Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đẩy mạnh liên kết vùng để “cùng nhau đi xa”

Tuệ Anh - 11:47 04/08/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 3/8, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh Doanh - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương.

Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ban, ngành: Liên minh HTX Việt Nam, Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT), Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) và 200 đại diện của các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Liên kết vùng – lợi cho nông dân và doanh nghiệp

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hoạt động liên kết vùng trong thời gian qua đã có những tác động tốt trên một số khía cạnh, đó là: (i) Khắc phục một phần tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương; (ii) Góp phần kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng và liên vùng; (iii) Tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước; (iv) Giải quyết hài hòa hơn các mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng về thu hút đầu tư, xử lý tài nguyên môi trường, các vấn đề xã hội…

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam cho rằng: Thời gian qua, việc phát triển mô hình liên kết vùng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở các địa phương đang ngày một phát triển, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế. Mô hình này đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, HTX, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh. Các mô hình liên kết đã tạo ra diện mạo mới cho sản phẩm của các địa phương, tạo bước chuyển biến tích cực cho phát triển kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế bền vững và bắt kịp xu thế hội nhập kinh tế, quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế liên kết vùng vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Hoạt động hợp tác của các địa phương trong vùng chưa đa dạng, chủ yếu là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ. Hợp tác chủ yếu là song phương, thiếu các hợp tác đa phương.

Ông Nguyễn Văn Thịnh cũng cho biết, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 hợp tác xã (riêng 6 tháng đầu năm thành lập mới 1.032 HTX, 133 Liên hiệp HTX, và 120.983 tổ hợp tác trong đó có 76.456 THT nông nghiệp. Việc làm tốt liên kết vùng sẽ mở rộng ra không gian hoạt động chắc chắn sẽ góp phần giúp cho hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô.

Chia sẻ ý kiến về lợi ích trong việc liên kết vùng trong giai đoạn hiện nay, TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Dưới tác động tiêu cực của hội nhập, cùng với đặc điểm nền kinh tế còn phát triển manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết,… đòi hỏi các vùng ở Việt Nam phải có những điều chỉnh thích ứng, đặc biệt là thay đổi về phương thức sản xuất kinh doanh cũ, sản xuất khép kín sang phương thức sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tư duy và chuyển đổi mạnh mẽ hơn, theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp ở các địa phương khác trong vùng. Hội nhập cũng buộc từng địa phương và từng vùng ở Việt Nam phải hiểu rõ thế mạnh, tiềm năng, sự khác biệt của từng vùng, phải có sự sắp xếp, phân công lao động hợp lý trong từng vùng. Có như vậy mới phát huy được thế mạnh của từng địa phương.

Theo TS. Vũ Mạnh Hùng  - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) thì việc liên kết chặt chẽ giữa sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản nhằm giúp nông dân thấy được sự cần thiết và tự nguyện hợp tác với nhau. Và bản thân các doanh nghiệp cũng muốn ký hợp đồng với nông dân thông qua các tổ chức hợp tác để giảm thiểu chi phí quản lý. Từ đó hình thành các tổ chức hợp tác mới (tổ hợp tác, HTX), liên doanh, liên kết góp vốn cổ phần của nông dân trong các DN.

“Một lợi ích quan trọng khác đó là việc liên kết nông dân với người kinh doanh, chế biến, buôn bán dọc theo chuỗi giá trị sẽ mang đến cơ hội kinh tế quan trọng cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp, giúp nhiều gia đình nghèo thoát nghèo nhờ duy trì được sản xuất bền vững” – ông Vũ Mạnh Hùng cho hay.

Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Đẩy mạnh liên kết vùng để “cùng nhau đi xa”

Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hàng hóa Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài, việc đẩy mạnh liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản thiết yếu, thủy sản, trái cây, sản phẩm OCOP đóng vai trò quan trọng, qua đó góp phần ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung sản phẩm, hạn chế tổn thất cho nông dân, thích ứng với các diễn biến nhu cầu thị trường và cùng nhau đi xa hơn.

Ngoài ra, liên kết vùng cũng góp phần hỗ trợ các đơn vị, hợp tác xã sản xuất quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối biết để ưu tiên lựa chọn, kết nối, tiêu thụ, từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa; Đẩy mạnh kết nối với các bộ phận thu mua của các kênh phân phối nước ngoài như Central Group, Aeon, Lotte… để xuất khẩu hàng hóa.

Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tạo mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, bà Lê Thị Tâm – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cho rằng: Nhận thức rõ những thuận lợi, khó khăn và việc góp sức phát triển liên kết vùng. Thời gian qua Ninh Bình đã tận dụng tối đa các cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát triển 3 trụ cột về du lịch, công nghiệp và nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới là bệ đỡ, bền vững cho Ninh Bình phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong cả nước. Trong đó vai trò của khu vực kinh tế tập thể, HTX với tư cách là một thành phần kinh tế là hết sức quan trọng, đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những năm qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX tỉnh Ninh Bình tỉnh tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 2 Liên hiệp HTX gồm Liên hiệp sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn tỉnh Ninh Bình và Liên hiệp HTX dê Ninh Bình; 496 HTX. Trong đó có trên 60 HTX, 02 LHHTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, một số HTX ứng dụng công nghệ cao, liên kết vùng trong hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Thực tế hiện nay, đã xuất hiện một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết dọc, liên kết ngang từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả rõ nét về kinh tế, xã hội, môi trường. Các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị đã tạo nên các sản phẩm mang giá trị hàng hóa, sản phẩm đạt tiêu chí quốc gia (OCOP), chất lượng, thương hiệu được nâng lên, quan tâm công đoạn bảo quản, chế biến, xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm…; Hàng năm, triển khai ký kết các Chương trình phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện thành phố tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc hỗ trợ các HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm liên kết tìm kiếm đối tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm;…

Mô hình Hợp tác xã Nấm và cây dược liệu xã Khánh Công, huyện Yên Khánh, Ninh Bình.

Để đẩy mạnh việc liên kết vùng, TS. Trần Thị Hồng Minh đề xuất:  Cần lưu ý việc đẩy mạnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 dựa trên số hóa và kết nối vạn vật đang là xu thế của thế giới và cũng là hướng phát triển của Việt Nam. Cách mạng Công nghiệp 4.0 giúp cho việc thực hiện quản lý, điều hành của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương trở nên minh bạch, công khai, kịp thời; đồng thời giúp tối ưu hóa nguồn lực để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, giúp các chủ thể trong nền kinh tế dễ dàng kết nối với nhau. Như vậy, Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể giúp thúc đẩy liên kết giữa các chủ thể trong nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực với chi phí trao đổi, chi phí vận hành bộ máy tối ưu nhất.

Ông Nguyễn Văn Thịnh cũng cho rằng giải pháp để thực hiện tốt liên kết vùng cụ thể: Thứ nhất, giải quyết được các thách thức, điểm nghẽn về hợp tác và liên kết vùng ở các địa phương; Thứ hai, tạo kênh thông tin thúc đẩy liên kết chính quyền địa phương trong vùng và huy động đa dạng các nguồn lực để hỗ trợ hoạt động và dự án liên kết vùng; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng...; Thứ ba, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về tầm quan trọng của liên kết vùng; Thứ tư, cần xây dựng các cơ sở dữ liệu chung, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các tỉnh trong vùng, nhằm đảm bảo phát triển chuỗi cung ứng; Thứ năm, các địa phương trong những vùng có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp cần hỗ trợ DN, nông dân, HTX nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN, giống chất lượng cao vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.