Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đưa OCOP lên non, khẳng định giá trị từ bản sắc

Bình Châu - 07:06 13/11/2021 GMT+7
Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, khi Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) lan tỏa đến các xã, bản vùng cao còn góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. OCOP lên non, mang theo những kỳ vọng tạo sức hút cho những vùng quê với những sản vật tưởng như chỉ bó hẹp trong mỗi nếp nhà sàn.
Nghề mây tre đan truyền thống ở xã Khuôn Hà được khôi phục và phát triển.

Thức dậy từ cảm hứng OCOP

Từ bao đời nay, bà con dân tộc Tày ở xã Khuôn Hà (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) luôn tự hào với nghề đan lát từ mây tre. Tuy vậy, chỉ những ai đặt chân về vùng cao này, mới có cơ hội thưởng lãm những sản phẩm thủ công được truyền đời để giữ nghề.

Thế hệ nối tiếp, từ người trưởng thành đến các bé gái từ nhỏ đã được học cách đan lát các vật dụng gia đình, như: rổ, rá, làn, giỏ, nón lá... Nhưng vùng núi yên bình này cũng chuyển động theo cơ chế thị trường. Xu thế nhanh, rẻ, tiện dụng đã khiến những vật dụng gần gũi từ mây, tre dần mất đi vị trí để nhường chỗ cho các sản phẩm làm bằng nhựa rổ nhựa, bát nhựa, cốc nhựa, làn nhựa... Nghề truyền thống ở Khuôn Hà trước nguy cơ mai một.

Thế rồi những chủ trương, chính sách hỗ trợ từ Chương trình OCOP đã triển khai và vực dậy nghề mây tre ở Khuôn Hà. Trong đó, Hợp tác xã Nhật Minh (HTX) được thành lập và giữ vai trò nòng cốt đưa những sản phẩm thủ công hòa vào dòng chảy OCOP. 

Với sự nỗ lực của các thành viên HTX, nghề truyền thống của đồng bào Tày ở Khuôn Hà được tạo thêm sức sống với những dòng sản phẩm mới như: cốc, hộp đựng trà, hộp đựng quà… bằng mây, tre. Qua đó, giúp người dân trong làng có việc làm, có thêm thu nhập.

Nhờ thực hiện tốt việc tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại, việc sản xuất của Hợp tác xã đã dần ổn định. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã cung cấp cho thị trường 1.800 đến 2.300 sản phẩm các loại, đem lại doanh thu hơn 50 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương từ 3-4 triệu đồng/tháng. Còn khi vào thời vụ, có đơn đặt hàng số lượng lớn thì phải huy động gần 20 lao động tham gia. Một số người dân có thể tranh thủ lúc nhàn rỗi đến làm việc và được trả công là 150 ngàn đồng/ngày.

Tại Hội nghị Đánh giá Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 khu vực phía Bắc được tổ chức vào cuối năm 2020, tại Thái Nguyên, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh: Chương trình OCOP đã tạo ra sân chơi, cơ hội để nông dân liên kết, xây dựng hợp tác xã để sản xuất ra sản phẩm; đồng thời, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, vùng đồng bào DTTS; phát huy vai trò của phụ nữ nông thôn, các nhóm người yếu thế như đồng bào DTTS. Đúng với mục tiêu mà Chính phủ hướng tới trong phát triển kinh tế, xã hội là phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nhận diện những "điểm nghẽn"

Sau 3 năm, OCOP đã khẳng định vị thế trong dòng chảy phát triển kinh tế, xã hội, nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi. Tuy vậy, để OCOP tạo được sức bật thức dậy tiềm năng kinh tế, văn hóa mỗi địa phương đòi hỏi nhiều nỗ lực.

Là địa bàn rộng với đa dạng bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, tỉnh Thanh Hóa được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển OCOP. Thông tin từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Hiện nay, khu vực miền núi đã có 10 sản phẩm OCOP của 7 chủ thể, thuộc 5 huyện Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Thạch Thành và Quan Hóa, được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 2 sản phẩm là tinh dầu quế và ống hút tre của huyện Thường Xuân đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa.

Từ thực tế cho thấy, với một địa bàn với có nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, độc đáo có giá trị văn hóa và trở thành sản phẩm chủ lực mang lại thu nhập cho người dân. Trong đó, có những sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền, có giá trị kinh tế, thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm chất lượng của Chương trình OCOP. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, 11 huyện miền núi của Thanh Hóa mới chỉ có 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Điều này cho thấy, sản phẩm lợi thế của khu vực miền núi chưa được khai thác, phát triển, đa phần vẫn còn tồn tại ở dạng tiềm năng.

