Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hỗ trợ nông dân kỹ thuật bảo tồn, phát triển giống cá đặc sản bản địa của núi rừng Tây Nguyên

Đức Thành - 15:44 23/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum phối hợp với UBND, Hội Nông dân xã Đăk Ring (huyện Kon Plông) triển khai mô hình khuyến nông hỗ trợ hội viên nông dân trên địa bàn xã nuôi cá niên thương phẩm để cung cấp cho thị trường, với sự tham gia của 6 hộ dân ở thôn Văk Y Nhông.

Bảo tồn loài cá đặc sản trước nguy cơ tuyệt chủng

Những năm qua, việc nuôi cá niên và nhân giống loài cá này đã được một số trường đại học, đơn vị nghiên cứu phối hợp với chính quyền, Hội Nông dân và các hộ hội viên thực hiện thành công trên địa bàn xã Đăk Ring, mở ra hướng sản xuất, chăn nuôi có nhiều tiềm năng, triển vọng để người dân nơi đây áp dụng triển khai trong thực tế nhằm nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Dương Nhựt Long, Dương Thúy Yên, Nguyễn Hoàng Thanh chuyên ngành Thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ thực hiện tại xã Đăk Ring, cá niên (Onvchostoma gerlachi Peters) - còn được gọi là cá sỉnh cao hay cá mát, loài cá nước ngọt trong chi cá sỉnh thuộc họ cá chép  - là một trong những loài cá bản địa quen thuộc, có giá trị kinh tế ở tỉnh Kon Tum. Cá có hình thái khá giống cá chép nhưng thon hơn, khi cá trưởng thành có chiều dài từ 15 - 25 cm. Thân cá dẹt, có màu ánh bạc, phần vây pha chút màu vàng nhạt, óng ánh. Phần miệng cá có vi đỏ kèm theo khá nhiều hạt trắng tròn.

Cá niên tập trung ở vùng nước sâu dọc theo sông, suối, thác… có chất lượng nước tốt, sạch, độ trong cao. Loài cá này ăn rong, rêu bám trên các gờ đá. Thịt cá niên trắng, thơm, không tanh và chứa nhiều chất dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe, được người dân ưa chuộng và đánh bắt khá nhiều.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở lưu vực sông Đakrông thuộc tỉnh Kon Tum, cá niên là 1 trong 5 loài cá bản địa quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam ở mức sắp nguy cấp (VU) cần được bảo vệ theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ban hành ngày 08/3/2019 có hiệu lực từ ngày 25/4/2019.

Đoàn công tác do ông Nguyễn Quang Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kon Tum (thứ 6 từ phải sang) thăm mô hình nuôi cá niên thương phẩm tại thôn Văk Y Nhông. 

Cá niên là loài có giá trị kinh tế cao, là đặc sản rất quý ở tỉnh Kon Tum, người dân khai thác tự nhiên là chính nên đứng trước nguy cơ tận diệt, vì vậy hàng năm nhân dân được chính quyền và Hội Nông dân vận động, hướng dẫn kỹ thuật, tận dụng diện tích ao hồ sẵn có để nuôi loại cá này. Triển khai mô hình từ tháng 3/2022 đến nay, toàn xã Đăk Ring có 12 hộ hội viên nông dân đăng ký tham gia nuôi cá niên. Qua quá trình kiểm tra thực tế, chỉ có 6 hộ dân ở thôn Văk Y Nhông có ao nuôi đạt tiêu chuẩn để triển khai mô hình, các hộ dân này có diện tích mặt ao lớn, có nguồn nước sạch và mát tự chảy vào ao liên tục, ao thoát nước tốt và đã có kinh nghiệm nuôi các loại cá khác nhau như cá rô phi, cá trê, cá phá…

Hội viên nông dân A Tông - người tiên phong nuôi cá niên ở xã Đăk Ring kiểm tra ao nuôi.

Hội viên nông dân A Tông là người tiên phong nuôi cá niên ở xã Đăk Ring. Anh A Tông tâm sự: “Nhiều năm trước, tôi đã xoay vòng với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nhau, tuy nhiên mô hình tôi đặt nhiều công sức và tâm huyết nhất chính là nuôi cá niên. Là người đã gắn bó hàng chục năm trên vùng đất này, tôi nhận thấy giống cá niên – đặc sản của địa phương đang suy giảm và dần biến mất ở một số nơi. Chính vì vậy, tôi nảy ra ý tưởng nuôi cá niên để bảo tồn giống, đồng thời phát triển kinh tế cho gia đình”.

Từ suy nghĩ đến hành động, anh A Tông tự mình đào ao rộng chừng 20m2 để nuôi cá niên thử nghiệm. Ban đầu vì chưa đủ kiến thức và kỹ thuật nên lứa cá đầu thất bại. Không nản chí, anh mày mò tìm đến những mô hình nuôi cá niên ở các nơi để tham khảo. Dần dà, anh hiểu được rằng, để cá niên sinh trưởng và phát triển ổn định, cần phải đáp ứng đủ 3 yếu tố: Nhiệt độ nước ao nuôi đảm bảo ổn định, môi trường sạch và lượng oxy trong nước phù hợp.

