Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Học Bác để trở thành cán bộ gương mẫu, vì dân

Lương Thủy - 07:09 03/06/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chị Phạm Thị Nhị - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được tỉnh ủy Thanh Hóa lựa chọn để biểu dương vì có thành tích trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức trong tháng 5/2023 tại Thanh Hóa và sẽ tham gia triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” năm 2023 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Từ thay đổi nhận thức của người dân…
Đến bản Bút (xã Nam Xuân) du khách đều có chung cảm nhận thật yên bình, được hòa mình vào với thiên nhiên xanh mướt, bởi không khí trong lành, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, phủ đầy hoa và đặc biệt là những ngôi nhà sàn truyền thống gỗ rêu phong mang đậm dấu ấn thời gian… Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những món ăn ngon mang đậm hương vị truyền thống của người Thái.

Chị Phạm Thị Nhị.

Trao đổi với chúng tôi, chị Phạm Thị Nhị chia sẻ, để có được bản Bút như ngày hôm nay – bản du lịch sinh thái cộng đồng cũng là cả một quá trình nỗ lực để tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhiều gian nan, vất vả.
“Đến nay, tôi có 20 năm công tác ở xã Nam Xuân, có 11 năm làm công chức mảng văn hóa xã hội, rồi Phó Chủ tịch HĐND, sau đó chuyển sang làm Phó Chủ tịch UBND từ năm 2020, được BCH Đảng ủy xã phân công tham mưu xây dựng đề án về phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Vì vậy, trước tiên là tôi phải nêu cao vai trò trách nhiệm vị trí của mình ở góc độ quản lý nhà nước; thứ hai, tôi sinh ra và lớn lên ở đây nên muốn bà con mình thay đổi để có cuộc sống tốt hơn” – chị Nhị kể. 
Để xây dựng được đề án, chị Nhị đã chủ động, tích cực tìm hiểu, tham khảo, đi học tập nhiều nơi, nhiều hình thức khác nhau ở trong và ngoài tỉnh như Pù Luông (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), bản Lác (tỉnh Hòa Bình…).
Vốn là người con của bản Bút nên chị Nhị hiểu rất rõ những khó khăn trong cuộc sống của bà con trong bản, chính vì vậy chị luôn có khát vọng, mong muốn đó là làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm kinh tế của người dân dựa trên tiềm năng lợi thế của địa phương. 
Bản Bút có 106 hộ dân với 100% hộ đồng bào người Thái, 96% hộ ở nhà sàn truyền thống; có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ thống ruộng bậc thang, hồ Pha Đay trên núi; khí hậu trong lành, mát mẻ,  đặc biệt là các giá trị văn hóa bản địa đang được bảo tồn gìn giữ rất tốt đó cũng chính là một trong những lợi thế được du khách ưa chuộng để địa phương phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. 
Dựa trên những yếu tố đó, chị Nhị đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế, gìn giữ văn hóa truyền thống ở bản Bút làm mô hình điểm. Nhưng quá trình để làm thay đổi suy nghĩ của bà con từ góc độ họ chưa muốn làm đến họ muốn làm, tự bỏ tiền ra đầu tư cũng là một quá trình gian nan, khó khăn.

Chị Phạm Thị Nhị (bên phải) hướng dẫn người dân cách tạo ra các sản phẩm thổ cẩm mới phù hợp với thị hiếu khách du lịch. Ảnh tư liệu

