Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tìm giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới

07:27 28/04/2023 GMT+7
Ngày 27/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị "Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới". Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị "Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thủy cầm lớn thứ hai thế giới. Giai đoạn từ năm 2018 - 2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm.

Trong quý I-2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. 

Tuy nhiên, giá gia cầm liên tục giảm. Trong các tháng đầu năm 2023, giá gà trắng có sự chênh lệch giữa các miền trong cả nước, dao động từ 17.000-35.000 đồng/kg thịt hơi, giá gà miền Bắc cao hơn miền Trung và miền Nam và tùy thời điểm và vùng miền.

Đối với gà lông trắng, giá bình quân từ đầu năm 2023 đến nay là 25.600 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 29.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp trong tháng 1/2023 duy trì 39.000-43.000 đồng/kg, đến tháng 2 giảm xuống còn 33.000 đồng/kg và tăng lên 38.000 đồng/kg trong tháng 3; sau đó giảm còn 26.000-32.000 đồng/kg trong tháng 4/2023.

Giá thịt vịt hơi khu vực Nam Bộ bình quân tháng 3 là 42.100-43.900 đồng/kg (tăng bình quân 19% tương ứng 6.800-7.000 đồng/kg); sang tháng 4, giá tăng 7.000-9.000 đồng/kg so với tháng 3. Ngoài ra, trong các tháng đầu năm 2023, giá trứng gà dao động từ 1.750-2.200 đồng/quả; trứng vịt 2.200-2.400 đồng/quả.

Nguyên nhân được Cục Chăn nuôi chỉ ra là, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đầu vào tăng rất cao. Do sức sản xuất rất là lớn, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu gần 3,4 triệu con gia cầm giống nên đàn gia cầm tăng nhanh về đầu con. Trong khi đó, sức tiêu dùng trong nước lại có hạn, đều này dẫn tới cung lớn hơn cầu. Để giải quyết tồn tại này cần có lộ trình, nhưng giải pháp trước mắt đó là vai trò của Hiệp hội rất quan trọng. Hiệp hội tăng cường liên kết, phối hợp trong nội khối chăn nuôi gia cầm, liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó giảm được chi phí đầu vào, đảm bảo đầu ra sản phẩm.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, sau đại dịch Covid-19, ngành chăn nuôi nói chung, gia cầm nói riêng còn nhiều thách thức, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi nông hộ còn chiếm tỷ lệ lớn, dẫn đến kiểm soát dịch bệnh còn khó khăn.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, trong 5 năm qua, ngành gia cầm tăng trưởng nhanh. Công nghệ chăn nuôi và chất lượng giống ngày một được nâng cao. Năng lực sản xuất gia cầm trong nước hiện nay thừa phục vụ trong nước và đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu. Năm 2022, sản lượng thịt gia cầm của Việt Nam tăng tới gần 19%, đây là con số kỷ lục. Tỷ suất lợi nhuận trong chăn nuôi nuôi gia cầm ngày càng giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Giá bán gia cầm thường lỗ khoảng 6.000-7.000 đồng/kg (giá thành 29.000 đồng/kg nhưng chỉ bán được 23.000 đồng/kg). Điều đáng lo lại là trong 2 năm qua sản lượng thịt gia cầm (chủ yếu thịt gà) nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh. Ước tính năm 2022 khoảng 220.000 tấn, từ đầu năm 2023 đến nay khoảng 52.000 tấn. Giá bán sản phẩm giá cầm thương phẩm, chủ yếu là gà giảm mạnh thời gian qua đã khiến không chỉ người chăn nuôi quy mô nông hộ thua lỗ, thậm chí một số doanh nghiệp chăn nuôi trong nước (không tính doanh nghiệp vốn FDI) cũng bị thua lỗ và có nguy cơ phải dừng sản xuất chăn nuôi do cạn kiệt nguồn vốn.

Một số doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại về việc tăng trưởng nhập khẩu thịt gà đông lạnh tăng lên gấp nhiều lần so với tăng trưởng sản phẩm trong nước. Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, các bộ ngành cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm thịt gà đông lạnh; hạn chế nhập khẩu gà đẻ loại nguyên con đông lạnh. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tình trạng nhập lậu gà sống qua biên giới để hạn chế tác động đến chăn nuôi trong nước.

Là doanh nghiệp có hơn 30 năm kinh nghiệm, tuy nhiên, Công ty TNHH Chăn nuôi TaFa Việt cũng đang gặp khó khăn riêng trong phát triển lĩnh vực gia cầm. Bà Chu Thị Hồng Thuỷ - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi TaFa Việt, cho biết hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với quy hoạch, chính sách hỗ trợ của các địa phương; thiếu kênh tiếp cận thông tin ngành hàng.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và nông dân chăn nuôi gia cầm cũng đã đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, tiếp tục xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và có chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp nội và người chăn nuôi trong nước đủ sức cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp FDI.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá chăn nuôi gia cầm giữ vai trò quan trọng đối với ngành chăn nuôi, góp phần đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong 3 năm qua giá bán gia cầm thường xuyên dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi gặp khó khăn, thua lỗ. Một trong những nguyên nhân khiến giá gia cầm có giá bán thấp là do nhu cầu của thị trường giảm. Trong khi đó, nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp - đầu vào của sản xuất chăn nuôi luôn duy trì mức giá cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi khi chi phí, giá thành sản xuất chăn nuôi tăng cao.

Để đạt mục tiêu Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2045, định hướng đến năm 2030, duy trì tổng đàn gà từ 500 đến 550 triệu con, trong đó khoảng 60% được nuôi theo phương thức công nghiệp; tổng đàn thủy cầm từ 100 đến 120 triệu con, trong đó khoảng 40% được nuôi theo phương thức công nghiệp; sản lượng trứng khoảng 23 tỷ quả..., Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, các địa phương cần nâng cao sức cạnh tranh ngành hàng, phát triển chăn nuôi giống bản địa, đặc sản có giá trị cao, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp chú trọng vào giết mổ, chế biến, chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi gia cầm để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu; tăng cường chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng. Trên cơ sở đó có cơ sở dữ liệu để đánh giá, dự báo thị trường gắn với phát triển sản xuất cho phù hợp tình hình mới...

Ghi nhận khó khăn và những đề xuất của doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ sẽ đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp gỡ khó và đề xuất lên Chính phủ những chính sách hỗ trợ kịp thời cho ngành chăn nuôi gia cầm.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: "Ngoài chính sách đất đai, thuế, trước mắt phải nhanh chóng hình thành liên kết sản xuất. Bởi chăn nuôi gia cầm nhất là các hộ nông dân đều theo quy mô nhỏ lẻ. Chúng ta phải liên kết tổ đội hợp tác xã có chính sách đi kèm và quan trọng dẫn dắt vẫn phải là các doanh nghiệp để tạo thành các chuỗi sản xuất cung ứng chuỗi giá trị".

Cũng tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất, tăng cường kiểm soát sản phẩm gia cầm nhập khẩu, bên cạnh việc tuân thủ các quy định của Hiệp định song phương và đa phương đã ký kết cũng cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật để ngăn chặn những sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, qua đó đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng cũng như người chăn nuôi trong nước.

Nguồn Bộ NN&PTNT