Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Dịch vụ hậu cần nghề cá – nhân tố phát triển kinh tế biển bền vững

15:07 11/09/2019 GMT+7
Dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển đang được đầu tư phát triển từ chính những mô hình liên kết của ngư dân. Ngoài cung ứng nhiên liệu, lương thực, nhu yếu phẩm… cho các tàu đang đánh bắt ngoài khơi xa bám biển dài ngày, các tàu hậu cần khi xả hết hàng

Dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển đang được đầu tư phát triển từ chính những mô hình liên kết của ngư dân. Ngoài cung ứng nhiên liệu, lương thực, nhu yếu phẩm… cho các tàu đang đánh bắt ngoài khơi xa bám biển dài ngày, các tàu hậu cần khi xả hết hàng lại thu mua hàng chục tấn hải sản ngay trên biển để chở vào đất liền, tạo nên chuỗi liên kết từ đánh bắt đến tiêu thụ sản phẩm sôi động trên biển Đông.

Lễ bàn giao một tàu vỏ thép cho ngư dân Thừa Thiên Huế. Ảnh Hàn My.

Hình thành dịch vụ hậu cần nghề cá

Tại một hội nghị tuyên dương điển hình hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi có dịp tìm hiểu về các Hiệp hội tàu thuyền ở thị trấn Thuận An, với mô hình “tàu mẹ – tàu con” đã phát triển thành công trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá ở địa phương này.

Giới thiệu các khâu chuẩn bị cho một chuyến đi biển cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá, anh Trần Văn Hải – hộ gia đình đầu tiên ở Thuận An phát triển thành công dịch vụ hậu cần này, hiện đã trở thành Hội trưởng Hiệp hội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ở Thuận An – cho hay: “Mỗi chuyến đi biển như thế, các tàu lớn, nhất là tàu vỏ thép thường chuẩn bị trên tàu 4 – 5 ngàn lít dầu máy, gần 2.000 cây đá, rất nhiều đồ ăn, thức uống, gạo, mỳ tôm, lương thực, thực phẩm… Khoang làm lạnh bảo quản của tàu có thể chứa đến 30-40 tấn hàng để cung cấp cho các tàu đánh bắt ngoài biển, cũng như thu mua chừng ấy tấn hải sản từ các tàu chở về đất liền”.

Tuổi đời hơn 49, nhưng Trần Văn Hải đã có gần 25 năm phục vụ nghề cá với tàu đi biển công suất lớn… Ngay từ thời còn bé, Hải đã theo bố mẹ làm nghề khai thác, đánh bắt cá trên biển, đó cũng là nghề truyền thống của gia đình anh từ thời ông bà để lại. Lớn lên, sau nhiều chuyến đi biển, Hải nhận thấy nhiều bất cập của các tàu thuyền ra khơi xa đánh bắt.

“Bà con mình đánh được hải sản tươi, nhưng chờ đầy tàu mới vào bờ thì cá ươn hết, hải sản mất giá trị, bị ép giá. Ngược lại, nhiều tàu thuyền đánh bắt sau một đêm mà vô bờ thì hôm sau họ ra không kịp, luồng cá sẽ đi mất. Cũng có nhiều trường hợp vươn khơi dài ngày đến khi phát hiện luồng cá thì nhiên liệu và lương thực đã cạn kiệt… Do đó buộc mình phải tính đến việc ra đến tận nơi cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho các tàu như: Dầu máy, nước đá, đồ ăn, thức uống… và thu mua hải sản đưa vào bờ tiêu thụ” – anh Hải chia sẻ về những ngày đầu bắt tay làm dịch vụ hậu cần nghề cá của mình.

Sau các phiên đi biển cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá đầu tiên, trừ chi phí xong, anh lãi ròng từ 120 – 130 triệu đồng, đồng thời đáp ứng được các nhu cầu cho ngư dân đi biển vươn khơi dài ngày. Thế là anh Hải lựa chọn theo nghề cung ứng dịch vụ trên biển cho ngư dân.

Để nâng cao hiệu quả dịch vụ, ngư dân này dốc vốn đầu tư nâng cấp tàu của mình lên gần 500 CV, tăng cường đi biển cung ứng dịch vụ mỗi tháng 2 chuyến (tùy theo thời tiết). Có những chuyến kéo dài 15 ngày, cung cấp hàng nhiều nhất đủ nhu cầu cho 3 tàu đánh bắt xa bờ. Sẵn có điều kiện nghề biển của gia đình, anh huy động con cái, anh em nâng cấp và đóng mới tàu thuyền, hoàn thiện mô hình tổ tàu dịch vụ hậu cần của gia đình gồm 4 chiếc, công suất từ 400CV đến 750CV, có thể cung ứng dịch vụ ở các vùng biển từ gần bờ đến xa khơi như tại ngư trường Hoàng Sa.