“Trong cách nghĩ của dân bản, trước đây bà con dệt được tấm thổ cẩm thì chỉ để trong rương, trong tủ rồi để làm của hồi môn cho con gái mang đi lấy chồng. Nuôi được con gà, con cá, trồng được ít rau thì để ăn chứ không bán. Họ chỉ nghĩ đơn giản như vậy thôi” – chị Nhị bày tỏ.
Chia sẻ về quá trình vận động bà con dân bản, chị Nhị cho biết: Trước tiên,  tôi tổ chức họp với dân để nói về thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng tại bản Bút, nhưng họp năm lần, bảy lượt họ vẫn lắc đầu. Lúc đó, tôi thực sự tôi cũng nản, không biết phải làm như thế nào để dân hiểu, dân tin. Sau nhiều ngày trăn trở, tôi quyết định tổ chức họp tiếp, mời các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, HĐND về họp cùng, triển khai vận động bà con cố gắng làm. 
Về phía chính quyền, trực tiếp đề xuất với cấp trên đầu tư về hạ tầng như đường xá đi lại, điện thắp sáng đường bản, bãi đỗ xe, sân vận động, bến đỗ thuyền trên hồ Pha Đay, khu vực xử lý rác thải, trạm thu phát viễn thông… còn lại bà con tự làm thì bà con mình hưởng nên phải tự bỏ vốn ra.
… đến trực tiếp cầm tay, chỉ việc
Mặc dù, bà con trong bản đồng ý làm nhưng vẫn còn e dè và chưa dám tin tưởng lắm ở mô hình này. Biết vậy, chị Nhị xác định không những chỉ đạo trực tiếp mà làm cùng bà con. Để giúp bà con hiểu được cách làm du lịch cộng đồng, chị Nhị đã đề xuất lãnh đạo tổ chức cho bà con đi học tập kinh nghiệm ở những mô hình khác như bản Hươu, Pù Luông... 
Rút kinh nghiệm từ những mô hình đi trước và để thu hút khách đến với bản Bút thì cần phải có điểm khác biệt. Theo chị Nhị, bản Bút có cách làm khác ở chỗ đó là: Thứ nhất, về góc độ quản lý Nhà nước, đã thành lập ban quản lý khu du lịch, thành lập các nhóm tổ như tổ ẩm thực, tổ văn nghệ, tổ vận chuyển khách, tổ vệ sinh, tổ an ninh trật tự…, kết nạp thành viên, hoạt động cụ thể đều có quy định rõ ràng. Thứ hai, xác định mình sẽ phải đi từng bước nhưng làm đến đâu chắc đến đấy chứ không làm tràn lan. Ban đầu, bản Bút thí điểm chỉ có 5 hộ chuyên cung cấp các dịch vụ chính như ăn, ngủ, nghỉ, những hộ còn lại sẽ tham gia vào các tổ khác…
Bên cạnh đó, chị Nhị trực tiếp hướng dẫn bà con việc trang trí nhà cửa, khôi phục nghề truyền thống, nghề rượu cần bằng men lá; cách làm tăm, cốc chén bằng tre; khách đến nhà, khách ra thì chào hỏi làm sao rồi việc vệ sinh xung quanh nhà sạch sẽ… để tạo tính đặc trưng riêng của địa phương và đặc biệt mình gìn giữ và bảo tồn, phát huy được những giá trị văn hóa bản địa của dân tộc Thái.

Khách du lịch thưởng thức rượu cần tại bản Bút.

“Tôi cứ vừa tuyên truyền đưa những chính sách chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với bà con, vừa cầm tay chỉ việc cùng làm với bà con nên mọi người cảm nhận được rằng, cô ấy làm lãnh đạo địa phương nhưng nhiệt tình với mình như thế mình cứ làm biết đâu lại có kết quả, vì thế mà bà con cố gắng làm. Trước đây, người dân bản Bút chưa hiểu rõ, chưa xác định được hướng phát triển kinh tế họ rất ngại, rất sợ thay đổi, không biết phải làm thế nào nhưng khi làm rồi thì họ mới thấm, mới hiểu và chủ động hơn” – chị Nhị tâm sự.

Triển khai từ năm 2019, đến tháng 9 năm 2020 mới bắt đầu đón khách, đoàn khách đón đầu tiên là 35 người đến từ các tỉnh thành trong nước từ TP. Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Nội…  Và cho đến nay, bản Bút đã trở thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng được nhiều du khách lựa chọn.
Gia đình nhà chị Phạm Thị Tuyết là một trong số những hộ đầu tiên thí điểm làm mô hình du lịch sinh thái cộng đồng. Chị Tuyết chia sẻ: Từ khi đồng ý tham gia, lúc đó chúng tôi vẫn còn rụt rè lắm, chưa biết làm du lịch là như nào, thậm chí còn nghĩ giống như chơi xổ số vậy. Tuy nhiên, chị Nhị rất là nhiệt tình, tâm huyết, tuần nào cũng xuống bản 2-3 lần, hướng dẫn từng li, từng tí, phân việc rõ ràng cụ thể nên chúng tôi cũng yên tâm. Đến nay, khách chưa được nhiều nhưng so với đi nương rẫy thì giờ tôi muốn làm du lịch hơn, thu nhập khoảng hơn 200 triệu/năm.
“Mọi việc mình làm đều phải hướng về người dân”
 Theo chị Phạm Thị Nhị: “Xác định cán bộ là công bộc của dân nên tất cả mọi công việc mình làm đều phải hướng về người dân, phục vụ cho người dân đó mới chính là điều quan trọng nhất và dựa trên chủ trương, định hướng chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để mình không làm sai quy định của Đảng, Nhà nước giống như Bác Hồ đã từng chỉ dẫn: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

