Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm trong sốt xuất huyết ở trẻ em

Thanh Thúy - 10:41 02/11/2022 GMT+7
Ở trẻ em, đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày nhưng có một số trẻ sẽ có biểu hiện nặng như: Chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, suy hô hấp, suy tim, suy thận, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong được gọi là sốt xuất huyết Dengue nặng.

Ở trẻ em, đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày nhưng có một số trẻ sẽ có biểu hiện nặng như: chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, suy hô hấp, suy tim, suy thận, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong.

Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai chỉ rõ dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm ở trẻ em, sốt xuất huyết Dengue có thể từ không triệu chứng, biểu hiện nhẹ đến nguy kịch/nặng. Vì biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu, nên cần theo dõi sát sao, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm (shock) sớm, để nhanh chóng nhập viện, can thiệp sớm giảm nguy cơ tử vong.

Dấu hiệu cảnh báo là quá trình chuyển nặng/ nguy kịch, thường là ở giai đoạn sốt muộn (late febrile) hay còn gọi là giai đoạn hạ sốt.

Mới đây, Trung tâm Nhi khoa cũng đã tiếp nhận điều trị 2 trẻ bị sốc sốt xuất huyết Dengue rất nặng, mạch nhanh, sốt cao liên tục, suy đa tạng, viêm cơ tim cấp... nguy cơ tử vong rất cao. Rất may các trường hợp này đều được các bác sĩ nỗ lực cứu sống.

Theo các nghiên cứu, biến chứng suy đa tạng (bao gồm cả suy gan, suy thận, suy thần kinh trung ương và suy tim) chiếm tỷ lệ khá nhỏ (chỉ chiếm 0,67%) trong các ca sốt xuất huyết, tuy nhiên tỷ lệ tử vong rất cao 60-70%.

Tỷ lệ suy hai tạng: suy gan và suy thận chiếm 0,33%; suy gan và suy thần kinh trung ương chiếm 2,66%; suy gan và suy tim chiếm 2%.

"Khi nhiệt độ giảm xuống bình thường (bệnh nhân hạ sốt/ hết sốt, nhiệt độ < 38 độ C), là thời điểm các dấu hiệu nặng xuất hiện, có thể nguy hiểm đến tính mạng, liên quan đến thoát mạch (dịch/plasma thấm ra khỏi lòng mạch), ứ dịch (ở các khoang cơ thể như: khoang màng phổi gây tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, tràn dịch màng bụng,…), tình trạng suy hô hấp/ khó thở, chảy máu và suy giảm chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể" - chuyên gia Nhi khoa nói.

Các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cần chú ý

 - Bụng chướng, đau bụng

- Nôn (ít nhất 3 lần trong 24h): Nôn liên tục, dai dẳng

 - Chảy máu mũi, niêm mạc miệng

- Nôn máu, phân máu

-  Khó thở

- Mệt, kích thích, bồn chồn, li bì

- Da lạnh, ẩm

Nếu có 1 trong 6 dấu hiệu dưới đây, trẻ mắc sốt xuất huyết phải vào viện điều trị gấp:

1.     Đau bụng

2.     Li bì/ kích thích và nôn liên tục

3.     Thay đổi đột ngột: Đang sốt cao, trẻ hạ thân nhiệt.

4.     Trẻ bắt đầu xuất hiện chảy máu (mũi, miệng, tiểu máu, phân máu) hoặc da niêm mạc xanh tái.

5.     Chân tay trẻ lạnh, ẩm

6.     Đau bụng, ấn tức vùng bụng.

Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh chia sẻ thêm, việc phòng mất nước/ thiếu dịch là rất quan trọng trong chăm sóc, điều trị trẻ sốt xuất huyết vì nguy cơ mất nước do sốt cao liên tục, nôn hoặc uống không đủ nước so với nhu cầu.

Trong giai đoạn trẻ mắc bệnh và hồi phục, một số thực phẩm giúp trẻ hồi phục nhanh như: nước dừa, nước hoa quả giàu vitamin C, các loại rau xanh...

Những thực phẩm nên tránh cho trẻ sốt xuất huyết ăn như: Thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ; đồ uống có caffein, có ga; gia vị cay...

