Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội Nông dân Hải Dương nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Bùi Hải Hưng - 07:05 17/03/2022 GMT+7
Thời gian qua, Hội Nông dân (ND) tỉnh Hải Dương luôn chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp điểm để hỗ trợ, chuyển giao cho nông dân. Các mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo tiền đề quan trọng để hội viên nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.

Những nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Thời gian qua, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được hội viên nông dân tỉnh Hải Dương mạnh dạn ứng dụng đã đạt năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Một số mô hình nổi bật trên địa bàn, tiêu biểu như mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm của gia đình ông Cù Đức Long, xã Cao An, huyện Cẩm Giàng. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời hạn chế rủi ro và giữ thế chủ động trong quá trình sản xuất, ông Long đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để làm 8 nhà lưới, mỗi nhà lưới có 5 tầng bằng 250 m2 diện tích sàn để trồng nấm rơm hữu cơ theo công nghệ Đài Loan, một trong những công nghệ trồng nấm tiên tiến hiện nay. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất nấm của gia đình ông cung cấp cho thị trường hơn 3 tấn nấm rơm. Nhờ ứng dụng công nghệ số thông qua thiết bị di động thông minh, các trang mạng xã hội… ông Long có thể dễ dàng kết nối tiêu thụ, tìm đối tác cho đầu ra ổn định, giúp nâng cao giá trị trồng nấm.

Với mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Đức Hùng, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện sau những thất bại ban đầu, anh Hùng thận trọng hơn trong từng bước phát triển quy mô trang trại. Thay vì mở rộng, anh tập trung ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi. Khâu cho lợn ăn uống đều được tự động hóa; nhiệt độ, ánh sáng cũng được kiểm soát, điều chỉnh phù hợp. Với hệ thống công nghệ cao này, trang trại của gia đình anh không chỉ tiết kiệm được chi phí nhân công mà còn hạn chế người ra, vào giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Hiện nay, gia đình anh đã có 5 dãy chuồng nuôi với tổng đàn hơn 4.000 con lợn các loại. Hàng năm, anh xuất bán hơn 300 tấn lợn thịt và hàng nghìn con lợn giống, đạt tổng doanh thu từ 7-10 tỷ đồng, thu lãi khoảng 3 tỷ đồng. Trang trại của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. 

Gia đình anh Nguyễn Đức Hùng hiện có 5 dãy chuồng nuôi với tổng đàn hơn 4.000 con lợn, mỗi năm cho doanh thu từ 7-10 tỷ đồng. Ảnh Đỗ Quyết

Mô hình dịch vụ mạ khay, cấy máy và trồng lúa của gia đình ông Lê Đình Đoan, xã Hưng Long, huyện Ninh Giang đầu tư xây dựng 500m2 nhà xưởng, 10 máy cấy Kubota, 50.000 khay nhựa sản xuất mạ khay, cung cấp dịch vụ cấy máy với tổng diện tích gần 1.000 mẫu/năm, thuê ruộng gieo cấy lúa với diện tích 25 mẫu, cho thu hoạch 100 tấn thóc/năm. Lợi nhuận hàng năm đạt 1,5-1,7 tỷ đồng; Tạo việc làm thời vụ cho 50 hội viên nông dân, với mức lương từ 8-12 triệu đồng/người/tháng.

Ở lĩnh vực chế biến và tiêu thụ nông sản, gia đình ông Chu Văn Sơn xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Giang đã đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị chế biến các mặt hàng nông sản như dưa chuột, dứa, măng, ớt, vải thiều, cà chua... phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan.... Tổng số vốn, đất đai, tài sản đầu tư gần 20 tỷ đồng; Doanh thu hàng năm đạt từ 14 đến 18 tỷ đồng; Lợi nhuận hàng năm đạt từ 1,4 đến 1,6 tỷ đồng. Hàng năm tạo việc làm cho khoảng 50 đến 100 lao động với mức lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Với mô hình sản xuất, kinh doanh lĩnh vực thủy sản, ông Phạm Văn Hoàn, xã Nhật Tân, huyện Gia Lộc, là giám đốc HTX Thủy sản Nhật Tân, quy mô sản xuất 22ha. Ông Hoàn đã áp dụng những công nghệ sản xuất hiện đại tạo ra năng suất và chất lượng cá thương phẩm cao hơn, đồng thời ông còn phát triển sơ chế tại chỗ tạo nên các sản phẩm như bún cá rô ăn liền, bánh đa cá rô ăn liền, chả cá … mỗi năm có thu nhập đạt trên 1,2 tỷ đồng; tạo việc làm tại chỗ cho 25 lao động, hỗ trợ 36 hộ nuôi thủy sản trong vùng về kỹ thuật, cung ứng cá giống, thức ăn...

Với diện tích sản xuất trong nhà màng lớn nhất xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc, mỗi năm gia đình ông Phùng Thanh Út thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Từ năm 2017, sau khi học tập kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, ông Út đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng làm 5.000 m2 nhà màng. Ông áp dụng sản xuất theo quy trình kỹ thuật từ hệ thống tưới nước tự động đến chăm sóc cây, lấy mẫu đất đều rất tỉ mỉ, nhờ đó cây trồng trong nhà màng gần như không sâu bệnh, lại cho năng suất cao vượt trội. Hiện nay, ông đã tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích với hơn 7.500 m2. Mỗi năm gia đình ông bán gần 100 tấn dưa vân lưới và dưa chuột, thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Mô hình sản xuất trong nhà màng xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc.

