Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hướng dẫn hội viên nông dân kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp tăng thu nhập

Quang Huấn - 08:26 25/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Hiện nay, tạt thôn Dọc Mùng, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có 48/68 hội viên nông dân chăn nuôi chim bồ câu Pháp. Tùy điều kiện của mỗi hội viên có thể chăn nuôi từ 1,5 đến khoảng 5 nghìn cặp chim bố mẹ. Được sự hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi của Hội Nông dân các cấp, chăn nuôi chim bồ câu Pháp bước đầu đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân. 

Tự tìm hiểu, áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp vươn lên làm giàu

Bằng sự năng động, sáng tạo, khát khao làm giàu, anh Vi Văn Lương, thôn Dọc Mùng đã nỗ lực hết mình để thu được những thành công từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp. Nhờ chịu khó và với tinh thần dám nghĩ dám làm, anh đã xây dựng được một trang trại nuôi chim quy mô lớn.

Sau khi được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp từ các trang trại chăn nuôi trong và ngoài tỉnh, năm 2015, anh Lương bàn với gia đình quyết định đầu tư kinh phí mua con giống, xây dựng chuồng trại để nuôi chim bồ câu Pháp.

Anh Vi Văn Lương, thôn Dọc Mùng, xã Giáp Sơn chăm sóc đàn chim bồ câu Pháp.

Ban đầu, anh nuôi thử hơn 200 đôi chim giống. Do thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc, cũng như cách thức sắp xếp xây dựng chuồng trại chưa khoa học dẫn tới tình trạng chim ốm yếu và chết nhiều. Không bỏ cuộc, anh miệt mài nghiên cứu từ sách báo, truyền hình và thực tế để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm những người đi trước. Bên cạnh đó, anh thường xuyên tham khảo những mô hình nuôi chim bồ câu Pháp ở các tỉnh bạn.

Có vốn kiến thức, anh Lương tiếp tục đầu tư xây dựng trang trại nuôi chim bồ câu Pháp theo hướng khoa học và áp dụng kỹ thuật cao trên diện tích trồng vải thiều trước đây, đổ bê tông cho toàn bộ bề mặt sàn chuồng nuôi thành từng dãy sạch sẽ.

Anh xây các khu chuồng nuôi riêng được lắp đặt nhiều dãy lồng, có hệ thống cấp nước uống tự động cho chim, có quạt thông gió bảo đảm chuồng trại luôn thông thoáng. Hệ thống tưới mái tự động làm mát vào mùa hè, công tác vệ sinh chuồng trại được tiến hành định kỳ; việc chăm sóc chim được thực hiện 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều để bảo đảm dinh dưỡng cho vật nuôi.

Hiện tại, với gần 5 nghìn cặp chim sinh sản, mỗi tháng trung bình anh Lương xuất bán cho thương lái trong và ngoài tỉnh khoảng 3,5 đến 4 nghìn chim thương phẩm. Mỗi năm trừ chi phí, anh Lương thu lãi cả tỷ đồng. 

Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi của gia đình anh Lương, nhiều hộ trong thôn cũng mạnh dạn làm theo. Để khuyến khích các hộ và gia đình hội viên nông dân phát triển chăn nuôi, Chi hội nông dân thôn Dọc Mùng đã phối hợp với cấp trên tạo điều kiện cho người dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Vì thế, số hộ nuôi chim bồ câu Pháp ngày một nhiều. Đến nay đã có gần 20 hộ trong thôn đầu tư mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp; hộ nuôi ít nhất khoảng gần 200 đôi, nuôi nhiều lên đến hơn 3 nghìn đôi giống bố mẹ. 

Ra mắt Chi hội chăn nuôi chim bồ câu Pháp để nhân rộng mô hình

Ngày 13/8/2024 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh tổ chức ra mắt và tập huấn nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho Chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi bồ câu Pháp thôn Dọc Mùng, xã Giáp Sơn. Chi hội gồm 48 thành viên, mỗi thành viên nuôi từ 1.000 đến 4.900 cặp chim bố mẹ. Đây là thôn có số hộ nuôi chim bồ câu lớn nhất của huyện Lục Ngạn. Tới dự có đại diện lãnh đạo Ban Xây dựng Hội (Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang); ông Nguyễn Đức Quân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn cùng lãnh đạo xã, Hội Nông dân xã Giáp Sơn.