“Nắm được các yếu tố cơ bản và nhận được sự trợ giúp kỹ thuật của Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ chọn gia đình tôi làm hộ triển khai dự án xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá niên tại xã Đăk Ring. Nhờ được các giảng viên ở Trường Đại học Cần Thơ “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn tỉ mỉ cách thức nuôi, phối giống, xây dựng môi trường…, nên hiện tại, tôi đã có 8 ao cá với tổng diện tích mặt nước 6.500m2. Đàn cá đã lên đến hơn 10 nghìn con, trong đó khoảng hơn 6 tạ cá có thể xuất bán, ước tính thu về khoảng 180 triệu đồng.

Hướng dẫn người nuôi kỹ thuật ấp trứng cá niên nhân tạo đạt tỷ lệ nở cao

Qua khảo sát của UBND xã Đăk Ring, hiện nay trên địa bàn có các địa điểm có điều kiện thích hợp để nuôi cá niên với tổng diện tích mặt ao khoảng 33.600m2 và tổng sản lượng thu hoạch khoảng 3,4 tấn cá/năm tại các thôn Văk Y Nhông, Đăk Chờ, Đăk Da và Ngọc Ring. Hiện nay loại cá này được bán với giá khá cao (dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/kg tuỳ kích cỡ).

Tham gia mô hình nuôi cá niên thương phẩm, các hộ hội viên nông dân ở thôn Văk Y Nhông được tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá, hỗ trợ cải tạo ao nuôi, cấp 6.000 con cá giống và thức ăn cùng thuốc phòng bệnh cho cá. Tháng 7/2024 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum đã phối hợp với UBND xã Đăk Ring tổ chức cấp cá giống và 225kg thức ăn nuôi cá (30% đạm) cho các hộ dân và nhân rộng các mô hình.

Ao nuôi cá niên của hội viên A Kha ở thôn Văk Y Nhông.

Ông A Kha ở thôn Văk Y Nhông - 1 trong 6 hộ hội viên nông dân tham gia mô hình chia sẻ: “Gia đình tôi có ao nuôi tổng diện tích gần 100m2 trong khu sản xuất của thôn, các ao nuôi có độ sâu hơn 2m, có nguồn nước tự chảy từ trên núi xuống và thoát nước bằng ống nhựa nên nước trong ao được lọc sạch liên tục. Cán bộ Khuyến nông hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho gia đình tôi cải tạo ao nuôi, khử trùng đáy ao, xếp đá quanh bờ ao để gia cố, tạo môi trường sống và phát triển nguồn thức ăn rêu tự nhiên cho cá. Từ khi triển khai mô hình đến nay, hàng tuần, cán bộ kỹ thuật đều đến ao nuôi của gia đình, trực tiếp kiểm tra và hỗ trợ tôi chăm sóc cá”.

Sau 4 tháng thả nuôi, cá bố mẹ đạt kích cỡ 80-120 con/kg. Cá có sức sinh sản khá cao, dao động từ 72.126-81.724 trứng/kg cá cái. Trứng cá niên được ấp nhân tạo với tỷ lệ trứng thụ tinh trên 86%, tỷ lệ nở trên 60%. 

Ao nuôi có nguồn nước sạch và mát, tự chảy và thoát ra liên tục là một trong những yêu cầu quan trọng trong nuôi cá niên. Để gìn giữ nguồn nước tự chảy sạch cho ao nuôi, UBND xã Đăk Ring thường xuyên vận động các hộ dân tham gia mô hình và các hộ dân khác tại địa phương không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tích cực tham gia giữ rừng, giữ đất, trồng cây phân tán ở khu vực đồi núi, đầu nguồn suối trên cao.

Trong quá trình triển khai mô hình nuôi cá niên thương phẩm, cán bộ khuyến nông phụ trách Nông  - lâm của UBND xã Đăk Ring đều phối hợp chặt chẽ với cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum thường xuyên kiểm tra và hỗ trợ các hộ dân chăm sóc và phòng bệnh cho cá. Hiện tại, ao nuôi cá niên của các hộ dân chưa có dịch bệnh phát sinh, cá nuôi sinh trưởng tốt.

Hội hỗ trợ hội viên nuôi cua biển thương phẩm bằng con giống nhân tạo
Cua biển là một trong những loại thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao, được sự hỗ trợ của chính quyền, ngành Khuyến nông và Hội Nông dân các cấp, nhiều hộ dân huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình này vừa đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, vừa phù hợp với chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị của thành phố. Trong đó, hình thức nuôi chủ yếu là nuôi 2 giai đoạn bằng con giống sinh sản nhân tạo.