Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giám đốc hợp tác xã từng đi cắt lúa mướn

Văn Huỳnh - 08:13 13/09/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ông Trần Văn Chung (SN 1964) - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phát Tài ở ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh từng đi cắt lúa mướn đã trở thành “nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”.
Ông Trần Văn Chung bên kho thóc giống.

Làm lúa giống không kịp bán

Những ngày này, ông Chung vô cùng bận rộn vì khách hàng các nơi liên tục gọi điện thoại về HTX Nông nghiệp Phát Tài đặt hàng mua lúa giống chất lượng cao, lúa giống xác nhận. Theo đó, ông Chung phải vừa nghe điện thoại, vừa ghi chép lại sổ sách những người đặt hàng, số lượng mua và ngày giao cụ thể.

Trao đổi với phóng viên, ông Chung cho hay, mùa nào cũng vậy, từ cuối vụ trước đến đầu vụ lúa sau, khách hàng các nơi, phần lớn ở huyện Châu Thành, huyện Cầu Ngang, huyện Trà Cú... gọi điện thoại về đặt hàng mua lúa giống chất lượng cao, lúa giống xác nhận.

Hiện HTX Nông nghiệp Phát Tài cung cấp rất nhiều lúa giống chất lượng cao như: OM 5451, OM 18, OM 4900 và các loại lúa giống mà khách hàng mua nhiều như Đài Thơm Tám, Ma Lâm 202 (lúa gà), Hàm Châu (nông dân huyện Trà Cú mua gần 100 tấn/vụ),... Riêng các giống OM, HTX mua trực tiếp từ Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về cho xã viên sản xuất.

Theo tìm hiểu, HTX của ông Chung đang có 40ha đất chuyên sản xuất lúa giống (riêng đất của ông Chung là 3ha), cung cấp ra thị trường từ 250-300 tấn/vụ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều khách hàng liên hệ nhưng không có lúa giống cung cấp.

“Một số giống lúa bị hạn chế về số lượng, do vụ này xã viên sản xuất chất lượng không đạt. Chúng tôi chỉ kinh doanh lúa chất lượng cao và lúa xác nhận nên giống không đạt sẽ bị loại bỏ, không kinh doanh. Không chỉ ưu tiên về chất lượng, chúng tôi còn hỗ trợ giá cho người dân mua từ 20 - 25%” - ông Chung nói.

Về ý nghĩa của việc hỗ trợ giá này, ông Chung nói: “Giá bán của HTX Nông nghiệp Phát Tài cho người dân thấp hơn thị trường từ 20 - 25% là vì muốn người dân làm quen với trồng lúa xác nhận, có chất lượng cao. Từ đó, nông dân chuyển dần sang trồng loại lúa giống này cho năng suất tốt nhất thay vì là mua lúa giống trôi nổi hoặc mua lúa thương phẩm về làm lúa giống.

Ông Trần Văn Chung tự hào khoe thành tích được UBND Trà Vinh khen tặng.

Nhiều nông dân muốn vào HTX 

Được biết, trước đây, ông Chung chỉ có 2 công đất trồng lúa thương phẩm. Để có thêm thu nhập, ông đi cắt lúa mướn (cắt bằng tay), rồi đi làm nấm rơm, thậm chí làm thương lái mua lúa rồi đi bán lại cho các nhà máy xay xát kiếm tiền lời.

Nhận thấy nhu cầu lúa giống chất lượng cao, lúa giống xác nhận ở địa phương rất nhiều nên năm 2012, ông Chung đi vận động người dân ở gần nhà thành lập tổ hợp tác (THT) làm lúa giống. Lúc này, chỉ có 3 hộ dân đồng ý tham gia.

“Tôi đi năn nỉ nhiều hộ nhưng chỉ có 3 hộ đồng ý tham gia. Cuối cùng cũng thành lập được THT với tổng số diện tích hơn 6ha” - ông Chung kể lại.

Với sự nỗ lực của ông Chung và của cả tập thể, THT không ngừng “ăn nên làm ra”. Do vậy, các hộ dân địa phương thấy vậy đã tự đăng ký tham gia thêm. Đến 2017, THT phát triển thành HTX Nông nghiệp Phát Tài như hiện nay.