Lãnh đạo Hội Nông dân xã Giáp Sơn phát biểu tại lễ ra mắt và tập huấn nghiệp vụ cho Chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi bồ câu Pháp thôn Dọc Mùng.

Theo quyết định của Hội Nông dân xã Giáp Sơn, Chi hội chăn nuôi chim bồ câu Pháp thôn Dọc Mùng có 20 thành viên; Ban Chấp hành Chi hội có 3 người, trong đó ông Vi Văn Bốn được chỉ định làm Chi hội trưởng.

Tại buổi lễ đã thông qua quy chế, điều lệ hoạt động của Chi hội. Theo đó, Chi hội là tổ chức tự nguyện được tập hợp lại để cùng chung lợi ích, cùng chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng lợi trong sản xuất, kinh doanh chăn nuôi chim bồ câu Pháp theo hướng cung cấp thương phẩm an toàn. Hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau về kinh tế, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường. 

Tiếp đó, Hội Nông dân xã Giáp Sơn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi chim bồ câu Pháp cho hội viên nông dân thôn Dọc Mùng. Các hội viên được trao đổi kiến thức cơ bản về cách chọn chim giống; cách làm chuồng phù hợp với điều kiện thời tiết; cách chăm sóc, cho ăn và đặc biệt là cách phòng trị bệnh cho chim bồ câu Pháp. Cùng với đó, các hộ nông dân cũng đã trao đổi những vấn đề liên quan đến liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm để nghể nuôi chim bồ câu Pháp phát triển bền vững.

Lãnh đạo Hội Nông dân xã Giáp Sơn trao quyết định và lãnh đạo Hội Nông dân huyện Lục Ngạn tặng hoa chúc mừng Chi hội chăn nuôi chim bồ câu Pháp thôn Dọc Mùng.

Hướng dẫn các hộ hội viên nông dân kỹ thuật chăm sóc chim bồ câu Pháp, cán bộ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn chia sẻ: Chim bồ câu Pháp rất dễ nuôi nhưng chuồng trại phải bảo đảm đủ ánh sáng, thoáng mát và đặc biệt là vệ sinh sạch sẽ chuồng trại. Định kỳ hàng tháng đều phun khử khuẩn và theo dõi sức khỏe thường xuyên nhằm loại bỏ những con bị bệnh hoặc ốm yếu...

Một trong những khâu không kém phần quan trọng để nuôi bồ câu là chọn giống chim bố mẹ khỏe mạnh, lông mượt, nhanh nhẹn và không có dị tật. Quá trình nuôi và chăm sóc chim câu tương đối đơn giản, từ lúc chim nở đến lúc sinh sản khoảng 7- 8 tháng.

Trứng chim câu ấp khoảng 18 ngày thì nở và chỉ sau khoảng 10 ngày nuôi con, chim mẹ tiếp tục đẻ lứa tiếp theo. Để rút ngắn quá trình ấp trứng của chim bố mẹ và tăng sản lượng đẻ trứng, các hộ chăn nuôi có thể liên kết cùng nhau đầu tư mua máy ấp, rút thời gian ấp trứng của chim xuống còn 14 ngày. Thông thường, mỗi năm, một cặp chim bố mẹ sẽ sinh từ 10- 14 cặp chim con.

Các đại biểu thăm quan mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp tại gia đình anh Vi Văn Lương, thôn Dọc Mùng.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Giáp Sơn, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp là hướng phát triển kinh tế hiệu quả cần được nhân rộng để nhân dân tận dụng lợi thế về đất đai và sức lao động, làm giàu trên quê hương. Thực tế, hiện nay không chỉ thôn Dọc Mùng mà nhiều hộ khác trên địa bàn xã Giáp Sơn đã nuôi chim bồ câu Pháp thương phẩm, mỗi mô hình duy trì khoảng 500 đến 5 nghìn cặp. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ hỗ trợ tư vấn kỹ thuật chăn nuôi cũng như định hướng thị trường cho người dân khi có nhu cầu để phát triển mô hình chăn nuôi này một cách bền vững.

Hỗ trợ nông dân kỹ thuật bảo tồn, phát triển giống cá đặc sản bản địa của núi rừng Tây Nguyên
Từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum phối hợp với UBND, Hội Nông dân xã Đăk Ring (huyện Kon Plông) triển khai mô hình khuyến nông hỗ trợ hội viên nông dân trên địa bàn xã nuôi cá niên thương phẩm để cung cấp cho thị trường, với sự tham gia của 6 hộ dân ở thôn Văk Y Nhông.