Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Điều tiết giá lợn phải đảm bảo lợi ích cho các bên

10:18 18/04/2020 GMT+7

Theo nhiều chủ trang trại, động thái kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như Dabaco, Mavin, CP… “kéo” giá lợn hơi xuống 60.000 đồng/kg của Chính phủ, Bộ NN&PTNT vừa qua là một hướng đi đúng đã giúp thị trường dần bình ổn trở lại.

Tuy nhiên, bà con cho rằng, việc điều tiết giá cả của các Bộ, ngành liên quan cần phải có lộ trình và điều chỉnh ở mức phù hợp với cung – cầu thì mới bền vững và có lợi cho cả doanh nghiệp, hộ chăn nuôi và người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Chính cho đàn lợn ăn tại trang trại của gia đình ở Yên Khánh (Ninh Bình).

Người nuôi có lãi nhưng vẫn chưa đủ trả nợ

Vào những ngày này, ông Phạm Văn Ngọt, chủ một trại lợn ở Nghĩa Hưng (Nam Định) đang tất bật làm vệ sinh chuồng trại và chăm sóc đàn vật nuôi của mình. Sau hai lần liên tiếp mất tiền tỷ vì dịch bệnh, cách đây gần 2 tháng, hai vợ chồng ông lại tiếp tục vay tiền “đánh quả liều” để mua thêm hơn 200 con lợn nhỡ (trọng lượng trên dưới 80kg/con) và hơn 200 con lợn giống siêu nạc về nuôi.

Mới đây, ông Ngọt đã may mắn bán được đàn lợn thịt hơn 200 con với giá gần 90.000 đồng/kg, tính ra vị chủ trại này cũng lãi được một khoản tiền lớn. Tuy vậy, số tiền lãi này vẫn chưa thấm vào đâu so với khoản thua lỗ “khủng” mà gia đình ông đang phải gánh.

Hiện, vợ chồng ông Ngọt đang dồn hết lực để chăm đàn lợn còn lại trong trại, hy vọng đến khi xuất chuồng sẽ được giá cao để trả hết nợ. “Với giá lợn hơi hiện tại khoảng từ 75.000 đồng đến trên dưới 80.00 đồng/kg thì các chủ trại vẫn có lãi khá nhiều. Tuy vậy, với các hộ mới bị dịch phải tiêu hủy cả đàn lợn trong năm vừa qua thì mức lãi này vẫn không đủ bù đắp chứ đừng nói đến chuyện hòa vốn”, ông Ngọt khẳng định.
Ông Ngọt cho biết thêm, do người nuôi nhỏ, lẻ ít vốn nên bà con đa phần vẫn chăn nuôi theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”, thông thường cứ bán được một lứa lợn có lãi người dân lại quay vào đầu tư tiếp. Bởi thế nên mỗi khi không may gặp rủi ro, dịch bệnh, đối tượng chăn nuôi này dễ rơi vào cảnh “trắng tay”, khó hoặc không thể phục hồi lại được.

Nói thêm về việc kêu gọi giảm giá lợn hơi của Chính phủ, ông Ngọt tỏ vẻ rất đồng tình. “Việc điều tiết giá lợn hơi về mức vừa phải và cân bằng sẽ giúp cân đối, bình ổn thị trường, tránh tình trạng độc quyền, thao túng giá lợn. Theo tôi đây là động thái rất cần thiết và tích cực của Bộ NN&PTNT, người chăn nuôi chúng tôi có thể bị giảm số tiền lợi nhuận nhưng mọi người đều ủng hộ việc làm này”, ông Ngọt nhấn mạnh.

Là trại lợn đang nuôi trên 500 con tại Yên Mỹ (Hưng Yên), ông Nguyễn Trường Anh cho hay: Việc Bộ NN&PTNT tác động vào giá lợn hơi trong thời điểm vừa qua là việc làm cần thiết để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa 3 bên gồm doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi và người tiêu dùng.

Mặc dù bị giảm lợi nhuận nhưng các doanh nghiệp đã ủng hộ nhiệt tình cho thấy họ rất ủng hộ cách làm này của ngành Nông nghiệp.

“Cũng phải nói thật, ban đầu khi nghe thông tin Bộ NN&PTNT kêu gọi giảm giá lợn, chúng tôi, những người chăn nuôi nhỏ, lẻ cũng tâm tư lắm, nhưng xét kỹ thấy việc làm này là vì lợi ích chung, tạo niềm tin cho người tiêu dùng nên bà con rất tán thành và hưởng ứng”, ông Trường Anh nói.

