu và tâm lý của người tiêu dùng tại Úc và một số quốc gia trên thế giới không chỉ hướng vào chất lượng sản phẩm mà họ còn quan tâm đến vấn đề đạo đức trong sản xuất, điều đó được thể hiện thông qua việc đối xử của chủ với vật nuôi. Một số sản phẩm trứng trên thị trường Úc đã ghi những thông tin trên bao bì: Số con gà nuôi trong diện tích 1ha? Trong đó giá của trứng gà loại nuôi 200 con/ha đắt gấp 3-4 lần so với giá của loại trứng gà nuôi 800 con/ha; tương tự như vậy đối với gia súc cũng có tiêu chí nhận biết chủ nuôi có đối xử độc ác với con vật không? Hoặc có quan niệm dùng sữa lạc đà nhân đạo hơn dùng sữa bò nên giá sữa lạc đà đắt hơn giá sữa bò… đã ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng, đòi hỏi người sản xuất phải đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa đồng thời có đạo đức nhân văn trong sản xuất và kinh doanh.

Bài, ảnh: Huyền Đức