“Ngày xưa tôi đi năn nỉ chỉ vài hộ chịu vô, hiện nay một nông dân bên ngoài muốn vô HTX không dễ. Trước tiên, phải làm đơn, chờ đại hội thường niên và được sự đồng ý thông qua của 74 xã viên hiện tại” - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phát Tài nói.

Theo ông Chung, có rất nhiều nông dân bên ngoài muốn vào HTX nên trong lần đại hội thường niên tới đây, thành viên HTX có thể sẽ hơn 100 người. Vào HTX Nông nghiệp Phát Tài, các xã viên sẽ được hỗ trợ rất nhiều mặt, như được trợ giá mua lúa giống (mua với giá thấp hơn thị trường 1.000 đồng/kg), phân bón (mua với giá thấp hơn thị trường 40.000 - 50.000 đồng/kg), thuê máy gieo sạ (HTX hỗ trợ 100% lúa giống),...

Chưa dừng lại ở đó, các xã viên còn được HTX chia phần trăm lợi nhuận mà HTX thu về qua các vụ. Theo đó, tỉ lệ phần trăm được chia phụ thuộc vào việc mua nhiều hay ít cổ phiếu của HTX đưa ra. Hiện nay, HTX Nông nghiệp Phát Tài quy định, mỗi xã viên phải mua ít nhất 1 cổ phần là 2 triệu đồng và cao nhất là 30 cổ phần (tương đương 60 triệu đồng).

Để HTX Nông nghiệp Phát Tài hoạt động hiệu quả, ông Chung đầu tư nhà kho chứa lúa giống hơn 1 tỷ đồng. Đặc biệt, ông còn tự tay nghiên cứu ra máy giê lúa 2 tầng (hay còn gọi là máy tách hạt lúa; chỉ cơ sở làm lúa giống mới cần đến).

Ông Chung cho hay, lúc đầu ông thiết kế máy giê lúa 2 tầng bằng cây, sau đó chuyển toàn bộ sang bằng sắt để dễ vận chuyển cũng lắp ráp. Sử dụng máy giê lúa 2 tầng này, có từ 95-99% là hạt chắc được chọn ra, còn lại hạt lép được thổi ra ngoài. Thay vì làm tay, với máy do ông sáng chế, chỉ 3 người làm sẽ giê được từ 450-500 bao lúa/ngày.
Theo ông Chung, nhiều đơn vị đặt mua máy giê lúa 2 tầng nhưng do không có thời gian nên ông không làm, chỉ để phục vụ cho HTX. Chiếc máy đã giúp ông đạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Trà Vinh lần thứ 5 (2018-2019).

Với những hoạt động trên, ông Chung giúp doanh thu HTX Nông nghiệp Phát Tài đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm, trong đó lợi nhuận khoảng 120 -130 triệu đồng/năm. Lý do lợi nhuận HTX thấp hơn doanh thu rất nhiều theo ông Chung giải thích là vì lợi nhuận “trôi” vào “túi xã viên” đúng như tinh thần hoạt động của HTX đặt ra.

Về dự định trong thời gian tới, ông Chung cho hay, tiếp tục mở rộng HTX Nông nghiệp Phát Tài về diện tích và số lượng xã viên tham gia. Hướng tới việc, sản xuất thêm lúa thương phẩm để bán trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, HTX sẽ đầu tư thêm nhiều về vấn đề cơ giới hóa, trước tiên ưu tiên mua thêm 4-5 máy sạ cụm.

“HTX đã làm thử nghiệm 1 vụ lúa rồi, dụng cụ gieo sạ thông thường tốn 300 nghìn/công (1.000m2), còn máy sạ cụm chỉ tốn 200 nghìn đồng/công. Về lượng giống cũng giảm đáng kể, máy sạ cụm chỉ tốn 6kg/công, trong khi đó, máy sạ hàng tốn 12kg, còn sạ tay là 20kg. Về công suất, máy sạ cụm làm được khoảng 3ha/ngày” - ông Chung chia sẻ. 

Nhiều năm qua, ông Trần Văn Chung được lãnh đạo UBND huyện Châu Thành, UBND tỉnh Trà Vinh cùng nhiều sở, ngành tặng bằng khen, giấy khen vì có thành tích trong sản xuất, kinh doanh giỏi.