Theo ông Nguyễn Trường Anh, sau khi các doanh nghiệp đồng loạt hạ giá lợn hơi xuống còn 74.000 đồng đến 75.000 đồng/kg, giá mặt hàng này ngoài thị trường cũng đã “giảm nhiệt” đáng kể. Theo đó, giá lợn hơi giảm từ 85.000 đồng xuống còn tên dưới 80.000 đồng/kg.

“Nếu người chăn nuôi còn cầm cự được đàn lợn đến giờ thì với mức giá này bà con vẫn có lãi khá nhiều nhưng thực tế, số trại, hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ được hưởng lợi từ mức giá này hiện cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay”, ông Trường Anh bộc bạch.

Cũng theo ông Anh, dù giá lợn hơi đã giảm khá nhiều, song giá lợn giống trên thị trường hiện tại vẫn còn ở mức quá cao. Điều đáng nói hơn là lượng hàng giống bán ra tại các trại, công ty cũng không có nhiều, thậm chí thị trường còn khan hiếm hàng nên dù muốn, có tiền người chăn nuôi nhỏ, lẻ cũng khó tái, vào đàn lợn lúc này.

Anh Lê Xuân Tình ở Yên Mỹ (Hưng Yên) dọn, sửa lại chuồng trại để tiếp tục tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi.

Thận trọng tái đàn

Dù giá lợn giống cao nhất trong lịch sử ngành Chăn nuôi Việt Nam như hiện nay, nhưng thực tế để mua được lợn giống ở thời điểm này không hề dễ dàng do hầu hết các doanh nghiệp, HTX chăn nuôi lớn không bán giống ra ngoài mà ưu tiên cho tự nuôi thông qua hệ thống nuôi gia công hoặc thuê lại trang trại.

Mới đây khi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam Nguyễn Như So cho biết, Dabaco mấy tháng nay không bán giống, nái ra bên ngoài mà ưu tiên phục vụ tăng đàn các đơn vị trong nội bộ Tập đoàn. So với lúc trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn nái của Dabaco tăng được 5%, đạt 60.000 con và dự kiến đến hết năm 2020 tăng lên 10% so với năm 2019.

Cùng với lợn giống để nuôi thịt, lợn nái cũng đang bắt đầu khan hàng do nhu cầu tái đàn tăng mạnh. Ông Phạm Duy Phẩm – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) cho hay: Do nhu cầu tái đàn thời gian gần đây tăng đột biến, trong khi hầu hết các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đều để lại nái phục vụ tăng đàn nên giờ khách hàng phải đợi từ 1 – 3 tháng Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương mới có nái để giao.

Hiện giá lợn nái hậu bị 100kg đang được Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương bán theo giá lợn thịt trên thị trường là 74.000 đồng/kg cộng thêm tiền giống khoảng 2 – 2,5 triệu đồng/con, nên giá một con nái hậu bị dòng Landrace hay Yorkshire 100kg xấp xỉ 10 triệu đồng.

Theo tính toán của ông Nguyễn Trường Anh (Yên Mỹ, Hưng Yên), với việc lợn giống trên thị trường hiện có giá lên tới 2,2 – 2,5 triệu đồng/con 6,5 – 7kg, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, an toàn sinh học yếu kém, đặc biệt là những hộ trong quá khứ từng bị tiêu hủy lợn do dịch tả lợn châu Phi cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng trước khi tái đàn.

Ông Nguyễn Trọng Long – Chủ tịch HĐQT HTX Chăn nuôi Hoàng Long (Hà Nội) chia sẻ, giá lợn thịt trên thị trường hiện nay rất cao, đúng là mỗi con lợn lãi vài triệu đồng, nhưng giá giống hiện cũng cao chót vót lên tới 2,2 – 2,5 triệu đồng/con nên chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ cần cân nhắc thật kỹ lưỡng nếu có ý định tái đàn ở thời điểm này. Bởi dịch tả lợn châu Phi vẫn có thể diễn ra lác đác tại nhiều nơi, nếu không may dính dịch coi như sạt nghiệp bởi không còn được hỗ trợ nữa.

“Cũng phải nói thật, ban đầu khi nghe thông tin Bộ NN&PTNT kêu gọi giảm giá lợn, chúng tôi, những người chăn nuôi nhỏ, lẻ cũng tâm tư lắm, nhưng xét kỹ thấy việc làm này là vì lợi ích chung, tạo niềm tin cho người tiêu dùng nên bà con rất tán thành và hưởng ứng”.
Ông Nguyễn Trường Anh – Chủ trang trại ở Hưng Yên.

Bài, ảnh: Minh Trí