Tại huyện Ngọc Lặc, khi thực hiện OCOP đã tiến hành khảo sát và có gần 20 sản phẩm lợi thế, đây đều là các sản phẩm có giá trị kinh tế, có khả năng mở rộng thị trường và có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP trong tương lai gần... Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm trên vẫn đang ở dạng tiềm năng, quy mô cấp hộ gia đình, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ.

Khó khăn chung là từ quy mô sản xuất hộ gia đình nên việc quản lý, duy trì, phát triển sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Để phát triển Chương trình OCOP, theo ông Đặng Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, cho biết: Huyện sẽ quan tâm làm tốt các sản phẩm lợi thế hiện có, chuẩn hóa thành sản phẩm OCOP theo đúng chu trình của tỉnh đề ra.

Cũng theo ông Quang, điều đáng mừng nhất là hiện nay, nhiều chủ thể sản xuất đã chú trọng đến việc quan tâm, giữ gìn, phát huy thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh tế của sản phẩm. Ví dụ như sản phẩm miến dong của xã Ngọc Liên. Đây là sản phẩm truyền thống của địa phương, song chủ yếu phát triển ở hộ gia đình, quy mô sản xuất nhỏ, lẻ. 

Những năm gần đây, nhiều hộ đã chú trọng đầu tư máy móc sản xuất, xây dựng hệ thống chế biến, sấy khô, đóng gói hợp vệ sinh... Đồng thời, chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ hướng tới xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm. Bên cạnh đó, Nhân dân trong xã cũng tích cực mở rộng diện tích trồng dong riềng để tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất và bảo đảm chất lượng cho sản phẩm miến dong truyền thống của địa phương.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để phát huy tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi trong Chương trình OCOP cần phải tháo gỡ những khó khăn như: cải tiến mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP phải gắn kết với lịch sử, văn hóa của địa phương. Đồng thời, phải có sự liên kết để tạo nên chuỗi giá trị gia tăng nhằm phát triển vùng nguyên liệu, thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại...

Do đó, để các sản phẩm lợi thế của khu vực này khẳng định được vị thế, chiếm lĩnh thị trường, bên cạnh sự trợ lực của các cấp chính quyền, địa phương thì cần sự nỗ lực, táo bạo nhiều hơn của các chủ thể sản xuất, nhất là những doanh nghiệp, HTX.

Gia tăng giá trị bền vững

Từ câu chuyện của Thanh Hóa, có thể thấy để phát triển OCOP thì vai trò quan trọng chính là các chủ thể thực hiện. Chỉ dựa vào kinh nghiệm và sự cần cù lao động thôi thì chưa đủ. Cần có một "sân chơi" để những người làm OCOP được giao lưu, học hỏi. Các bước từ thủ tục đến quy trình OCOP cần được chuẩn hóa để tạo cơ hội cho tất cả mọi người. 

Phát triển các hình thức thương mại để thúc đẩy phát triển OCOP.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, ngoài những giải pháp trọng tâm trong phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực của các chủ thể và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, Chương trình OCOP trong giai đoạn tới sẽ tập trung triển khai những giải pháp khác, như: Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý, các chủ thể, đặc biệt là nâng cao năng lực mạng lưới tư vấn OCOP để hỗ trợ các địa phương, chủ thể triển khai hiệu quả chương trình theo đúng quan điểm, định hướng.

Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới sáng tạo trong phát triển sản phẩm OCOP, gắn với khởi nghiệp, xây dựng và phát huy vai trò của các Trung tâm khởi nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP ở các vùng, tạo động lực để kết nối và thúc đẩy giữa các vùng, địa phương và khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch.

Mặt khác, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và thương mại sản phẩm OCOP. Trong đó, hướng đến xây dựng hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần tạo sự ổn định và khẳng định sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển các hình thức thương mại sản phẩm OCOP, trong đó có thương mại điện tử.

Đặc biệt, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai Chương trình tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ phát triển sản xuất và mở rộng đối tượng cho vay để phát triển ngành nghề nông thôn, đặc biệt là phát triển Chương trình OCOP trên địa bàn đặc biệt khó khăn. Đồng thời, xây dựng và quản lý đồng bộ, hiệu quả thương hiệu OCOP Việt Nam, để nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm OCOP, mang những giá trị về văn hóa và bản sắc của Việt Nam, các vùng miền và địa phương./.

*Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương.

Nghệ An có 113 sản phẩm được phân hạng OCOP
Đặt mục tiêu đến năm 2025, Nghệ An phấn đấu có ít nhất 300 sản phẩm OCOP, tiếp tục phát triển mới ít nhất 86 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP và có 5 đến 8 sản phẩm đạt hạng 5 sao có thể xuất khẩu sang thị trường các nước.