Chị Phạm Thị Nhị trao đổi với bà con Bản Bút về khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh tư liệu

Chính vì vậy, khi chúng tôi bày tỏ muốn nghe về những thành tích, phần thưởng đã đạt được, chị Nhị chỉ cười và giản dị nói rằng: “Lâu nay làm việc chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ phải được đánh giá hoặc ghi nhận này kia, điều quan trọng là mình làm và lan tỏa tình yêu quê hương đất nước đến mọi người dân tại địa phương mình đang sinh sống và công tác”.
 Ông Ngô Phi Hùng – Bí thư Đảng ủy xã Nam Xuân cũng chia sẻ: Lãnh đạo xã đánh giá cao về năng lực thực tế và tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với công việc của đồng chí Phạm Thị Nhị. Đồng chí là một cán bộ gương mẫu, tâm huyết, sẵn sàng vì nhân dân, vì nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị, lợi ích của địa phương. Đặc biệt đối với đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại bản Bút, đồng chí Nhị đã có đóng góp lớn trong việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế mới tại địa phương. Năm 2023, đồng chí được Huyện ủy lựa chọn đề nghị Tỉnh ủy biểu dương có thành tích trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy lựa chọn giới thiệu cho Ban Tuyên giáo Trung ương tham gia triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” năm 2023 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đây là niềm vinh dự và tự hào của địa phương.
“Chúng tôi mong muốn đồng chí Phạm Thị Nhị sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đạt được trong thời gian vừa qua, luôn là tấm gương sáng đề nhân dân học tập, noi theo, từ đó nhân rộng thêm nhiều tấm gương tiêu biểu trong Học tập và làm theo Bác ở địa phương” – ông Ngô Phi Hùng bày tỏ. 

  • “Nông dân chính là tương lai của chúng ta”
    Ngày 22/11/2024, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á (AsiaDHRRA) tổ chức khai mạc chuỗi sự kiện nhân dịp Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập AsiaDHRRA.
  • Cách trồng chuối Laba cho năng suất cao
    Chuối Laba còn được gọi với một tên khác nữa là chuối Dạ Hương bởi mùi hương thơm đặc trưng khi chín. Chuối Laba sinh trưởng tốt ở vùng đất đỏ bazan hoặc đất phù sa, nơi có nền nhiệt tương đối mát mẻ quanh năm. Nếu chăm sóc tốt, chuối cho năng suất cao và chất lượng. Mỗi buồng chuối đạt từ 25 - 30kg, cho khoảng 10 - 12 nải.
  • Từ 1/1/2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn 7 địa phương cấp huyện
    Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1256/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2023 - 2025.  Theo đó, từ ngày 01/01/2025 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố; 77 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 42 xã, 28 phường và 7 thị trấn.
  • “Giải cứu” hàng nghìn phụ nữ, trẻ em khỏi bạo hành
    (Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm giúp phụ nữ và trẻ em vùng nông thôn tránh bị bạo hành gia đình, Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) đã thành lập Đường dây nóng 18001768, hoạt động 24h/7 ngày. Sau 3 năm đi vào hoạt động đã có hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái vùng nông thôn được các tư vấn viên của tổng đài 18001768 hỗ trợ thoát khỏi cảnh bị bạo hành của người chồng, người cha trong gia đình.
  • Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP
    Tháng 11/2024, một cột mốc quan trọng đã được ghi nhận khi 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn – tỉnh Nghệ An và huyện Kbang – tỉnh Gia Lai đã chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P (Smart Livestock Production) bởi tổ chức kiểm định và chứng nhận uy tín toàn cầu Bureau Veritas (BV).
  • Đổi mới trên quê hương Nho Quan
    ​​​​​​​Là một huyện miền núi với nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, đến nay, 100% các xã của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Miền sơn cước nay đã "thay da, đổi thịt".