Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội quán – sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư nông thôn

13:19 23/01/2020 GMT+7
Nói đến mô hình Hội quán, nó như loại “đặc sản” “có một không hai” của vùng đất Đồng Tháp. Bởi nó được sinh ra từ nỗi trăn trở, đau đáu của một người con đặc biệt ở xứ sở này, luôn nghĩ phải làm sao để giúp người nông dân có cuộc sống sung

Nói đến mô hình Hội quán, nó như loại “đặc sản” “có một không hai” của vùng đất Đồng Tháp. Bởi nó được sinh ra từ nỗi trăn trở, đau đáu của một người con đặc biệt ở xứ sở này, luôn nghĩ phải làm sao để giúp người nông dân có cuộc sống sung túc, tầm nhìn rộng mở hơn. Người đó là ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chính là “cha đẻ” của mô hình này.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nhận món quà quê đầy ý nghĩa từ Chủ nhiệm Thuận Tân Hội quán, xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh. Ảnh TL

90 hội quán được thành lập trong 3 năm

Ra đời và hoạt động hơn 3 năm, mô hình Hội quán nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương và nhiều địa phương đã đến tìm hiểu thực tế mô hình và đều đánh giá rất cao.

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đang thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học về mô hình Hội quán của tỉnh Đồng Tháp; Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt thực hiện Đề tài Làng thông minh từ mô hình này.

Hội quán là không gian mở, là thiết chế tự nguyện, đa chức năng, đa thành phần. Đây còn là một thiết chế xã hội tự nguyện, tự quản, nơi những người dân có cùng ý nguyện, cùng ngành nghề sản xuất ngồi lại với nhau. Hội quán còn là thiết chế đa chức năng về văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị; thiết chế đa thành phần gồm có: Nông dân, doanh nghiệp, cấp uỷ, chính quyền, nhà khoa học, văn nghệ sĩ…

Xuất phát từ Canh tân Hội quán, tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành ra đời vào tháng 7/2016 với 105 thành viên tham gia, đến nay mô hình này đã lan tỏa mạnh mẽ ra toàn tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có gần 90 Hội quán, trên 4.800 thành viên tham gia. Trên nền tảng Hội quán đã có 17 hợp tác xã đa dịch vụ được thành lập.

Các Hội quán này ra đời dựa trên sự tự nguyện của người dân, cơ chế hoạt động không biên chế, không ngân sách nhưng nội dung hoạt động thì rất phong phú. Tại đây, các thành viên trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin từ chuyện nhà, chuyện xóm làng, an ninh trật tự, kinh nghiệm làm ăn, xây dựng nông thôn mới, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau…

Mặc dù ra đời trong thời gian ngắn nhưng mô hình này mang lại kết quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật, các Hội quán đã hướng tới phát triển các loại hình hợp tác, liên kết, bước đầu đã ký kết với hệ thống siêu thị: Coopmart, Vinmart; Công ty Long Uyên, Công ty Việt Đức… trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ra đời, người dân từng bước chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Được chính quyền các cấp quan tâm

Để giúp các Hội quán hoạt động hiệu quả, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp còn vận động các đơn vị hỗ trợ điện thoại thông minh; tặng máy đo độ PH, máy kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đường truyền cáp quang; tổ chức tập huấn chuyển giao công nghệ, tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp…

Ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (bìa trái) vui mừng khi ngày càng có nhiều nông dân hiểu được lợi ích của Hội quán và tham gia vào mô hình này. Ảnh TL

Bên cạnh đó, tỉnh đã kết nối trực tuyến các cuộc họp, hội nghị quan trọng đến bà con Hội quán để nâng cao kiến thức cho người dân; tổ chức các chuyến khảo sát thực tế, học tập tại TP. Hồ Chí Minh cho Chủ nhiệm các Hội quán… Qua đó, giúp người nông dân có thêm nhiều kiến thức mới, từng bước có đủ khả năng tiếp cận, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay: “Từ những tác động đó, người dân sẽ có điều kiện vươn lên mạnh mẽ hơn, thu nhập của người dân nông thôn Đồng Tháp đã ngày càng cao hơn, tư duy và nhận thức cũng thay đổi rõ rệt. UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục có những hoạt động, chương trình nhằm làm cho Hội quán ngày càng phát triển hơn nữa, tạo động lực để phát triển khu vực nông thôn của tỉnh”.

Để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thành viên Hội quán cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tổ chức đặc biệt này, ông Nguyễn Văn Dương chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh tạo lập kênh tiếp nhận thông tin phản ánh từ Hội quán; ông cũng thường xuyên dành thời gian đến thăm hỏi từng Hội quán.

Ông cho hay, qua các buổi trò chuyện, chia sẻ thông tin lẫn nhau, điều mà ông cảm thấy phấn khởi nhất đó chính là sự thay đổi rất tích cực trong cách nghĩ, cách làm của nông dân. Người nông dân đã rất tự tin khi trao đổi với chính quyền các cấp, sự am hiểu của họ đã tiến bộ rất nhiều so với trước đây.

Có thể thấy, hiệu quả mô hình Hội quán mang lại không chỉ về mặt kinh tế mà giá trị cao hơn đó chính là nhận thức của nông dân nâng lên, niềm vui được lan tỏa.

Trong chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đồng Tháp, sau khi trò chuyện với bà con ở Hội quán, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ rằng: “Đồng Tháp có thể còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn những gương mặt của người dân thấy ngời lên niềm hạnh phúc, tinh thần lạc quan, tràn đầy niềm tin”.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan chia sẻ: Chắc chắn rằng, tất cả người dân trên địa bàn tỉnh không thể được vậy cả, vẫn còn đâu đó những điều trắc ẩn, những mảnh đời khó khăn. Nhưng tỉnh đã kích hoạt được sự năng động trong các giai tầng, đã nối kết được người với người, đã khơi dậy niềm tin từ trong hệ thống lan toả ra ngoài xã hội.

“Hội quán ra đời không chỉ để giải quyết những việc ở hiện tại mà Đồng Tháp đang xây dựng một xã hội tương lai. Tỉnh sẽ tiếp tục làm lan tỏa giá trị chiều sâu của mô hình Hội quán trong hệ thống chính trị và người dân; nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội quán. Từ mô hình Hội quán sẽ phát triển chương trình OCOP – mỗi làng một sản phẩm, chắp cánh cho tài nguyên bản địa và giá trị cộng đồng, để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho nông sản Đồng Tháp”- ông Lê Minh Hoan khẳng định.

Được biết, cùng với việc phát triển các Hội quán, tỉnh Đồng Tháp đang thí điểm hình thành “Làng thông minh” trên nền tảng Hội quán, giúp cho người nông dân có tầm nhìn đến tương lai và vượt ra khỏi không gian làng xã để kết nối ra bên ngoài dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Hy vọng rằng trong tương lai không xa, mô hình Hội quán như ở Đồng Tháp sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư nông thôn trong cả nước.

Các Hội quán ra đời dựa trên sự tự nguyện của người dân, cơ chế hoạt động không biên chế, không ngân sách nhưng nội dung hoạt động thì rất phong phú. Tại đây, các thành viên trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin từ chuyện nhà, chuyện xóm làng, an ninh trật tự, kinh nghiệm làm ăn, xây dựng nông thôn mới, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau…

Nguyệt Ánh