Những việc tuyệt đối không nên làm khi trẻ bị sốt xuất huyết

1. Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ

Trẻ mắc sốt xuất huyết sẽ trải qua 3 giai đoạn khác nhau:

Giai đoạn sốt: Trong vòng 3-4 ngày đầu, bé đang khỏe mạnh bỗng đột ngột sốt cao 39-40 độ C, kèm theo đau đầu, đau mỏi người, đau nhức mắt, có thể có hắt hơi, sổ mũi. Với những em bé nhỏ có thể có rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn, nôn,… Da em bé có thể đỏ hơn so với bình thường gọi là sung huyết. Đôi khi có những chấm xuất huyết nhỏ.

Một số biểu hiện của sốt xuất huyết giai đoạn này thường nhầm lẫn với các bệnh khác như cúm, sởi, Rubella, hoặc COVID-19.

Giai đoạn 2: Giai đoạn nguy hiểm, còn gọi là giai đoạn xuất huyết. Thường xảy ra vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Ở giai đoạn này sốt bắt đầu giảm, có bé còn hạ nhiệt độ nhưng bé có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm. Cần theo dõi sát trẻ, có thể xuất huyết từ nhẹ đến nặng.

Xuất huyết ở giai đoạn này có thể chỉ là các nốt xuất huyết dưới da, niêm mạc, kèm theo đó em bé cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Nặng hơn nữa em bé có thể xuất huyết niêm mạc ví dụ như chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở bé gái lớn hơn đã dậy thì có thể bị rong kinh hoặc cường kinh. Nặng hơn nữa, em bé có thể bị xuất huyết tiêu hóa hoặc xuất huyết não. Khi bị xuất huyết tiêu hóa, trẻ có thể đi ngoài phân đen, có thể nôn ra máu,. Nguy hiểm hơn là xuất huyết não, trẻ có thể co giật, ngủ li bì,…

Chính do hiện tượng thoát dịch giai đoạn này mà làm cho em bé có thể bị cô đặc máu có thể dẫn đến tình trạng hạ huyết áp do giảm khối lượng tuần hoàn.

Khi bé bị sốt xuất huyết có dấu hiệu vật vã, kích thích hoặc li bì, nôn nhiều… kèm theo nôn nhiều hoặc đau bụng ngày một tăng lên mà không rõ nguyên nhân hay đau đầu dữ dội, gia đình cần cho em bé đi viện khẩn cấp.

Giai đoạn 3: Giai đoạn hồi phục, thường vào ngày thứ 6-7 của bệnh, trẻ dần dần hồi phục, sẽ hết sốt, tiểu cầu và bạch cầu tăng. Tình trạng của em bé tốt dần lên.

2. Hạ sốt và bù nước là quan trọng trong điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết mà chủ yếu dùng các biện pháp điều trị triệu chứng và theo dõi sát diễn biến của trẻ 24/24h. Quan trọng nhất trong điều trị sốt xuất huyết tại nhà là hạ sốt và bù dịch.

Hạ sốt: Khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ mới nên dùng thuốc hạ sốt. Ưu tiên dùng thuốc hạ sốt hoạt chất paracetamol, nên dùng thuốc đơn chất paracetamol với liều dùng 10-15mg/kg cân nặng mỗi lần, cách 4-6 giờ/lần.

Kết hợp hạ sốt bằng chườm mát cho em bé ở nách, bẹn, lau người toàn thân với nước ấm thấp hơn nhiệt độ cơ thể 2-3 độ C giúp hạ sốt nhanh hơn.

Lưu ý: Không nên dùng thuốc hạ sốt nhóm aspirin, ibuprofen vì có thể làm tình trạng xuất huyết nguy hiểm hơn.

Bù nướcKhi trẻ bị sốt do bất cứ nguyên nhân nào thường bị mất nước và điện giải nên cần được bù nước điện giải. Trong sốt xuất huyết thì dịch ở trong lòng mạch thường bị thoát ra ngoài người ta gọi là hiện tượng thoát huyết tương làm cho máu của bé cô đặc hơn. Chính vì vậy chúng ta cần phải bù dịch cho em bé ngay và càng sớm càng tốt. Quan trọng là cần phải bù dịch đúng cách.