Cùng với gia đình anh Hải, trên địa bàn thị trấn Thuận An còn có các tổ “tàu mẹ – tàu con” làm dịch vụ hậu cần trên biển của các gia đình khác như anh Trần Dành, Trần Dũng, Nguyễn Hôi… với 3 tàu vỏ thép có công suất 800 – 1.000 CV; mỗi chiếc tàu trị giá từ 20 đến gần 22 tỷ đồng, khoang chứa có thể thu mua 40 – 50 tấn cá, đi một chuyến có thể gom hàng của nhiều tàu đánh bắt cá, lợi cả hai phía… Đây được coi là các “tiểu thương” của “phiên chợ” giữa biển Đông, giúp cho giá cả sản phẩm của ngư dân đánh bắt được ổn định, đem lại lợi nhuận cao hơn, nguồn thủy hải sản tươi ngon hơn.

Hầu hết các chuyến đi biển của các đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ở Thuận An đều ra ngư trường ở Hoàng Sa, được xác định thông qua thiết bị định vị ECOM do lực lượng Biên phòng cung cấp. Mỗi chuyến phải mất 3-4 ngày lênh đênh mới đến các điểm diễn ra “phiên chợ” giữa biển. Nhiều chuyến đi, tàu phải trụ lại giữa khơi xa hơn 1 tuần để đợi thu mua đủ số lượng hải sản.

Anh Trần Văn Hải kể: Đêm giữa biển, các tàu sáng đèn lên, nhìn từ xa cứ như phố thị. Tàu nào cũng có máy phát điện thắp sáng gần 30 bóng đèn 1.000W, chong cho cá tới. Cùng với chong đèn, các tàu mở máy dò luồng cá để đánh bắt. Đã từng có mẻ cá qua máy quét báo hiệu lên đến hơn 40 tấn, đội tàu thuyền đoàn kết liên lạc các tàu thành viên đang đi biển khoanh vùng cùng đánh bắt, làm sôi động hẳn cả một vùng biển lớn.

Để có được những mối hàng thường xuyên của ngư dân cũng không phải là điều dễ dàng. Các đội tàu dịch vụ hậu cần phải nắm bắt nhu cầu của các tàu đánh bắt xa bờ, cung cấp các nhu yếu phẩm, nhiên liệu đúng giá; đồng thời tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đánh bắt được, nhất là các thương lái thu mua hải sản giá cao, với số lượng lớn. Anh Hải chia sẻ: “Chỉ cần một cuộc liên lạc qua thiết bị ECOM là ngư dân nắm giá cả trong đất liền ngay, vì thế phải thuận mua vừa bán…”. Cũng nhờ vậy, các mối hàng của Hiệp hội tàu hậu cần nghề cá ở Thuận An thu mua không chỉ có ngư dân đánh bắt của Thừa Thiên Huế mà còn ở các tỉnh từ Bình Định đến Nghệ An. Quan trọng hơn, họ đã xây dựng được mô hình khép kín từ cung cấp hậu cần, thu mua hải sản trên biển đến giao hàng cho tiểu thương, chở hàng đi khắp các tỉnh miền Trung.

Anh Ngô Đức Sương, một chủ tàu lớn đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, ở thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế), bộc bạch: “Các doanh nghiệp thu mua hải sản yêu cầu chất lượng rất khắt khe, ngư dân đánh bắt dài ngày mà không có tàu dịch vụ đưa hàng vào bờ, chất lượng hải sản sẽ giảm, đồng nghĩa với việc bị ép giá. Nghề dịch vụ hậu cần trên biển không chỉ giúp ngư dân chúng tôi có điều kiện bám biển khai thác dài ngày, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng hải sản khai thác, tăng hiệu quả kinh tế, mà còn giúp cơ sở thu mua chủ động được số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu chế biến”.

Mô hình liên kết

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện tại, ở các xã Phú Thuận và Phú Hải hầu hết ngư dân đều đầu tư phát triển tàu đánh bắt xa bờ, thì ngược lại ở thị trấn Thuận An lại hình thành các đội tàu thu mua và cung ứng dịch vụ hậu cần, bao tiêu sản phẩm ngay trên biển. Mô hình này đã góp phần mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.