Hội ND tỉnh tăng cường hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao

Để nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực hỗ trợ nông dân tham gia và hưởng lợi từ các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của UBND tỉnh Hải Dương như: Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”, Đề án “Phát triển diện tích cấy lúa bằng máy trên địa bàn tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2020-2025”...

Các cấp Hội ND tỉnh đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Phong trào đã góp phần thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nông nghiệp - nông thôn đã có bước phát triển mới về chất. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và lạc hậu đang chuyển mạnh sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất.

Đến năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá năm 2010) ước đạt 20.717 tỷ đồng. Năng suất cây trồng đạt khá do đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 28 ha nhà màng, nhà lưới, 540 ha rau màu chuyên canh ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, trên 15.500 ha rau sản xuất theo quy trình GAP, trên 5.000 ha rau được sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhiều sản phẩm như: vải, cà rốt, cải bắp... có chất lượng cao, đủ điều kiện để xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, ASEAN... Cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển đổi theo hướng tích cực, diện tích cây rau màu có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ được mở rộng; tăng cường sử dụng giống chất lượng cao và tổ chức sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”.

Hội nghị tổng kết mô hình "Chi Hội ND nghề nghiệp sản xuất nếp cái hoa vàng an toàn" phường Duy Tân, TX Kinh Môn năm 2021.

Trên lĩnh vực chăn nuôi - thủy sản, nông dân trong tỉnh tập trung tái đàn lợn và đẩy mạnh phát triển đàn gia cầm và mở rộng diện tích, đẩy mạnh thâm canh trong nuôi thủy sản. Hiện toàn tỉnh có 15 khu chăn nuôi hàng hóa xa khu dân cư với quy mô từ 3 ha trở lên. Tỷ trọng chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, trang trại đối với chăn nuôi gia cầm chiếm khoảng 67%, chăn nuôi lợn chiếm khoảng 55% góp phần nâng cao sản lượng thịt và hiệu quả trong chăn nuôi. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản khoảng 11.798 ha và trên 7.000 lồng cá trên sông, sản lượng thủy sản ước đạt 91.821 tấn…

Để thúc đẩy phong trào, Hội ND tỉnh đã trực tiếp thực hiện xây dựng 13 mô hình điểm Chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp - Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn; các cấp Hội đã tăng cường hướng dẫn các hộ tham gia mô hình áp dụng đúng quy trình sản xuất an toàn; đồng thời hỗ trợ kinh phí xét nghiệm mẫu đất, mẫu nước, mẫu sản phẩm, cấp giấy chứng nhận VietGAP, gắn tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm; làm cầu nối liên kết với các công ty, doanh  nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình. Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 25 sản phẩm đặc trưng chất lượng cao, trong đó Hội ND trực tiếp xây dựng và quản lý 15 nhãn hiệu tập thể. Đồng thời, các cấp Hội trong tỉnh đã đẩy mạnh vận động các HTX, cơ sở SXKD tham gia sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, dựa trên phát triển các sản phẩm chủ lực, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào thị trường với sự chủ động, sáng tạo trong SXKD, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao. Đến nay, toàn tỉnh đã có 128 sản phẩm OCOP, trong đó: 65 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 61 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, có 2 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận đạt 5 sao.

Bên cạnh đó, để tăng cường nguồn vốn vay cho hội viên, nông dân, các cấp HND đã tích cực phối hợp với ngân hàng CSXH thực hiện chương trình tín dụng ủy thác với tổng dư nợ trên 1,1 tỷ đồng tạo điều kiện cho 24.588 hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT tạo điều kiện cho 7.984 hộ nông dân vay trên 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn Quỹ quốc gia về việc làm do Trung ương Hội ND ủy thác với tổng số tiền là 2,015 tỷ đồng đang cho 68 hộ vay.

Để nông dân sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, trong 3 năm qua, Hội Nông dân các cấp tỉnh Hải Dương đã  tổ chức dạy nghề được 132 lớp cho 4.620 lao động nông thôn, chuyển giao tiến bộ KHKT được 3.625 buổi cho 267.536 lượt người, cung ứng gần 17.000 tấn phân bón chậm trả cho nông dân.

Ông Phạm Đức Hội - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết: “Để vận động, hỗ trợ hội viên nông dân triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, Hội ND các cấp đã đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả để tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo nông dân gắn với vận động, hướng dẫn nông dân nhân rộng mô hình. Hiện nay, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao khá phổ biến trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ số, nông nghiệp thông minh mới bước đầu hình thành. Thời gian tới, các cấp Hội ND tiếp tục chú trọng đến việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất nông sản an toàn, hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi số trong nông nghiệp;  Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thôn minh, nông nghiệp hữu cơ để cán bộ, hội viên, nông dân tham quan học tập và nhân rộng; Phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng các vùng sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn, cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh gắn với tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh".