Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng 6,42%

Hương Giang - 08:05 30/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kinh tế sáu tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng 6,42%.

CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng mạnh

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng 6,42%. Đây là mức tăng trưởng tích cực, thể hiện sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị đã quyết liệt thực hiện nhiệm, vụ giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động của kinh tế thế giới.       

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng 6 tăng 1,40% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%. CPI bình quân quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

Về sản xuất nông nghiệp: Lúa Đông Xuân năm nay được mùa, được giá. Diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân cả nước năm 2024 đạt 2.954,0 nghìn héc ta, tăng 1,2 nghìn héc ta so với vụ Đông Xuân năm 2023; năng suất ước đạt 68,8 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha; sản lượng đạt 20,32 triệu tấn, tăng 132,5 nghìn tấn.

Nông dân vùng Đồng Tháp Mười đang thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2023 – 2024. Ảnh Văn Đát

Tính đến trung tuần tháng 6/2024, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.825,4 nghìn héc ta lúa Hè Thu, bằng 98,3% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.419,3 nghìn héc ta, bằng 97,8%.

Về sản xuất cây hàng năm: Diện tích ngô, lạc và đậu tương tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao; diện tích gieo trồng rau, đậu các loại giảm do thời tiết nắng nóng kéo dài. Riêng diện tích khoai lang tăng nhẹ.

Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước đạt 3.784,9 nghìn héc ta, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm cây ăn quả đạt 1.271,1 nghìn héc ta, tăng 2,6%; nhóm cây công nghiệp đạt 2.183,0 nghìn héc ta, giảm 0,5%

Đối với ngành Chăn nuôi: Chăn nuôi trâu, bò trong tháng 6 có xu hướng giảm. Đàn lợn có xu hướng tăng mạnh trở lại. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2024 tăng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023; tổng số gia cầm tăng 2,3%; tổng số bò giảm 0,9%; tổng số trâu giảm 3,9%.

Về sản xuất Lâm nghiệp: Trong quý II/2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 90,8 nghìn héc ta, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị thiệt hại là 851,8 héc ta, giảm 6,7%. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 128,5 nghìn héc ta, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị thiệt hại là 1.165,3 ha, giảm 0,2%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2.431,4 nghìn tấn. Ảnh TL

Về sản xuất Thủy sản: Sản lượng thủy sản quý II/2024 ước đạt 2.439,5 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 4.384,7 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2.431,4 nghìn tấn, tăng 4,1%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1.953,3 nghìn tấn, tăng 1,0%.

Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước

Xuất khẩu hàng hóa: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 33,09 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý I/2024.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 166,79 tỷ USD, chiếm 87,7%.

Sáu tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD. Ảnh Hà An

Nhập khẩu hàng hóa: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 30,15 tỷ USD, giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2024, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,7% so với quý I/2024. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 65,74 tỷ USD, tăng 22,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 112,71 tỷ USD, tăng 14,1%.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu sáu tháng đầu năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 167,73 tỷ USD, chiếm 94%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm 2024: Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 6 ước tính xuất siêu 2,94 tỷ USD. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,35 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,98 tỷ USD.

Xuất, nhập khẩu dịch vụ: Trong quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 4,6% so với quý trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 8,3 tỷ USD, tăng 20,1% và tăng 6,5%.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 11,25 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó dịch vụ du lịch đạt 6 tỷ USD (chiếm 53,1% tổng kim ngạch), tăng 40,1% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 3 tỷ USD (chiếm 26,8%), tăng 2%.

Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ sáu tháng đầu năm 2024 ước đạt 16,11 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 6,9 tỷ USD (chiếm 42,7% tổng kim ngạch), tăng 18,6%; dịch vụ du lịch đạt 4,9 tỷ USD (chiếm 30,4%), tăng 52,9%.

Nhập siêu dịch vụ sáu tháng đầu năm 2024 là 4,86 tỷ USD.

Lực lượng lao động, Thu nhập bình quân của người lao động tăng

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II/2024 ước tính là 52,5 triệu người, tăng 148,6 nghìn người so với quý trước và tăng 217,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 196,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động có việc làm quý II/2024 ước tính là 51,4 triệu người, tăng 126,6 nghìn người so với quý trước và tăng 217,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II/2024 là 2,06%, tăng 0,03 điểm phần trăm so với quý trước và không đổi so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2,05%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,37%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,49%.

Sáu tháng đầu năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người. Ảnh minh họa

Thu nhập bình quân của người lao động quý II/2024 là 7,5 triệu đồng/tháng, giảm 137 nghìn đồng so với quý I/2024 và tăng 490 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2024 là 2,29%, trong đó khu vực thành thị là 2,71%; khu vực nông thôn là 2,01%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động sáu tháng đầu năm 2024 là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,68%; khu vực nông thôn là 2%.

Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội được cải thiện hơn

Theo kết quả sơ bộ Khảo sát Mức sống dân cư 2024, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 5,3 triệu đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Theo báo cáo từ địa phương, trong 6 tháng đầu năm nay (tính đến ngày 19/6/2024), lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho nhiều đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 với tổng số tiền là 11,7 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo là hơn 3 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là 16,5 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất, bất thường phát sinh tại địa phương là gần 70,1 tỷ đồng. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội đã cấp phát hơn 26,2 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng.

Các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho nhiều đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền là 11,7 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân gần 21,3 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho người dân để cứu đói giáp hạt năm 2024.

Trong 6 tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 12.650 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 11.418 vụ với tổng số tiền phạt là 156,5 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước; xảy ra 2.231vụ cháy, nổ, làm 55 người chết và 52 người bị thương, thiệt hại ước tính 127,9 tỷ đồng, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tây Ninh: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm dẫn đầu khu vực Đông Nam bộ
Ngày 28/6, tại tỉnh Tây Ninh, Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng của tỉnh xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố cả nước, đứng đầu các tỉnh khu vực Đông Nam bộ.