Có thể bù bằng đường uống hoặc đường truyền. Tốt nhất khi bé uống được thì nên bù nước điện giải cho bé bằng đường uống. Dung dịch oresol là một loại dung dịch giúp bù nước và điện giải nhanh và an toàn.

Cần chú ý, trên thị trường có rất nhiều loại oresol. Khi pha oresol bù dịch cho trẻ cần pha đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên nhãn. Nếu nhà sản xuất khuyến cáo pha với 200ml nước thì cần đong đủ 200ml nước.

Tuyệt đối tránh tình trạng mẹ nghĩ con còn nhỏ nên uống ít nước và pha gói oresol với ít nước. Khi em bé uống oresol với nồng độ đậm đặc như vậy sẽ bị rối loạn nước, điện giải nặng hơn, có thể gây ra tình trạng hôn mê, co giật, tổn thương não.

Ngoài việc pha oserol đúng cách, cha mẹ cần cho trẻ uống từ từ từng chút một. Nếu dung dịch oserol đã pha không uống hết trong vòng 24 giờ thì cần bỏ đi và pha mới cho trẻ uống.

Cha mẹ có thể bù dịch cho trẻ bằng các loại như nước cam, nước dừa, nước chanh, sinh tố, nước lọc...

Cho trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối, tránh vận động mạnh, vệ sinh thân thể và chăm sóc răng miệng hàng ngày thật tốt. Mặc quần áo thoáng mát. Súc miệng với nước muối loãng ấm.

Dinh dưỡng cũng là một phần quan trọng trong chăm sóc bé bị sốt xuất huyết. Chọn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng

Với trẻ nhỏ còn đang bú mẹ: cần tiếp tục cho bé bú mẹ và cho trẻ bú nhiều hơn so với bình thường. Tăng bữa bú lên 8-10 bữa / ngày và thời gian cho bé bú cũng lâu hơn.

Với trẻ đã ăn dặm: Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp. Cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, đủ 4 nhóm chất. Ưu tiên thức ăn giàu đạm như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, nấm, nấu súp với rau củ quả để đảm bảo đủ chất.

Các bé ốm mệt nên có thể không muốn ăn, cha mẹ có thể cho con ăn chia nhỏ làm nhiều bữa, mỗi bữa một ít để đảm bảo đủ năng lượng cho em bé.

Tăng cường vitamin bằng các loại hoa quả mềm, rau củ quả nhiều màu sắc. Ngoài ra có thể cho trẻ ăn thêm sữa chua, nước sinh tố, uống thêm sữa để đảm bảo đủ dinh dưỡng và tăng cường miễn dịch.

Tránh thức ăn quá nhiều dầu mỡ sẽ không tốt cho em bé. Không ăn thức ăn có màu đỏ, màu đen hoặc màu nâu vì khi trẻ đi tiêu dễ gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa.

Tuyệt đối không cho trẻ uống nước có ga, những loại nước uống có nồng độ đường cao như cocacola, soda hoặc nước mật ong.

Cha mẹ cũng không cho trẻ ăn thức ăn cay, nóng.

Những việc tuyệt đối không nên làm khi trẻ bị sốt xuất huyết:

- Không nên cạo gió cho em bé vì có thể làm nặng hơn tình trạng xuất huyết. Đồng thời có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tại chỗ.

- Không dùng nhóm thuốc hạ sốt ibuprofen hoặc aspirin vì các thuốc này có thể làm cho tình trạng xuất huyết nặng hơn.

- Không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng vì bệnh này do virus Dengue gây ra. Dùng kháng sinh không những không hiệu quả mà còn làm nặng thêm tình trạng gan, thận. Còn có thể gây ra tình trạng kháng thuốc.

- Tuyệt đối không đưa trẻ đi truyền dịch ở những cơ sở y tế không đảm bảo, các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện làm thủ thuật.

Theo dõi khi trẻ có những dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ tới các bệnh viện uy tín để được cấp cứu và điều trị kịp thời.