Thương lái thu mua cá tại cảng Thuận An từ các tàu hậu cần. Ảnh: Hà Nguyên

Như vậy, so với các nghề khai thác khác trên biển, dịch vụ hậu cần nghề cá là ngành nghề cần sự đầu tư nguồn vốn lớn hơn rất nhiều. Từ sự tiên phong của người dân, địa phương cần có những định hướng hỗ trợ để nghề này có thể phát triển bền vững hơn trên địa bàn.

Những năm trở lại đây, nhiều chính sách đã tiến hành hỗ trợ nâng cấp khu cảng cá Thuận An, khu neo đậu và các khu đóng mới, sữa chữa tàu thuyền trên địa bàn huyện Phú Vang. Đây là các bước tiền đề để hỗ trợ cho ngư dân phát triển nghề đi biển cũng như nghề dịch vụ hậu cần tương xứng…

Có thể nói, mô hình đánh bắt xa bờ gắn với thu mua và cung ứng dịch vụ trên biển là một mô hình hiệu quả và cần thiết đối với ngư dân. Những thành viên tham gia mô hình được phân định trách nhiệm rõ ràng trong từng công đoạn sản xuất, cũng như giúp đỡ nhau khi gặp nạn, tính cộng đồng cũng được nâng lên một cách rõ rệt, giúp các chủ tàu cũng như các thuyền viên yên tâm hơn trong việc vươn khơi, bám biển dài ngày.

Để kinh tế biển phát triển bền vững, ngoài chú trọng khai thác hải sản, các địa phương có tiềm năng về nghề biển của Thừa Thiên Huế cũng cần có kế hoạch chuyển đổi từ nông, ngư nghiệp sang các loại hình thương mại và dịch vụ hầu cần nghề cá trên biển. Ngành Thủy sản phải hướng ngư dân đến mô hình kinh tế biển khép kín từ khai thác, thu mua, đến khâu chế biến.

Việc đầu tư khai thác tiềm năng đánh bắt và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, nhất là ở quần đảo Hoàng Sa sẽ góp phần khẳng định vững chắc chủ quyền trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bởi đây không chỉ là cuộc mưu sinh, giữa xanh thẳm trùng khơi của biển, mỗi chiếc tàu mang trên mình lá cờ Tổ quốc như những cột mốc sống, sẽ góp phần bảo vệ vùng biển thân yêu và tham gia phát triển kinh tế, làm giàu từ biển.

Tuy nhiên, để khai thác được tiềm năng này, vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó cần hoàn thiện khả năng cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá tương xứng với khả năng đánh bắt, khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa vốn rất giàu tiềm năng. Tiếp đến là xây dựng những trung tâm hậu cần nghề cá liên huyện, liên tỉnh, liên vùng, có vai trò đầu mối dẫn dắt các hoạt động thủy sản của toàn vùng, thúc đẩy và hỗ trợ các cụm vệ tinh cùng phát triển. Qua đó, tạo ra mạng lưới kết nối và chia sẻ với các cụm vệ tinh, thúc đẩy cả trung tâm và cụm vệ tinh cùng phát triển.

Việc hình thành và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển ở Phú Vang nói riêng và toàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, cũng như sự liên kết vùng là vô cùng cần thiết. Bởi ngư trường miền Trung rất đa dạng, có phạm vi rộng, trải dài trên hàng trăm hải lý. Đầu tư cho dịch vụ hậu cần trên biển sẽ là cách tốt nhất để giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng thời gian đánh bắt, đồng thời góp phần thiết thực vào việc bảo vệ và giữ vững chủ quyền an ninh vùng biển đảo quê hương. 

Hiện nay, Hiệp hội dịch vụ hậu cần nghề cá ở Thuận An (đơn vị duy nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế đến thời điểm hiện tại) đã phát triển lên 36 tàu, công suất từ 400 CV đến 1.000CV, mỗi tàu tạo việc làm cho 10 – 15 lao động có thu nhập khá ổn định. Nhiệm vụ của các tàu thành viên là luân phiên cung ứng dịch vụ trên biển, nhất là ngư trường ở Hoàng Sa.

Các tỉnh duyên hải miền Trung là vùng có nghề khai thác hải sản phát triển mạnh. Hiện nay, toàn vùng có khoảng 70 cảng cá, bến cá của 9 tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và một số tỉnh lân cận. Trong đó, một số cảng được đầu tư xây dựng với quy mô lớn. Toàn vùng hiện có khoảng 100 cơ sở sửa chữa và đóng mới tàu cá, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sửa chữa, đóng mới tàu thuyền của ngư dân. Cùng với sự phát triển tàu đánh bắt công suất lớn, sự phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá đang trở thành nhân tố thúc đẩy ngành Thủy sản phát triển bền vững.

Đinh Khắc Đính

(Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam)