Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội Nông dân Thừa Thiên Huế:

Hỗ trợ giống, kỹ thuật nuôi ốc bươu đen giúp hội viên phát triển kinh tế

An Sơn - 15:07 30/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Giữa tháng 7 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ 120.000 con giống ốc bươu đen cho 10 hộ hội viên ở xã Phong Hiền, huyện Phong Điền. Các hộ hội viên rất phấn khởi khi nhận được sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ Hội Nông dân tỉnh về nguồn giống để phát triển các mô hình kinh tế tập thể.

Hội hỗ trợ hội viên nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể

Phong Điền là một trong những địa phương có thế mạnh trong nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản. Trong đó, lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế, xã hội ngày càng phát triển. Hiện nay, bên cạnh một số con nuôi chủ lực như tôm, cua, cá nước ngọt... tại địa phương cũng đã xuất hiện mô hình nuôi ốc bươu đen trong ao hồ.

Tại buổi trao ốc bươu đen giống cho hội viên nông dân, ông Nguyễn Chí Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Hội Nông dân huyện Phong Điền, các cơ sở Hội trong huyện tiếp tục vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tăng cường xây dựng và nhân rộng các mô hình tiên tiến, điển hình; phối hợp với các ban, ngành để hỗ trợ thông tin; các hộ nuôi cần chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi ốc bươu đen, đặc biệt cần đảm bảo môi trường, tích cực phối hợp với các hộ, các doanh nghiệp để liên kết nhằm có đầu ra ổn định.

Ông Nguyễn Chí Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế (áo trắng) trao hỗ trợ ốc giống cho hội viên nông dân ở xã Phong Hiền, huyện Phong Điền.

Ốc bươu đen tồn tại phổ biến trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên do yếu tố môi trường, cùng với nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày một lớn, kéo theo giá trị kinh tế tăng cao nên loại ốc này đang trở lên khan hiếm. Với đặc tính dễ nuôi, ít dịch bệnh, nguồn thức ăn dồi dào, đơn giản, dễ kiếm, phù hợp với mọi điều kiện nuôi trồng tự nhiên. Và điều quan trọng hơn cả là cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều bà con nông dân đã triển khai nuôi và mở ra hướng phát triển kinh tế mới. 

Ốc bươu đen có sức đề kháng tốt, cách chăm sóc không quá phức tạp, chỉ cần nguồn nước tự nhiên sạch là có thể nuôi tốt. Thức ăn hoàn toàn là thực vật thân mềm, lá cây, các loại rau, củ, quả thả nổi trên mặt nước nên dễ tìm, chi phí đầu tư thấp. Đặc biệt, đầu ra của mặt hàng này thường ổn định, đem lại lợi nhuận cao.

Ông Trương Diên Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền cho biết: “Mặc dù còn khá mới mẻ so với những giống nuôi khác, song qua thực tế mô hình nuôi ốc bươu đen ở huyện Phong Điền bước đầu cho thấy tín hiệu tích cực về hiệu quả kinh tế, giá trị đầu tư thấp, phù hợp với môi trường nuôi tại địa phương. Đây là hướng đi thích hợp để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân”.

Các hộ hội viên phấn khởi khi nhận được sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ Hội Nông dân tỉnh về nguồn giống để phát triển các mô hình kinh tế.

Tại xã Phong Hòa, UBND xã đã thực hiện mô hình “Nuôi ốc bươu đen trong ao hồ” cho các Hợp tác xã Mỹ Xuyên, Trạch Phổ, Ưu Điềm, Tổ Hợp tác Đức Phú với diện tích 0,5ha và đã có 15 hộ đăng ký tham gia. Dự án được xây dựng với tổng kinh phí 317 triệu đồng, trong đó ngân sách xã hỗ trợ 159,5 triệu đồng từ nguồn vốn nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp và người dân đóng góp 157,5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa cho biết: “Để thực hiện thành công kế hoạch, UBND xã đã khảo sát, chọn vùng, chọn hộ triển khai thực hiện; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ đăng ký tham gia; hợp đồng mua và cung cấp giống, thức ăn, hóa chất; kiểm tra, hướng dẫn sản xuất... Về giải pháp về kỹ thuật, UBND xã phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện xây dựng nội dung, chương trình tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho các hộ tham gia. Hướng dẫn, chỉ đạo nuôi, các biện pháp phòng, xử lý dịch bệnh trên ốc bươu đen và giám sát trong quá trình triển khai”.

UBND xã Phong Hòa sẽ phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật và nhân rộng mô hình nuôi ốc bươu đen theo hướng hàng hóa, hiệu quả, an toàn.

“Trên địa bàn xã Phong Hòa có nhiều ao hồ, bàu đập và có thể cải tạo những chân ruộng sản xuất kém hiệu quả để nuôi ốc bươu đen. UBND xã sẽ phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật và nhân rộng mô hình nuôi ốc bươu đen theo hướng hàng hóa, hiệu quả, an toàn, đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật để mô hình ngày càng phát triển. Từ đó, góp phần xây dựng các sản phẩm chủ lực, giá trị hàng hóa bền vững theo tiêu chuẩn OCOP trên địa bàn. Thời gian tới các cấp, các ngành cần tuyên truyền, vận động các gia đình hướng dẫn, hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật chăm sóc để từng bước mở rộng diện tích nuôi trồng, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, ông Nguyễn Hữu Đức thông tin thêm.

Hướng dẫn kỹ thuật và nhân rộng mô hình nuôi ốc bươu đen theo hướng hàng hóa

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ốc bươu đen trên thị trường rất lớn, nhưng nguồn cung hạn chế. Hội Nông dân huyện Phong Điền và các ngành chức năng cũng đã hướng dẫn hội viên nông dân phát triển mô hình theo hướng hàng hóa, hiệu quả, an toàn, từng bước nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích.

Cùng với đó, huyện cũng đã có chính sách hỗ trợ nhằm giúp bà con yên tâm phát triển mô hình. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và Trung tâm Khuyến nông các địa phương cũng hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi ốc bươu đen từ khâu quy hoạch ao, khâu chọn giống, chăm sóc, thức ăn, phòng trừ bệnh... Cụ thể:

Vị trí ao nuôi ốc bươu đen nên có địa thế cao, quang đãng, tránh bão, lụt. Xây dựng ao nuôi ở những nơi có nguồn nước sạch và có khả năng cấp, thoát nước; không bị ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và các hoạt động kinh tế khác.

Ao nuôi không nên quá lớn, diện tích ao phù hợp từ 500 - 1.000 m2. Thiết kế ao nuôi hình chữ nhật, bờ ao cao hơn mức nước ít nhất là 0,5 m; đáy ao bằng phẳng, dốc về phía cống thoát nước.

Rải vôi đều khắp đáy ao, bờ ao và tiến hành phơi nắng đáy ao 5 – 7 ngày, sau đó cấp nước vào ao đủ mức quy định. Ở những ao chất đáy nhiễm phèn chỉ nên phơi đáy ao vừa ráo. Lấy nước vào ao nuôi qua lưới lọc để chắn các sinh vật khác vào hại ốc. Độ sâu mức nước trong ao từ 0,5 - 0,8m.

Thả bèo xung quanh ao để làm vật bám cho ốc, diện tích thả bèo chiếm 20-30% diện tích ao nuôi; làm khung ngăn bèo không để bèo phán tán ra ao. Thả bèo tấm, các loại rong đuôi chồn,... tạo thức ăn tự nhiện trong ao.

Chuẩn bị ao xong và kiểm tra chất lượng nước ổn định thì tiến hành thả ốc giống. Các chỉ tiêu môi trường nước như sau: Độ pH: 7,0 – 8,5; Oxy hòa tan > 4 mg/lít; Độ kiềm: 70 – 120 mg/lít; Nhiệt độ nước: 22 – 300C.

