Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Độc đáo món bánh tày “trăng xanh” ở Quảng Trị

Nguyễn Bích Ngọc - 10:48 11/02/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Bánh tày là một trong những món Tết truyền thống của người dân thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Bánh được làm từ gạo nếp thơm dẻo, thịt lợn, đậu xanh… nhưng không như bánh chưng hình vuông hay bánh tét hình trụ tròn, bánh tày được gói thành từng cặp, mỗi bánh như hình bán nguyệt độc đáo, đồng thời có màu xanh đẹp mắt nhờ lá rau ngót.

Những chiếc bánh hình bán nguyệt, xanh như ngọc bích
Nếu nói đến bánh chưng, bánh tét thì khắp đất nước Việt Nam ở đâu cũng có, nhưng điểm khác biệt làm nên thương hiệu của làng bánh Đại An Khê đó chính là người dân vẫn giữ tục lệ gói những chiếc bánh tày hình mặt trăng mà không nơi nào có.
Theo những người cao niên trong thôn cho biết, bánh tày có từ bao đời nay, trong bất cứ ngày lễ, Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, mùa Vu Lan, Tết Trung thu... hay những ngày giỗ của gia đình, của làng đều bắt buộc có đĩa bánh tày dâng lên bàn thờ. Đó như lời gửi gắm của cháu con dâng lên ông bà, tổ tiên và các bậc tiền nhân phù hộ cho gia đình, làng mạc luôn yên bình, sung túc, ấm no.

Bánh tày khi gói đòi hỏi sự kì công làm sao để ép được chiếc bánh khi nấu chín và cắt ra sẽ giống như vầng trăng khuyết.

Cũng giống như bánh chưng, bánh tét, bánh tày được làm từ những nguyên liệu sẵn có của tự nhiên như gạo nếp, đậu xanh, lá cây và thịt lợn... Điều đặc biệt ở chỗ, thay vì được làm bằng hình tròn, hay hình vuông, bánh tày của bà con nơi đây lại được tạo thành hình bán nguyệt và có màu xanh ngọc bích. Trong quá trình làm bánh, người dân làng Đại An Khê lựa chọn những loại nếp dẻo, thơm và để có màu xanh của bánh mọi người dùng lá rau ngót được rửa sạch, giã lấy nước, trộn với gạo nếp sẽ tạo màu xanh. Lá rau ngót hòa quyện với gạo nếp và nhân bánh khi ăn sẽ không bị ngán mà thơm nồng, ngon miệng. 

Bánh tày được gói thành từng cặp, mỗi bánh như hình bán nguyệt độc đáo, đồng thời có màu xanh đẹp mắt nhờ lá rau ngót.

Đặc biệt, đối với loại bánh tét bán nguyệt, nhân bánh được làm bằng đậu xanh luộc mềm, chà mịn đem trộn với hành, tiêu, dầu ăn… và khi gói đòi hỏi sự kì công làm sao để ép được chiếc bánh khi nấu chín và cắt ra sẽ giống như vầng trăng khuyết. Bánh được nấu bằng than củi suốt 8 tiếng đồng hồ nên khi ra lò nếp dẻo thơm nhưng ko hề nhão và nát. Bánh tày được gói từ 2 cái rồi buộc chặt với nhau tạo hình tròn. Sau khi nấu chín, những cặp bánh được tách ra từng chiếc. Để lên đĩa những miếng bánh có hình trăng khuyết nhưng khi 2 miếng bánh được ghép lại với nhau là hình vầng trăng tròn, viên mãn.

 “Người dân mong muốn sự thanh bình, yên ả của làng quê nên mượn màu xanh lá ngót để tượng trưng sự bình yên này, mượn hình bán nguyệt tượng trưng cho mảnh trăng treo trên lũy tre đầu làng, biểu hiện sự no ấm. Khi gói 2 chiếc bánh thành một cặp còn tượng trưng cho sự hạnh phúc, hòa hợp trong gia đình”, ông Đào Bá Vây – một trong những người chuyên làm bánh lâu năm trong thôn giải thích.
Trở thành sản phẩm OCOP - giúp bánh tày vươn xa
Từ những hộ sản xuất riêng lẻ, đến nay những người làm bánh tày đã hình thành “Tổ hợp tác sản xuất bánh tét mặt trăng Đại An Khê”. Theo UBND xã Hải Thượng, Tổ hợp tác được thành lập từ năm 2019, đến nay có 23 hộ gia đình đăng ký hoạt động. Trong quá trình sản xuất, Tổ hợp tác đã đưa ra quy chế hoạt động thống nhất về giá cả, mẫu mã, chất lượng...  Năm 2021, Tổ hợp tác sản xuất bánh tét mặt trăng Đại An Khê bắt đầu tham gia chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Sau khi UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá, phân hạng và tiến hành vinh danh sản phẩm bánh tét trăng mặt đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Việc đạt chứng nhận OCOP đã giúp thương hiệu bánh tét mặt trăng Đại An Khê được khách hàng cả nước biết đến rộng rãi. Ngoài bánh tày, tổ hợp tác còn sản xuất thêm bánh tét, bánh chưng cũng dựa trên cách làm bánh tày. Hiện, trung bình lượng bánh xuất ra thị trường hàng ngày đạt từ 1.000 đến 2.000 bánh tày, 600 bánh tét và bánh chưng/hộ. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán số lượng đơn hàng đặt bánh của các hộ trong Tổ hợp tác rất cao với khoảng 100.000 bánh các loại. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho nhiều người dân trên địa bàn.

Người dân thôn Đại An Khê thường làm bánh tày trong dịp lễ, Tết.

Là một trong những người buôn bánh tày Quảng Trị, chị Nguyễn Thanh Dung ở Hà Nội cho biết: Bánh tày Quảng Trị rất thơm ngon, rền bánh, nhỏ gọn nên rất được nhiều khách hàng lựa chọn. Bánh được bán hàng ngày nhưng vào những dịp như ngày mùng một, rằm hàng tháng tôi bán được cả nghìn cặp phục vụ khách mua về thắp hương, đi lễ với mức giá 100 nghìn/6 cặp. Chính vì được nhiều khách ở Hà Nội yêu thích trong thời gian gần đây nên dự kiến dịp Tết Nguyên đán 2024 sẽ tiêu thụ được nhiều hơn.
Không chỉ ở có mặt ở Hà Nội, bánh tày còn được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước như Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Khánh Hòa, Sài Gòn,… Không dừng lại ở đó, bánh tày mặt trăng hiện bày bán ở nhiều siêu thị lớn miền Trung gồm Nông Pro (Đà Nẵng), Rau sạch An nông (TP. Đồng Hới, Quảng Bình), Sơn Nguyên Organic (Hà Tĩnh)… Đặc biệt, với công nghệ hút chân không giúp bảo quản bánh lâu hơn nên nhiều khách hàng còn dùng làm quà biếu cho người thân, bạn bè mỗi khi ra nước ngoài.