Thả ốc vào lúc thời tiết mát (chiều tối hoặc sáng sớm), không nên thả ốc giống lúc trời nắng hoặc mưa.

Thả giống: Thả ốc vào lúc thời tiết mát (chiều tối hoặc sáng sớm). Không nên thả ốc giống lúc trời nắng hoặc mưa. Khi thả ốc cần lưu ý thả ốc lên các vật nổi trên mặt nước ao (tấm xốp, lá chuối, vật liệu nổi khác,…) để ốc thích nghi dần với môi trường ao nuôi và sẽ tự bò ra ao. Không được thả trực tiếp ốc xuống ao, ốc sẽ bị chìm xuống đáy ao và bị chết. Mật độ giống thả nuôi trong ao là 80 – 100 con/m2

Thức ăn và cách cho ăn: Ốc bươu là loại ăn tạp thiên về thực vật như: thực vật thủy sinh, bèo tấm, rau muống, các loại củ quả (mướp, bí xanh, đu đủ,..), bột ngũ cốc (bột cám, bột đậu nành, bột ngô....). Lượng thức ăn được tính dựa trên khối lượng ốc trong ao và khả năng ăn của ốc. Cho ốc ăn 02 lần/ngày vào lúc sáng sớm (6 – 7 giờ sáng) và chiều tối (5 – 6 giờ tối). 

Chăm sóc và quản lý: Đảm bảo môi trường nước ổn định, sạch và duy trì các yếu tố môi trường thuận lợi cho ốc phát triển (pH: 7,0 – 8,5; hàm lượng Oxy hòa tàn tan > 4 mg/l, độ kiềm khoảng 70 – 120mg/l, nhiệt độ nước: 22 – 300C). 

Trong thời gian 2 tháng nuôi đầu không cần thay nước, trừ khi ốc bị bệnh. Sang tháng nuôi thứ 3, định kỳ 2 tuần thay nước 1 lần, mỗi lần thay 30 – 35% lượng nước trong ao.  

Khi thả ốc cần lưu ý thả ốc lên các vật nổi trên mặt nước ao (tấm xốp, lá chuối, vật liệu nổi khác,…) để ốc thích nghi dần với môi trường ao nuôi.

Sử dụng các vi sinh để làm sạch môi trường ao nuôi, định kỳ 2 tuần/1 lần. Bổ sung khoáng và vitamin C để tăng cường sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh cho ốc. Thường xuyên theo dõi, quan sát hoạt động ốc trong suốt quá trình nuôi; kiểm tra hệ thống ao bờ nuôi và kiểm soát các địch hại của ốc.

Thu hoạch ốc thương phẩm: Ốc sau khi nuôi từ 3 – 4 tháng đạt trọng lượng 30 con/kg thì có thể tiến hành thu hoạch. Tỷ lệ sống đạt 75 – 80%. Buổi sáng và buổi tối ốc thường nổi lên bám vào lá, rễ bèo để ăn nên việc thu hoạch rất dễ. Có thể thu tỉa bằng cách dùng thuyền đi quanh bờ ao để bắt những con to. 

Nếu muốn thu hoạch toàn bộ ốc còn lại trong ao thì sau khi dùng thuyền thu tỉa, có thể tháo cạn nước ao, bắt ốc bằng tay hoặc dùng cào sắt để gom ốc. Chú ý ốc thường chui sâu dưới đáy ao khi rút cạn nước, vì vậy cần bắt kỹ để tránh bỏ sót ốc trong ao. 

Hội Nông dân Nam Định hỗ trợ xây dựng các Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn
Vừa qua tại UBND xã Hải Giang, Hội Nông dân tỉnh Nam Định phối hợp với Hội Nông dân huyện Hải Hậu tổ chức thẩm định dự án “Nuôi lươn không bùn" từ nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương của Tổ hợp tác thuộc Hội Nông dân xã Hải Giang với 13 thành viên là hội viên nông dân chăn nuôi giỏi, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo vệ sinh môi trường.